Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử

Ngành đào tạo:           CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ

Trình độ đào tạo:        Trung cấp chuyên nghiệp

Thời gian đào tạo:       2 năm

Đối tượng tuyển sinh: Học sinh tốt nghiệp THPT

 

GIỚI THIỆU

            Chương trình trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

            Chương trình chuẩn bị cho người học kiến thức và kỹ năng lắp ráp, thử nghiệm, phát hiện và khắc phục sự cố, sửa chữa thiết bị điện tử công nghiệp và dân dụng

Chương trình khóa học bao gồm những nội dung cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, pháp luật, giáo dục quốc phòng, an ninh, những nội dung cơ bản của kiến thức cơ sở ngành như lý thuyết mạch điện - điện tử và chuyên ngành như: Điện thoại, tổng đài, cáp viễn thông, radio, tivi, truyền hình kỹ thuật số, CD, VCD, DVD, máy tính và các dịch vụ viễn thông. Bên cạnh đó, học sinh còn được đi thực tập thực tế trong các cơ sở thuộc lĩnh vực lắp ráp điện tử, điều khiển tự động, thi công lắp đặt hệ thống cáp viễn thông, tổng đài, các đài truyền thanh, truyền hình địa phương và mạng máy tính cục bộ.

Sau khi tốt nghiệp người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử và có thể làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử với vai trò là một kỹ thuật viên điện tử, quản lý kỹ thuật hoặc nhân viên bán hàng, đồng thời có thể học liên thông lên bậc cao đẳng hoặc đại học.

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:

Về kiến thức

- Trình bày được những nội dung cơ bản về lý thuyết mạch điện - điện tử, kỹ thuật mạch điện tử, linh kiện điện tử, đo lường và thiết bị đo, điện tử số, vẽ kỹ thuật, tổ chức sản xuất và an toàn lao động.

- Phân tích được phương pháp kiểm tra, đánh giá các dạng sai hỏng của các thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động, hệ thống máy tính.

- Trình bày được các phương pháp sửa chữa và lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động, hệ thống máy tính.

- Vận dụng được những kiến thức cơ sở và chuyên môn đã học vào xử lý các tình huống trong lĩnh vực điện tử dân dụng, điện tử viễn thông, điện tử tự động và hệ thống máy tính.

- Tiếp cận được những kiến thức chuyên sâu và có thể theo học ở các bậc học cao hơn của ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử.

Về kỹ năng

- Đọc được bản vẽ thiết kế, bản vẽ lắp ráp và hướng dẫn kỹ thuật cho các bộ phận lắp ráp điện tử.

- Sử dụng thiết bị để kiểm tra, phân tích kết quả, đánh giá hiệu suất và xác định sự cần thiết điều chỉnh quá trình làm việc của thiết bị.

- Phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống sai, hỏng trong lĩnh vực điện tử, nắm vững các nguyên tắc thiết kế chế tạo và có khả năng tham gia một số công việc cùng với kỹ sư.

- Thực hiện được các kỹ năng lắp ráp, hàn, thao tác trên linh kiện và thiết bị điện tử.

- Lắp đặt, kiểm tra, vận hành các thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông, thiết bị tự động, hệ thống máy tính.

- Tổ chức và triển khai bảo trì, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp các thiết bị điện tử trên các dây chuyền sản xuất tự động.

- Có kỹ năng giao tiếp, tổ chức và làm việc nhóm.

Về thái độ và đạo đức nghề nghiệp

Có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, tỷ mỷ chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất điện tử hoặc công ty kinh doanh về điện tử.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần của chương trình

I. Các học phần chung

A. Học phần bắt buộc

1

Chính trị

4

Giáo dục thể chất

2

Pháp luật

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục quốc phòng – An ninh

6

Tin học

B. Học phần tự chọn (chọn 1 trong các học phần sau)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

II.

Các học phần cơ sở

 

 

1

Linh kiện điện tử

5

Điện tử số

2

Lý thuyết mạch điện – điện tử

6

Vẽ kỹ thuật

3

Kỹ thuật mạch điện tử 1

7

Tổ chức sản xuất

4

Đo lường điện và thiết bị đo

8

An toàn lao động

III. Các học phần chuyên môn

A. Phần bắt buộc

1

Kỹ thuật mạch điện tử 2

4

Kỹ thuật xung

2

Thiết kế mạch điện tử

5

Điện tử công suất

3

Vi xử lý

6

Cấu trúc máy tính

B. Phần tự chọn theo chuyên ngành

*

Chuyên ngành Điện tử dân dụng

 

 

1

Kỹ thuật truyền thanh – truyền hình

3

Kỹ thuật CD, VCD, DVD

2

Truyền hình kỹ thuật số

 

 

*

Chuyên ngành Điện tử máy tính

 

 

1

Mạng máy tính

3

Truyền dữ liệu

2

Máy tính và thiết bị ngoại vi

 

 

*

Chuyên ngành Điện tử viễn thông

 

 

1

Hệ thống viễn thông

2

Thiết bị hệ thống viễn thông:

 

 

2.1

Cáp viễn thông và VIBA

 

 

2.1

Tổng đài – Máy fax

 

 

2.3

Điện thoại và điện thoại di động

*

Chuyên ngành Điện tử tự động

 

 

1

Kỹ thuật cảm biến

3

Điều khiển từ xa

2

Lý thuyết điều khiển tự động

4

Điều khiển công nghiệp

IV. Thực tập cơ bản

1

Thực hành cơ bản 1

2

Thực hành cơ bản 2

3

Thực hành tự chọn theo chuyên ngành

 

 

*

Ngành Điện tử dân dụng

*

Ngành Điện tử máy tính

 

Thực hành sửa chữa Ti vi, đầu thu Kỹ thuật số, đầu CD, VCD, DVD, lắp đặt ăng ten Parabol

 

Thực hành lắp đặt mạng máy tính LAN, sửa chữa cài đặt nâng cấp máy tính, sửa chữa màn hình monitor

*

Ngành Điện tử viễn thông

*

Ngành Điện tử tự động

 

Thực hành sửa điện thoại, máy fax, lắp đặt tổng đài, cáp viễn thông

 

Thực hành về điều khiển tự động

V. Thực tập tốt nghiệp (tự chọn)

1

Thực tập tại cơ sở sản xuất

2

Thực tập tại trường

Nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn

Linh kiện điện tử

            Học phần này đề cập đến bản chất vật lý, tính chất đặc trưng (cơ, lý, hoá, công nghệ), ứng dụng của các vật liệu điện môi, vật liệu bán dẫn, vật liệu từ, vật liệu điện môi có tính chất đặc biệt phần lý thuyết và thực hành của linh kiện điện tử bao gồm cấu tạo, nguyên lý hoạt động, đặc tuyến ứng dụng, các linh kiện thụ động: điện trở, tụ điện, cuộn dây, biến thế, linh kiện tích cực: diode, transistor lưỡng cực, FET, UJT, SCR, DIAC, TRIAC và các linh kiện quang.

            Sau khi học xong, người học có khả năng nhận biết, lựa chọn các linh kiện phù hợp để lắp ráp các mạch điện tử ứng dụng theo yêu cầu (mạch khuếch đại, mạch lọc, mạch dao động).

Lý thuyết mạch điện - điện tử                       

            Học phần này giới thiệu các khái niệm về mạch điện, các phương pháp phân tích mạch, mạch ba pha và mạch hai cửa. Trong phần thực hành học phần này, học sinh sử dụng máy tính với phần mềm mô phỏng để ứng dụng các phương pháp tính toán, phân tích mạch điện và lắp ráp mạch theo yêu cầu.

Sau khi học xong, học sinh có những kiến thức cơ bản về mạch điện, mô hình và các phần tử mạch, ngoài ra còn biết tính toán công suất và năng lượng trong mạch điện; có khả năng phân tích và tính toán mạch điện bằng các phương pháp khác nhau, có khả năng sử dụng các phần mềm mô phỏng để thiết kế, tính toán, phân tích mạch điện theo yêu cầu một cách nhanh chóng.

Kỹ thuật mạch điện tử 1        

            Học phần này giới thiệu về cơ sở phân tích và tính toán mạch điện tử, phân tích và thiết kế nguồn điện, mạch khuyếch đại tín hiệu nhỏ, mạch khuyếch đại vi sai, ghép tầng khuyếch đại, mạch khuyếch đại công suất, khuyếch đại hồi tiếp, giao động điều hoà, điều chế và tách sóng.

Sau khi học xong, người học có khả năng tính toán, thiết kế và lắp ráp nguồn điện DC, các mạch chỉnh lưu, mạch khuyếch đại tín hiệu nhỏ, mạch khuyếch đại vi sai, mạch khuyếch đại công suất âm tần và mạch tạo dao động.

Đo lường điện và thiết bị đo

            Học phần này giới thiệu các kiến thức cơ bản về thiết bị đo, kỹ thuật đo và các đại lượng vật lý, phương pháp xử lý số liệu thực nghiệm. Nội dung môn học bao gồm cơ cấu đo, dao động ký và thiết bị ghi tín hiệu, thiết bị phân tích tín hiệu, thiết bị đo chỉ thị số như đo điện tử, điện dung, điện cảm, đo công suất, hệ số công suất, đo các đại lượng không điện.

Sau khi học xong, người học có thể đo bằng các mạch đo lắp sẵn hay các máy chuyên dùng, biết cách sử dụng các thiết bị đo như dao động ký, máy phát xung, đo chu kỳ tần số, biết phương pháp đo và xử lý số liệu, tính toán sai số, thực hiện các mạch nguyên lý đo bằng phần mềm mô phỏng trên máy tính.

Điện tử số      

            Học phần này giới thiệu về các hệ đếm lôgic, đại số Boole, cổng logic, mạch logic tổ hợp, Flip Flop, thanh ghi, bộ đếm, bộ nhớ.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng kiểm tra hoạt động của các mạch logic, mạch tổ hợp, mạch đếm, các loại bộ nhớ và thiết kế các mạch số đơn giản, thông dụng.

Vẽ kỹ thuật

            Học phần vẽ kỹ thuật cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về phương pháp chiếu vuông góc để biểu diễn vật thể; nguyên tắc biểu diễn vật thể lên mặt phẳng, cung cấp cho học sinh những tiêu chuẩn và những quy ước có liên quan đến bản vẽ chi tiết máy và bản vẽ lắp cũng như các sơ đồ cơ khí, điện trong công nghiệp theo các tiêu chuẩn Việt nam & ISO.

Sau khi học xong, học sinh nêu được các quy ước, ký hiệu, các tiêu chuẩn về bản vẽ kỹ thuật, đọc và lập được các bản vẽ chi tiết máy đơn giản, đọc được bản vẽ lắp của sản phẩm hoặc bộ phận máy đơn giản (có đến 10 chi tiết), lập được bản vẽ của các bộ phận máy hoặc dụng cụ đơn giản thuộc nghề đào tạo.

Tổ chức sản xuất                                           

Học phần này giới thiệu cho học sinh những cách thức thiết kế, thi công, lắp đặt trang thiết bị cho một phòng (một cửa hàng), một phân xưởng lắp ráp, nâng cấp, bài trí, sửa chữa các thiết bị điện tử, viễn thông và máy tính, tính toán mua sắm các trang thiết bị cần thiết nhất, tổ chức số nhân viên làm việc của từng bộ phận tối ưu nhất.

Sau khi học xong, người học có thể làm việc như là một trợ lý công trình, quản lý kỹ thuật, quản lý nhân viên bảo trì, sửa chữa, bán hàng cho nhà máy hoặc các công ty cung cấp sản phẩm cho khách hàng.

An toàn lao động                                

Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về kỹ thuật an toàn điện, tác hại của dòng điện đối với cơ thể người, điện áp tiếp xúc và điện áp bước, bên cạnh đó còn trang bị những kiến thức hiểu biết về bảo hộ lao động, về kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp, phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi học xong, người học có nhận thức về môi trường lao động và ý thức bảo vệ, quản lý môi trường của mình theo các tiêu chuẩn về an toàn lao động.

Kỹ thuật mạch điện tử 2

             Điều kiện tiên quyết: Học sau môn Linh kiện điện tử, Mạch điện tử

Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về mạch khuyếch đại vi sai và IC tuyến tính ( OP-AMP); các ứng dụng của OP-AMP như mạch khuyếch đại, một số mạch tính toán và điều khiển tuyến tính, phi tuyến, các mạch điện ứng dụng của OP-AMP như mạch điện ổn áp, tạo dao động và một số IC tuyến tính thông dụng như vi mạch định thời, vi mạch công suất âm tần, vi mạch tạo hàm.

Sau khi học xong, người học có khả năng mô tả, phân tích được cấu trúc, các tham số đặc trưng của các họ IC tuyến tính, giải thích được nguyên lý hoạt động, công dụng của các sơ đồ mạch ứng dụng IC tuyến tính trong thực tế, tính toán, thiết kế được các mạch điện cơ bản và thông dụng, phân tích được các nguyên nhân hư hỏng, kiểm tra thay thế được các linh kiện hư hỏng trên cách mạch điện tử dùng IC tuyến tính.

Thiết kế mạch điện tử 

            Học phần này giới thiệu phương pháp thiết kế các mạch điện tử với sự trợ giúp của máy tính bằng các phần mềm thiết kế mạch như ORCAD, EAGLE. Nội dung bao gồm các tiêu chuẩn điện tử công nghiệp, vẽ mạch nguyên lý, mô phỏng hoạt động và thiết kế mạch in.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thiết kế các sơ đồ mạch nguyên lý, sơ đồ mạch lắp ráp (mạch in), tạo được thư viện các linh kiện đặc biệt, điều khiển in ấn bản vẽ đúng yêu cầu.

Vi xử lý           

            Học phần này giới thiệu các kiến thức liên quan đến vi xử lý như cấu trúc, hoạt động của vi xử lý và hệ vi xử lý nói chung; sơ đồ khối và chức năng các khối của 8051; lập trình cho 8051 bằng hợp ngữ và C; cổng nối tiếp của 8051; nguyên lý hoạt động và ứng dụng của cán bộ định thời; ngắt và xử lý ngắt của 8051.

Sau khi học xong, người học có khả năng lắp ráp mạch, lập trình điều khiển về hoạt động vào/ ra của các cổng, truyền tin qua cổng nối tiếp, hẹn giờ, đếm sản phẩm sử dụng các bộ phận định thời; lập trình xử lý ngắt.

Kỹ thuật xung            

Học phần này giới thiệu về các dạng tín hiệu xung, các phương pháp tạo xung và biến đổi dạng xung: Mạch dùng linh kiện thụ động R, L, C; mạch xén, mạch ghim, mạch so sánh. Các mạch biến đổi và tạo dạng xung, dao động đa hài, dao động blocking, tạo sóng quét, dao động dùng linh kiện điện trở âm.

Sau khi học xong, người học có khả năng phân tích nguyên lý hoạt động và thiết kế các mạch tạo xung thông dụng, phân tích, tìm và sửa chữa các hư hỏng trong các máy phát xung chuẩn.

Điện tử công suất

            Học phần này giới thiệu và so sánh khả năng làm việc của các linh kiện điện tử công suất: diode, transistor BJT công suất, MOS-FET, thyritor, GTO-ETO. Các bộ chỉnh lưu, bộ biến đổi điện áp xoay chiều, bộ biến đổi điện áp một chiều, bộ nghịch lưu và bộ biến tần.

Sau khi học xong, người học hiểu rõ nguyên lý hoạt động của linh kiện điện tử công suất, biết lắp ráp các mạch điện ứng dụng linh kiện điện tử công suất, kỹ thuật chỉnh lưu có điều khiển, thiết bị biến đổi dòng điện xoay chiều.

Cấu trúc máy tính      

            Học phần này giới thiệu các cấu trúc thành phần cơ bản của một máy tính     (phần cứng) gồm: nguồn, mainboard, CPU, thiết bị truyền dữ liệu, các thành phần lưu trữ dữ liệu, thiết bị ngoại vi, nguyên lý và các chuẩn giao tiếp giữa các thành phần và với các thiết bị ngoại vi; phần mềm điều khiển.

Sau khi học xong, người học biết cách phân tích các khối chức năng trong hộp máy, màn hình, phân tích vận hành nâng cấp, bảo trì, phân tích hư hỏng phương pháp đo kiểm tra sửa chữa các phần cơ bản trong máy tính.

Kỹ thuật truyền thanh - truyền hình

Học phần này giới thiệu các nguyên lý truyền thanh, truyền hình; các cấu trúc hệ thống: ampli, radio, cassette, TV. Các khái niệm cơ bản, tiêu chuẩn và phân loại hệ thống truyền thanh, truyền hình. Nội dung bao gồm việc phân tích cấu trúc tổng thể các loại thiết bị ( Ampli, Radio, Cassette, Tivi), phân tích chi tiết, tính năng, nguyên lý vận hành các mạch điện tử trong các thiết bị.

Sau khi học xong, người học biết cách đo và kiểm tra các thông số trong các radio cassette, ampli và tivi đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, biết phân tích các hiện tượng sai hỏng và các phương pháp sửa chữa các thiết bị trên.

Truyền hình kỹ thuật số        

Học phần này bao gồm việc phân tích các tiêu chuẩn các hệ truyền kỹ thuật số nguyên lý số hoá tín hiệu video, audio tương tự, phương pháp nén tín hiệu, giải nén, mã hoá và giải mã, giới thiệu về nguyên lý truyền hình số mặt đất, vệ tinh, vi ba và truyền hình cáp.

Sau khi học xong, người học biết cách vận hành, sử dụng và điều chỉnh cho mỗi thiết bị đầu thu kỹ thuật số, biết phân tích phán đoán sai hỏng và phương pháp sửa chữa các đầu thu kỹ thuật số và ăng ten chảo thông dụng.

Kỹ thuật CD, VCD, DVD                     

Học phần này giới thiệu các nguyên lý ghi phát tín hiệu video, audio dùng kỹ thuật số với CD (compact Disc), VCD (video compact disc), DVD (digital video disc), cách phân tích khối chức năng và điều khiển hoạt động của các máy CD, VCD, DVD.

Sau khi học xong, người học có khả năng phân tích hoạt động của các khối chức năng, phương pháp đo và kiểm tra các khối trong máy CD, VCD, DVD thông dụng, có khả năng nhận biết một số hư hỏng thực tế và phương pháp khắc phục.

Mạng máy tính           

Học phần này bao quát sự phát triển và cấu trúc, phân loại mạng máy tính, cáp truyền dẫn và card mạng, các phương pháp truy cập LAN, chia sẻ môi trường truyền, kiến trúc phân tầng theo mô hình OS1, hệ điều hành mạng.

Sau khi học xong, người học biết cài đặt và xác định cấu hình server và workstation, máy in và các lựa chọn kết nối khác.

Máy tính và thiết bị ngoại vi

Học phần này giới thiệu cấu trúc các thành phần trong hộp máy (case), mối liên hệ và nguyên lý vận hành mainboard với các thành phần khác và các thiết bị ngoại vi và cách sử dụng thiết bị ngoại vi.

Sau khi học xong, người học biết cách lắp ráp, cài đặt sửa chữa, khắc phục sự cố máy tính như xử lý đĩa cứng, cài đặt hệ điều hành, chương trình ứng dụng, xử lý xung đột phần cứng, phần mềm và cài đặt các thiết bị ngoại vi, cung cấp các kỹ thuật chẩn đoán hư hỏng các thiết bị về nguồn, monitor, CD Rom, keyboard, mouse, chương trình phần mềm và các biện pháp khắc phục sửa chữa.

Truyền dữ liệu           

Học phần này cung cấp kiến thức về thông tin máy tính và số liệu nguyên lý, những vấn đề cơ bản của kỹ thuật truyền số liệu: môi trường truyền, ảnh hưởng của nhiễu, các loại tín hiệu, thiết bị dẫn và tách kênh, kỹ thuật sửa sai, điều khiển luồng; Các dịch vụ chuyển dữ liệu giữa các thiết bị trong mạng và giữa các mạng với nhau.

Sau khi học xong, người học hiểu được mô hình của hệ thống truyền số liệu, các phương thức trao đổi dữ liệu trong hệ thống cũng như các kỹ thuật cơ bản xử lý và điều khiển dữ liệu trong hệ thống. Ngoài ra, người học biết phân tích đặc điểm và ứng dụng của một số thiết bị trong hệ thống.

Hệ thống viễn thông             

Học phần này giới thiệu cấu trúc và hoạt động chung của các hệ viễn thông, cấu trúc hoạt động của hệ thống viễn thông quốc gia và quốc tế tại Việt Nam, cách phân tích các phương thức xử lý tin, điều chế mã hoá, truyền dẫn giải mã và giải điều chế trong hệ thống viễn thông.

Sau khi học xong, người học biết phân tích nguyên lý hoạt động, truyền dẫn tín hiệu và kết nối tín hiệu giữa các thiết bị đầu cuối trong mạng viễn thông, biết lắp đặt MODEM kết nối mạch.

Thiết bị mạng viễn thông       

+ Cáp viễn thông và VIBA

Học phần này giới thiệu về hệ thống cáp đồng trục, cáp quang như cấu tạo, đặc tính truyền dẫn tín hiệu, suy hao tín hiệu, cách đấu nối, các chuẩn của các loại cáp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sau khi học xong người học biết đấu nối cáp trong hộp cáp, biết thi công lắp đặt cáp cống, cáp treo, cáp dưới nước, sông, hồ, biển.

+ Tổng đài – Máy Fax

Học phần này bao gồm kỹ thuật chuyển mạch truyền dẫn tín hiệu, nguyên lý hoạt động của tổng đài điện tử số, cách cài đặt phần mềm và vận hành tổng đài trong mạng viễn thông, nguyên lý hoạt động của máy fax.

Sau khi học xong, người học biết lắp đặt và vận hành tổng đài nội bộ cho các cơ quan, trường học, bệnh viện, sân bay; biết kiểm tra các thông số, xác định hư hỏng và sửa chữa.

+ Điện thoại và điện thoại di động

Học phần này giới thiệu mạng điện thoại GSM, CDMA, nguyên lý hoạt động và làm việc của điện thoại bàn, điện thoại di động.

Sau khi học xong, người học biết xác định hư hỏng, sửa chữa và cài đặt phần mềm cho các thiết bị điện thoại.

Kỹ thuật cảm biến      

Học phần này giới thiệu các khái niệm và phương pháp đo lường các đại lượng không điện như nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, mức, nồng độ hóa học, độ ẩm…Ngoài ra, học phần này còn giới thiệu các loại cảm biến phổ biến trong công nghiệp như cảm biến quang, cảm biến vị trí, cảm biến tốc độ, cảm biến mức, cảm biến áp suất, cảm biến lưu lượng.

Sau khi hoàn tất học phần này, người học hiểu được nguyên lý hoạt động của các loại cảm biến; biết sơ đồ đấu nối các thiết bị đo điện và cảm biến thông dụng và cách bảo dưỡng các thiết bị đo điện; ứng dụng các thiết bị đo điện và cảm biến vào thực tế.

Lý thuyết điều khiển tự động 

            Học phần này cung cấp kiến thức cơ bản về phân tích và thiết kế hệ thống tuyến tính liên tục, hệ phi tuyến và hệ rời rạc; giới thiệu các công cụ điều khiển trong công nghiệp như máy tính, vi xử lý, PLC.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng xây dựng được mô hình toán học và phân tích được các chỉ tiêu chất lượng của hệ thống tuyến tính liên tục và hệ thống điều khiển số; thiết kế được một số bộ điều khiển thoả mãn một số chỉ tiêu chất lượng của hệ thống.     

Điều khiển từ xa                                

            Học phần này giúp học sinh nắm bắt những kiến thức cơ bản về hệ thống điều khiển từ xa, các kỹ thuật được sử dụng trong các hệ thống đó như: biến đổi ADC và DAC, điều chế tương tự, điều chế số. Ngoài ra còn được học phương pháp thiết kế một hệ thống điều khiển từ xa.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thiết kế, phân tích khảo sát được hệ thống điều khiển từ xa cơ bản, đồng thời có khả năng bảo trì, sửa chữa hoặc cải tiến một số khâu trong hệ thống.

Điều khiển công nghiệp

            Học phần này nhằm luyện tập kỹ năng lập trình ứng dụng máy tính trong điều khiển với các dạng ngôn ngữ lập trình khác nhau, lập trình cho các bộ điều khiển lập trình (PLC) qua đó hiểu rõ các ngôn ngữ lập trình logic, phương pháp lập trình và ứng dụng chúng cho điều khiển các quá trình trong công nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thiết kế, viết chương trình điều khiển, sửa chữa và bảo trì được một hệ thống điều khiển tự động sử dụng PLC; đồng thời có thể tiếp cận và tự nghiên cứu để sử dụng được các loại PLC khác nhau.

Thực tập cơ bản                                                                                 

Bao gồm các học phần thực hành sau:

* Thực hành cơ bản 1

            Trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành sử dụng các loại mỏ hàn, máy khò (máy thổi thiếc), tháo lắp các linh kiện, cắt nối dây dẫn, kết nối mạch, làm sạch bản mạch, làm mạch in, vẽ mạch trợ giúp bằng máy tính, sử dụng thành thạo các thiết bị đo lường điện tử.

* Thực hành cơ bản 2

            Trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành lắp ráp các mạch điện, cáp bộ ADC và DAC, bộ dao động các MODUL 3 chức năng, các hệ thống tín hiệu và đèn quảng cáo.

* Thực hành sửa chữa tivi, đầu thu Kỹ thuật số, đầu CD, VCD, DVD, lắp đặt ăng ten Parabol (ngành điện tử dân dụng)

            Trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành phân tích, đánh giá hư hỏng và cách sửa chữa Tivi, đầu thu Kỹ thuật số, đầu CD, VCD, DVD; thực hành lắp đặt ăng ten Parabol.

* Thực hành sửa chữa điện thoại, máy fax, lắp đặt tổng đài, cáp viễn thông (ngành điện tử viễn thông)

            Trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành phân tích, đánh giá các hư hỏng thường gặp và phương pháp sửa chữa các loại điện thoại di động của các nhà sản xuất hiện có trên thị trường Việt Nam; thực hành kỹ năng cài đặt phần mềm ứng dụng cũng như phần mềm hệ thống.

* Thực hành lắp đặt mạng máy tính LAN, sửa chữa cài đặt nâng cấp máy tính, sửa chữa màn hình monitor (ngành điện tử máy tính)

            Trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành về lắp ráp, nâng cấp, cài đặt, sửa chữa, khắc phục sự cố máy tính: xử lý đĩa cứng, cài đặt hệ điều hành, chương trình ứng dụng, xử lý xung đột phần cứng, phần mềm và cài đặt các thiết bị ngoại vi, sửa chữa màn hình monitor và máy in laser.

* Thực hành về điều khiển tự động (ngành điện tử tự động)

            Học phần này giúp học sinh thực hành điều khiển sản xuất bằng máy tính, dùng thiết bị camera giám sát, điều khiển ngắt mở điện tự động, điều khiển đèn tín hiệu tự động và hệ thống quảng cáo điện tử.

Thực tập tốt nghiệp

            Học phần này nhằm trang bị, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản về tổ chức lao động, tác phong nghề nghiệp, tổ chức nhóm công việc, củng cố, ôn luyện, hoàn chỉnh các kỹ năng thực hành của ngành theo mục tiêu đào tạo trong thực tiễn sản xuất tại các xí nghiệp công nghiệp và dân dụng, liên kết được các kiến thức đã học trong nhà trường với thực tiễn. 

            Tuỳ theo điều kiện cụ thể, chọn một trong các hình thức sau:

1. Thực tập tại cơ sở sản xuất

            Học sinh thực tập thực tế tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp về các vấn đề kỹ thuật và quản lý trong ngành kỹ thuật điện tử. Học sinh trực tiếp làm các công việc trong phòng thiết kế, phòng kỹ thuật, các phòng nghiệp vụ và các phân xưởng sản xuất liên quan đến đề tài do cán bộ hướng dẫn thực tập của công ty, xí nghiệp, nhà máy giao hoặc liên quan đến hướng thực hiện một đề tài, một vấn đề cụ thể cần giải quyết do giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp giao.

2. Thực tập tại trường

            Trong trường hợp học sinh không thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở sản xuất, hoặc các nhà máy xí nghiệp, cơ quan chuyên môn thì phải thực tập tại xưởng của nhà trường.

            Sau khi học xong, học sinh có khả năng phân tích, so sánh những kiến thức đã tích lũy được trong nhà trường với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại các xí nghiệp công nghiệp; hoàn thiện và củng cố kỹ năng nghề nghiệp đã được xác định trong chương trình đào tạo; tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức và quản lý sản xuất để đảm nhiệm công việc trong các cơ sở sản xuất.       

            Sau khi kết thúc đợt thực tập tốt nghiệp, học sinh phải viết báo cáo thực tập tốt nghiệp, trong báo cáo trình bày vấn đề cần giải quyết, giải pháp đã lựa chọn để giải quyết vấn đề, các kết quả thu được, hướng phát triển mở rộng đề tài và kết luận.

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang