Ngành Hoá phân tích

Ngành đào tạo:                       HÓA PHÂN TÍCH

Trình độ đào tạo:                    Trung cấp chuyên nghiệp

Thời gian đào tạo:                   2 năm

Đối tượng tuyển sinh:             Học sinh đã tốt nghiệp THPT

 

GIỚI THIỆU

            Chương trình trung cấp chuyên nghiệp ngành Hoá phân tích được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Hoá phân tích, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

            Chương trình chuẩn bị cho người học kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trợ giúp cho kỹ sư và các nhà chuyên môn trong việc phân tích định tính và định lượng hóa học các nguyên tố hóa học phổ biến.

            Chương trình khóa học bao gồm các nội dung cơ bản về về môi trường và xử lý chất thải, kỹ thuật hóa phân tích, thiết bị và máy phân tích công cụ phương pháp phân tích định tính và định lượng, phương pháp chọn mẫu phân tích, chuẩn hóa dụng cụ đo, phương pháp thí nghiệm, dự trù hóa phẩm, dụng cụ cần thiết và chuẩn bị báo cáo, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

            Sau khi tốt nghiệp, người học trở thành kỹ thuật trung cấp chuyên nghiệp về công nghệ hoá phân tích, có thể đảm nhận được các lĩnh vực công tác ở các phòng thí nghiệm phân tích trong các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hóa chất, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm trong các công ty, xí nghiệp sản xuất hoặc có thể tham gia làm công tác nghiên cứu tại các viện nghiên cứu về hóa chất và có khả năng tiếp tục học tập ở các trình độ cao đẳng, đại học.

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình người học có khả năng

Về kiến thức

            - Trình bày được những nội dung chung cơ bản về hóa hữu cơ, hóa vô cơ, hóa lý, hóa phân tích, thiết bị và công nghệ hoá phân tích, môi trường và xử lý chất thải, an toàn lao động.

            - Trình bày và giải thích được cấu tạo nguyên lý làm việc và cách sử dụng, bảo quản các thiết bị trong phòng thí nghiệm phân tích hóa thường gặp như lò nung, tủ sấy, máy cất nước, các thiết bị phân tích hiện đại.

            - Lý giải được các phương pháp phân tích hóa học, các quy trình phân tích, các loại nhiên liệu, phụ gia, thành phẩm và bán thành phẩm trong dây truyền sản xuất.

            - Trình bày và phân tích được các loại hóa chất sử dụng trong phân tích như: chủng loại, nồng độ, công thức chuyển đổi, tiêu chuẩn, chất lượng. Giải thích được bản chất các phản ứng hóa học trong qúa trình phân tích, các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phân tích.

            - Áp dụng được những kiến thức cơ sở và chuyên môn đã học để phân tích các loại mẫu, kiểm tra môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về kỹ năng

            - Sử dụng thành thạo, an toàn các thiết bị, máy phổ biến trong các phòng thí nghiệm phân tích để kiểm tra phân tích các loại mẫu, nguyên liệu, bán thành phẩm và sản phẩm trong sản xuất công nghiệp, trong đời sống. Chủ động hiệu chỉnh được một số sai lệch thông thường của các dụng cụ và thiết bị thí nghiệm phân tích hóa.

            - Lựa chọn được quy trình phân tích hợp lý đảm bảo quá trình phân tích nhanh, chính xác.

            - Có khả năng độc lập pha chế được một số hóa chất và chỉ thị màu, kiểm tra các dung dịch tiêu chuẩn sử dụng cho công tác phân tích hóa của phòng thí nghiệm.

            - Có khả năng độc lập phân tích thành thạo, toàn diện các chỉ tiêu của các loại nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia, thành phẩm, bán thành phẩm trong dây truyền sản xuất.

            - Lập được kế hoạch, kiểm tra và chuẩn bị tài liệu hướng dẫn, tiến hành các bước cần thiết để thực hiện được một chương trình khoa học thuộc lĩnh vực hóa phân tích.

               - Giám sát, kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật trong phân xưởng, áp dụng những quy định liên quan để thực hiện việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và  đảm bảo an toàn lao động.

            - Có khả năng quản lý, điều hành một tổ sản xuất trong dây truyền sản xuất thuộc lĩnh vực hóa phân tích, là cầu nối trung gian tin cậy giữa kỹ sư và công nhân, giữa lãnh đạo và công nhân trong nghiên cứu, sản xuất thuộc lĩnh vực công nghệ hóa phân tích.

Về thái độ

            Có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và tính kỷ luật cao,cẩn thận, tỷ mỷ, chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở các nhà máy, xí nghiệp, cơ sơ sản xuất công nghiệp, viện nghiên cứu khoa học, và ở các cơ sở đào tạo.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc của chương trình

I.

Các học phần chung

1.

Giáo dục Quốc phòng-An ninh

4.

Tin học

2.

Chính trị

5.

Ngoại ngữ

3.

Giáo dục thể chất

6.

Pháp luật

II

Các học phần cơ sở

1

An toàn lao động

6

Hoá lý

2

Vẽ kỹ thuật

7

Quá trình và thiết bị công nghệ hoá học

3

Điện kỹ thuật

8

Đại cương môi trường

4

Hoá vô cơ

9

Hoá phân tích

5

Hoá hữu cơ

 

 

III.

Các học phần chuyên môn

1.

Các phương pháp phân tích công cụ

6

Kỹ thuật phân tích các hợp chất hữu cơ

2.

Kỹ thuật phân tích các hợp chất vô cơ

7

Thực hành phân tích các hợp chất hữu cơ

3

Kỹ thuật phòng thí nghiệm

8

Kỹ thuật phân tích kiểm tra môi trường và vệ sinh an toàn (VSAT) thực phẩm

4

Phương pháp lấy mẫu và xử lý mẫu

9

Thực hành phân tích kiểm tra môi trường và VSAT thực phẩm

5

Thực hành phân tích các hợp chất vô cơ

 

 

IV.

Thực tập nghề nghiệp

 

 

V.

Thực tập tốt nghiệp

1.

Tìm hiểu lý thuyết và làm mẫu thực tế

2.

Tập hợp số liệu, viết báo cáo thực tập tốt nghiệp

Nội dung các học phần bắt buộc (cơ sở và chuyên môn)

An toàn lao động 

Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản về sự an toàn trong lao động như: An toàn khi sử dụng các thiết bị điện, an toàn trong môi trường làm việc có hoá chất độc hại, an toàn khi vận hành các thiết bị làm việc ở áp suất cao, an toàn trong môi trường làm việc có cháy, nổ.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những nội dung cơ bản về an toàn trong lao động, từ đó có các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc tại các cơ sở sản xuất.

Vẽ kỹ thuật 

Học phần này cung cấp cho học sinh các tiêu chuẩn của Nhà nước về vẽ kỹ thuật để trình bày một bản vẽ, cách biểu diễn vật thể trên mặt phẳng, cách dựng và đọc một bản vẽ kỹ thuật.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể  biểu diễn được vật thể trên mặt phẳng khi sử dụng 3 mặt phẳng chiếu theo các tiêu chuẩn của Nhà nước, từ các hình chiếu có thể hình dung được vật thể, từ đó có thể thực hiện các phương pháp tách, ghép vật thể và có thể hiểu được nguyên lý làm việc của chúng.

Điện kỹ thuật 

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về mạch điện xoay chiều 1 pha và 3 pha, cấu tạo và nguyên lý làm việc của các loại máy điện quay, máy điện tĩnh và các loại khí cụ điện thường được sư dụng trong công nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc, phương pháp vận hành các loại máy điện cũng như những vấn đề về bảo dưỡng, xử lý các sự cố thường gặp của các loại máy điện.

Hoá vô cơ 

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về cấu tạo, tính chất, ứng dụng và phương pháp điều chế các nguyên tố hoá học và các hợp chất của các nguyên tố từ nhóm I đến nhóm VII trong bảng hệ thống tuần hoàn. Ngoài ra học sinh còn được thực hiện những bài thực hành cơ bản nhằm chứng minh những phần lý thuyết đã học.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, tính chất, ứng dụng và phương pháp điều chế các nguyên tố hoá học và các hợp chất của chúng, từ đó làm cơ sở để học tiếp các học phần Hoá lý, Quá trình và thiết bị công nghệ hoá học, Hoá phân tích và các học phần chuyên môn.

Hoá hữu cơ 

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về cơ sở lý thuyết hoá hữu cơ, mối liên hệ giữa cấu tạo và khả năng phản ứng của các hợp chất hữu cơ, phương pháp điều chế, tính chất và ứng dụng của các hợp chất hữu cơ quan trọng như: cacbuahyđro, rượu, alđêhyt, axit, este…Học phần này còn cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản về thực hiện các bài thí nghiệm, đồng thời nâng cao khả năng vận dụng lý thuyết để giải thích kết quả thực nghiệm và để chứng minh các phần lý thuyết đã học như tính chất và phương pháp điều chế một hợp chất hữu cơ.

             Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, tính chất, ứng dụng và phương pháp điều chế của các chất hữu cơ quan trọng, từ đó làm cơ sở để học tiếp các học phần Hoá lý, Quá trình và thiết bị công nghệ hoá học, Hoá phân tích và các học phần chuyên môn. Ngoài ra, khi kết thúc học phần này, người học còn trình bày được phương pháp, thực hiện được việc lắp đặt và tiến hành bài thí nghiệm hữu cơ đảm bảo an toàn. Phân tích, lý giải được các thông số kỹ thuật và quy trình bài thí nghiệm, đồng thời củng cố thêm kiến thức các phần lý thuyết đã học.

Hoá lý 

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về cơ sở lý thuyết của các quá trình hóa học: Nhiệt hoá học, chiều và giới hạn  của các quá trình cân bằng hoá học, cân bằng pha, các cân bằng trong dung dịch, cân bằng lỏng - hơi, lỏng - rắn. Sự liên quan của điện với các quá trình hoá học, các quá trình xảy ra trên bề mặt điện cực, vận tốc phản ứng, quá trình hấp phụ, tính chất của trạng thái keo và các yếu tố ảnh hưởng đến độ bền của trạng thái keo. Ngoài ra chương trình còn có nội dung thực hành đó là những bài thực hành cơ bản nhằm chứng minh những phần lý thuyết đã học.

Sau khi học xong học phần này, người học giải thích được cơ sở lý thuyết của các quá trình lý, hoá xảy ra trong hoá học, từ đó làm cơ sở để học tiếp các học phần Hoá phân tích và các học phần chuyên môn .

Quá trình và thiết bị công nghệ hoá học 

             Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về các quá trình và thiết bị trong công nghệ hoá học như các quá trình thuỷ lực: tĩnh lực học và động lực học của chất lỏng, các phương trình cơ bản của chất lỏng, chế độ chuyển động; quá trình phân riêng hệ không đồng nhất như: khí - rắn, khí - lỏng, lỏng- rắn; quá trình truyền nhiệt như: đun nóng, làm nguội, ngưng tụ, sấy; các quá trình chuyển khối như: hấp phụ, hấp thụ, chưng luyện, cô đặc; các quá trình gia công cơ học như: đập, nghiền, sàng…

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể phân tích được các cơ sở lý thuyết của các quá trình; trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc các thiết bị được sử dụng trong công nghệ hoá học và có thể tính toán, thiết kế thiết bị; từ đó làm cơ sở để học tiếp các học phần chuyên môn.

Đại cương môi trường

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về môi trường như: nguồn gốc và bản chất của sự ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; những kiến thức cơ bản về ô nhiễm do chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và tiếng ồn. Những vấn đề về môi trường toàn cầu và các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải để bảo vệ môi trường bền vững.

           Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những nội dung cơ bản về môi trường và các biện pháp nhằm giảm thiểu chất thải để bảo vệ môi trường, từ đó có ý thức để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.

Hoá phân tích  

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về các phương pháp phân tích bằng phương pháp hóa học như: Cân bằng trong dung dịch axit - bazơ; các phản ứng oxihoá - khử; các phương pháp phân tích định tính để xác định sự có mặt của các ion trong dung dịch; các phương pháp phân tích định lượng như: phương pháp khối lượng, chuẩn độ axit-bazơ, oxihoá- khử, phức chất và kết tủa. Ngoài ra học phần này còn trang bị cho học sinh các kỹ năng cơ bản của quá trình phân tích để định lượng chính xác nhất như: Lấy mẫu, tính toán để pha chế dung dịch, cân mẫu, hoà tan mẫu, chuẩn độ và tính toán kết quả sau phân tích nhằm mục đích rèn luyện kỹ năng thực hành, xây dựng tác phong thí nghiệm chính xác, khoa học và củng cố thêm kiến thức các phần lý thuyết đã học.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể phân tích được các cơ sở lý thuyết của các phương pháp phân tích bằng phương pháp hóa học, bản chất của các quá trình phân tích và điều kiện để tiến hành các quá trình phân tích đó, phân tích và giải thích được các thao tác, quy trình tiến hành phân tích một mẫu xác định, có thể độc lập tiến hành phân tích khi có các mẫu cần xác định, đồng thời rèn luyện kỹ năng thực hành, xây dựng tác phong thí nghiệm chính xác và khoa học.

Các phương pháp phân tích công cụ

            Học phần này trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản về:

            - Sự tương tác của vật chất với bức xạ điện từ, các định luật hấp thụ ánh sáng của dung dịch màu, nguyên lý và thiết bị của các phương pháp phân tích quang phổ: Phổ hấp thụ phân tử, phổ hấp thụ và phát xạ nguyên tử, thực hành phân tích đo quang trên máy khả kiến và tử ngoại (UV/VIS).

- Lý thuyết về các quá trình sắc ký: Hấp phụ, phân bố và trao đổi ion.

- Kỹ năng thực hành của các phương pháp sắc ký giấy, sắc ký khí và sắc ký trao đổi ion.

- Lý thuyết về các quá trình điện hoá và ứng dụng trong phân tích.

- Nguyên lý, kỹ thuật tiến hành và ứng dụng của các phương pháp phân tích điện hoá.  Làm thực hành về phương pháp điện phân khối lượng, đo độ dẫn, chuẩn độ điện thế, đo pH trên máy pH- Met, phân tích cực phổ trên máy cực phổ cổ điển và hiện đại.

Kỹ thuật phân tích các hợp chất vô cơ

Học phần này trang bị cho học sinh các kiến thức về nguyên tắc, cách tiến hành và tính toán kết quả khi phân tích các chỉ tiêu phục vụ các quá trình sản xuất công nghiệp, nhiên liệu, bán thành phẩm và sản phẩm trong sản xuất hoá chất cơ bản, phân bón, luyện kim, silicát (ximăng, gốm, sành, sứ, thuỷ tinh), than.

Kỹ thuật phòng thí nghiệm

Học phần này cung cấp cho học sinh  những kiến thức, kỹ năng cơ bản về:

- Các phương pháp đo lường thường dùng trong thí nghiệm phân tích. Sử dụng và bảo quản các dụng cụ, thiết bị đo lường trong phòng thí nghiệm.   

-  Tổ chức, sắp xếp một phòng thí nghiệm.

- Công tác an toàn trong phòng thí nghiệm.

- Các kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm như: Pha chế, dự trù hóa chất, các biện pháp xử lý các chất thải từ phòng thí nghiệm.

Phương pháp lấy mẫu và xử lý mẫu

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cơ bản về việc lấy mẫu, gia công, rút gọn mẫu và tiến hành xử lý mẫu theo từng loại mẫu (rắn, lỏng, khí).

Thực hành phân tích các hợp chất vô cơ

Học phần này trang bị cho học sinh các kỹ năng về xử lý mẫu, bảo quản mẫu và cách tiến hành phân tích các chỉ tiêu kỹ thuật hoá trong công nghệ sản xuất các sản phẩm vô cơ thông dụng.

Kỹ thuật phân tích các hợp chất hữu cơ

Học phần này nhằm cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản về phương pháp lấy mẫu, bảo quản, sử lý mẫu, nguyên tắc, phương pháp, cách tiến hành và tính toán kết quả khi phân tích kiểm tra các chỉ tiêu của sản phẩm  trong công nghệ sản xuất các hợp chất hữu cơ như: chất tẩy rửa, mỹ phẩm, hoá dầu, sơn, chất bảo vệ thực vật, cao su.

Thực hành phân tích các hợp chất hữu cơ

Học phần này trang bị cho học sinh các kỹ năng về xử lý mẫu, bảo quản mẫu, quy trình kiểm tra một số chỉ tiêu chủ yếu của các sản phẩm hữu cơ, chất tẩy rửa, cao su, dầu khí, mỹ phẩm.

Kỹ thuật phân tích kiểm tra môi trường và VSAT thực phẩm

Học phần này nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về: Phương pháp bảo quản, xử lý mẫu, cách tiến hành, tính toán kết quả khi phân tích kiểm tra chất lượng môi trường không khí và môi trường nước. Đánh giá kiểm tra chất lượng môi trường theo tiêu TCVN. Quy trình phân tích kiểm tra một số chỉ tiêu chủ yếu khi kiểm tra thực phẩm và lương thực. Hiểu được những tác hại của chất độc đối với sản phẩm của nông nghiệp và công  nghiệp thực phẩm.

Thực hành phân tích kiểm tra môi trường và VSAT thực phẩm 

Học phần này cung cấp cho học sinh các kỹ năng về: Phương pháp lấy mẫu, bảo quản mẫu và cách tiến hành, tính toán kết quả khi phân tích kiểm tra các chỉ tiêu về môi trường và thực phẩm.

Thực tập nghề nghiệp

- Thực tập nhận thức nghề nghiệp: Học sinh được học tập nội qui, an toàn lao động của công ty, nhà máy và của phân xưởng tại vị trí nơi mình thực tập. Học tập công nghệ sản xuất và thăm quan toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất của công ty, nhà máy. Hệ thống tổ chức của công ty, chức năng nhiệm vụ của các phòng ban, đặc biệt là nhiệm vụ của phòng hoá nghiệm của các phân xưởng, phòng hóa nghiệm trung tâm, phòng KCS.

Học sinh làm quen với thực tế sản xuất, củng cố kiến thức lý thuyết đã học về phương pháp lấy mẫu, xử lý mẫu  nguyên liệu, phụ gia, phối liệu trong dây chuyền sản xuất.

- Thực tập kỹ năng nghề nghiệp: Học sinh làm quen với thực tế sản xuất, củng cố kiến thức lý thuyết đã học, tham gia trực tiếp phân tích các mẫu tại phòng hóa nghiệm.

Sau khi thực tập xong học sinh phân tích được qui trình phân tích mẫu, có khả năng phân tích thành thạo các mẫu. Sử dụng thành thạo các dụng cụ, máy móc, thiết bị trong phòng thí nghiệm. Biết tính toán và pha chế các loại dung dịch phục vụ cho công tác phân tích. Biết sử dụng các bảng, biểu, các công thức tính kết quả.

Rèn luyện cho học sinh tính chăm chỉ, chịu khó và thích nghi với nếp làm việc công nghiệp (đi ca, đi kíp), chấp hành nghiêm chỉnh nội qui kỷ luật của đơn vị thực tập. Đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.

Thực tập tốt nghiệp

- Tìm hiều lý thuyết và làm mẫu thực tế: Học sinh được giao chuyên đề thực tập tốt nghiệp cụ thể, được giao các tài liệu liên quan để nghiên cứu. Học sinh được thực hành làm mẫu thực tế dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của cán bộ và công nhân kỹ thuật ở nơi thực tập.

- Tập hợp số liệu, viết báo cáo thực tập tốt nghiệp: Dựa trên kết quả thu được từ thực nghiệm, học sinh tập hợp số liệu và viết báo cáo thực tập tốt nghiệp theo mẫu qui định của nhà trường.

 

Danh mục các học phần tự chọn

Các học phần chung

1.

Khởi tạo doanh nghiệp

4.

Kinh tế học đại cương

2.

Kỹ năng giao tiếp

5.

Tiếng việt thực hành

3.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

 

 

Các học phần cơ sở

1.

 Quản trị doanh nghiệp

4.

Vẽ kỹ thuật

2.

Tin học trong hoá học

5.

Phương pháp lấy mẫu và xử lý mẫu

3.

Xử lý số liệu thực nghiệm

6.

Vi sinh đại cương

Các học phần chuyên môn

1.

Phụ gia thực phẩm

5

Độc chất học

2.

Kiểm nghiệm thuốc

6

Xử lý số liệu trong hóa phân tích

3.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm

7

Thuốc thử hữu cơ

4.

Độc chất học

 

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang