Ngành Cơ điện tử

Ngành đào tạo:             CƠ ĐIỆN TỬ                

Trình độ đào tạo:         Trung cấp chuyên nghiệp

Đối tượng tuyển sinh:  Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo:        2 năm 

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

- Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Cơ điện tử được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên Cơ điện tử trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng cơ bản về cơ điện tử, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Nội dung khóa học bao gồm những kiến thức, kỹ năng cơ sở và chuyên môn về cơ khí, điện, điện tử, thủy khí, điều khiển điện-điện tử và kiến thức tích hợp của chuyên ngành. Người học cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

- Sau khi tốt nghiệp, người học trở thành kỹ thuật viên trung cấp chuyên nghiệp về cơ điện tử, có khả năng vận hành một cách có hiệu quả, phát hiện sự cố và sửa chữa nhỏ, bảo trì các thiết bị và hệ thống sản xuất tự động tại các cơ sở sản xuất hoặc có thể làm tại vị trí phòng kỹ thuật với nhiệm vụ thiết kế và lắp đặt các thống tự động có mức độ phức tạp không cao.

 

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình người học có khả năng:            

1. Về kiến thức

 - Trình bày được các nội dung cơ bản về vật liệu kỹ thuật, kỹ thuật điện, điện tử, cơ khí và các kiến thức chuyên ngành về cơ điện tử;

- Mô tả được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cụm, bộ phận cơ bản trong hệ thống cơ điện tử;

- Phân tích được cấu trúc và nguyên lý làm việc của các hệ thống điều khiển tự động.

2. Về kỹ năng

- Vận hành được các thiết bị cơ điện tử và các hệ thống tự động thông dụng trong công nghiệp;

- Đảm nhiệm được các công việc bảo trì, bảo dưỡng, phát hiện và xử lý các sự cố đơn giản trong thiết bị cơ điện tử và hệ thống tự động;

- Có khả năng tham gia thiết kế và gia công lắp ráp các bộ phận cơ bản trong hệ thống cơ điện tử;

- Có khả năng tổ chức, lập kế hoạch quản lý một tổ, một đội sản xuất.

3. Về thái độ

- Có phẩm chất đạo đức, có tác phong làm việc công nghiệp, có khả năng làm việc theo nhóm, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, tỷ mỷ chính xác, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao ở nơi làm việc.

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo

 TT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

30

3

Các học phần chuyên môn              

27

4

Thực tập nghề nghiệp

13

5

Thực tập tốt nghiệp

7

Tổng khối lượng chương trình

99

 

2. Các học phần của chương trình

I. Các học phần chung

 

 

 

Các học phần bắt buộc

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

4

Tin học

2

Chính trị

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục thể chất

6

Pháp luật

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Giáo dục Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

II. Các học phần cơ sở

 

 

 

Các học phần bắt buộc      

1

An toàn và môi trường công nghiệp 

6

Cơ sở thiết kế máy

2

Toán ứng dụng chuyên ngành

7

Kỹ thuật Điện

3

Hình họa - Vẽ kỹ thuật

8

Kỹ thuật Cơ khí

4

Vật liệu kỹ thuật

9

Kỹ thuật Điện tử

5

Cơ ứng dụng

10

Kỹ thuật lập trình cơ bản

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 5 học phần)

1

Kỹ thuật nhiệt

4

Autocad

2

Dung sai kỹ thuật đo

5

Orcad

3

Tổ chức sản xuất

 

 

III. Các học phần chuyên môn

 

 

 

Các học phần bắt buộc

1

Kỹ thuật xung số

5

Cảm biến và hệ thống đo lường

2

Máy điều khiển số

6

PLC

3

Truyền động điện

7

Điều khiển tự động thủy khí

4

Vi xử lý

8

Hệ thống Cơ điện tử

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 4 học phần)

1

Kỹ thuật lập trình CNC

3

Hệ thống CIM/FMS

2

Kỹ thuật rôbốt

4

Ghép nối máy tính

IV. Thực tập nghề nghiệp

 

 

 

Học phần bắt buộc

1

Thực tập cơ khí

3

Thực tập Cơ điện tử

2

Thực tập điện

 

 

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 2 học phần)

1

Thực tập CIM/FMS

2

Thực tập CNC

V. Thực tập tốt nghiệp

 

 

 

 IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị

- Học phần Chính trị

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):

- Điều khiển tự động thủy khí

- Hệ thống Cơ điện tử

3

Thực hành nghề nghiệp

Học phần thực tập cơ điện tử (Chế tạo 01 sản phẩm cơ điện tử có độ phức tạp trung bình).

 

V. Mô tả nội dung các học phần (Cơ sở và Chuyên môn)

An toàn và môi trường công nghiệp                                            

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức về các yếu tố ảnh hưởng trong môi trường công nghiệp cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong ngành cơ khí; kỹ thuật an toàn trong các xí nghiệp công nghiệp, các biện pháp phòng ngừa, cải thiện môi trường công nghiệp và phòng tránh tai nạn lao động.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các yếu tố ảnh hưởng trong các môi trường công nghiệp đến sức khỏe con người; phân tích được các kỹ thuật an toàn trong các xí nghiệp; đưa ra được các biện pháp phòng ngừa, cải thiện được môi trường công nghiệp và phòng tránh được tai nạn lao động.

Toán ứng dụng chuyên ngành  

- Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức về phép tính vi phân và tích phân của hàm một biến. Sơ lược về logic, tập hợp, ánh xạ; cấu trúc không gian véc tơ; ma trận, định thức, hệ phương trình tuyến tính; chuỗi số và chuỗi  hàm, sơ lược về hệ phương trình vi phân tuyến tính.

- Sau khi học xong học phần này, người học giải được các bài toán kỹ thuật đơn giản ứng dụng các kiến thức trên.

Hình họa- Vẽ kỹ thuật  

- Học phần cung cấp những quy tắc cơ bản, các phương pháp xác định vị trí hình chiếu các điểm, đường, mặt làm cơ sở cho việc xây dựng bản vẽ kỹ thuật bao gồm: Các kỹ thuật cơ bản của hình học họa hình; Các nguyên tắc biểu diễn không gian hình học; Các phép biến đổi hình học; Cung cấp kiến thức về phương pháp vẽ hình chiếu vuông góc, hình chiếu trục đo, hình cắt, mặt cắt, các quy ước để biểu diễn chi tiết máy trên bản vẽ kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các quy tắc cơ bản để biểu diễn chi tiết theo tiêu chuẩn TCVN, xây dựng được các bản vẽ kỹ thuật, đọc và vẽ được các bản vẽ lắp sản phẩm; sử dụng các tiêu chuẩn nhà nước hiện hành có liên quan đến bản vẽ với các bản vẽ cụ thể; trình bày được bản vẽ và sử dụng các dụng cụ vẽ, thiết bị vẽ thông dụng.

Vật liệu kỹ thuật          

- Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức về: Cấu tạo của kim loại, hợp kim, vật liệu phi kim loại dùng trong ngành cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử.

- Sau khi học xong học phần này, người học nhận biết được các vật liệu thông qua các ký hiệu của vật liệu; lựa chọn được vật liệu phù hợp với điều kiện làm việc của chi tiết, cấu kiện.

Cơ ứng dụng  

- Học phần này cung cấp những kiến thức về trạng thái cân bằng của vật rắn dưới tác dụng của các lực, hệ lực; ứng suất và trạng thái ứng suất; các dạng chịu lực cơ bản như: kéo, nén, uốn, xoắn; cách tính toán và kiểm nghiệm độ bền của chi tiết máy dưới tác dụng của các lực và hệ lực: kéo, nén, uốn, xoắn đơn giản.

- Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được lực tác dụng lên chi tiết, cấu kiện; vận dụng để vận hành, sử dụng các chi tiết, cấu kiện đạt hiệu quả.

Cơ sở thiết kế máy      

- Học phần này cung cấp những kiến thức về nguyên lý làm việc, cấu tạo, đặc điểm, cũng như phương pháp tính toán sơ bộ động học và động lực học các cơ cấu truyền động và biến đổi chuyển động, các mối ghép và các chi tiết máy thường dùng trong cơ khí.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý làm việc của các cụm truyền động máy, tính toán và thiết kế sơ bộ được các chi tiết máy, làm cơ sở để vận dụng trong quá trình phân tích, đánh giá và thiết kế máy và chi tiết máy trong thực tế kỹ thuật.

Kỹ thuật điện

- Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về mạch điện, cách tính toán mạch điện; nguyên lý cấu tạo, tính năng và ứng dụng các loại máy điện, khí cụ điện cơ bản; phương pháp đo lường các đại lượng điện.        

- Sau khi học xong học phần này, người học tính toán được các thông số cơ bản trong mạch điện; trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các thiết bị điện thông dụng; nêu được tính năng và ứng dụng các loại máy điện.                                                                 

Kỹ thuật Cơ khí           

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về phương pháp gia công tạo phôi như: Đúc, rèn, dập, cán, kéo, hàn; các cơ sở về quá trình cắt gọt kim loại và quy trình gia công chi tiết; các máy, thiết bị tương ứng với các phương pháp gia công.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các đặc điểm cơ bản về phương pháp gia công tạo phôi; lựa chọn được các phương pháp gia công cho các chi tiết, cấu kiện phù hợp với hình dáng và tính năng sử dụng của chúng.

Kỹ thuật điện tử

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về linh kiện điện tử bao gồm cấu tạo, nguyên lý hoạt động và ứng dụng của chúng; các mạch điện tử thông dụng như mạch nguồn chỉnh lưu, mạch khuếch đại dùng transistor, khuếch đại thuật toán, các mạch lọc và xử lý tín hiệu đơn giản.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những đặc điểm cơ bản của các linh kiện điện tử thông dụng; nêu được cách lựa chọn linh kiện để thay thế; phân tích được một số mạch điện tử cơ bản và phán đoán những sai hỏng đơn giản.

Kỹ thuật lập trình cơ bản

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình C/C++ như khởi động, biên dịch và chạy một chương trình C/C++; cấu trúc của một chương trình C/C++; các biến và hằng trong ngôn ngữ C/C++; các lệnh vào/ra; các câu lệnh rẽ nhánh; các lệnh lặp; vai trò của ngôn ngữ C/C++ trong việc lập trình cho các thiết bị tự động, hệ thống nhúng và cơ điện tử.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ lập trình C/C++; sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++ để giải các bài toán cơ bản; có khả năng tự học tiếp để sử dụng ngôn ngữ C/C++ cho việc lập trình cho các họ vi điều khiển.

Kỹ thuật nhiệt    

- Học phần này cung cấp các kiến thức về 2 định luật cơ bản của nhiệt động học: Quá trình lưu động, tiết lưu của khí; máy nén khí; chu trình của khí: Máy lạnh và bơm nhiệt; dẫn nhiệt, truyền nhiệt và thiết bị trao đổi nhiệt.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày và phân tích được quá trình truyền, tải nhiệt năng cũng như ứng dụng của chúng trong thực tiễn và cách nâng cao hiệu quả truyền nhiệt cùng với các loại thiết bị trao đổi nhiệt cơ bản; vận dụng để tính toán các loại động cơ nhiệt và máy lạnh.

Dung sai kỹ thuật đo     

- Học phần này cung cấp những kiến thức về tính đổi lẫn chức năng của chi tiết máy; dung sai các mối ghép thông dụng: Ghép trụ trơn, ghép then và then hoa, ren; sai lệch hình dạng, sai lệch vị trí tương quan, độ nhám bề mặt các chi tiết cơ khí; cách giải bài toán chuỗi kích thước, nguyên tắc cơ bản để ghi kích thước trên bản vẽ chi tiết.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các khái niệm về dung sai và lắp ghép, xác định được dung sai kích thước, sai lệch về hình dạng, vị trí tương quan của các chi tiết cơ khí, chọn kiểu lắp tiêu chuẩn cho các mối ghép cơ bản, biết tính chuỗi kích thước đối với các kiểu lắp khác nhau.

Tổ chức sản xuất

- Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý quá trình sản xuất trong doanh nghiệp cơ khí bao gồm: Khái niệm về doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay; hoạch định sản xuất, lập kế hoạch tiến độ sản xuất, các vấn đề chung về định mức kinh tế.

- Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được tổ chức và quản lý quá trình sản xuất, trình bày được khái niệm về doanh nghiệp, hoạch định và lập được kế hoạch sản xuất.

Autocad

- Học phần này cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong ứng dụng phần mềm AutoCAD để vẽ bản vẽ chi tiết trên máy tính, bố trí bản vẽ, sửa chữa bản vẽ, ghi kích thước, gạch mặt cắt cũng như lưu trữ và xuất (in) bản vẽ.

- Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện được các lệnh và các tính năng của các lệnh cơ bản trong phần mềm AutoCAD; khai thác các lệnh đó vào việc vẽ và thiết kế bản vẽ 2D; có khả năng tự nghiên cứu để khai thác tiếp các phần chưa  được học trong phần mềm AutoCAD, và các phần mềm CAD khác.

Orcad    

- Học phần này cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong ứng dụng phần mềm OrCAD để vẽ các mạch điện tử như: Vẽ sơ đồ nguyên lý dùng Capture, vẽ mạch in bằng Layout, điều chỉnh mạch in, và tạo ra các file cần thiết để gia công mạch in.

- Sau khi học xong học phần này, người học vẽ được các mạch nguyên lý, chuyển được sơ đồ nguyên lý sang mạch in và điều chỉnh mạch in để gia công.

Kỹ thuật xung số

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tín hiệu xung, nguyên lý làm việc của khóa điện tử, mạch hạn chế và ghim mức điện áp, các mạch tạo xung cơ bản dùng Transistor, khuếch đại thuật toán; các vi mạch số thông dụng và ứng dụng chúng trong việc thiết kế các mạch số tổ hợp.

- Sau khi học học phần này, người học phân tích được các đặc tính của tín hiệu xung; phân tích được các mạch tạo xung cơ bản; lắp ráp được các mạch tạo xung; trình bày được các đặc điểm cơ bản về IC số, khảo sát và lắp ráp được các mạch tổ hợp đơn giản sử dụng các IC số thông dụng.

Máy điều khiển số

- Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về các phần tử trong truyền động điện -cơ; truyền dẫn thủy khí; hệ thống đo lường cảm biến; một số hệ thống tự động điển hình; cấu trúc của hệ thống máy CNC và một số dây truyền tự động trong thực tế.

- Học xong học phần này, người học phân tích được nguyên lý làm việc của máy điều khiển số, làm cơ sở để thao tác vận hành máy điều khiển số đúng kỹ thuật, đồng thời biết phán đoán được dạng hỏng của máy và của hệ thống tự động.

Truyền động điện        

- Học phần này giới thiệu các kiến thức, kỹ năng về cơ sở động học và các đặc tính của hệ truyền động điện, điều chỉnh tốc độ động cơ điện một chiều và động cơ không đồng bộ, phương pháp tính chọn công suất động cơ.

- Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được các hệ truyền động điện, các phương pháp điều chỉnh tốc độ truyền động điện của động cơ điện một chiều và xoay chiều; tính chọn được công suất động cơ theo các chế độ làm việc khác nhau.

Vi xử lý             

- Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về vi xử lý và vi điều khiển; tập trung tìm hiểu và áp dụng họ vi điều khiển 8051 (hoặc các họ vi điều khiển khác) cho các ứng dụng cơ điện tử bao gồm: Tìm hiểu cấu trúc phần cứng của 8051; cách lập trình cho 8051; các bài tập lập trình ứng dụng cơ bản dùng 8051.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu trúc phần cứng của vi điều khiển 8051; lập trình cho các ứng dụng cơ bản sử dụng 8051; nạp chương trình và chạy thử chương trình.

Cảm biến và hệ thống đo lường

- Học phần này cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phép đo lường, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các loại cảm biến thông dụng; phương pháp sử dụng cảm biến với từng yêu cầu riêng biệt; một số hệ thống đo thông dụng.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các đặc điểm cơ bản của thiết bị cảm biến; sử dụng các kiến thức về cảm biến để hiệu chuẩn, đánh giá được tình trạng nhận biết của thiết bị cơ điện tử.

PLC

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc, nguyên lý làm việc của PLC; các ngôn ngữ cơ bản của PLC và đặc điểm của 1 số loại PLC thông dụng; phương pháp kết nối PLC với các thiết bị ngoại vi.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được các đặc điểm cơ bản của PLC; viết được một số chương trình điều khiển thông dụng và kết nối được PLC với các thiết bị bên ngoài.

Điều khiển tự động thủy khí

- Học phần này cung cấp các kiến thức về chuyển động của chất lỏng, các cơ cấu sử dụng trong hệ thống thuỷ khí và ứng dụng của nó trong các máy và thiết bị tự động. Phần thực hành điều khiển thuỷ khí cung cấp cho học sinh kỹ năng về điều khiển thuỷ khí, thiết lập mạch điều khiển và mạch động lực; lắp ráp và vận hành hệ thống thuỷ khí cũng như phát hiện và xử lý các lỗi phát sinh.

- Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được chức năng của các phần tử điện, thủy khí, điện-thủy khí trong hệ thống điều khiển và ứng dụng của chúng; lập sơ đồ mạch cho hệ thống điều khiển thủy khí, điện-thủy khí sử dụng các phần tử công nghiệp; lắp ráp, vận hành và kiểm tra hệ thống điều khiển trên; phát hiện, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống thủy khí, điện-thủy khí.

Hệ thống Cơ điện tử    

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức tổng quan về hệ thống cơ điện tử cùng với các thành phần cơ bản và các kết nối ngoại vi; nguyên lý làm việc và nguyên tắc lập trình điều khiển.

- Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được các thành phần cơ bản và nguyên lý làm việc của một hệ thống cơ điện tử; thiết lập và lắp ráp được một số hệ thống cơ điện tử đơn giản.

Kỹ thuật lập trình CNC 

- Học phần này cung cấp những kiến thức tổng quan về kỹ thuật CNC, cấu trúc chương trình và phương pháp lập trình gia công trên máy, cài đặt các thông số công nghệ và vận hành máy công cụ CNC.

- Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được sơ đồ cấu trúc chương trình CNC, lập được chương trình NC gia công chi tiết đơn giản, vận hành gia công chi tiết trên máy công cụ CNC.

Kỹ thuật rôbốt 

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ thuật Rôbôt gồm: Sơ đồ động, nguyên lý làm việc, các hệ toạ độ, các dạng điều khiển quĩ đạo, đặc điểm cấu tạo của cơ cấu chấp hành, nguyên tắc điều khiển cũng như các phương pháp lập trình.

- Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được nguyên lý làm việc của rôbôt, vận hành điều khiển an toàn rôbôt theo chương trình đã cho, thiết lập được các chương trình điều khiển robot, thực hiện được các tác nghiệp đơn giản trong thực tế kỹ thuật.

Hệ thống CIM/FMS      

- Học phần này cung cấp những kiến thức tổng quan về hệ thống sản xuất linh hoạt FMS (Flexible Manufacturing System) và sản xuất tích hợp CIM (Computer Intergrated Manufacturing).

- Sau khi học xong, người học nêu được các thành phần cơ bản của một hệ thống CIM/FMS, nguyên lý hoạt động của các trạm đơn lẻ trong hệ thống: robot công nghiệp, máy gia công, băng tải, lưu kho tự động, bộ điều khiển và kết nối toàn bộ hệ thống.

Ghép nối máy tính      

- Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về giao tiếp giữa máy tính với các thiết bị ngoại vi thông qua cổng truyền thông nối tiếp (cổng COM) và cổng truyền thông song song (cổng LPT) sử dụng ngôn ngữ lập trình Visual C++.

- Sau khi học xong học phần này, người học viết được các chương trình giao tiếp đơn giản cho việc điều khiển thiết bị ngoại vi (điều khiển LED, động cơ bước và động cơ DC) thông qua cổng COM và LPT.

Thực tập cơ khí

- Học phần này rèn luyện các kỹ năng cơ bản trong gia công cơ khí bằng các dụng cụ cầm tay và thiết bị gia công đơn giản như: Vạch dấu, đục, giũa, cưa, khoan, cắt ren, tán đinh; Vận hành thao tác máy Tiện,  Phay; mài dao tiện, gá lắp phôi; tiện trụ trơn, trụ bậc, khoan, tiện lỗ, tiện cắt rãnh, cắt đứt; chuẩn bị dao, gá lắp phôi; phay, bào mặt phẳng, mặt bậc.

- Sau khi học xong học phần này, người học nêu được nguyên lý tạo hình và phương pháp gia công các chi tiết máy điển hình trên các máy tiện, phay, bào, khoan; Sử dụng thành thạo các dụng cụ cầm tay và thiết bị gia công, các dụng cụ đo đơn giản; Lựa chọn được máy, dụng cụ gia công, gá lắp được dụng cụ và phôi, vận hành máy gia công các dạng mặt phẳng, mặt bậc, trục, lỗ.

Thực tập điện  

- Học phần này rèn luyện các kỹ năng cơ bản về sử dụng một số loại thiết bị điện thông dụng: Cầu chì, rơle, actomat, công tắc tơ, các loại động cơ điện; quy tắc đi dây mạch điện; lắp ráp và sửa chữa những hư hỏng thông dụng trong một số mạch điện cơ bản.

- Sau khi học xong học phần này, người học lắp ráp được một số mạch điện cơ bản và phán đoán, sửa chữa được một số hư hỏng thông dụng trong mạch điện.

Thực tập Cơ điện tử    

- Học phần này rèn luyện các kỹ năng cần thiết của kỹ thuật viên trung cấp cơ điện tử: Nhận dạng thiết bị và hệ thống cơ điện tử; Phân tích nguyên lý, chức năng, mối quan hệ của các thành phần trong hệ thống cơ điện tử; vận hành chương trình điều khiển hệ thống cơ điện tử tuân thủ quy tắc an toàn công nghiệp; Thiết lập chương trình điều khiển mới (mức độ trung bình); Tháo lắp và hiệu chỉnh các cụm cơ bản; xử lý lỗi và cài đặt lại chương trình điều khiển;

- Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được nguyên lý hoạt động của thiết bị cơ điện tử và hệ thống sản xuất tự động; Đọc được các bản vẽ và sơ đồ điều khiển; Lắp ráp, điều chỉnh, bảo dưỡng và lập trình cho một thiết bị cơ điện tử đơn giản; Vận hành an toàn các thiết bị cơ điện tử đơn lẻ cũng như hệ thống sản xuất tự động; Phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật.

Thực tập CIM/FMS      

- Học phần này rèn luyện các kỹ năng về vận hành và khai thác hệ thống sản xuất linh hoạt FMS (Flexible Manufacturing System) và sản xuất tích hợp CIM (Computer Intergrated Manufacturing).

- Sau khi học xong học phần này, người học vận hành được các hệ thống CIM/FMS gồm các mô dun: Điều khiển, robot, lưu kho, băng tải, trung tâm gia công và phân loại.

Thực tập CNC 

- Học phần này rèn luyện các kỹ năng về kỹ thuật CNC, cấu trúc chương trình và phương pháp lập trình gia công trên máy, cài đặt các thông số công nghệ và vận hành trên các loại máy gia công CNC.

- Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng lập trình công nghệ  gia công chi tiết đơn giản, kiểm tra và sửa lỗi chương trình, chuẩn bị dụng cụ, cài đặt thông số công nghệ, chọn dụng cụ, xác định điểm gốc phôi và tiến hành vận hành máy CNC, đánh giá độ chính xác chi tiết sau gia công.

Thực tập tốt nghiệp       

- Học phần này nhằm mục đích giúp người học củng cố kiến thức lý thuyết, kỹ năng về sản xuất thực tiễn tại các doanh nghiệp.

- Nội dung bao gồm: Tìm hiểu các thiết bị cơ điện tử và hệ thống sản xuất tự động tại đơn vị thực tập; tìm hiểu tổ chức sản xuất, quy trình lắp ráp, bảo dưỡng và lập trình các thiết bị cơ điện tử; tìm hiểu công tác kỹ thuật, công tác kế hoạch và các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]