"Phổ cập" đại học
"Đại học giờ nhiều quá nhưng thầy thì đi mượn, thầy giảng trên lớp mà chạy sô như đi hát. Rồi thì đủ các loại đào tạo tại chức, khi tốt nghiệp cũng đội mũ "chào mào" rất oách, nhưng hỏi đến kiến thức thực tế thì không còn biết nói thế nào".
Vài năm trở lại đây, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước phát triển với số lượng lớn chưa từng thấy. Đến đâu người ta cũng bắt gặp nhan nhản các trường ĐH, CĐ ở đủ các cấp độ quản lý khác nhau như ĐH của tỉnh, ĐH của ngành, ĐH của khu vực và các loại ĐH, CĐ ngoài công lập.
Về chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo cũng bùng nổ chưa từng thấy, từ chỗ chỉ tuyển sinh 34.110 sinh viên và có 19.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ vào năm 1987 thì đến năm 2009 đã tuyển sinh 503.618 sinh viên và có 222.665 sinh viên tốt nghiệp.
Với số lượng tuyển sinh ồ ạt của các trường ĐH như vậy nên chất lượng đầu vào của một số trường ĐH, CĐ vô cùng thấp, rất nhiều học sinh THPT có học lực trung bình cũng có thể ung dung cắp cặp, không vào trường ĐH này thì vào trường khác. Điều này khiến cho kỳ thi "vượt vũ môn" qua "cổng trường ĐH cao vời vợi" gần như không còn ý nghĩa gì.
Chính sự quá dễ dãi trong việc cấp phép thành lập các trường ĐH cho nên có ít nhất 20% số trường ĐH, CĐ được thành lập mới và nâng cấp lên ĐH không đủ các yếu tố để thành lập trường, như: Đội ngũ giáo viên; vốn đầu tư; trang thiết bị phục vụ đào tạo... mà Trường ĐH Phan Thiết là một điển hình.
Trong một lần trả lời báo chí về chất lượng ĐH, CĐ, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã từng than phiền: "ĐH giờ nhiều quá nhưng thầy thì đi mượn, thầy giảng trên lớp mà chạy sô như đi hát. Rồi thì đủ các loại đào tạo tại chức, khi tốt nghiệp cũng đội mũ "chào mào" rất oách, nhưng hỏi đến kiến thức thực tế thì không còn biết nói thế nào".
Điều này cũng dễ hiểu, bởi việc thành lập trường ĐH, CĐ một cách quá dễ dãi nhưng lại không có chế tài để quản lý, dẫn đến Bộ GDĐT chỉ quản lý được 14,4% số lượng trường ĐH,CĐ, số còn lại là do địa phương, bộ, ngành và tư nhân quản lý. Thế nên có rất nhiều trường tự tung, tự tác trong chi tiêu, thu các khoản đóng góp của sinh viên một cách vô tội vạ; đổi lại, sinh viên được học theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
Trước một thực trạng bức xúc như vậy, đến nay Bộ GDĐT đã phải chính thức thừa nhận không thể trả lời được câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Việc các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo ra sao? Và đến nay, có bao nhiêu cán bộ giảng viên giảng dạy ĐH, CĐ đạt chất lượng?
Đào tạo ĐH, CĐ là đào tạo nhân tài cho đất nước, nó tiêu tốn một khối lượng tiền bạc và thời gian vô cùng lớn của xã hội. Sản phẩm của nó có tác động ngay đến sự phát triển của kinh tế đất nước về sau này. Đào tạo tốt sẽ cho ra lò một đội ngũ nhân lực tốt cho đất nước, và ngược lại.
Người xưa đã tổng kết "Hiền tài là rường cột quốc gia", nhưng với việc đào tạo theo dạng "phổ cập đại học" như hiện nay, nếu không có giải pháp đột phá thì chất lượng giáo dục đại học không những sẽ ngày càng tụt hậu, mà nền kinh tế đất nước sẽ còn chịu hậu quả tồi tệ trong thời gian dài.
Chí Tùng (laodong.com.vn)
03/11/2009