Ngành Hệ thống điện
Ngành đào tạo: HỆ THỐNG ĐIỆN
Trình độ đào tạo: Trung cấp chuyên nghiệp
Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp Trung học phổ thông
Thời gian đào tạo: 2 năm
I. Giới thiệu và mô tả chương trình
Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Hệ thống điện được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Hệ thống điện, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình chuẩn bị cho người học kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trợ giúp cho kỹ sư và các nhà chuyên môn trong việc thiết kế hệ thống truyền tải năng lượng điện. Chương trình khóa học bao gồm những nội dung cơ bản về cơ kỹ thuật, kỹ thuật điện - điện tử - cao áp, vật liệu điện, máy điện - nhà máy điện, lưới điện - quản lý và sửa chữa lưới điện, đo lường điện, kỹ thuật an toàn, kinh doanh điện, Kỹ thuật điện tử - PLC, Bảo vệ rơle và tự động hoá hệ thống điện, Kỹ thuật cao áp, vận hành hệ thống điện. Người học cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.
Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Hệ thống điện, có khả năng đảm nhận được nhiệm vụ vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa, xây dựng các công trình về Hệ thống điện ở mức độ vừa và nhỏ, có thể làm việc trong các lĩnh vực phát, dẫn, phân phối, quản lý, sữa chữa, vận hành ở mức độ đơn giản tại các Nhà máy điện, công ty truyền tải điện, các công ty điện, chi nhánh điện, điện lực các tỉnh, thành phố, các xí nghiệp, cơ quan, khách sạn, công ty, hợp tác xã, những nơi sử dụng điện, có tiềm năng phát triển và khả năng thích ứng với sự phát triển hệ thống điện, đồng thời có khả năng tiếp tục học tập lên các trình độ cao hơn.
II. Mục tiêu đào tạo
Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng:
1. Về kiến thức
- Mô tả và trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các bộ phận cơ bản cấu thành của hệ thống điện.
- Phân tích được nguyên lý các bản vẽ thiết kế về hệ thống điện vừa và nhỏ; vận dụng được kiến thức đã học để lắp đặt, vận hành, sửa chữa và điều khiển hệ thống điện theo bản vẽ thiết kế.
- Phân tích, xác định được các hư hỏng thường gặp và nêu được phương pháp giải quyết các hư hỏng đó trong lĩnh vực phát - dẫn - phân phối - tiêu thụ điện.
- Tiếp cận được những kiến thức chuyên sâu về hệ thống điện và có khả năng theo học ở các bậc học cao hơn.
2. Về kỹ năng
- Tổ chức lắp đặt và vận hành được các thiết bị điện đảm bảo đúng quy trình và kỹ thuật an toàn về điện.
- Thiết kế và thi công được hệ thống phân phối, cung cấp điện cho một xí nghiệp, một phân xưởng vừa và nhỏ.
- Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp được các thiết bị điện, lưới điện đơn giản trong hệ thống. Sửa chữa, bảo trì và chỉnh định các thiết bị trong hệ thống điện trên các dây chuyền sản xuất, đảm bảo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật.
- Phán đoán đúng và sửa chữa được các lỗi thường gặp trong vận hành các hệ thống điện.
- Đọc, hiểu được các tài liệu, thông số hướng dẫn để tự lắp đặt, vận hành các thiết bị điện trong hệ thống điện theo công nghệ hiện đại.
3. Về thái độ
- Có hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
- Có phẩm chất đạo đức, có kỷ luật, trung thực; sẵn sàng đảm nhận các công việc được giao ở các nhà máy sản xuất hoặc công ty, xí nghiệp kinh doanh về lĩnh vực điện.
- Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
III. Khung chương trình đào tạo
1. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT
|
Nội dung
|
Khối lượng (ĐVHT)
|
1
|
Các học phần chung
|
22
|
2
|
Các học phần cơ sở
|
30
|
3
|
Các học phần chuyên môn
|
28
|
4
|
Thực tập nghề nghiệp
|
11
|
5
|
Thực tập tốt nghiệp
|
8
|
Tổng khối lượng chương trình
|
99
|
2. Các học phần của chương trình
I. Các học phần chung
|
Học phần bắt buộc
|
1
|
Giáo dục Quốc phòng - An ninh
|
4
|
Tin học
|
2
|
Chính trị
|
5
|
Ngoại ngữ
|
3
|
Giáo dục thể chất
|
6
|
Pháp luật
|
Học phần tự chọn (chọn 1 trong 2 học phần)
|
7
|
Kỹ năng giao tiếp
|
8
|
Giáo dục Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
|
II.Các học phần cơ sở
|
Học phần bắt buộc
|
9
|
Cơ kỹ thuật
|
13
|
Máy điện
|
10
|
Cơ sở kỹ thuật điện
|
14
|
Đo lường điện
|
11
|
Vật liệu điện
|
15
|
Khí cụ điện
|
12
|
Vẽ kỹ thuật
|
16
|
Kỹ thuật an toàn
|
Học phần tự chọn (chọn 1 trong 2 học phần)
|
17
|
Kỹ thuật điện tử - PLC
|
18
|
Điện tử công nghiệp
|
III. Các học phần chuyên môn
|
Học phần bắt buộc
|
19
|
Lưới điện
|
22
|
Kỹ thuật cao áp
|
20
|
Nhà máy điện
|
23
|
Quản lý sửa chữa lưới điện
|
21
|
Bảo vệ rơle và tự động hoá hệ thống điện
|
24
|
Vận hành hệ thống điện
|
Học phần tự chọn (chọn 1 trong 4 học phần)
|
25
|
Cung cấp điện
|
27
|
Kinh doanh điện năng
|
26
|
Ngắn mạch trong hệ thống điện
|
28
|
Chuyên đề: Nâng cao truyền tải và phân phối điện
|
IV. Thực tập nghề nghiệp
|
29
|
Thực tập điện cơ bản
|
32
|
Thực tập thí nghiệm Simulator
|
30
|
Thực tập cơ khí
|
33
|
Thực tập điện công nghiệp
|
31
|
Thực tập đo lường điện
|
34
|
Thực tập lưới điện
|
V. Thực tập tốt nghiệp
|
IV. Nội dung thi tốt nghiệp
TT
|
Nội dung
|
1
|
Chính trị
- Học phần Chính trị
|
2
|
Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):
- Lưới điện;
- Bảo vệ rơle và tự động hoá hệ thống điện;
- Nhà máy điện.
|
3
|
Thực hành nghề nghiệp (Chọn hai trong ba nội dung sau)
- Thực hành lưới điện
- Thực hành sửa chữa điện
- Thực hành thí nghiệm Rơle, kỹ thuật điện Cao áp, Máy điện
|
V. Mô tả nội dung các học phần (cơ sở và chuyên môn)
* Cơ kỹ thuật
Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cân bằng tĩnh học, động học, cơ sở tính toán độ bền của chi tiết máy.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những khái niệm cơ bản và các tiên đề về tĩnh học, động học; vận dụng được phương pháp giải bài toán đơn giản về cân bằng tĩnh học; trình bày được những khái niệm cơ bản trong sức bền vật liệu; vận dụng được kiến thức để giải bài toán đơn giản trong các biến dạng.
* Cơ sở kỹ thuật điện
Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về điện trường, từ trường, các định luật cơ bản để giải các mạch điện, các phương pháp giải mạch điện một chiều, xoay chiều và giải mạch ba pha.
Nội dung chương trình còn có các bài thực hành cơ bản nhằm chứng minh những phần lý thuyết đã học.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm cơ bản về điện - từ trường; biết vận dụng các định luật cơ bản về trường điện từ để giải thích các hiện tượng vật lý xảy ra trong trường điện từ, tính toán mạch điện một chiều và xoay chiều khi nguồn cấp là sin xoay chiều 1 pha và 3 pha ở chế độ xác lập; lý giải bản chất quá trình quá độ của mạch điện.
* Vật liệu điện
Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vật liệu điện: Tính chất của điện môi, các loại vật liệu cách điện, vật liệu dẫn điện, vật liệu từ, vật liệu bán dẫn.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, tính chất, đặc điểm của vật liệu điện, lựa chọn và sử dụng được vật liệu điện trong thực hành, thực tập và trong kỹ thuật một cách phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong sửa chữa, vận hành các máy điện, khí cụ điện, thiết bị điện.
* Vẽ kỹ thuật
Học phần này cung cấp những quy tắc cơ bản, các phương pháp xác định vị trí hình chiếu các điểm, đường, mặt làm cơ sở cho việc xây dựng bản vẽ kỹ thuật, cung cấp kiến thức về phương pháp vẽ hình chiếu vuông góc, hình chiếu trục đo, hình cắt, mặt cắt, các quy ước để biểu diễn chi tiết máy trên bản vẽ kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt nam cũng như tiểu chuẩn Quốc tế.
Sau khi học xong học phần này, người học đọc được các bản vẽ kỹ thuật có độ phức tạp trung bình, lựa chọn và sử dụng được các loại vật liệu, dụng cụ vẽ, vẽ được các bản vẽ kỹ thuật có độ phức tạp trung bình đúng yêu cầu kỹ thuật.
* Máy điện
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về mạch từ, các quan hệ điện từ, cấu tạo, nguyên lý làm việc, các thông số kỹ thuật, các đặc tính làm việc của máy điện tĩnh và máy điện quay, các phương pháp mở máy và điều chỉnh tốc độ động cơ điện, ứng dụng của các loại máy điện cơ bản như máy biến áp, máy điện không đồng bộ một pha và ba pha, máy điện một chiều, máy điện đồng bộ và một số máy điện đặc biệt như động cơ bước, động cơ servo.
Nội dung học phần còn bao gồm các bài thí nghiệm về Máy biến áp, máy điện một chiều và xoay chiều, xác định các thông số của máy biến áp; máy biến áp làm việc song song; mở máy và điều chỉnh tốc độ động cơ không đồng bộ.
Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được cấu tạo và phân tích được nguyên lý làm việc của các loại máy điện thông dụng; nêu được ý nghĩa các đại lượng định mức của các loại máy điện tĩnh và máy điện quay, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa máy điện; lựa chọn và sử dụng được các loại máy điện phù hợp với thực tế sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng; vận hành các máy điện an toàn về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế; phán đoán và xử lý được các hiện tượng không bình thường xảy ra trong thực tế khi vận hành máy điện.
* Đo lường điện
Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về thiết bị đo, các loại cơ cấu đo, phương pháp đo các đại lượng điện, cách sử dụng và bảo quản thiết bị đo điện.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các dụng cụ đo, lựa chọn được phương pháp đo và dụng cụ đo để đo được các đại lượng điện, mở rộng được thang đo của thiết bị trong một số trường hợp đơn giản.
* Khí cụ điện
Học phần Khí cụ điện cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, trình tự tính toán chọn lựa khí cụ điện để đảm bảo vận hành mạch điện cũng như hệ thống điện an toàn. Từ đó biết ứng dụng các đường đặc tuyến cho từng loại khí cụ điện nhằm đạt được tuổi thọ, nâng cao hiệu quả làm việc và tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng.
Sau khi hoàn tất học phần này, người học hiểu và giải thích được nguyên lý hoạt động; tính chọn được các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng; biết ứng dụng và bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng; tính toán, lựa chọn các khí cụ điện trong hệ thống điện.
* Kỹ thuật an toàn
Học phần này giới thiệu các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn trong cung cấp và sử dụng điện, phân tích những tác hại của dòng điện đối với con người, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện, phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện, từ đó xác định các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Sau khi học xong, người học có khả năng phân tích được những tác hại của dòng điện đối với con người, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện; phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện.
* Kỹ thuật điện tử - PLC
Học phần này cung cấp kiến thức cơ bản về các linh kiện điện tử thụ động, tích cực, linh kiện quang điện tử, linh kiện điện tử số và một số các mạch điện tử cơ bản; đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc, nguyên lý làm việc của PLC; các ngôn ngữ cơ bản của PLC và đặc điểm của 1 số loại PLC thông dụng; phương pháp kết nối PLC với các thiết bị ngoại vi.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, các thông số, nguyên lý hoạt động, đặc tính làm việc và cách ứng dụng của các loại: Vật liệu và linh kiện điện tử thụ động, linh kiện điện tử bán dẫn, Kỹ thuật số; đồng thời trình bày được các đặc điểm cơ bản của PLC; viết được một số chương trình điều khiển thông dụng và nêu được cách kết nối PLC với các thiết bị bên ngoài. Phân tích được nguyên lý làm việc của một số mạch điện tử thông dụng.
* Điện tử công nghiệp
Học phần này giới thiệu cho học sinh các kiến thức cơ bản về các linh kiện điện tử thông dụng trong công nghiệp; một số mạch điện tử công nghiệp thông dụng: Mạch điều khiển, mạch khuyếch đại, bộ biến đổi điện áp, dòng điện, thiết bị cảm biến.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các đặc điểm cơ bản của những linh kiện điện tử công nghiệp thông dụng; phân tích được nguyên lý làm việc của các mạch điện tử cơ bản.
* Lưới điện
Học phần này giới thiệu và trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cấu trúc lưới điện, lập sơ đồ thay thế, tính toán các thông số chế độ, chọn tiết diện dây dẫn, tính toán kinh tế kỹ thuật, điều chỉnh điện áp trong mạng điện.
Sau khi học xong, người học có khả năng tính toán chế độ mạng điện, thiết kế mạng điện địa phương; các biện pháp giảm tổn thất và nâng cao chất lượng điện năng.
* Nhà máy điện
Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, công dụng, nguyên lý làm việc của các thiết bị điện và cách bố trí chúng trong nhà máy điện và trạm biến áp, lựa chọn máy biến áp, các thiết bị trong dây chuyền sản xuất, truyền tải và sử dụng điện trong hệ thống điện.
Sau khi học xong, người học hiểu biết về: Đồ thị phụ tải, Các tình trạng làm việc của điểm trung tính trong hệ thống điện, Dòng điện làm việc tính toán, Tác dụng của dòng điện đối với khí cụ điện và dây dẫn, Các sơ đồ nối điện chính trong nhà máy điện và trạm biến áp; từ đó tính toán, lựa chọn được các thiết bị điện, khí cụ điện và dây dẫn.
* Bảo vệ Rơle vàTự động hoá hệ thống điện
Học phần này giới thiệu cấu tạo, nguyên lý làm việc của một số loại rơle thông dụng, các nguyên lý bảo vệ rơle và tự động hóa để chống các dạng hư hỏng và tình trạng làm việc không bình thường trong hệ thống điện.
Nội dung học phần còn bao gồm các bài thí nghiệm cơ bản để kiểm chứng các kiến thức lý thuyết đã học.
Sau khi học xong, người học có khả năng nhận biết các loại bảo vệ rơle và các mạch tự động hóa cho các phần tử: Đường dây, máy phát điện đồng bộ, máy máy biến áp, động cơ không đồng bộ, thanh góp nhà máy điện và trạm biến áp. Đồng thời người học có khả năng phát hiện, phân tích và sửa chữa được các hiện tượng, các sự cố thường gặp trong quá trình vận hành hệ thống điện.
* Kỹ thuật cao áp
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức về phóng điện của sét, quá trình truyền sóng trên đường dây, vùng bảo vệ của cột thu lôi, dây thu lôi, các loại nối đất trong hệ thống điện.
Sau khi học xong, người học có khả năng tính toán lựa chọn cột thu lôi, dây thu lôi để bảo vệ công trình không bị sét đánh, tính toán lựa chọn các thiết bị chống sét để bảo vệ thiết bị khi có sóng sét truyền từ ngoài vào trạm điện, tính toán các hệ thống nối đất (nối đất an toàn và nối đất chống sét) cho các trạm điện.
* Quản lý sửa chữa lưới điện
Học phần này trang bị cho người học những kiến thức về sự cần thiết cho công tác vận hành, sửa chữa đường dây và trạm; Những qui định chung về công tác Quản lý vận hành sửa chữa lưới điện; Kiểm tra, sửa chữa lưới điện trong công tác quản lý vận hành sửa chữa lưới điện.
Sau khi học xong, người học phân tích được những hư hỏng thường xảy ra và cách xử lý chúng đối với thiết bị điện; sử dụng các vật liệu, thiết bị và dụng cụ trong công tác sửa chữa lưới điện một cách an toàn và hiệu quả.
* Vận hành hệ thống điện
Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về quy trình thao tác, cách xử lý sự cố thường xảy ra trong vận hành thiết bị và khí cụ điện; những kiến thức cơ bản về việc đánh giá chất lượng kỹ thuật của thiết bị và khí cụ điện thông qua quá trình thí nghiệm.
Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và vận dụng được các quy chuẩn, trình tự thao tác, theo dõi và xử lý các sự cố thông thường, trong quá trình vận hành thiết bị điện; có khả năng đánh giá được chất lượng kỹ thuật của từng thiết bị, khí cụ điện; Biết cách kiểm tra để phát hiện các hư hỏng, tiến hành sửa chữa khôi phục lại sự làm việc bình thường của thiết bị và khí cụ điện.
* Cung cấp điện
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về xác định nhu cầu điện, chọn phương án cung cấp điện, lựa chọn các thiết bị trong lưới cung cấp điện, tính toán chiếu sáng, nối đất, chống sét, nâng cao hệ số công suất.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng: Chọn phương án, lắp đặt được đường dây cung cấp điện cho một đơn vị sử dụng điện phân xưởng, trường học, khu phố, làng xã, hầm mỏ; lựa chọn được dây dẫn, bố trí hệ thống chiếu sáng phù hợp với điều kiện làm việc, mục đích sử dụng theo qui định kỹ thuật.
* Kinh doanh điện năng
Học phần này trang bị cho người học kiến thức cơ bản về phương pháp phục vụ khách hàng tiêu thụ, dùng điện.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các quy trình kinh doanh điện năng; Có khả năng giải thích các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng khi sử dụng điện.
* Ngắn mạch trong Hệ thống điện
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về ngắn mạch, các hậu quả của ngắn mạch, sơ đồ thay thế hệ thống điện trong tính toán ngắn mạch, tính toán ngắn mạch 3 pha.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng lập sơ đồ thay thế và thực hiện tính toán ngắn mạch 3 pha.
* Chuyên đề: Nâng cao truyền tải và phân phối điện
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về các biện pháp nâng cao khả năng truyền tải điện và chất lượng phân phối điện.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày và vận dụng được các thiết bị bù dọc, bù ngang, các nguồn điện phân tán để nâng cao truyền tải và chất lượng phân phối điện.
* Thực tập điện cơ bản
Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng tay nghề của người kỹ thuật viên ngành điện trong việc lắp đặt các thiết bị điện thông dụng; từ đó làm cơ sở để tiếp thu chuyên môn, kỹ năng thực hành, ý thức chấp hành quy trình, quy phạm và quản lý kỹ thuật của người kỹ thuật viên. Phương pháp lựa chọn, sử dụng vật liệu dẫn, cách điện, đấu nối, xác định cực tính của động cơ điện và máy biến áp.
Sau khi thực tập xong, người học có khả năng sử dụng và bảo quản đúng kỹ thuật các dụng cụ đồ nghề điện thông thường; có kỹ năng lắp đặt, sửa chữa mạch điện và thiết bị điện; lắp đặt được các phụ tải 1 pha và 3 pha; thực hiện đấu nối, đảo chiều các động cơ điện thông dụng; biết cách chọn dây dẫn và các vật liệu, thiết bị trong mạch điện hạ áp; lựa chọn, lắp đặt đúng yêu cầu của bản vẽ trong lắp đặt điện dân dụng. Học sinh còn phân biệt, lựa chọn đúng các loại dụng cụ và vật liệu; có tác phong làm việc công nghiệp, tiết kiệm nguyên vật liệu và an toàn lao động.
* Thực tập cơ khí
Học phần này nhằm trang bị và rèn cho người học những kỹ năng cơ bản về công nghệ gia công và sửa chữa cơ khí. Giúp người học thực hiện được cơ bản thành thạo các thao tác cơ khí.
Sau khi học xong, người học hình thành được các thao tác cơ bản để thực hiện công nghệ gia công cơ khí các chi tiết đơn giản theo yêu cầu kỹ thuật phục vụ nghề nghiệp.
* Thực tập đo lường điện
Học phần này nhằm trang bị cho người học các kỹ năng sử dụng và bảo quản các dụng cụ đo điện thông dụng trong hệ thống điện.
Sau khi học xong học phần này, người học biết sử dụng và bảo quản các loại thiết bị đo điện được an toàn, hiệu quả; giúp người học hiểu và vận dụng được nguyên lý hoạt động của TU, TI, sơ đồ đấu TU, TI; đo đếm điện năng 1 pha, 3 pha 4 dây hạ thế; đo đếm phía trung thế thông qua TU, TI lưới 3 pha 4 dây; ghi chỉ số công tơ và đấu dây bảng điện công tơ.
* Thực tập điện công nghiệp
Học phần này nhằm cung cấp kiến thức, bồi dưỡng và rèn tay nghề thực hành cho học sinh trong lĩnh vực chuyên môn điện công nghiệp; có khả năng khảo sát thiết bị, phán đoán hư hỏng và sửa chữa các thiết bị, động cơ, máy điện có quy mô từ nhỏ đến lớn.
Sau khi học xong, người học biết thực hiện và sử dụng được các dụng cụ đo lường điện, Rơle và bảo vệ rơle, khí cụ điện, máy điện, máy biến áp, thực hành quấn máy biến áp công suất nhỏ (550VA), quấn động cơ điện không đồng bộ, đo điện trở cách điện động cơ trước khi khởi động, thực hành quấn quạt.
* Thực tập thí nghiệm Simulator
Học phần này nhằm giúp cho người học vận dụng kiến thức đã học trong các học phần: Lưới điện, Nhà máy điện, Bảo vệ rơle vào thí nghiệm và thực tế khảo sát, vận hành hệ thống điện sau này.
Sau khi học xong học phần này, người học hình thành và rèn luyện được các thao tác thí nghiệm chính xác và thành thạo, đồng thời nâng cao kỹ năng vận hành hệ thống điện.
* Thực tập lưới điện
Học phần này nhằm trang bị cho người học có tay nghề chuyên môn về: Kỹ năng làm việc ở độ cao, kỹ thuật lắp đặt, thao tác các thiết bị điện, thiết bị đóng cắt. Rèn luyện cho người học ý thức chấp hành mệnh lệnh và tinh thần chấp hành quy trình, quy phạm quản lý, sửa chữa và vận hành lưới điện.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thao tác, lắp đặt đúng kỹ thuật các thiết bị, phụ kiện lưới điện; biết cách kiểm tra các thiết bị, hệ thống nối đất của lưới điện; Thực hiện được và đúng quy trình, quy phạm quản lý, sửa chữa và vận hành lưới điện.
* Thực tập tốt nghiệp
Học phần này nhằm trang bị, rèn luyện cho người học các kỹ năng cơ bản và kiểm nghiệm các kiến thức đã được học về hệ thống điện. Tăng cường, bổ khuyết làm sáng tỏ thêm cho các học phần chuyên môn đã học, liên kết được các kiến thức đã học trong nhà trường với thực tiễn.
Học sinh thực tập thực tế tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp với nhiệm vụ của một kỹ thuật viên chuyên ngành hệ thống điện. Học sinh trực tiếp tham gia làm việc tại các tổ, đội bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện của nhà máy, xí nghiệp cũng có thể làm việc tại phòng thiết kế, phòng kỹ thuật, hoặc các phòng nghiệp vụ và các phân xưởng liên quan đến đề tài do cán bộ hoặc giáo viên giao.
Sau khi kết thúc đợt thực tập tốt nghiệp, người học viết báo cáo trình bày tổng hợp các vấn đề thu được và thông qua giáo viên hướng dẫn.