Ngành Nuôi trồng thuỷ sản

Ngành đào tạo:                       NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Trình độ đào tạo:                    Trung cấp chuyên nghiệp

Thời gian đào tạo:                   2 năm

Đối tượng tuyển sinh:             Học sinh đã tốt nghiệp THPT

 

GIỚI THIỆU

            Chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản được thiết kế để đào tạo người học trở thành kỹ thuật viên Nuôi trồng thủy sản, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

            Chương trình chuẩn bị cho người học những kiến thức và kỹ năng kỹ thuật để lựa chọn, nuôi trồng, nhân giống, thu hoạch các nguồn lợi thủy sản.

Chương trình khóa học bao gồm các nội dung cơ bản về sinh học đại cương, thuỷ lý, thuỷ hoá, thuỷ sinh vật, ngư loại, bệnh học thuỷ sản, sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản có giá trị kinh tế, khai thác và bảo vệ nguồn lợi, quản trị doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

            Sau khi tốt nghiệp khóa học, người học có khả năng tổ chức quản lý một cơ sở sản xuất kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản ở qui mô vừa và nhỏ, có khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới về sản xuất giống, nuôi thương phẩm vào sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, có khả năng giúp việc cho kỹ sư thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng:

Về kiến thức   

- Trình bày được những kiến thức cơ bản nhất về sinh học đại cương, thuỷ lý, thuỷ hoá, thuỷ sinh vật, ngư loại và bệnh học thuỷ sản;

-  Trình bày được các biện pháp kỹ thuật chính để áp dụng vào sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế,  khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi và quản trị doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản.

Về kỹ năng

- Xác định và quản lý được các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá, thuỷ sinh chủ yếu trong môi trường nuôi thuỷ sản.

- Thực hiện thành thạo các khâu kỹ thuật cơ bản, sử dụng các trang thiết bị chuyên dùng trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế.

- Thực hiện được các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán và trị một số bệnh thường gặp

- Tổ chức và quản lý được một cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ở quy mô vừa và nhỏ.

Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức, có sức khoẻ, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và tính kỷ luật cao, tỷ mỷ chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở đơn vị công tác. Có ý thức vươn lên trong học tập, không ngừng đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào lĩnh vực sản xuất của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho xã hội.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần của chương trình

A

Các học phần chung

I.

Học phần bắt buộc

1

Giáo dục Quốc phòng – An ninh

4

Tin học

2

Chính trị

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục thể chất

6

Pháp luật

II.

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

B

Các học phần cơ sở

1

Sinh học đại cương

5

Sinh thái thuỷ sinh vật

2

Hoá phân tích

6

Vi sinh vật

3

Quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thuỷ sản

7

Quản lí doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản

4

Ngư loại

 

 

C

Các học phần chuyên môn

I.

Học phần bắt buộc

1

Công trình và trang thiết bị nuôi trồng thuỷ sản

7

Bệnh học thuỷ sản

2

Thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản

8

Bảo quản thuỷ sản sau thu hoạch

3

Kĩ thuật sản xuất cá giống nước ngọt

9

Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

4

Kĩ thuật nuôi cá nước ngọt

10

An toàn lao động trong nuôi trồng thuỷ sản

5

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm he   

11

Kỹ thuật nuôi thuỷ đặc sản

6

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá biển

12

Khuyến ngư

II.

Học phần tự chọn (chọn 2 trong 4 học phần)

1

Kĩ thuật sản xuất giống và nuôi động vật thân mềm

3

Kinh tế trang trại

2

Tiếng Anh chuyên ngành

4

Kỹ thuật sản xuất giống và trồng rong biển

D

Thực tập cơ bản

1

Thực tập giáo trình nuôi thuỷ sản nước mặn, lợ

2

Thực tập giáo trình nuôi thuỷ sản nước ngọt

E

Thực tập tốt nghiệp

 

 

Nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn

Sinh học đại cương    

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về sinh vật học ở nước có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng sử dụng thành thạo kính hiển vi quang học và các kỹ năng nghiên cứu với kính hiển vi; xác định đặc điểm cấu tạo, sinh lý, sinh thái của một số ngành động vật không xương sống ở nước và thực vật bậc thấp có liên quan đến nuôi trồng thuỷ sản làm cơ sở tiếp thu các môn học của ngành và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Hoá phân tích                        

            Học phần này cung cấp cho người học cơ sở lý thuyết về dung dịch, cách tính toán, pha chế các loại nồng độ, sự biến động các chất hoá học trong dung dịch, các phương pháp phân tích hoá học trong dung dịch, trong hỗn hợp, học sinh có thể độc lập phân tích một yếu tố trong nước tự nhiên.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng biết tính toán khối lượng chất tan và thể tích nước khi cần pha chế một loại nồng độ nào đó trong dung dịch để phục vụ cho việc định lượng các chất hoặc để tẩy trùng, diệt khuẩn cho tôm, cá hoặc ao nuôi, bể nuôi; biết tính được pH môi trường cũng như lượng vôi hay các loại hoá chất khác cần thiết để làm ổn định pH môi trường nuôi; biết thực hiện đúng, chính xác các quy trình phân tích thể tích nhằm định lượng các chất cần thiết trong ao nuôi trồng thuỷ sản.

Quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thuỷ sản

            Học phần này cung cấp cho người học những hiểu biết về các quy luật của tự nhiên xảy ra trong nước, nền đáy và sự biến đổi các tính chất lý học, hoá học môi trường nuôi thuỷ sản, cách xử lý môi trường nhằm hạn chế tác động gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khoẻ của động vật thuỷ sản.

Sau khi hoàn thành học phần này, nguời học có khả năng sử dụng một số loại hoá chất, phương tiện, dụng cụ để phân tích, xác định một số chỉ tiêu chính về lý, hoá, sinh của nước và chất đáy các thủy vực nuôi thuỷ sản từ đó cải  tạo và quản lý được môi trường nuôi nhằm tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm vật nuôi ổn định, bền vững.

Ngư loại         

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về hình thái ngoài, cấu tạo trong, môi trường sống, dinh dưỡng, sinh trưởng, sinh sản của cá; phân loại cá và điều tra ngư loại.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng xác định vị trí, đặc điểm, cấu tạo trong và ngoài của cá; các chỉ tiêu sinh học cơ bản về dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản của cá; các yêu cầu về nhân tố thuỷ lý, thuỷ hoá có tác động đến đời sống của cá; tiến hành phân loại được một số giống, loài cá kinh tế hiện nay ở Việt Nam và nhận dạng được đặc điểm phân loại của một số bộ cá kinh tế hiện nay ở Việt Nam.

Sinh thái thuỷ sinh vật           

Học phần này cung cấp người học những kiến thức cơ bản về thuỷ sinh vật học, môi trường sống của thuỷ sinh vật và các thuỷ vực trong tự nhiên.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng điều tra, qui hoạch vực nước để quản lý môi trường nuôi các đối  tượng thủy sản.

Vi sinh vật                              

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về sinh trưởng, phát triển, sinh sản và các chức năng khác của vi sinh vật trong điều kiện môi trường và ảnh hưởng của vi sinh vật tới đời sống của động, thực vật thuỷ sản.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng hiểu được hình thái cấu tạo sinh lý, sinh thái của vi sinh vật trong tự nhiên; hiểu được vai trò của vi sinh vật trong chu trình chuyển hoá vật chất trong các thuỷ vực đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Quản lý doanh nghiệp nuôi thuỷ sản

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quản lý sản xuất doanh nghiệp nuôi thuỷ sản và quy trình quản lý kỹ thuật nuôi thuỷ sản.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học nhận biết sự tồn tại của các loại hình doanh nghiệp, phương pháp quản lý doanh nghiệp cũng như sự cần thiết phải đổi mới các doanh nghiệp; tham gia xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất; biết tổ chức quản lý từng yếu tố sản xuất có liên quan đến chức trách của kỹ thuật viên; biết ứng dụng được công nghệ nuôi mới để đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.

Công trình và trang thiết bị nuôi trồng thuỷ sản

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về xây dựng công trình nuôi trồng thuỷ sản và thiết bị trong nuôi trồng thuỷ sản. Từ đó, học sinh biết qui hoạch vùng nuôi hợp lý, khoa học, biết nhận thức, thể hiện, thiết kế và thi công những công trình và có thể tiến hành xây dựng, lợi dụng và cải tạo các mặt nước phục vụ cho nghề nuôi thuỷ sản.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng điều tra, thu thập, chỉnh lý những tài liệu cần thiết để qui hoạch một trại nuôi thuỷ sản để thiết kế, thi công các công trình trong trại; thiết lập, đọc các bản vẽ, tính toán khối lượng công trình và quản lý các công trình nuôi thuỷ sản; nghiên cứu và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển nghề nuôi nhằm thay thế thủ công bằng cơ giới hoá, điện khí hoá tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản; rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch vật tư, kinh phí về thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn tự nhiên, thức ăn nhân tạo, quản lý cho ăn và sản xuất thức ăn.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng hiểu cơ bản về dinh dưỡng và thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản; hiểu cơ sở lí thuyết và biện pháp kĩ thuật chế biến, sử dụng và bảo quản thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản.

Kĩ thuật sản xuất cá giống nước ngọt           

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh sản nhân tạo các loài cá nuôi; kỹ thuật sản xuất giống các loài cá, nguyên tắc chung của việc sử dụng kích dục tố cho cá đẻ và kỹ thuật ấp trứng; Kỹ thuật thương nuôi cá bột, cá hương, cá giống và phương pháp vận chuyển cá giống.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng thực hiện được qui trình kĩ thuật sản xuất giống nhân tạo các loài cá kinh tế ở Việt Nam hiện nay, thực hiện công tác vận chuyển cá sống và nắm vững biện pháp kĩ thuật các phương pháp vận chuyển cá sống.

Kĩ thuật nuôi cá nước ngọt

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh vật học; cơ sở lý luận, thực tiễn các qui trình kỹ thuật nuôi thương phẩm một số loài cá kinh tế hiện nay; rèn luyện kĩ năng lập kế hoạch công tác, vật tư, kinh phí nuôi cá thương phẩm ở các dạng mặt nước.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng triển khai được các qui trình kỹ thuật, quy trình công nghệ nuôi cá thương phẩm ở ao, lồng bè, ruộng, hồ chứa và đầm hồ tự nhiên và xác định được các chỉ tiêu kĩ thuật đạt độ chính xác cao.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm he

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tình hình sản xuất giống và nuôi tôm he trong và ngoài nước; các kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh học tôm he; kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật ương nuôi giống và kỹ thuật nuôi thương phẩm một số đối tượng tôm he có giá trị kinh tế.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất giống, ương nuôi giống và nuôi thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao; nhận biết được một số loài tôm kinh tế hiện đang nuôi chủ yếu ở Việt Nam; hiểu được một số đặc tính khi chọn đối tượng nuôi; hực hiện được các bước trong quy trình sản xuất tôm giống, nuôi thương; thực hiện công tác vận chuyển tôm sống và nắm vững biện pháp kĩ thuật các phương pháp vận chuyển tôm sống.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá biển

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về tình hình sản xuất giống và nuôi cá biển trong và ngoài nước; đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số đối tượng cá biển có giá trị kinh tế.

            Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng nhận biết được một số loài cá biển có giá trị kinh tế chủ yếu ở Việt nam; hiểu được một số đặc tính khi chọn đối tượng nuôi; thực hiện được các bước trong quy trình sản xuất giống một số đối tượng cá biển có giá trị kinh tế hiện nay và các bước trong quy trình nuôi thương phẩm như: trong ao dất, lồng, bè ở các hình thức nuôi khác nhau.

Bệnh học thuỷ sản     

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các khái niệm và nguyên lý về bệnh học thuỷ sản, một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng nuôi quan trọng ở Việt Nam, phương pháp nghiên cứu và chuẩn đoán bệnh thuỷ sản; quản lý sức khoẻ động vật thuỷ sản; thuốc và nguyên tắc dùng thuốc.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng biết được tác dụng của thuốc, các nhân tố ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, các nguyên tắc chọn thuốc nhằm  phòng trị bệnh, hạ thấp tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi để nâng cao năng suất vùng nước; giúp học sinh nhận dạng một số tác nhân gây bệnh gây nhiều thiệt hại trong nghề; biết sử dụng một số loại thuốc phòng trị bệnh cho cá, tôm.

Bảo quản thuỷ sản sau thu hoạch

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về thành phần, tính chất của nguyên liệu thuỷ sản sau thu hoạch.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng nhận biết cảm quan về những biến đổi của động vật thuỷ sản sau khi chết và ứng dụng các phương pháp bảo quản khác nhau để đảm bảo chất lượng sản phẩm thuỷ sản.

Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản        

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về vật liệu lưới cụ, chế tạo lưới cụ và kỹ thuật đánh bắt thuỷ sản ngọt, lợ; nguyên nhân làm giảm sút nguồn lợi thuỷ sản và biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học hiểu được những đặc trưng của vật liệu lưới cụ, thực hiện được kỹ thuật chế tạo lưới, bảo quản và sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản, thành thạo việc lắp ráp lưới, cắt lưới và tu sửa lưới và trình bày được nguyên nhân làm giảm nguồn lợi thuỷ sản và các biện pháp phát triển và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

An toàn lao động trong nuôi trồng thuỷ sản

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về công tác bảo hộ lao động, vệ sinh lao động và an toàn lao động trong sản xuất.

Sau khi hoàn thành học phần ngày, người học có khả năng hiểu được những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động trong ngành nuôi trồng thuỷ sản và biết đề ra biện pháp ngăn ngừa, phòng chống thích hợp.

Kỹ thuật nuôi thuỷ đặc sản

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh vật học và cơ sở lý luận, thực tiễn các qui trình kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế, xuất khẩu.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng hiểu được một số đặc tính khi chọn đối tượng nuôi; thực hiện được các bước trong quy trình sản xuất giống một số đối tượng đặc sản có giá trị kinh tế hiện nay và các qui trình kỹ thuật, quy trình công nghệ nuôi đặc sản ở ao, lồng bè, ruộng.

Khuyến ngư    

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các hình thức tổ chức, nội dung hoạt động của cán bộ khuyến ngư cấp: tỉnh, huyện, cơ sở và phương pháp khuyến ngư.

            Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng thực hiện được công tác khuyến ngư ở các cơ sở và chính sách khuyến ngư của nhà nước Việt Nam trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi động vật thân mềm

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về ngành động vật thân mềm, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi các loài thân mềm có giá trị kinh tế ở Việt Nam.

            Sau khi hoàn thành học phần, người học có khả năng nhận biết được một số loài động vật thân mềm có giá trị kinh tế chủ yếu ở Việt Nam; hiểu biết một số đặc tính khi chọn đối tượng nuôi; thực hiện được các bước trong quy trình sản xuất giống một số đối tượng thân mềm có giá trị kinh tế hiện nay và các bước trong quy trình nuôi thương phẩm như: nuôi đáy, lập thể ở các hình thức nuôi và thực hiện được quy trình cấy ngọc trai nhân tạo.

Tiếng Anh chuyên ngành       

            Học phần này cung cấp cho người học một l­ượng từ tiếng Anh chuyên ngành căn bản để có thể trao đổi và tra cứu tài liệu chuyên môn, củng cố và bổ sung một số ngữ pháp tiếng Anh cơ bản.

            Sau khi hoàn thành học phần này, người học có khả năng diễn đạt các câu tiếng Anh đơn giản, đọc và hiểu được một số bài viết về chuyên môn bằng tiếng Anh với sự trợ giúp của từ điển, có khả năng tự học tập nâng cao trình độ tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành. 

Kinh tế trang trại       

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về hộ, hộ nông dân, mô hình kinh tế hộ và biện pháp phát triển kinh tế hộ nông dân, những đặc thù của kinh tế trang trại và phương pháp quản lý trang trại, một số mô hình trang trại nuôi cá kết hợp với trồng trọt và chăn nuôi.

Sau khi hoàn thành học phần này, người học phân biệt được các khái niệm về hộ, hộ nông dân và các kiểu hộ nông dân; trình bày được những đặc thù của kinh tế trang trại và phương pháp, nghệ thuật quản lý trang trại; phân biệt các loại hình kinh tế hộ và kinh tế trang trại để lựa chọn hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và có hiệu quả.

Kỹ thuật sản xuất giống và trồng rong biển

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm chung của rong biển, đặc điểm sinh học và kỹ thuật giống và trồng rong biển.

Sau khi hoàn thành học phần, người học có khả năng nhận biết được một số loài rong biển có giá trị kinh tế chủ yếu ở Việt nam; hiểu được một số đặc tính khi chọn đối tượng trồng; thực hiện được các bước trong quy trình sản xuất giống và trồng rong biển.

Thực tập cơ bản                                                                                 

* Thực tập giáo trình nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ    

Phần thực tập này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng thực tế về kĩ thuật sản xuất giống và nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Vận dụng những kiến thức đã học để quản lý môi trường ao nuôi và giải quyết các sự cố trong quá trình sản xuất. 

Sau khi hoàn thành đợt thực tập, người học thực hiện được các khâu kỹ thuật chủ yếu trong qui trình kỹ thuật sản xuất giống và ương nuôi thủy sản nước mặn, lợ và sử dụng được các thiết bị, hóa chất và thuốc dùng trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

* Thực tập giáo trình nuôi trồng thủy sản nước ngọt  

Phần thực tập này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng thực tế về kĩ thuật sản xuất giống và ương nuôi thủy sản nước ngọt. Vận dụng những kiến thức đã học để quản lý môi trường ao nuôi và giải quyết các sự cố trong quá trình sản xuất.  

Sau khi hoàn thành đợt thực tập, người học thực hiện được các khâu kỹ thuật chủ yếu trong qui trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thủy sản nước ngọt, sử dụng được các thiết bị, hóa chất và thuốc dùng trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Thực tập tốt nghiệp                                                   

Phần thực tập này cung cấp cho người học những kiến thức chuyên môn và thực hành xây dựng công trình nuôi, sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm, phòng và trị bệnh cho động vật thuỷ sản tại cơ sở sản xuất.

Sau khi hoàn thành đợt thực tập, người học có kỹ năng thực hiện được qui trình kĩ thuật sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản (chủ yếu là tôm, cá), quản lý được môi trường ao nuôi, biết phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản, sử dụng thành thạo các trang thiết bị dùng trong nuôi trồng thuỷ sản và có khả năng tổ chức, quản lí được một tổ sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ sản.

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang