Đầu vào điểm cao, đầu ra vẫn thấp
Từ nhiều năm qua, tuyển sinh “3 chung” với việc khống chế bằng điểm sàn đã giúp điểm đầu vào ở nhiều trường ĐH được nâng lên. Tuy nhiên, hiệu suất đào tạo ở nhiều trường vẫn còn thấp. Nguyên nhân được các trường đưa ra là do sinh viên (SV) chưa quen cách học. Ngoài ra, điều kiện học tập và cách dạy của giảng viên chưa hấp dẫn.
Không quen cách học nên đuối dần
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ông Nguyễn Văn Long Giang, Phó trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Trường đã cố gắng đáp ứng các điều kiện học tập, nhưng tỉ lệ SV tốt nghiệp đúng tiến độ so với đầu vào hằng năm chỉ khoảng 40%-50%”.
Tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, tỉ lệ tốt nghiệp đợt 1 năm 2009 thấp nhất là ngành cử nhân tiếng Nga 33%, toán học 50%, sư phạm tiếng Pháp 64%, cử nhân tiếng Pháp 56%, cử nhân công nghệ thông tin 63%...
Còn tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, khoảng 4 - 5 ngành có tỉ lệ tốt nghiệp đạt khoảng 60%-70%.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, có những ngành tỉ lệ tốt nghiệp chưa đến 50%, như cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm đầu vào là 48 SV nhưng chỉ có 24 SV tốt nghiệp, cơ khí nông lâm 50/20, công nghệ nhiệt lạnh 84/57, điều khiển tự động 68/34, công nghệ thông tin 97/61...
Theo ông Võ Văn Việt, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hầu hết SV không được xét tốt nghiệp là do nợ môn, bị lưu ban và một số bỏ học giữa chừng.
Ông Tạ Quang Lâm, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết rất nhiều SV điểm đầu vào rất cao nhưng trong quá trình học không bắt nhịp được với cường độ học tập bậc ĐH nên không theo kịp chương trình, nợ môn triền miên, cuối cùng phải rớt lại.
Chán vì học kiểu tưởng tượng
Có mặt tại một phòng thực hành của SV ngành cơ điện tử Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều SV không chịu thực hành mà ra ghế đá ngồi đọc tài liệu. Hỏi ra mới biết do học lý thuyết quá lâu nên đến giờ thực hành SV không thể nhớ nổi phải làm gì...
Còn theo các SV Khoa Cơ khí công nghệ của trường này, trong các giờ học, SV phải tưởng tượng rất nhiều vì quá ít thời gian thực hành. Có những môn đáng ra phải được tận mắt chứng kiến máy móc để biết được sự vận hành của thiết bị nhưng SV lại chỉ được nghe giảng viên nói và vẽ rồi dặn về nhà nghiên cứu thêm. Trong lớp có 44 SV nhưng chỉ có 20-30 SV đi học. Số SV bỏ lớp chủ yếu vì không tiếp thu được, sinh ra chán nản.
Thêm vào đó, SV phải học trên những thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ. Kỹ sư Nguyễn Văn Kiệp, giảng viên hướng dẫn thực hành của Khoa Cơ khí công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết có những máy móc thiết bị đã trang bị cách đây 30 năm, quá lạc hậu, phục vụ những nền tảng kiến thức cơ bản tối thiểu thì được, nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế.
“Nếu có những phương tiện hiện đại hơn thì chắc chắn sẽ thu hút SV say mê học tập, nghiên cứu nhiều hơn” - kỹ sư Nguyễn Văn Kiệp nói.
Tại phòng thực hành của Khoa Điện - điện tử của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật THPCM, chúng tôi thấy chỉ có một số thiết bị đặt trong phòng nhưng rất cũ kỹ, SV phải phân nhóm ra để thực hành vì thiếu thiết bị. Một SV cho biết trường vẫn dùng hệ thống vi xử lý S200, trong khi thị trường đang dùng phổ biến hệ thống S3000...
Nhiều giảng viên chưa nhiệt tình
Ngoài những nguyên nhân trên, TS Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Khoa Toán - tin Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên hiện nay vẫn chưa thu hút SV, thậm chí dạy một đường ra đề thi một nẻo; giáo trình, thư viện vẫn chưa đáp ứng ứng được nhu cầu tự học, đội ngũ cố vấn học tập còn mờ nhạt...
“Tụi em là SV kỹ thuật, phải học rất nhiều môn liên quan đến toán. Nhưng khổ nỗi có giảng viên giảng viên giảng theo kiểu nghe được gì thì nghe. Lượng bài quá nhiều, lại không nghe kịp nên số bài không hiểu càng chồng chất” - một SV năm thứ 4 ngành điện - điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết. Theo SV này, mỗi năm phải học 227 tín chỉ, với số lượng kiến thức nhiều như vậy nếu giảng viên không tận tình giảng thì SV không thể nào hiểu và học được, thế nhưng đáng buồn vẫn còn có những giảng viên kiểu “sống chết mặc bay”.
Do vậy, theo TS Nguyễn Thái Sơn, để khuyến khích SV học tập tốt hơn, các trường cần có biện pháp giám sát chương trình đào tạo, có thông báo thời gian ngoài giờ của giảng viên và tính thù lao cho giảng viên đúng công sức thì giảng viên mới nhiệt tình chỉ dẫn cho SV.
Còn TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đề nghị giảng viên cần chuẩn bị giáo trình trước khi đến lớp, tăng công sức và thời gian dành cho SV. khi giảng viên chuyên tâm thì chất lượng bài giảng tốt hơn, đó cũng là động lực giúp SV học tập tốt.
Thùy Vinh – nld.com.vn
11/11/2009