Dạy nghề mà không thành nghề!

Lần đầu tiên, học sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình về việc đào tạo nghề hiện nay trong buổi tọa đàm do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 17-12. Đây là một trong chuỗi 5 buổi tọa đàm lấy ý kiến của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, phụ huynh nhằm tìm ra giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn TP.

Học nhiều, biết ít


Tại buổi tọa đàm, các học sinh và cựu học sinh TCCN đã nêu lên nhiều ý kiến về thực trạng dạy và học tại các trường nơi các em đã và đang theo học. Một trong những ý được nhiều học sinh đề cập là hiện nay nhiều môn học trong chương trình còn rất chung chung, mơ hồ, không tập trung vào một vấn đề cụ thể.

Tôn Nữ Bội Ngọc, cựu học sinh Trường CĐ Kinh tế TPHCM, nhận xét: “Thời gian học chỉ có 2 năm nhưng có nhiều môn học ít liên quan đến ngành nghề thực tế. Điều này xuất phát từ mong muốn học sinh cái gì cũng phải  biết, rốt cuộc bọn em chẳng biết cái gì cụ thể”.


Đồng tình với ý kiến của Ngọc, Dũng, học sinh Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, bổ sung: “Chương trình học quá dày đặc về lý thuyết mà ít thực hành, kiến thức thì lỗi thời, không cập nhật thông tin mới nên khi ra trường, chúng em thấy nhà trường và thực tế là hai thế giới hoàn toàn xa lạ!”.

 

Dũng còn nhấn mạnh: “Bản thân em học ngành điện nhưng các kiến thức học được không hề ứng dụng được vào thực tế”. Nguyễn Văn Nghĩa, học sinh Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, đề nghị: “Chương trình học cần thường xuyên được cập nhật các nội dung mới, sát thực tế để học sinh nghề không phải “bơi” khi ra trường”.


Trả lời các ý kiến của học sinh, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng chương trình học đã có khung quy định sẵn nên việc thường xuyên thay đổi là khó thực hiện, cần phải có lộ trình và kế hoạch tỉ mỉ chứ không thể tùy tiện thay đổi được (?!).


Choáng ngợp khi ra trường


Một vấn đề nữa cũng khiến các học sinh bức xúc đó là tình trạng thiếu thốn máy móc, thiết bị để thực hành. Học sinh Dũng kể về kinh nghiệm bản thân: “Ở trường, tụi em được thực hành trên các loại máy cũ đến nỗi khi đi làm đã bị choáng ngợp với thực tế.

Thậm chí, có tâm lý ngại không dám đụng vào vì lo sợ làm hư máy”. Đặng Văn Lực, học sinh Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, cùng tâm trạng: “Em học ngành máy ô tô. Ở trường, em chỉ được tiếp cận với máy đời cũ nhất trong khi ở ngoài người ta đã không còn sử dụng loại máy đó từ lâu!”.


Thông cảm với tình trạng thiếu thốn phương tiện thực hành của học sinh, tuy  nhiên ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng vấn đề này không dễ giải quyết bởi liên quan đến vấn đề kinh phí của các trường mà hiện nay hầu hết các trường còn đang phải loay hoay với vấn đề tài chính.


Thực tập chỉ là rửa ly, bưng nước?


Trong khi chương trình học chưa bám sát thực tế, trang thiết bị lạc hậu thì quá trình thực tập tại doanh nghiệp cũng khiến nhiều học sinh nản lòng. Học sinh Tôn Nữ Bội Ngọc cho rằng do kiến thức học ở trường không đủ để ứng dụng trong thực tế nên trong kỳ thực tập tại ngân hàng dù cũng được chỉ bảo tận tình nhưng công việc hằng ngày của Ngọc cũng chỉ là xem tỉ giá và thống kê số liệu chuẩn bị cho báo cáo tốt nghiệp của mình mà thôi.


Nguyễn Thị Cẩm Vân, cựu học sinh Trường Nam Sài Gòn, cho biết: “Sau quá trình học tại trường, đến kỳ thực tập, tụi em rất háo hức. Thế nhưng, thật thất vọng khi đến doanh nghiệp, tụi em được tiếp đón bằng thái độ thờ ơ.

Ngoài ra, chúng em cũng không được phép tiếp cận công việc thực tế mà chỉ được sai bảo làm những việc lặt vặt. Cuối kỳ thực tập, tụi em hầu như không thu lượm được kinh nghiệm thực tế gì liên quan đến chuyên môn. Thậm chí, học sinh tụi em còn chua chát nói với nhau rằng không lẽ thực tập chỉ là đi rửa ly, bưng nước thôi sao?”.


Ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng để khắc phục những khó khăn trong quá trình thực tập, nhà trường và doanh nghiệp cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Song song đó, trong quá trình học, nhà trường cũng cần tổ chức thường xuyên các chuyến tham quan, kiến tập tại các công ty, nhà máy để học sinh có khái niệm cơ bản về môi trường làm việc sau khi ra trường để tự tin và có động lực học tập.


Ông Thanh cho biết thêm các ý kiến từ các buổi tọa đàm sẽ được tổng hợp và đúc kết thành các giải pháp đề xuất lên UBND TPHCM tìm hướng giải quyết cho giáo dục chuyên nghiệp TP.

 

Thanh Lê (NLĐO)
18/12/2009

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang