Sớm khắc phục tình trạng tụt hậu đại học
Sáng 22-12 tại TP.HCM, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra đối với giáo dục đại học ở Việt Nam”.
PGS-TS Lê Quang Minh - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết nền ĐH VN vận hành và cung cấp nguồn nhân lực theo kiểu cũ, hiệu suất sử dụng nguồn nhân lực không cao do sinh viên thiếu kỹ năng mềm. Chúng ta phải minh bạch và công bố chuẩn chất lượng.
Kiểm định, xếp hạng trường ĐH
PGS-TS Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Đảm bảo đào tạo và nghiên cứu phát triển giáo dục - cho rằng các trường ĐH VN cần xác định được tương quan so với các trường ĐH khác trong khu vực và thế giới để có lộ trình phát triển nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng tụt hậu hiện nay. Xếp hạng các trường ĐH VN là cách tiếp cận để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Cần bổ sung và điều chỉnh quy định về chu trình và chu kỳ kiểm định chất lượng trường ĐH. Việc kiểm định chất lượng nên do một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân và chuyên môn sâu về đo lường đánh giá và kiểm định chất lượng.
Hiện nay chúng ta vẫn chưa có một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập. Đội ngũ những người thực hiện việc này vừa qua chưa được đào tạo chuyên sâu. Kết quả kiểm định chất lượng 40 trường ĐH vừa qua do một đơn vị nước ngoài phối hợp thực hiện. Tuy nhiên họ chỉ tập huấn kỹ năng đánh giá cho giáo viên, không tư vấn hoặc có những chỉ đạo kỹ thuật trong quá trình triển khai đánh giá nên hiệu quả không cao.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT tổ chức kiểm định là chưa hợp lý, việc này phải do một tổ chức độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan. TS Cao Đắc Hiển - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho rằng trường ĐH là thương hiệu, người học là khách hàng. Nên để cho một tổ chức độc lập đại diện cho người học kiểm định chất lượng của trường. Việc Bộ GD-ĐT kiểm định chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Cũng có ý kiến cho rằng nên kiểm định chất lượng theo ngành đào tạo, ngành nào không đạt sẽ không cho phép đào tạo.
Giáo dục vị nhân sinh
Bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết từ năm 1998 đến nay có 31 trường ĐH được thành lập mới, trong đó có 30 trường ĐH tư thục. Hiện nay tỉ lệ sinh viên/vạn dân là 189 và phấn đấu đến năm 2010 là 400 sinh viên/vạn dân. Bà Hà cho rằng sự phát triển mạng lưới các trường ĐH như vậy là cần thiết và phù hợp quy hoạch phát triển. Tuy nhiên bà Hà cũng thừa nhận công tác hậu kiểm các trường trong việc thực hiện cam kết của bộ vẫn chưa được tốt lắm.
Các trường làm tốt chưa được khuyến khích, trường làm kém vẫn không có xử phạt. Để nâng cao chất lượng các trường mới thành lập, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, một trong những văn bản có liên quan là điều kiện thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động sáp nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH. Chúng tôi cố gắng hoàn thành khi sửa đổi luật có hiệu lực.
Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển hay thành lập mới trường ĐH là cần thiết, tuy nhiên với cách quản lý như hiện tại, sự phát triển của nền giáo dục ĐH sẽ bị cản trở. GS Phạm Phụ cho rằng việc thành lập mới nhiều trường ĐH là cần thiết, nhất là các trường địa phương để giải quyết bài toán công bằng xã hội. Tuy nhiên có những trường chưa đảm bảo cơ sở đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT vẫn cho phép tuyển sinh.
Công tác quản lý bị buông lỏng và người chịu thiệt là sinh viên, không ai bảo vệ họ. Họ phải đóng học phí cao trong khi không được hưởng những điều kiện đào tạo tương xứng. Học ĐH không chỉ vì quyền lợi cá nhân sinh viên mà còn đóng góp cho xã hội. GS Phụ cũng cho rằng không nên đếm chúng ta đã thành lập bao nhiêu trường mà điều cốt lõi là tốc độ phát triển sinh viên như thế nào. Tốc độ phát triển sinh viên của VN là tương đối. Do đó, thay vì giao chỉ tiêu cho những cơ sở đào tạo cho các trường chưa đủ điều kiện thì nên tăng chỉ tiêu cho các trường có điều kiện đảm bảo.
Liên quan tới vấn đề quản lý các trường ngoài công lập, GS Phụ nhấn mạnh: nếu không làm rõ cơ chế “vì lợi nhuận” thì giáo dục ĐH sẽ không phát triển được, thậm chí phá nát nền giáo dục! Mặc dù đã có nhiều ý kiến về việc làm rõ cơ chế này từ nhiều năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn cố tình làm lơ. Do đó, đến nay vẫn còn nhiều trường dân lập chưa chuyển qua tư thục do còn vướng mắc lợi nhuận. Ở nước ngoài có rất nhiều trường tư thục không lợi nhuận hoạt động rất hiệu quả.
Trong khi đó, GS Trần Hồng Quân cho rằng mục tiêu 4,5 triệu sinh viên vào năm 2020 kéo theo lượng giảng viên phải tăng gấp năm lần hiện nay. Tuy nhiên, trong 10 năm qua số lượng giảng viên chỉ tăng gấp đôi. Không chỉ số lượng, chất lượng giảng viên cũng phải được chú ý. Nếu không có giải pháp thực hiện việc này, vấn đề chất lượng giáo dục ĐH sẽ không giải quyết được.
PGS Văn Như Cương đặt vấn đề: chúng ta tính đến việc xây dựng trường ĐH đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên cần làm rõ mục tiêu của các trường đó là gì? Chúng ta bỏ ra nhiều tiền xây dựng, đầu tư nhưng cuối cùng chỉ có con em nhà giàu mới có khả năng vào học.
“Tôi cho rằng nếu xét về lợi ích quốc gia thì kiểu trường quốc tế như thế không hiệu quả. Chúng ta chỉ nên làm một vài trường cho “oai” chứ không nên phát triển rầm rộ. Giáo dục trước hết phải vị nhân sinh chứ không phải vị giáo dục” - PGS Cương chia sẻ.
Buộc các trường phải kiểm định chất lượng
Bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết bên cạnh yêu cầu các trường thực hiện quy chế “ba công khai”, Bộ GD-ĐT buộc các trường phải thực hiện kiểm định chất lượng trường và kiểm định chương trình đào tạo.
Các trường mới thành lập cũng phải thực hiện việc tự đánh giá. Tới đây, trong việc kiểm định chất lượng bộ trưởng chỉ đạo các trường buộc phải đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài.
Trường nào thực hiện đánh giá ngoài mới có quyền lợi trong chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo chất lượng cao... Bộ sẽ thực hiện thẩm định năng lực thực tế của các trường khi mở ngành đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm được giao trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực thực tế của từng trường
|
Tuoitre Online
23/12/2009