Nhận diện đại học kém chất lượng: Buồn như đại học... tỉnh lẻ

Thành lập khi chưa kịp xây dựng cơ sở, nhiều trường ĐH ở các tỉnh phải đi thuê mướn khắp nơi để hoạt động. Có trường không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu đã “vơ vét” cả những thí sinh chất lượng thấp.

Trường ĐH Tây Đô – Cần Thơ được thành lập từ năm 2006, là trường ĐH tư thục đầu tiên ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên ở trường này vẫn còn thiếu thốn.


Thuê chỗ “chữa cháy”


Trường ĐH Tây Đô tuyển sinh ở cả 3 bậc đào tạo ĐH, CĐ và trung cấp. Để sớm đi vào hoạt động trong khi trụ sở chưa kịp xây dựng, ban giám hiệu nhà trường phải thuê nhiều nơi để “chữa cháy”.


Từ năm 2006, Trường ĐH Tây Đô phải thuê tạm 2 dãy phòng cũ kỹ nằm trong khuôn viên Trường CĐ Sư phạm Cần Thơ trên đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều hoạt động đến nay. Trường còn thuê một địa điểm nằm trong khuôn viên Trường Chính trị Cần Thơ trên đường 3-2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều để ghi danh học viên...

 

Ông Nguyễn Văn Quang, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho biết: “Do trường mới thành lập nên còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc chờ xây dựng trụ sở chính, trường đành phải thuê rất nhiều địa điểm ở Cần Thơ để giảng dạy, đào tạo cho hàng ngàn sinh viên”.


Ngày 13-3-2008, Trường ĐH Tây Đô mới khởi công xây dựng trụ sở tại phường Lê Bình, quận Cái Răng - TP Cần Thơ trên diện tích 12,6 ha. Theo ông Quang, dự kiến khoảng năm 2011-2012, trụ sở chính của trường mới xây dựng hoàn thiện. Từ nay đến lúc đó, trường sẽ từng bước trả lại các địa điểm đã thuê mướn hoạt động trong thời gian qua.


Bình mới rượu cũ


Trường ĐH Phạm Văn Đồng thành lập năm 2007 trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi và Trường CĐ Cộng đồng Quảng Ngãi. Tương tự Trường ĐH Tây Đô, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên ở trường này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Dù đã lên ĐH 2 năm nay nhưng nhìn chung, Trường ĐH Phạm Văn Đồng vẫn không khác mấy so với Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi trước đây.


Trong khi chờ triển khai dự án xây dựng trụ sở chính, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhà trường phải tu sửa phòng ốc cũ của Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi để sử dụng. Thế nhưng, cơ sở này không đủ chỗ, nhà trường phải bố trí giảng dạy cả thứ bảy và chủ nhật.

 

Hơn nữa, do chưa có nơi giảng dạy tập trung nên trường phải dạy ở các địa điểm phân tán, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như phân bổ trang thiết bị giảng dạy và học tập.


Trong khi đó, dự án xây dựng Trường ĐH Phạm Văn Đồng ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi lại triển khai quá ì ạch. Đến nay, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: “Phải 2 - 3 năm nữa may ra mới có trụ sở mới, còn bây giờ chúng tôi có gì tận dụng nấy”.


Dưới 6 điểm cũng vào ĐH!


Năm học trước, Trường ĐH Quảng Bình được giao tuyển 2.300 chỉ tiêu. Để đạt chỉ tiêu, trường đã tuyển hàng trăm sinh viên không đúng quy định. Nhiều trường hợp thí sinh chỉ đạt tổng số điểm 3 môn thi dưới 6 điểm vẫn được trường tiếp nhận. Do đó, có gần 400 thí sinh lẽ ra phải trượt lại được “thẳng tiến” vào ĐH. 


Năm học 2009, Trường ĐH Quảng Bình có chỉ tiêu tuyển 2.350 sinh viên. Tuy nhiên, đến ngày khai giảng năm học mới, nhà trường chỉ tuyển được 1.100 sinh viên. Theo TS Nguyễn Khắc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình, năm nay trường không đạt chỉ tiêu tuyển sinh là do thí sinh dự thi vào trường đạt điểm thấp dưới sàn quy định của Bộ GD-ĐT quá nhiều.


Không chỉ tuyển một lượng thí sinh chất lượng thấp, Trường ĐH Quảng Bình còn “tận thu” nhiều kiểu. Điển hình nhất là khi nhập học, mỗi tân sinh viên đều bắt buộc phải mua cuốn Sổ tay sinh viên với giá 25.000 đồng. Số tiền tuy không lớn song với nhiều sinh viên là dân vùng sâu, vùng xa ở Quảng Bình, đó là một khoản không nhỏ. Điều đáng nói là Sổ tay sinh viên chỉ là bản sao, nhiều tiệm photocopy trước cổng trường bán chỉ... 5.000 đồng!

 

Khánh - Long – Hà (NLĐO)
31/10/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang