Học phí đại học sẽ tăng 20%/năm
Học phí (HP) đối với giáo dục ĐH, CĐ sẽ tăng đến mức nào, đối tượng nào được miễn giảm HP... Những thông tin liên quan đến khung HP mới sẽ áp dụng từ năm học 2010-2011 được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT TRẦN QUANG QUÝ thông tin cụ thể đến bạn đọc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quý cho biết:
- Bộ GD-ĐT đang hoàn tất dự thảo nghị định về quy định cơ chế thu và sử dụng HP đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 để trình Chính phủ phê duyệt.
Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu HP xác định theo nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập, mức thu HP thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình chất lượng cao sẽ được thu HP tương xứng để trang trải chi phí đào tạo. Còn các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức HP, nhưng phải thực hiện quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định.
* Ngay năm học 2010-2011, HP đối với các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Từ năm học 2010-2011, HP đối với các trường ĐH sẽ thực hiện thu theo nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở khung HP đối với cơ sở giáo dục ĐH theo các nhóm ngành đào tạo có chất lượng đại trà từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, trần HP sẽ được điều chỉnh hằng năm với mức tăng khoảng 20% so với năm trước.
Cụ thể, mức trần tối đa HP của năm học 2010-2011 là 290.000 đồng/tháng đối với các nhóm ngành khoa học xã hội - kinh tế - luật, nông - lâm - thủy sản; mức trần 310.000 đồng/tháng sẽ áp dụng đối với các nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, khoa học tự nhiên và thể dục thể thao - nghệ thuật. riêng nhóm ngành y - dược, trần HP năm học 2010-2011 là 340.000 đồng/tháng. Trong các năm học tiếp theo, HP tiếp tục được điều chỉnh để đạt đến mức tối đa trong khung HP vào năm học 2014-2015.
HP đối với trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, CĐ nghề, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng đại trà từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 cũng được điều chỉnh theo lộ trình tương ứng với HP ĐH và được xác định theo hệ số điều chỉnh so với HP ĐH như sau: HP trung cấp chuyên nghiệp bằng 0,7, CĐ và CĐ nghề bằng 0,8, HP đào tạo thạc sĩ là 1,5, đào tạo tiến sĩ là 2,5 lần so với ĐH.
* Thưa ông, những đối tượng nào sẽ được miễn giảm HP? Đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về HP có mở rộng hơn so với hiện nay không?
- Đối tượng không phải đóng HP tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: HS tiểu học; HS trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị ĐH; HS SV hệ cử tuyển.
Được miễn HP bao gồm các đối tượng: người có công và con của người có công với cách mạng theo quy định tại pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005; có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông là con của hạ sĩ quan và chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Chế độ giảm HP được chia thành các mức giảm 50% và 70%. Trong đó được giảm 70% là các đối tượng gồm: HS SV các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại. Các đối tượng được giảm 50% gồm: trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS SV là con cán bộ, công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS SV có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước; HS tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Ngoài ra, còn có đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập, bao gồm: trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước. Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng kể trên để mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, giày dép... Thời gian được hưởng theo thực tế thời gian học và không quá 9 tháng/năm học.
Cũng theo quy định mới về cơ chế thu và sử dụng HP, một số trường hợp sẽ được xem xét không thu HP trong thời hạn nhất định đối với trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non và HS phổ thông thuộc vùng bị thiên tai. Đối với HS SV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH gặp khó khăn đột xuất về kinh tế (do thiên tai, tai nạn...), tạm thời không có điều kiện nộp HP thì có thể đề nghị thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét, quyết định không thu HP trong thời hạn nhất định.
Lộ trình tăng HP từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015
Đơn vị: đồng/tháng
Nhóm ngành
|
Năm học 2010-2011
|
Năm học 2011-2012
|
Năm học 2012-2013
|
Năm học 2013-2014
|
Năm học 2014-2015
|
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật
|
290.000
|
350.000
|
410.000
|
480.000
|
550.000
|
2. Kỹ thuật, công nghệ
|
310.000
|
390.000
|
480.000
|
560.000
|
650.000
|
3. Khoa học tự nhiên
|
310.000
|
390.000
|
480.000
|
560.000
|
650.000
|
4. Nông - lâm - thủy sản
|
290.000
|
350.000
|
410.000
|
480.000
|
550.000
|
5. Y dược
|
340.000
|
450.000
|
560.000
|
680.000
|
800.000
|
6. Thể dục thể thao, nghệ thuật
|
310.000
|
390.000
|
480.000
|
560.000
|
650.000
|
THANH HÀ thực hiện
Nguồn: Tuổi trẻ Online