Ngành Điện công nghiệp và dân dụng

Ngành đào tạo:                       ĐIỆN CÔNG NGHIỆP VÀ DÂN DỤNG

Trình độ đào tạo:                    Trung cấp chuyên nghiệp

Thời gian đào tạo:                   2 năm

Đối tượng tuyển sinh:             Học sinh đã tốt nghiệp THPT

 

GIỚI THIỆU

            Chương trình trung cấp chuyên nghiệp ngành Điện công nghiệp và dân dụng được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Điện công nghiệp và dân dụng, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

            Chương trình chuẩn bị cho người học kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trợ giúp cho kỹ sư và các chuyên gia chuyên môn trong việc thiết kế hệ thống truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng điện.

            Chương trình khóa học bao gồm các nội dung cơ bản về máy điện, đo lường điện, khí cụ điện, thiết kế tính toán mạng điện, các thiết bị hạ áp, sửa chữa và lắp đặt các thiết bị điện công nghiệp và dân dụng và các quy phạm an toàn điện, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

        Sau khi tốt nghiệp khóa học, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Điện công nghiệp và dân dụng, có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa, cải tiến các thiết bị điện và các hệ thống điện trong công nghiệp và dân dụng, lắp đặt hệ thống điều khiển cho dây chuyền công nghệ và có thể làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, các tổ vận hành đường dây và trạm hạ thế, làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến Điện công nghiệp và dân dụng, đồng thời có thể học liên thông lên bậc cao đẳng hoặc đại học.

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình người học có khả năng:     

Về kiến thức

- Trình bày đúng nguyên lý, cấu tạo và các tính năng, tác dụng của các loại thiết bị điện, khái niệm cơ bản, qui ước sử dụng trong ngành Điện công nghiệp và dân dụng.

- Đọc được các bản vẽ thiết kế của ngành điện, phân tích được nguyên lý các bản vẽ thiết kế điện như bản vẽ cấp điện, bản vẽ nguyên lý mạch điều khiển.

- Vận dụng được các nguyên tắc trong thiết kế cấp điện và đặt phụ tải cho các hộ dùng điện xác định (1 phân xưởng, một hộ dùng điện).

- Vận dụng được các nguyên tắc trong lắp ráp, sửa chữa các thiết bị điện.

- Phân tích được phương pháp xác định các dạng hư hỏng thường gặp của các thiết bị điện.

- Vận dụng được những kiến thức cơ sở và chuyên môn đã học để giải thích các tình huống trong lĩnh vực điện công nghiệp dân dụng.

- Tiếp cận được những kiến thức chuyên sâu và có thể theo học ở các bậc học cao hơn của ngành Điện công nghiệp và dân dụng.

Về kỹ năng

- Lắp đặt và tổ chức lắp đặt đúng yêu cầu kỹ thuật cho hệ thống cấp điện của một xí nghiệp, một phân xưởng vừa và nhỏ.

- Sửa chữa, bảo trì và chỉnh định các thiết bị điện trên các dây chuyền sản xuất, đảm bảo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật.

- Phán đoán đúng và sửa chữa được các hư hỏng thường gặp trong các hệ thống điều khiển tự động cơ bản.

- Vận hành được những hệ thống điều tốc tự động.

- Đọc, hiểu và tự lắp đặt, vận hành được các thiết bị điện, công nghệ hiện đại, nâng cao khi có hướng dẫn lắp đặt và hướng dẫn sử dụng.

- Lắp đặt và vận hành các thiết bị đảm bảo an toàn nối đất và an toàn cháy nổ.

- Có khả năng hướng dẫn, giám sát kỹ thuật cho các bộ phận lắp đặt mạng điện hạ áp và mạch điện điều khiển trong hệ thống điều khiển điện.

- Có kỹ năng giao tiếp, tổ chức và làm việc nhóm.

Về thái độ và đạo đức nghề nghiệp

Có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, tỷ mỷ chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hoặc công ty kinh doanh về lĩnh vực điện.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần của chương trình

I.

Các học phần chung

A.

Học phần bắt buộc

1

Chính trị

4

Giáo dục thể chất

2

Pháp luật

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục quốc phòng – An ninh

6

Tin học

B.

Học phần tự chọn (chọn 1 trong các học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

II.

Các học phần cơ sở

1

Vẽ kỹ thuật 

6

An toàn điện

2

Khí cụ điện

7

Đo lường điện và cảm biến

3

Cơ kỹ thuật

8

Kỹ thuật điện tử

4

Lý thuyết mạch điện

9

Máy điện

5

Vật liệu điện

 

 

III.

Các học phần chuyên môn

A

Học phần bắt buộc

1

Cung cấp điện

5

Điều khiển điện - khí nén

2

Trang bị điện

6

Điện tử công suất

3

Truyền động điện

7

Điều khiển logic

4

Điều khiển lập trình (PLC)

8

Vẽ thiết kế điện

B

Học phần tự chọn (chọn 1 trong các học phần)

1

Vi điều khiển

3

Vận hành Scada

2

Tổ chức quản lý sản xuất

 

 

IV.

Thực tập cơ bản

1

Thực hành điện cơ bản

3

Thực hành trang bị điện, điện tử căn bản

2

Thực hành sửa chữa điện

 

 

V.

Thực tập tốt nghiệp (tự chọn)

1.

Thực tập tại cơ sở sản xuất

2

Thực tập tại trường

+

Thực tập lắp đặt điện dân dụng

+

Thực tập lắp đặt tủ điều khiển, tủ phân phối

+

Thực tập tháo lắp, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng các máy móc sản xuất công nghiệp

Nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn

Vẽ Kỹ thuật                

Học phần vẽ kỹ thuật cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về phương pháp chiếu vuông góc để biểu diễn vật thể; nguyên tắc biểu diễn vật thể lên mặt phẳng; cung cấp cho học sinh những tiêu chuẩn và những quy ước có liên quan đến bản vẽ chi tiết máy và bản vẽ lắp cũng như các sơ đồ cơ khí, điện trong công nghiệp theo các tiêu chuẩn Việt nam & ISO.

Sau khi học xong, người học nắm vững các quy ước, ký hiệu, các tiêu chuẩn về bản vẽ kỹ thuật, đọc và lập được các bản vẽ chi tiết máy đơn giản, đọc được bản vẽ lắp của sản phẩm hoặc bộ phận máy đơn giản (có tối đa 10 chi tiết), lập được bản vẽ của các bộ phận máy hoặc dụng cụ đơn giản thuộc nghề đào tạo.

Khí cụ điện                 

Học phần Khí cụ điện giúp cho người học tìm hiểu về lý thuyết, kết cấu, nguyên lý hoạt động, trình tự tính toán chọn lựa khí cụ điện để đảm bảo vận hành mạch điện cũng như hệ thống điện an toàn. Ngoài ra biết ứng dụng các đường đặc tuyến cho từng loại khí cụ điện nhằm đạt được tuổi thọ, nâng cao hiệu quả làm việc và tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng .

Sau khi hoàn tất học phần này, người học hiểu được nguyên lý hoạt động; tính chọn được các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng; biết ứng dụng và bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng.

Cơ kỹ thuật    

Học phần này trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về cơ kỹ thuật như xây dựng các biểu đồ lực, biểu đồ động học từ các cơ cấu chịu lực trong thực tế. Từ đó giải các bài toán để tìm khả năng chịu lực của các cơ cấu đó.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng thực hiện việc tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực của một số hạng mục trong xây lắp điện, đường dây ba trạm.

Lý thuyết mạch điện

Học phần này nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về: Mạch điện, các quá trình năng lượng của mạch điện, các phương pháp phân tích mạch điện một pha, ba pha tuyến tính xác lập điều hoà và kiến thức về mạng điện hai cực, bốn cực. Khái niệm chung về mạch phi tuyến, quá độ của mạch điện

Sau khi học xong, học sinh có khả năng vận dụng các định luật cơ bản về mạch điện – mạch từ để giải thích các quá trình điện – từ trong thiết bị điện; áp dụng các phương pháp phù hợp để giải mạch điện; phân tích được các mạch điện ba pha đối xứng và không đối xứng.

Vật liệu điện

Học phần này giới thiệu các quá trình vật lý xảy ra trong các loại vật liệu, tính chất và ứng dụng của chúng trong vật liệu kỹ thuật điện. Nghiên cứu tính chất vật lý và cấu trúc hóa học của vật liệu để chế tạo các vật liệu mới có tính chất theo yêu cầu. Các loại vật liệu được nghiên cứu bao gồm: vật liệu cách điện (điện môi), vật liệu dẫn điện, vật liệu bán dẫn, vật liệu từ.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng phân tích được các quá trình vật lý xảy ra trong các loại vật liệu. Nghiên cứu tính chất vật lý và cấu tạo hóa học của vật liệu để chế tạo các vật liệu mới có tính chất theo yêu cầu. Các loại vật liệu được nghiên cứu bao gồm: vật liệu cách điện (điện môi), vật liệu dẫn điện, vật liệu bán dẫn, vật liệu từ.

An toàn điện

Học phần này giới thiệu về các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn trong cung cấp và sử dụng điện, phân tích những tác hại của dòng điện đối với con người và động vật nói chung, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện, phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện, từ đó xác định các biện pháp bảo vệ thích hợp. 

Sau khi học xong, học sinh có khả năng phân tích được những tác hại của dòng điện đối với con người và động vật nói chung, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện; phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện, từ đó xác định các biện pháp bảo vệ thích hợp.

Đo lường điện và cảm biến

Học phần này giới thiệu các khái niệm, các phương pháp đo và kỹ năng thực hành về đo lường, giúp học sinh nắm vững các cơ cấu đo chỉ thị kim và điện tử, nguyên lý hoạt động và sử dụng các dụng cụ đo điện để đo các đại lượng điện như: điện áp, dòng điện, điện trở, điện dung, điện cảm và hỗ cảm, công suất, điện năng tiêu thụ, hệ số công suất. Ngoài ra, còn giúp học sinh hiểu và sử dụng được dao động ký để đo dạng sóng tín hiệu và góc lệch pha giữa hai tín hiệu. Đồng thời hiểu được nguyên lý và sử dụng được một số cảm biến đo các đại lượng không điện như: nhiệt độ, tốc độ, lực, mô men, kích thước dịch chuyển, lưu lượng, thể tích, mức độ ẩm, áp suất.

Sau khi hoàn tất học phần này, người học hiểu được nguyên lý hoạt động của các loại cơ cấu đo điện và các loại cảm biến; biết đấu nối các thiết bị đo điện và cảm biến thông dụng và cách bảo dưỡng các thiết bị đo điện; ứng dụng các thiết bị đo điện và cảm biến vào thực tế.

Kỹ thuật điện tử

Học phần này giới thiệu những kiến thức và kỹ năng thực hành về các linh kiện điện tử thụ động như: điện trở, tụ điện, cuộn cảm, biến thế … Các linh kiện tích cực như: Diode,Transistor, FET, SCR, UJT,TRIAC, DIAC và các linh kiện quang điện tử và một số các mạch điện tử cơ bản.

Sau khi học xong, người học hiểu được cấu tạo, các thông số, nguyên lý hoạt động, đặc tuyến làm việc và cách ứng dụng các linh kiện đã học vào những mạch điện trong thực tế.

Máy điện

Học phần Máy điện nghiên cứu các vấn đề về mạch từ, các quan hệ điện từ, cấu tạo, nguyên lý làm việc, các thông số kỹ thuật, các đặc tính làm việc của máy điện tĩnh và máy điện quay, các phương pháp mở máy và điều chỉnh tốc độ động cơ điện, ứng dụng của các loại máy điện cơ bản như máy biến áp, máy điện không đồng bộ một pha và ba pha, máy điện một chiều, máy điện đồng bộ và một số máy điện đặc biệt như động cơ bước, động cơ servo.

Sau khi hoàn tất học phần này, người học hiểu được nguyên lý hoạt động và ý nghĩa các đại lượng định mức của các loại máy điện tĩnh và máy điện quay, biết sơ đồ đấu nối các máy điện thông dụng, bảo dưỡng máy điện.

Cung cấp điện

Học phần này giới thiệu những kiến thức cơ bản về tính toán phụ tải điện, xây dựng đồ thị phụ tải, nhận dạng và phân tích được các sơ đồ nối dây, các trạm biến áp, mạng điện xí nghiệp, tính toán và lựa chọn được thiết bị điện và đường dây cho mạng chiếu sáng và động lực trong công nghiệp và dân dụng, các nguồn điện dự phòng, lựa chọn các biện pháp tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng điện năng, thực hành lựa chọn, lắp đặt, sửa chữa các mạch và hệ thống cung cấp điện trong căn hộ, khu dân sinh, xưởng sản xuất và xí nghiệp công nghiệp.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng tính toán được các phụ tải điện quy mô vừa và nhỏ. Tính toán lựa chọn được các thiết bị điện và đường dây cho các mạch chiếu sáng, động lực trong công nghiệp và dân dụng, lắp đặt được các mạch và hệ thống cung cấp điện trong căn hộ, khu dân sinh, xưởng sản xuất và xí nghiệp công nghiệp quy mô nhỏ.

Trang bị điện  

Học phần Trang bị điện, giúp người học có được kiến thức để phân tích và thiết kế, lắp đặt và sửa chữa các mạch điện điều khiển điện trong các máy gia công kim loại, các hệ thống điều khiển trong công nghiệp và dân dụng. Ngoài ra người học cũng được cung cấp những kiến thức để thực hiện mở máy, dừng và hãm động cơ phức tạp sau này.

Sau khi học xong, học sinh biết được các nguyên tắc điều khiển một hệ thống truyền động điện, đọc và phân tích được bản vẽ mạch điều khiển thành thạo, có khả năng thiết kế một mạch điện điều khiển hoàn chỉnh dựa theo các yêu cầu đã cho.

Truyền động điện

Học phần này giới thiệu các kiến thức, kỹ năng về cơ sở động học và các đặc tính của hệ truyền động điện, điều chỉnh tốc độ động cơ điện một chiều và động cơ không đồng bộ, phương pháp tính chọn công suất động cơ.

            Sau khi học xong, học sinh có khả năng phân tích được các hệ truyền động điện, các phương pháp điều chỉnh tốc độ truyền động điện của động cơ điện một chiều và xoay chiều. Tính chọn được công suất động cơ theo các chế độ làm việc khác nhau.

Điều khiển lập trình (PLC)

Học phần PLC trang bị cho người học có được kiến thức PLC trong công nghiệp, các kỹ thuật ghép nối PLC với thiết bị ngoại vi thông dụng như các cảm biến, nút nhấn, các đèn báo, relay hoặc contactor ở cổng ra và các thiết bị ngoại vi thông minh khác như biến tần, các loại van khí nén. Người học cũng được học về tập lệnh cơ bản, cấu trúc và phương pháp viết một chương trình điều khiển dùng PLC từ đơn giản đến phức tạp như các sơ đồ điều khiển động cơ, đảo chiều quay động cơ, các sơ đồ điều khiển thông dụng sử dụng chức năng timer và counter (hệ thống trộn sơn hay trộn bê tông và hệ thống kiểm soát lượng xe ra vào gara).

         Sau khi học xong, học sinh có khả năng kết nối các cổng vào, ra cho một hệ thống điều khiển tự động dùng PLC, có kỹ năng lập trình và tư duy logic, nắm vững các dạng ngôn ngữ lập trình thông dụng; có khả năng lập trình điều khiển cho các hệ thống điều khiển tự động trong công nghiệp.

Điều khiển điện – khí nén

Học phần điều khiển điện-khí nén trang bị cho học sinh những kiến thức về thiết bị khí nén và hệ thống điều khiển tự động điện khí nén. Nội dung của học phần này giới thiệu cấu tạo, nguyên lý làm việc và ứng dụng của các phần tử khí nén và điện khí nén. Thực hành tính toán, lựa chọn thiết bị, thiết kế mạch khí nén, mạch điều khiển, lắp đặt và vận hành một hệ thống điều khiển tự động khí nén hoặc điện khí nén đơn giản theo một yêu cầu nhất định.

Sau khi học xong, người học hiểu được cấu tạo, nguyên lý làm việc, ký hiệu cách biểu diễn và ứng dụng của các phần tử khí nén và điện khí nén; biết cách tính toán, chọn lựa, thay thế và chỉnh định thiết bị cho phù hợp với yêu cầu của hệ thống; biết vận hành và thử nghiệm hệ thống điều khiển khí nén hoặc điện khí nén.

Điện tử công suất

Học phần này giới thiệu và so sánh khả năng làm việc của các linh kiện điện tử công suất: diode, transistor BJT công suất, MOS, FET, thyritor, GTO, ETO. Các bộ chỉnh lưu, bộ điều áp xoay chiều, bộ biến đổi điện áp một chiều, bộ nghịch lưu và bộ biến tần.

Sau khi học xong, người học hiểu rõ nguyên lý hoạt động của linh kiện điện tử công suất, biết lắp ráp các mạch điện ứng dụng linh kiện điện tử công suất, kỹ thuật chỉnh lưu có điều khiển, thiết bị biến đổi.

Điều khiển logic

Học phần Điều khiển logic cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về đại số logic (Đại số Boole) để thiết kế các mạch tổ hợp, các nguyên tắc điều khiển tuần tự trong lĩnh vực công nghiệp, dân dụng; phân tích, thiết kế các mạch điều khiển các chế độ làm việc của động cơ và một số công nghệ sản xuất trong công nghiệp.

Người học sau khi học xong có khả năng tự thiết kế và tổ hợp mạch bằng các phương pháp đã biết như phương pháp: lập bìa Các nô, Quine Max Classky, Graphset, phân tầng, hàm tác động ma trận trạng thái.

Vẽ thiết kế điện

Học phần này cung cấp cho người học các qui định, ký hiệu và cách trình bày bản vẽ thiết kế điện theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và tiêu chuẩn quốc tế như: Bản vẽ nguyên lý, bản vẽ thi công và lắp đặt điện và bản vẽ hoàn công.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng thực hiện thi công và giám sát thi công các công trình điện quy mô nhỏ theo thiết kế và vẽ các bản vẽ thiết kế điện theo đúng TCVN.

Vi điều khiển

Học phần này giới thiệu những kiến thức chung về vi điều khiển như họ vi điều khiển 8051, 68HC11, PIC. Cấu trúc phần cứng, tập lệnh, các đặc trưng chung của các ngoại vi của vi điều khiển như: Bộ định thời, cổng nối tiếp, các vi mạch số tích hợp khác, cách thức giao tiếp giữa các vi mạch số và ứng dụng của nó trong các bài toán đo lường, điều khiển trong hệ thống tự động.

Sau khi học xong, người học có khả năng hiểu được cấu trúc, hoạt động của các họ vi xử lý nói chung và các hệ vi điều khiển nói riêng, có khả năng phân tích, tổng hợp và phát triển các hệ thống trên cơ sở vi xử lý và vi điều khiển.

Tổ chức quản lý sản xuất

Học phần này giúp học sinh hiểu được các họat động cơ bản của doanh nghiệp sau khi ra trường, nắm được chế độ tự chủ sản suất kinh doanh, hệ thống tổ chức quản lý, tổ chức sản suất trong doanh nghiệp, công tác quản lý lao động và họat động lao động sản xuất.

Sau khi học xong, người học có khả năng tổ chức các hoạt động trong nhóm. Tổ chức thực hiện hoạt động lao động sản suất trong một nhóm người nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Vận hành Scada

          Scada là hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu dựa trên cơ sở mạng công nghiệp. Là hệ thống cho phép thu thập, lưu giữ và xử lý dữ liệu từ xa (từ một hoặc nhiều vị trí trong hệ thống). Học phần này nhằm giúp học sinh hiểu được: Cấu trúc của hệ thống Scada; các tính năng của hệ thống Scada; phân tích và thiết kế các hệ thống Scada trong thực tế.

          Sau khi học xong, người học có khả năng hiểu được cấu trúc và vận hành được hệ Scada.

Thực tập cơ bản

Bao gồm các học phần thực hành cơ bản sau:

1. Thực hành điện cơ bản

Thực hành và rèn luyện kỹ năng sơ, cấp cứu cho người khi bị điện giật, nguyên tắc bảo đảm an toàn khi sửa chữa điện, lựa chọn, sử dụng vật liệu dẫn, cách điện, đấu nối, xác định cực tính của động cơ điện và máy biến áp, kỹ năng đi dây, uốn khuyết, lắp đặt điện dân dụng và công nghiệp.

Sau khi học xong, học sinh biết và thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an toàn điện có khả năng hướng dẫn việc thực hiện an toàn điện và cấp cứu cho người bị điện giật. Người học còn phân biệt, lựa chọn đúng các loại dụng cụ và vật liệu; có kỹ năng lắp đặt, sửa chữa mạch điện và thiết bị điện; lắp đặt được các phụ tải 1 pha và 3 pha; thực hiện đấu nối, đảo chiều các động cơ điện thông dụng; có tác phong làm việc công nghiệp, tiết kiệm nguyên vật liệu và an toàn lao động.

2. Thực hành sửa chữa điện

Thực hành và rèn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các dụng cụ đo kiểm, các dụng cụ phục vụ cho việc sửa chữa, lắp ráp mạch điều khiển thông dụng như: Kìm chuốt, kìm bóp cốt, khoan tay...Thực hành lựa chọn, đặt hoặc chỉnh định các thông số kỹ thuật của khí cụ điện, các thiết bị điện theo đúng yêu cầu sử dụng và đúng qui định của nhà sản xuất.

Sau khi học xong, học sinh có khả năng lựa chọn và sử dụng hợp lý các vật liệu, thiết bị, dụng cụ, thành thạo kỹ năng tháo, lắp, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điều khiển điện (các tủ, bảng điều khiển, tủ động lực) các loại khí cụ điện, các loại máy điện thông dụng như: Động cơ điện một chiều, xoay chiều, máy biến áp cỡ nhỏ.

3. Thực tập trang bị điện, điện tử căn bản

Học sinh sử dụng các dụng cụ đo, đo và kiểm tra các linh kiện điện tử; lắp các mạch chỉnh lưu dùng điốt; lắp các mạch dao động dùng transistor, IC; lắp các mạch điện điều khiển động cơ quay 1 chiều, 2 chiều, 1 số mạch điện máy gia công kim loại.

Sau khi học xong, học sinh hiểu và thực hiện nội qui an toàn lao động; biết cách khai thác và sử dụng các dụng cụ chuyên dùng; nhận biết được các linh kiện, lắp đặt và chỉnh định được các mạch điện tử cơ bản; phân tích được nguyên nhân hư hỏng đưa ra biện pháp khắc phục đối với các sự cố thông dụng trên các máy gia công kim loại hoặc các hệ thống điều khiển thường gặp.

Thực tập tốt nghiệp     

             Học phần này nhằm trang bị, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản về tổ chức lao động, tác phong nghề nghiệp, tổ chức nhóm công việc, củng cố, ôn luyện, hoàn chỉnh các kỹ năng thực hành của ngành theo mục tiêu đào tạo trong thực tiễn sản xuất tại các xí nghiệp công nghiệp và dân dụng, liên kết được các kiến thức đã học trong nhà trường với thực tiễn.     

            Tuỳ theo điều kiện cụ thể, chọn một trong các hình thức sau:

1. Thực tập tại cơ sở sản xuất

            Học sinh thực tập thực tế tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp với nhiệm vụ của một kỹ thuật viên ngành Điện công nghiệp và dân dụng. Học sinh trực tiếp tham gia làm việc tại các tổ, đội bảo trì, bảo dưỡng của nhà máy, xí nghiệp, cũng có thể làm việc tại phòng thiết kế, phòng kỹ thuật, hoặc các phòng nghiệp vụ và các phân xưởng liên quan đến đề tài do cán bộ hoặc giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp giao.

2. Thực tập tại trường

            Trong trường hợp học sinh không thực tập tốt nghiệp tại các cơ sở sản xuất, hoặc các nhà máy xí nghiệp, cơ quan chuyên môn thì phải thực tập tại xưởng của nhà trường với những nội dung thực tập bắt buộc như sau:

* Thực tập lắp đặt điện dân dụng

            Học phần này học sinh được thực hành lắp đặt điện sinh hoạt như hệ thống điện chiếu sáng (chiếu sáng điều khiển một hay nhiều nơi), lắp đặt bảng điện, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và các thiết bị điện gia dụng khác như điều hoà, bình nóng lạnh...Ngoài ra học sinh còn thực tập bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị điện gia dụng, các trang thiết bị bảo vệ, phòng chống cháy nổ.

* Thực tập lắp đặt tủ điều khiển, tủ phân phối

             Học phần này học sinh được thực tập và hoàn thiện các kỹ năng chọn lựa thiết bị, lựa chọn phương án bố trí thiết bị, thực hành lắp đặt các dụng cụ đo kiểm, các khí cụ điều khiển, đóng cắt, bảo vệ, thực hành đi dây, kết nối tủ phân phối và tủ điều khiển với thiết bị bên ngoài tủ cho một hệ thống điều khiển tự động, hoặc của một máy sản xuất nhất định nào đó.  

* Thực tập tháo lắp, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng các máy móc sản xuất công nghiệp

            Học phần này học sinh được thực tập các kỹ năng tháo, lắp, kiểm tra, phán đoán nguyên nhân hư hỏng và đề xuất biện pháp khắc phục, lập phiếu qui trình kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ truyền động điện, các máy sản xuất. Thực hành sửa chữa và quấn mới động cơ điện và các thiết bị điện khác.

            Sau khi học xong, học sinh có khả năng phân tích, so sánh những kiến thức đã tích lũy được trong nhà trường với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại các xí nghiệp công nghiệp; hoàn thiện và củng cố kỹ năng nghề nghiệp đã được xác định trong chương trình đào tạo; tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức và quản lý sản xuất để đảm nhiệm công việc trong các cơ sở sản xuất.

            Sau khi kết thúc đợt thực tập tốt nghiệp ( tại cơ sở sản xuất hoặc tại trường), học sinh phải viết báo cáo tốt nghiệp, trong báo cáo trình bày vấn đề cần giải quyết, giải pháp đã lựa chọn để giải quyết vấn đề, các kết quả thu được, hướng phát triển mở rộng đề tài và kết luận.

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang