Trung cấp chuyên nghiệp TP.HCM: Vào bấp bênh, ra lơ lửng

“Nếu nói đầu vào rất kém, nhưng không thể vì thế đầu ra lại không có chất lượng được”. Ông Hoàng Hải Đăng, giáo viên Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Á phát biểu như vậy tại tọa đàm: “Đổi mới và phát triển giáo dục TP.HCM" được tổ chức ngày 9/12 tại Sở GD - ĐT TP.HCM.

Bấp bênh đầu vào

 

Hiện nay, ở nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn TP.HCM, chất lượng đầu vào được coi là “tệ hại”.

 

Bởi theo ông Đỗ Ngọc Mỹ, đại diện Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Lý Tự Trọng, học viên học trung cấp phần lớn là quá nghèo hoặc học quá dở.

 

Không những khả năng đã yếu, học viên còn bị nhồi nhét các môn văn hóa Toán, Lý, Hóa tới 7 - 8 tiết mỗi tuần.

 

Ông Trọng cũng băn khoăn không rõ vì lý do tài chính hay khả năng quá kém - không tiếp thu được bài - mà sau khi khai giảng, học viên học một thời gian rồi làm đơn xin nghỉ học. Hàng năm, trường này có đến 30 - 40% học viên xin nghỉ.

 

Đầu vào bấp bênh, nhiều trường còn khó khăn về cơ sở vật chất.

 

Như ở trường Trung cấp Kỹ thuật Nam Sài Gòn, phòng học cho ngành mới được nâng cấp từ phòng cũ.

Do phòng học nhỏ nên trường mua máy móc mới cũng không đủ chỗ để. Thế là buổi học thực hành, 3 - 4 học viên phải sử dụng chung một máy.

 

Bà Phạm Thị Thu Tâm, giáo viên của trường cho biết, vì lý do đó, trường phải tăng giờ học, học viên có khi phải học cả sáng, chiều, tối, rốt cuộc không đủ sức để “tiêu hóa” kiến thức.

 

Để đáp ứng với nhu cầu doanh nghiệp, các trường hiện nay đang cố gắng tăng tiết học thực hành, nhưng điều này không dễ.

 

Ví dụ như trường CĐ Kinh tế Phú Lâm, muốn thêm thời lượng thực hành lại sinh ra quá tải với học viên vì học viên đã phải học quá nhiều tiết môn văn hóa.

 

Giảm thời lượng các môn văn hóa (để thêm tiết thực hành) lại không đúng theo chương trình khung của Bộ GD - ĐT là 1.200 tiết.  

 

Về vấn đề này, ông Mỹ cho rằng: Với thời lượng học các môn văn hóa như hiện nay, học viên giống học để đi thi chứ không phải đi làm.

 

Ở nhiều trường còn có một thực trạng: giáo viên trở thành người “thợ giảng” khi chỉ biết giảng dạy mà không có sự cập nhật bài giảng của mình và liên hệ thực tế nhiều hơn.

 

Có thể vừa thực tập, vừa làm kinh tế

 

Từ thực tế đó, học viên khi ra trường thường không thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thiếu kiến thức thực tế nên lơ lửng giữa "học" và "hành".

 

Ông Hoàng Hải Đăng, giáo viên Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Nam Á cho rằng: “Không thể vì đầu vào kém mà đầu ra lại không có chất lượng được. Ban giám hiệu và giáo viên phải có sự nỗ lực lớn cùng với sự hỗ trợ của Sở GD - ĐT, nhất là hỗ trợ cho các trường ngoài công lập”.

 

Đồng tình với ông Đăng, ông Bạch Thanh Sơn, giáo viên Trường TC CNTT Sài Gòn đề nghị khi tiếp nhận các em vào học nên có sự tư vấn.

 

Ngoài ra, ông Đăng đề xuất nên đổi mới chương trình thi và kiểm tra bởi 2 yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của học viên.

 

Nếu học viên được thi cử nhẹ nhàng, các em sẽ hứng thú và thoải mái khi học.

 

Theo bà Diệp Thị Lành, giáo viên Trường Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, để học viên khi ra trường có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giáo viên nên mạnh dạn đưa các em đi thực tập ở doanh nghiệp khi vừa học xong môn học, thay vì để doanh nghiệp đào tạo lại khi các em ra trường rồi.

 

“Giáo viên không cần chờ đến ban giám hiệu mà nên mạnh dạn tổ chức cho học viên vừa được thực tập, vừa được làm kinh tế” - bà Lành nói thêm.

 

Còn ông Đăng bổ sung, chương trình học hiện nay cần có sự thống nhất, liên thông cho các trường, cho từng ngành và từng bộ môn.

 

Ví dụ như môn Lịch sử trong Du lịch phải khác với môn Lịch sử thuần túy để học viên vừa đáp ứng thực tế, vừa giảm tải chương trình.

 

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM nhấn mạnh: Sở GD-ĐT sẽ có tiếng nói để hài hòa chỉ tiêu bậc TCCN ở các trường ĐH, CĐ nhằm cải thiện đầu vào cho các trường TCCN.

 

"Sắp tới, sẽ tạo cơ chế thoáng để các trường phát triển và gắn với các doanh nghiệp. Sĩ số ở các lớp cũng sẽ được tính toán lại đảm bảo cho các em được thực hành..." là những lời hứa được 'chốt" lại khi hội nghị

kết thúc. 

TP.HCM hiện có 41 trường đào tạo bậc TCCN (25 goài công lập). Trên địa bàn TP.HCM còn có 40 trường ĐH, 28 trường CĐ, 8 trường TCCN và các cơ sở dạy nghề thuộc các Bộ, ngành TW.

 

Từ nay đến năm 2015 TP.HCM sẽ "phân luồng" 30% học sinh THCS (khoảng 20.000 học sinh/năm) và 60% học sinh THPT (khoảng 33.000 học sinh/năm) vào học TCCN, riêng học sinh THPT sẽ chia ra thêm 30% để đào tạo nghề.

 

TP.HCM đẩy mạnh đào tạo các ngành mũi nhọn, có nhu cầu cao của thành phố như cơ khí chính xác, điện tử tin học, tự động hóa, vật liệu mới, dịch vụ…

Minh Quyên  - VietnamNet
10/12/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang