Hệ trung cấp của các ĐH, CĐ 'đem con bỏ chợ'

Việc mở rộng quy mô tuyển sinh trung cấp ở các ĐH, CĐ đang gây ra nhiều hệ lụy. Tâm lý phân biệt “con đẻ” (hệ ĐH, CĐ) và “con nuôi” (hệ trung cấp) đã khiến chất lượng đào tạo ở hệ trung cấp đang bị “bỏ rơi”.

Hiện có tới 285 ĐH, CĐ đào tạo hệ trung cấp với quy mô tuyển sinh 350.000 chỉ tiêu; chiếm 50% tổng chỉ tiêu của hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).  Thậm chí ở không ít ĐH có  quy mô tuyển mới của hệ này ngang ngửa với hệ ĐH. Đơn cử, ĐH Quốc tế Hồng Bàng: 3.000 chỉ tiêu, ĐH Công nghiệp TP HCM: 6.000 chỉ tiêu.

Quyền lợi của học viên không đảm bảo

Nhiều ĐH, CĐ ngoài công lập khi xét tuyển hệ trung cấp đều có thêm thông tin “chỉ mở lớp khi có đủ học viên”. Và theo thống kê, có đến 30% sinh viên hệ trung cấp “rơi rụng” hàng năm. Thậm chí có trường, con số sinh viên trụ lại cho đến khi ra trường chỉ chiếm 50% trên tổng số nhập học.

Trong khi chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất của hệ CĐ, ĐH - “con đẻ” của các trường còn nhiều bất cập thì việc mở rộng quy mô tuyển sinh trung cấp đã gây ra nhiều hệ lụy. Mới đây, nhiều học viên hệ trung cấp của CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn  phản ứng dữ dội vì nhà trường giải tán lớp vì không đủ sỹ số khi học viên đã nhập học học hơn hai tháng. Một học viên của trường cho biết: “Nhà trường làm thế chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”, vì giải tán lớp muộn như vậy thì các em không còn cơ hội tìm chỗ học mới khi các trường khác đã ngưng xét tuyển từ lâu”.

 

Khá nhiều ĐH, CĐ khi thông báo xét tuyển hệ trung cấp đều có ghi chú: “Trường chỉ mở lớp khi số thí sinh trúng tuyển nhập học đủ sĩ số tối thiểu (từ 50 sinh viên/lớp/ngành trở lên)”. Một số trường khác không thông báo rộng rãi, nhưng khi thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển thì nhân viên nhận hồ sơ sẽ dặn dò kỹ lưỡng: “Nếu không đủ sĩ số để mở lớp thì nhà trường thông báo để em rút học phí lại hoặc chuyển sang ngành khác”. N.V.Hòa, học viên hệ trung cấp của CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn buồn bã nói: “Chẳng ai bảo vệ quyền lợi cho học viên cả. Chất lượng đào tạo của hệ ĐH, CĐ không tốt thì báo chí nói nhiều rồi, nhưng chưa thấy ai đả động đến hệ trung cấp”.

Yêu "con đẻ, ghẻ "con nuôi"?

N.Liễu, cựu sinh viên hệ trung cấp ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết: “Em học được một năm thì bỏ học, vì thầy cô dạy và chương trình học rất chán”. Chung suy nghĩ này, Hoàng Bảo, sinh viên hệ ĐH chính quy ĐH Công nghiệp TP HCM nhận định: “Hệ ĐH chính quy là “con đẻ” bao giờ cũng được ưu tiên về giáo viên, lịch học, cơ sở vật chất hơn các hệ khác”.

N.V.Hóa, học viên trung cấp ĐH Tôn Đức Thắng phàn nàn: “Hệ đại học được học ở cơ sở chính với cơ sở vật chất khá tốt, trong khi hệ trung cấp phải học ở một cơ sở không đủ điều kiện bằng. Tuy nhiên, học phí trung cấp cũng không kém nhiều so với hệ đại học”.

“Chưa hết học kỳ 1, hơn 15% học viên lớp em nghỉ học vì chán nản, không có tinh thần học tập vì chất lượng quá tệ. Học trung cấp mà toàn thấy dạy lý thuyết, không thấy thực hành đâu cả”, Quang Trung, học viên hệ trung cấp  ĐH Hồng Bàng cho biết.

Tuy nhiên, năm 2009, mới có duy nhất  ĐH Hùng Vương bị Bộ GD-ĐT đóng cửa hệ trung cấp do cơ sở vật chất, giảng viên và các điều kiện phục vụ đào tạo không đảm bảo yêu cầu.

Một cán bộ phòng đào tạo ĐH Hùng Vương cho biết: Hệ trung cấp hiện đang tồn tại hai dạng: “Một do trường quản lý, một do các cơ sở liên kết quản lý. Với nhóm trung cấp do các trường quản lý thì các trường có kiểm tra về công tác tổ chức, giảng dạy. Còn nhóm kia thường được là phó mặc cho đối tác liên kết”.

Vì tình trạng này, các trường TCCN cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD- ĐT nên giảm quy mô tuyển sinh hệ trung cấp của các trường ĐH, CĐ để tránh tình trạng “cạnh tranh”, vì tâm lý thí sinh vẫn muốn được nhận tấm bằng do ĐH, CĐ cấp nhiều hơn. 

Mai Lâm (Báo Đất Việt)

28/11/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang