Ngành Công nghệ Hàn

Ngành đào tạo:           CÔNG NGHỆ HÀN

Trình độ đào tạo:        Trung cấp chuyên nghiệp

Thời gian đào tạo:       2 năm

Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp THPT

 

Giới thiệu chung

            Chương trình trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ hàn đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ hàn, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

            Chương trình chuẩn bị cho người học áp dụng các kiến thức và kỹ năng kỹ thuật để ghép cố định hoặc cắt kim loại bằng các công nghệ và thiết bị hàn khác nhau.

Nội dung khóa học bao gồm những kiến thức, kỹ năng cơ bản về hàn hồ quang, hàn điện trở, hàn đồng, hàn thiếc; cắt kim loại, hàn và cắt kim loại bằng tia năng lượng cao, vật liệu bằng sắt, thép và vật liệu không phải sắt, thép, giảm o xi hóa, luyện kim hàn, các quy trình xử lý nhiệt, kỹ thuật an toàn, các mã số và tiêu chuẩn thích hợp. Người học cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh. Kết thúc khóa học người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp người học có thể trở thành kỹ thuật viên công nghệ hàn trình độ trung cấp chuyên nghiệp và có thể làm việc tại các cơ sở chế tạo máy, thiết bị và gia công kim loại hoặc có thể làm việc trong cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến Công nghệ hàn.

 

Mục tiêu đào tạo

       Sau khi kết thúc khóa học người học có khả năng:

1. Về kiến thức

      - Trình bày được những nội dung cơ bản về: Hình họa - Vẽ kỹ thuật, Vật liệu học,  Sức bền vật liệu, Kỹ thuật điện, về An toàn và môi trường công nghiệp, Tổ chức sản xuất.

       - Mô tả được kết cấu các liên kết hàn, các kỹ thuật cơ bản của quá trình hàn các kết cấu bằng các công nghệ hàn khác nhau.

       - Áp dụng được những kiến thức cơ sở và chuyên môn đã học để phân tích, xử lý các yếu tố công nghệ trong ngành Hàn.

2. Về kỹ năng

      Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:

      - Đảm nhiệm tốt công việc của kỹ thuật viên hàn.

      - Vận hành, sử dụng được các trang thiết bị của ngành Hàn (hàn điện hồ quang, hàn khí, hàn khí bảo vệ…).

      - Thiết kế được quy trình chế tạo các kết cấu, sản phẩm hàn thông dụng.

      - Hàn được các liên kết hàn cơ bản bằng thép, bằng các phương pháp hàn khác nhau đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.

      - Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ hàn.

      - Tổ chức, lập kế hoạch, quản lý được quá trình sản xuất ở một xưởng, tổ sản xuất; là cầu nối trung gian tin cậy giữa kỹ sư và công nhân, giữa lãnh đạo và công nhân trong nghiên cứu, sản xuất thuộc lĩnh vực hàn.

3. Về thái độ

      Kỹ thuật viên ngành Công nghệ Hàn, có phẩm chất đạo đức, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, chính xác. Sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở các nhà máy, xí nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hàn mới vào sản xuất.

 

Chương trình đào tạo

Danh mục các học phần của chương trình

A. Các học phần chung

I.

Học phần bắt buộc

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

4

Tin học

2

Chính trị

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục thể chất

6

Pháp luật

II.

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

B. Các học phần cơ sở                  

I

Phần bắt buộc

1

Hình họa - Vẽ kỹ thuật

7

Vật liệu cơ khí

2

Cơ lý thuyết

8

Tổ chức sản xuất

3

Sức bền vật liệu

9

An toàn lao động

4

Nguyên lý - Chi tiết máy

10

Auto CAD

5

Điện kỹ thuật

11

Công nghệ kim loại

6

Dung sai – Kỹ thuật đo

 

 

II

Phần tự chọn (chọn 1 trong các học phần sau)

1

Công nghệ chế  tạo máy

3

Kỹ thuật điện tử

2

Kỹ thuật nhiệt

 

 

C. Kiến thức chuyên ngành

I

Phần bắt buộc

1

Công nghệ  hàn

3

Thiết bị hàn

2

Kết cấu hàn

4

Lý thuyết khai triển

II

Phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Hệ thống khí nén thuỷ lực

3

Công nghệ và thiết bị rèn dập

2

Kiểm tra chất lượng hàn

 

 

D

Thực tập cơ bản

1

Thực tập nguội cơ bản

5

Thực tập hàn khí bảo vệ TIG- MAG- MIG

2

Thực tập cắt gọt

6

Thực tập hàn và cắt khí (O2 – C2H2)

3

Thực tập điện

7

Thực tập gia công kim loại tấm

4

Thực tập hàn điện

 

 

E

Thực tập tốt nghiệp

 

 

Nội dung các học phần (Kiến thức cơ sở và chuyên ngành)

Hình hoạ - Vẽ kỹ thuật

Học phần này cung cấp những quy tắc cơ bản, các phương pháp xác định vị trí hình chiếu các điểm, đường, mặt làm cơ sở cho việc xây dựng bản vẽ kỹ thuật bao gồm: Các kỹ thuật cơ bản của hình học hoạ hình; Các nguyên tắc biểu diễn không gian hình học; Các phép biến đổi hình học; Sự hình thành giao tuyến của các mặt... Cung cấp kiến thức về phương pháp vẽ hình chiếu vuông góc, hình chiếu trục đo, hình cắt, mặt cắt, các quy ước để biểu diễn chi tiết máy trên bản vẽ kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN trong nhóm “Hệ thống tài liệu thiết kế” của Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các quy tắc cơ bản để biểu diễn chi tiết theo tiêu chuẩn TCVN, xây dựng được các bản vẽ kỹ thuật, đọc và vẽ được các bản vẽ lắp sản phẩm. Sử dụng các tiêu chuẩn nhà nước hiện hành có liên quan đến bản vẽ với các bản vẽ cụ thể. Trình bày được bản vẽ và sử dụng các dụng cụ vẽ, thiết bị vẽ thông thường.

Cơ lý thuyết

Học phần này cung cấp kiến thức về các định luật cơ bản, định lý tổng quát về động lực học, kiến thức về trạng thái cân bằng của vật rắn, các chuyển động cơ học của vật thể, mối liên hệ giữa lực và chuyển động để giải các bài toán về cân bằng của vật và hệ vật, bài toán về chuyển động, làm cơ sở cho việc thiết kế, tính toán, kiểm nghiệm độ bền chi tiết máy.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những định luật cơ bản, định lý tổng quát về động lực học, người học hiểu được trạng thái cân bằng của vật rắn, các chuyển động cơ học của vật thể.

Sức bền vật liệu

Cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, cần thiết về ứng suất và trạng thái ứng suất, cách tính toán, xác định và kiểm nghiệm độ bền chi tiết máy dưới tác dụng của các lực, hệ lực kéo, nén, uốn, xoắn.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những khái niệm về ứng suất, trạng thái ứng suất. Biết tính toán, xác định và kiểm nghiệm độ bền chi tiết máy dưới tác dụng của các lực, hệ lực.

Nguyên lý - Chi tiết máy                   

Nghiên cứu cấu trúc, nguyên lý làm việc và phương pháp tính toán thiết kế động học và động lực học của các cơ cấu truyền động và biến đổi chuyển động, các mối ghép và các chi tiết máy thường dùng trong cơ khí.

Sau khi học, người học có khả năng độc lập giải quyết những vấn đề tính toán và thiết kế các chi tiết máy, làm cơ sở để vận dụng trong quá trình tính toán thiết kế máy và chi tiết máy trong thực tế kỹ thuật.

Kỹ thuật điện                         

Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về mạch điện, điện tử, cách tính toán mạch điện, nguyên lý cấu tạo, tính năng và ứng dụng các loại máy điện, khí cụ điện cơ bản, cung cấp khái quát về đo lường các đại lượng điện. Trên cơ sở đó, có thể hiểu được các máy điện, khí cụ điện, các ứng dụng của kỹ thuật điện,  điện tử thường gặp trong sản xuất và đời sống.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý cấu tạo, tính năng và ứng dụng các loại máy điện, biết cách tính toán mạch điện, biết đo lường kiểm tra các đại lượng điện.   

Dung sai - Kỹ thuật đo                       

Cung cấp các kiến thức cơ bản về: Tính đổi lẫn chức năng trong ngành chế tạo máy. Dung sai và lắp ghép các mối ghép thông dụng trong ngành chế tạo máy như mối ghép hình trụ trơn, mối ghép then và then hoa, mối ghép ren. Phương pháp giải bài toán chuỗi kích thước và các nguyên tắc cơ bản để ghi kích thước trên bản vẽ chi tiết.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cơ sở xây dựng và nội dung cơ bản của hệ thống dung  sai và lắp ghép các chi tiết trong ngành chế tạo máy của TCVN. Xác định được trị số dung sai kích thước, sai lệch hình dáng hình học các bề mặt, tính toán lựa chọn được kiểu lắp của chi tiết máy một cách hợp lý, đảm bảo tính đổi lẫn. Sử dụng thành thạo TCVN về dung sai và lắp ghép. Biết chọn và sử dụng các dụng cụ thông dụng, các dụng cụ đo tiên tiến hiện nay.

Vật liệu cơ khí

Cung cấp kiến thức chung về: cấu tạo của kim loại, hợp kim, kiến thức về tính chất, công dụng của các loại kim loại và hợp kim cũng như vật liệu phi kim loại dùng trong các ngành kỹ thuật.

Sau khi học xong học phần, người học trình bày được những kiến thức cơ bản về vật liệu và những ứng dụng của vật liệu trong ngành kỹ thuật; Biết chọn và sử dụng vật liệu một cách hợp lý, đưa ra được các biện pháp cải thiện, nâng cao khả năng làm việc của một số vật liệu có sẵn hoặc tìm vật liệu thay thế một cách thích hợp, phù hợp với quá trình công nghệ và thực tế của sản xuất.

Tổ chức sản xuất

Cung cấp các kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý quá trình sản xuất trong doanh nghiệp cơ khí bao gồm: Khái niệm về doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay; Hoạch định chiến lược sản xuất, lập kế hoạch tiến độ sản xuất, các vấn đề chung về định mức kinh tế.

Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được tổ chức và quản lý quá trình sản xuất, trình bày được khái niệm về doanh nghiệp, biết hoạch định và lập được kế hoạch sản xuất.

An toàn lao động

Cung cấp những kiến thức chung về các yếu tố ảnh hưởng cơ bản trong các môi trường công nghiệp cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong ngành Cơ khí. Kỹ thuật an toàn trong các xí nghiệp công nghiệp, các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường công nghiệp và phòng tránh tai nạn lao động.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các yếu tố ảnh hưởng cơ bản trong các môi trường công nghiệp đến sức khỏe con người, người học phân tích được các kỹ thuật an toàn trong các xí nghiệp, đưa ra được các biện pháp phòng ngừa, cải thiện được môi trường công nghiệp và phòng tránh được tai nạn lao động.

Auto CAD

Cung cấp các kỹ năng cơ bản trong ứng dụng phần mềm AutoCAD để vẽ bản vẽ chi tiết trên máy tính, bố trí bản vẽ, sửa chữa bản vẽ, ghi kích thước, gạch mặt cắt... cũng như lưu trữ và xuất bản (in) bản vẽ.

Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện được các lệnh và các tính năng của các lệnh cơ bản trong phần mềm AutoCAD. Khai thác thành thạo các lệnh đó vào việc vẽ và thiết kế bản vẽ 2D. Có khả năng tự nghiên cứu để khai thác tiếp các phần chưa  được học trong phần mềm AutoCAD, và các phần mềm CAD khác.

Công nghệ kim loại

Nội dung học phần giới thiệu về các quy trình công nghệ gia công và xử lý kim loại bằng các phương pháp công nghệ khác nhau như: công nghệ luyện gang, luyện thép, công nghệ đúc, gia công áp lực, hàn và gia công cắt gọt kim loại. Các kiến thức cơ bản về công nghệ xử lý bề mặt, xử lý nhiệt vật liệu kim loại cũng như các biện pháp tác động vào quá trình để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau khi học xong học phần này, người học có cái nhìn tổng quan bước đầu về các quy trình công nghệ sản xuất, gia công kim loại, tạo tiền đề cho quá trình học lý thuyết và thực tập sau này.

Công nghệ chế tạo máy

Cung cấp kiến thức cơ bản về: khái niệm cơ bản quá trình sản xuất; Chất lượng bề mặt chi tiết máy; Độ chính xác gia công; Khái niệm về chuẩn và sai số chuẩn; Đặc trưng các phương pháp gia công cắt gọt.

Sau khi học xong, người học trình bày được các khái niệm, đánh giá được chất lượng bề mặt chi tiết máy, đánh giá được độ chính xác gia công, tính được sai số chuẩn và chọn được các phương pháp gia công cắt gọt.

Kỹ thuật nhiệt

Nội dung: trang bị cho người học các kiến thức về các quy luật nhiệt động học cơ bản, các chu trình nhiệt động và các hình thức trao đổi nhiệt, bao gồm:Khái niệm cơ bản; Chất môi giới chất tải nhiệt; Các quá trình nhiệt động hoá khí và hơi; Chu trình nhiệt động; Dẫn nhiệt; Đối lưu; Bức xạ; Truyền nhiệt và thiết bị trao đổi nhiệt.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm cơ bản về nhiệt. Phân tích được quá trình truyền, dẫn và đối lưu nhiệt cũng như là các chu trình nhiệt động.

Kỹ thuật Điện tử

Cung cấp những kiến thức cơ bản về linh kiện điện, điện tử bao gồm: nguyên lý hoạt động, ứng dụng của các linh kiện trong mạch điều khiển làm cơ sở cho việc tìm hiếu hoạt động của cơ cấu hay hệ thống thiết bị có trang bị điện, điện tử.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng nhận biết, đo kiểm được một số linh kiện điện tử thông dụng; đọc và phân tích được một số mạch điện đơn giản có sử dụng các linh kiện điện tử. 

Công nghệ Hàn

Học phần này trình bày kiến thức chung về công nghệ hàn (thực chất, đặc điểm, phân loại, ứng dụng của hàn và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hàn); các công nghệ cơ bản của các phương pháp: hàn hồ quang bằng tay, hàn hồ quang tự động và bán tự động trong môi trường khí bảo vệ (TIG/MIG/MAG), dưới lớp thuốc (SAW), hàn hồ quang bằng điện cực lõi bột (FCAW), hàn và cắt kim loại bằng khí.

Sau khi học xong học phần này, người học tính toán, lựa chọn các chế độ công nghệ hàn.

Kết cấu hàn

Nội dung: giới thiệu cho người học các vật liệu cơ bản dựng trong chế tạo các kết cấu hàn. Phương pháp tính toán bền các liên kết làm việc trong điều kiện chịu tải trọng tĩnh và tải trọng động. Các nguyên tắc thiết kế, tính toán các kết cấu hàn thông dụng (Dầm, Dàn, Trụ, Vỏ) đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Sau khi học xong học phần này, người học chọn vật liệu hàn và áp dụng tính toán được kết cấu hàn thông dụng trong điều kiện tải trọng tĩnh, tải trong động.

Thiết bị hàn

Nội dung: giới thiệu các yêu cầu chung của nguồn hàn, cấu tạo nguyên lý làm việc của các loại thiết bị hàn và phạm vi ứng dụng. Các kiến thức cơ bản về vận hành, bảo dưỡng, xử lý và sửa chữa các sự cố thông thường của các loại thiết bị hàn thông dụng.

Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện được quy trình bảo trì bảo dưỡng các thiết bị hàn thông dụng.

Lý thuyết khai triển

Nội dung: giới thiệu các phương pháp dựng hình để khai triển các dạng phôi hàn phức tạp như: trụ, nón, nón cụt, cút, khối giao nhau, chỏm cầu… để đảm bảo việc sử dụng phôi hiệu quả nhất.

Sau khi học xong học phần, người học thực hiện khai triển các dạng phôi phức tạp như trụ, nón để chế tạo sản phẩm đạt yêu cầu và đảm bảo tính tối ưu về mặt kinh tế trong việc lựa chọn phôi.

Hệ thống khí nén, thuỷ lực

Học phần cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về thủy lực học và khí nén; Các chi tiết, thiết bị thủy lực, thiết bị khí nén cơ bản và ứng dụng của nó trong sản xuất cũng như phương pháp tính toán, lắp đặt và vận hành các hệ thống khí nén trong ngành Hàn.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được một cách cơ bản về cấu tạo, nguyên lý làm việc cũng như phạm vi ứng dụng của các thiết bị thủy-khí dùng trong ngành hàn.

Kiểm tra chất lượng hàn

Nội dung: giới thiệu các quy trình về kiểm tra, đánh giá chất lượng mối hàn; gồm các phương pháp kiểm tra không phá huỷ (kiểm tra ngoại dạng, siêu âm, chụp ảnh phóng xạ, bột từ, thẩm thấu), kiểm tra phá huỷ (thử cơ tính, kiểm tra kim tương mối hàn) và các phương pháp kiểm tra độ kín.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng kiểm tra được chất lượng mối hàn.

Công nghệ và thiết bị rèn dập

Nội dung học phần giới thiệu: Các phương pháp rèn, dập; Cấu tạo và nguyên lý làm việc của các thiết bị rèn, dập thông dụng; Các bước công nghệ, cách lựa chọn, chuẩn bị phôi liệu và chế độ gia công các phôi dạng tấm, dạng khối cho sản phẩm định trước; Phương pháp tính toán, thiết kế một số loại khuôn dập đơn giản.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý làm việc của các thiết bị sử dụng trong ngành rèn, dập; cách lựa chọn thiết bị, phôi liệu và tính toán công nghệ rèn - dập cho các sản phẩm đơn giản.

Thực tập nguội cơ bản

Cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản trong gia công cơ khí bằng các dụng cụ cầm tay và thiết bị gia công đơn giản như: vạch dấu, đục, giũa, cưa, khoan, cắt ren, tán đinh…v.v.

Sau khi học xong, người học sử dụng được các thiết bị gia công đơn giản như: giũa, cưa, khoan và thực hiện được các kỹ năng cơ bản về gia công nguội.

Thực tập cắt gọt         

Nội dung thực tập cung cấp kỹ năng cho người học: thao tác vận hành máy, phay, tiện; mài dao tiện, gá lắp phôi; tiện trụ trơn, trụ bậc, khoan, tiện lỗ, tiện cắt rãnh cắt đứt.

Sau khi học xong, người học lựa chọn được các trang bị công nghệ và vận hành máy gia công được các chi tiết trục đơn giản.

Thực tập điện                                

Học phần này giúp cho người học củng cố kiến thức về kỹ thuật điện thông qua thực tập cơ bản về các kỹ năng cần thiết như: cách đấu nối mạch điện vào động cơ, vào thiết bị điện, sơ đồ mạch điện trong một số máy.

Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được các sơ đồ mạch điện, lắp đặt được các thiết bị điện thông dụng.

Thực tập hàn điện

Nội dung: trang bị cho người học các kỹ năng cơ bản của nghề hàn bao gồm gây và ổn định hồ quang, kỹ năng chọn chế độ hàn, chuẩn bị liên kết hàn và kỹ năng để thực hiện các mối hàn đơn giản, phát hiện, khắc phục các khuyết tật của mối hàn; đảm bảo an toàn trong quá trình hàn; củng cố các kỹ năng cơ bản và hoàn thiện các kỹ năng thực hiện các liên kết hàn ở các vị trí hàn phức tạp (hàn các liên kết ở các vị trí đứng, ngang, trần và các liên kết hàn ống)

Sau khi học xong, người học thực hiện được thao tác hàn bao gồm gây và ổn định hồ quang cũng như kỹ năng chọn chế độ hàn để hàn được một số mối hàn đơn giản.

Thực tập hàn khí bảo vệ (TIG – MAG – MIG)

Nội dung: trang bị cho người học các kỹ năng về sử dụng, vận hành các thiết bị hàn trong môi trường khí bảo vệ. Các thao tác cơ bản để thực hiện hàn các liên kết hàn trong môi trường khí bảo vệ, khả năng phát hiện, khắc phục các khuyết tật của mối hàn. Đảm bảo an toàn trong quá trình hàn.

Sau khi học xong học phần này, người học thao tác hàn gây và ổn định hồ quang cũng như kỹ năng chọn chế độ hàn để thực hiện hàn được một số mối hàn đơn giản.

Thực tập hàn và cắt bằng khí

Nội dung: trang bị cho người học các kỹ năng về sử dụng, vận hành các thiết bị hàn và cắt bằng khí (O2 - C2H2). Các thao tác cơ bản để thực hiện hàn các liên kết hàn bằng phương pháp hàn khí, các kỹ thuật cắt thép bằng khí đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình hàn, cắt bằng khí.

Học xong phần này, người học sử dụng, vận hành được các thiết bị hàn và cắt bằng khí (O2 - C2H2). Thực hiện hàn các liên kết hàn bằng phương pháp hàn khí, các kỹ thuật cắt thép bằng khí đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình hàn, cắt bằng khí.

Thực tập gia công kim loại tấm

Nội dung: trang bị cho người học các kỹ năng khai triển phôi để gia công các sản phẩm kim loại tấm bằng phương pháp gò, dập, uốn; các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản về phương pháp gò.

Sau khi học xong học phần này, người học tính toán khai triển kim loại tấm để thực hiện phương pháp gò dập được các sản phẩm đơn giản đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật.

Thực tập tốt nghiệp

Thực tập nhằm giúp người học làm quen với tổ chức sản xuất trong lĩnh vực chuyên ngành thông qua tham quan, khảo sát, tìm hiểu cơ cấu tổ chức sản xuất hoặc tham gia trực tiếp vào một công đoạn cụ thể của xí nghiệp cơ khí. Củng cố, hoàn thiện kỹ năng nghề  được học, công tác kế hoạch và các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]