Sẽ công khai hồ sơ mở ngành mới trên mạng

Quy trình cho phép mở ngành trình độ đào tạo ĐH, CĐ phần lớn chỉ được thẩm định trên hồ sơ nhưng lại “lỏng” ở khâu hậu kiểm nên thời gian qua trường ồ ạt mở ngành học mới khi thực tế chưa đủ điều kiện.

Tiến sĩ Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này.

- Thưa bà, có ý kiến cho rằng, quy trình xét duyệt mở ngành của Bộ GD-ĐT tuy khó về mặt hồ sơ giấy tờ, nhưng lại “lỏng” ở khâu hậu kiểm nên thời gian qua, nhiều trường đã ồ ạt mở ngành học mới khi thực tế chưa đủ điều kiện?

- Bất cứ hồ sơ xin mở ngành nào cũng phải qua các khâu: Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, thẩm định hồ sơ và khảo sát tại trường (nếu cần) và quyết định giao mở ngành đào tạo.

Do vậy, trường đăng ký mở ngành đào tạo phải đáp ứng đủ theo quy định về Quy trình, điều kiện và hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ mà Bộ GD - ĐT ban hành năm 2007.

Đối ngành thuộc trình độ ĐH, giảng viên cơ hữu đảm nhận ít nhất 70% khối lượng của chương trình đào tạo và có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ, hai giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành. Đối với trình độ CĐ có ít nhất hai giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành. Trong trường hợp đặc biệt như đối với các ngành mới, đối với các trường ở vùng khó khăn Bộ GD - ĐT sẽ có xem xét riêng.

Bên cạnh đó, điều kiện về mở ngành quy định cụ thể các yêu cầu về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất như: chương trình đào tạo, đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập, phòng thí nghiệm, máy tính, phòng học ngoại ngữ, xưởng thực hành và các phần mềm đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo…

 

- Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng việc mở ngành mới hiện nay chủ yếu trên hồ sơ chứ chưa kiểm tra thực tế?

 

- Thực ra, trong các quy định hiện hành có nội dung khảo sát tại cơ sở đào tạo khi xem xét mở ngành nếu cần thiết. Vì vậy, trước đây Bộ mới chỉ khảo sát khi các cơ sở mở các ngành liên quan tới khoa học sức khoẻ, sư phạm, luật hoặc các ngành mà cơ sở đăng ký mở ngành không phải là thế mạnh. 

Tuy nhiên, trong quy định mở ngành lại chưa có khâu thẩm định tại cơ sở đào tạo khi mở ngành đối với trường mới thành lập. Thực tế này cho thấy hiện nay nhiều cơ sở chưa công khai năng lực đào tạo của mình, nếu không thẩm định cụ thể tại cơ sở dễ dẫn đến tình trạng báo cáo năng lực trong hồ sơ không đúng với thực tế, không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy trong dự thảo mới về quy định mở ngành, chúng tôi dự kiến có quy định công khai hồ sơ đề nghị mở ngành trên trang web của Bộ, và có thẩm định tại sở giáo dục trước khi được mở ngành ba tháng và ba năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại một lần.

-Theo bà, quy trình mở ngành mới này sẽ có tác động như thế nào đến chất lượng đào tạo của các trường?

- Quy trình này đòi hỏi các cơ sở đào tạo muốn mở ngành phải chuẩn bị đầy đủ năng lực để tổ chức đào tạo. Xã hội và mọi người học có thể dễ dàng kiểm tra năng lực của cơ sở đó. Và như vậy, đây cũng chính là quy định buộc các cơ sở đào tạo có trách nhiệm với chất lượng đào tạo của chính cơ sở mình.

- Cảm ơn bà.


Quảng Dân (Báo Đất Việt)
08/12/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang