Ngành Thủy điện

 

Ngành đào tạo: THỦY ĐIỆN      

Trình độ đào tạo:         Trung cấp chuyên nghiệp

Đối tượng tuyển sinh:  Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo:        2 năm 

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Thủy điện được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên có trình độ trung cấp chuyên nghiệp về Công nghệ kỹ thuật điện (ngành Thủy điện).

Chương trình chuẩn bị cho người học kiến thức và kỹ năng kỹ thuật trợ giúp cho kỹ sư và các nhà chuyên môn trong việc thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì và sửa chữa nhà máy thủy điện.

Nội dung khóa học bao gồm những kiến thức cơ bản của ngành Thủy điện theo hướng chuyên sâu về quản lý vận hành các thiết bị điện, thiết bị cơ khí thủy lực trong nhà máy thủy điện, thi công công trình thủy điện và trạm vừa và nhỏ. Người học cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.

 Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Thủy điện, có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa cải tiến các thiết bị trong nhà máy thủy điện, có khả năng đảm nhận được các nhiệm vụ lắp đặt, vận hành, bảo trì và sửa chữa thiết bị trong các nhà máy thủy điện có công suất vừa và nhỏ hoặc trong các nhà máy thủy điện có công suất lớn dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư và chuyên gia; có khả năng thích ứng với các thiết bị công nghệ tiên tiến; có khả năng làm việc tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp hoặc các đơn vị hành chính sự nghiệp có liên quan tới ngành được đào tạo và có khả năng học tập lên các trình độ cao hơn.

 

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng:

1. Về kiến thức

- Trình bày được nguyên lý, cấu tạo, các tính năng, tác dụng của các loại thiết bị điện và thiết bị cơ khí thủy lực trong ngành Thủy điện.

- Đọc hiểu và phân tích được các bản vẽ nguyên lý về sơ đồ điện như bản vẽ cấp điện, bản vẽ nguyên lý mạch điều khiển; vận dụng được những kiến thức đã học trong thi công lắp đặt, xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện.

- Phân tích được các nguyên tắc thiết kế xây dựng và quy trình vận hành nhà máy thủy điện.

- Phân biệt được các thiết bị nhà máy thủy điện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Trình bày được những hư hỏng thường gặp và phương pháp sửa chữa các hư hỏng của một số thiết bị điện và thiết bị cơ khí thủy lực khi xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện.

2. Về kỹ năng

- Quản lý vận hành được các công trình, nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

- Lắp đặt và tham gia tổ chức lắp đặt hệ thống trang thiết bị điện cho một bộ phận, xí nghiệp, một phân xưởng trong nhà máy thủy điện.

- Vận hành được các thiết bị điện, thiết bị cơ khí thủy lực trong nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

- Xử lý được sự cố trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

- Phát hiện, kiểm tra, lựa chọn phương án và sửa chữa được sự cố của các thiết bị trong nhà máy thủy điện và các công trình thủy công.

- Bảo trì, bảo dưỡng được các thiết bị điện trong nhà máy thủy điện đảm bảo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật.

- Có kỹ năng giao tiếp, tổ chức và làm việc nhóm.

3. Về thái độ

- Có hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

- Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức, có kỷ luật, trung thực; sẵn sàng đảm nhận các công việc được giao ở các nhà máy sản xuất hoặc công ty, xí nghiệp kinh doanh về lĩnh vực điện.

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

TT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

24

3

Các học phần chuyên môn              

32

4

Thực tập nghề nghiệp

10

5

Thực tập tốt nghiệp

12

Tổng khối lượng chương trình

100

 

2. Các học phần của chương trình và thời lượng

I

Các học phần chung

 

Học phần bắt buộc

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

4

Tin học

2

Chính trị

5

Ngoại ngữ

3

Giáo dục thể chất

6

Pháp luật

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Kỹ năng giao tiếp

3

Giáo dục Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

2

Khởi tạo doanh nghiệp

 

 

II

Các học phần cơ sở

 

Học phần bắt buộc

1

Vẽ kỹ thuật 

5

Thủy lực

2

Cơ kỹ thuật

6

Kỹ thuật đo lường

3

Cơ sở Kỹ thuật điện

7

Kỹ thuật an toàn

4

Máy điện

8

Vật liệu điện

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

1

Vật liệu xây dựng

3

Trắc địa

2

Khí cụ điện

 

 

III

Các học phần chuyên môn

 

Học phần bắt buộc

1

Phần điện trong nhà máy điện và Trạm biến áp

5

Bảo vệ Rơle và Tự động hóa trong hệ thống điện

2

Thủy năng

6

Vận hành nhà máy Thủy điện và sửa chữa các thiết bị điện

3

Tuabin nước

7

Thủy công

4

Thiết bị phụ nhà máy Thủy điện

8

Công trình trạm và nhà máy thủy điện

 

Học phần tự chọn (chọn 3 trong 6  học phần)

1

Quản trị doanh nghiệp

4

Thi công công trình

2

Tổ chức quản lý nhà máy thủy điện 

5

Ngoại ngữ chuyên ngành

3

Mạng truyền thông công nghiệp

6

Tin học ứng dụng

IV

Thực tập nghề nghiệp

 

Học phần bắt buộc

1

Thực tập Nguội cơ bản

2

Thực tập Điện cơ bản

 

Học phần tự chọn (chọn 3 trong 4 học phần)

1

Thực tập Thiết bị điện

3

Thực tập Thi công công trình

2

Thực tập Đo lường điện

4

Thực tập Đường dây

V

Thực tập tốt nghiệp

 

IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị

- Học phần Chính trị

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):

- Tuabin nước

- Phần điện trong nhà máy điện và trạm biến áp

3

Thực hành nghề nghiệp (Chọn 1 trong 4 nội dung sau):

- Thiết kế một số bộ phận của trạm thủy điện;

- Lắp đặt hệ thống tự động đơn giản cho thủy điện;

- Lắp tủ điện hạ thế;

- Lắp hệ thống đo lường cho tổ máy.

 

V. Mô tả nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn           

* Vẽ Kỹ thuật   

Học phần này cung cấp những quy tắc cơ bản, các phương pháp xác định vị trí hình chiếu các điểm, đường, mặt làm cơ sở cho việc xây dựng bản vẽ kỹ thuật, cung cấp kiến thức về phương pháp vẽ hình chiếu vuông góc, hình chiếu trục đo, hình cắt, mặt cắt, các quy ước để biểu diễn chi tiết máy trên bản vẽ kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt nam cũng như tiểu chuẩn Quốc tế.

Sau khi học xong học phần này, người học đọc được các bản vẽ kỹ thuật có độ phức tạp trung bình, lựa chọn và sử dụng được các loại vật liệu, dụng cụ vẽ, vẽ được các bản vẽ kỹ thuật có độ phức tạp trung bình đúng yêu cầu kỹ thuật.

* Cơ kỹ thuật

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về cân bằng tĩnh học, động học, cơ sở tính toán độ bền của chi tiết máy. 

            Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những khái niệm cơ bản và các tiên đề về tĩnh học, động học; vận dụng được phương pháp giải bài toán đơn giản về cân bằng tĩnh học. Hiểu và trình bày được những khái niệm cơ bản trong sức bền vật liệu; vận dụng được kiến thức để giải bài toán đơn giản trong các biến dạng.

* Cơ sở Kỹ thuật điện

Học phần này trang bị cho người học kiến thức cơ sở, các định luật cơ bản về trường điện từ, về quan hệ giữa các đại lượng điện-từ và các phương pháp cơ bản để tính toán mạch điện.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các khái niệm cơ bản về Điện và Từ trường; biết vận dụng các định luật cơ bản về trường điện từ để giải thích các hiện tượng vật lý xảy ra trong trường điện từ, tính toán mạch điện một chiều và xoay chiều khi nguồn cấp là sin xoay chiều 1 pha và 3 pha ở chế độ xác lập; lý giải bản chất quá trình quá độ của mạch điện.

* Máy điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về mạch từ, các quan hệ điện từ, cấu tạo, nguyên lý làm việc, các thông số kỹ thuật, các đặc tính làm việc của máy điện tĩnh và máy điện quay, các phương pháp mở máy và điều chỉnh tốc độ động cơ điện, ứng dụng của các loại máy điện cơ bản như máy biến áp, máy điện không đồng bộ một pha và ba pha, máy điện một chiều, máy điện đồng bộ và một số máy điện đặc biệt như động cơ bước, động cơ servo.

            Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được nguyên lý hoạt động, ý nghĩa các đại lượng định mức của các loại máy điện tĩnh và máy điện quay, biết sơ đồ đấu nối các máy điện thông dụng, bảo dưỡng máy điện. Hiểu và mô tả đúng tính năng kỹ thuật của từng loại máy điện đó; lựa chọn và sử dụng được các loại máy điện phù hợp với thực tế sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng.

* Thủy lực

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về áp suất thủy tĩnh, áp lực chất lỏng tác dụng lên mặt phẳng và mặt cong. Các phương trình: Bernoully, động lượng, liên tục của dòng chảy ổn định một chiều, các dạng tổn thất cột nước. Dòng chảy ổn định qua lỗ, vòi, hiện tượng nước va và dòng chảy ổn định trong ống có áp.

Sau khi học xong học phần này, người học vận dụng những kiến thức đã học để tính toán được các bài toán về áp suất, áp lực, phương pháp tính toán thủy lực hệ thống ống.

* Kỹ thuật đo lường

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về thiết bị đo; cấu tạo, nguyên lý làm việc, cách sử dụng và bảo quản các thiết bị đo lường điện và không điện.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, nguyên lý làm việc của các dụng cụ đo, lựa chọn được phương pháp đo và dụng cụ đo; mở rộng được thang đo của thiết bị trong một số trường hợp đơn giản; sử dụng được các thiết bị đo để đo các đại lượng điện và đại lượng không điện.

* Kỹ thuật an toàn

Học phần này giới thiệu các tiêu chuẩn, quy phạm an toàn trong cung cấp và sử dụng điện, phân tích những tác hại của dòng điện đối với con người, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện, phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện, từ đó xác định các biện pháp bảo vệ thích hợp. 

Sau khi học xong, người học có khả năng phân tích được những tác hại của dòng điện đối với con người, cách cấp cứu khi có tai nạn về điện; phân tích các khả năng mất an toàn trong lắp ráp và vận hành thiết bị điện.

* Vật liệu điện

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về vật liệu điện: tính chất của điện môi, các loại vật liệu cách điện, vật liệu dẫn điện, vật liệu từ, vật liệu bán dẫn.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được cấu tạo, tính chất, đặc điểm của vật liệu điện, lựa chọn và sử dụng được vật liệu điện một cách phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong sửa chữa, vận hành các máy điện, khí cụ điện, thiết bị điện.

* Vật liệu xây dựng

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các loại vật liệu sử dụng trong việc xây dựng công trình thủy, những hiểu biết cần thiết về các đặc tính chủ yếu về điện, cơ, lý, hóa của vật liệu để biết cách chọn, sử dụng và bảo quản tốt các loại vật liệu xây dựng thông dụng.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được cách bảo quản vật liệu xây dựng, biết lựa chọn đúng chủng loại khi sử dụng, đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật và kinh tế.

* Khí cụ điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, trình tự tính toán chọn lựa khí cụ điện để đảm bảo vận hành mạch điện cũng như hệ thống điện an toàn.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý hoạt động; tính chọn được các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng; biết ứng dụng và bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đóng cắt và bảo vệ thông dụng.

* Trắc địa

            Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về trắc đạc cần thiết cho xây dựng công trình. Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về cấu tạo các loại máy đo đạc và dụng cụ đo đạc thông thường trong xây dựng.

            Sau khi học xong, người học mô tả được cấu tạo các loại máy đo đạc và dụng cụ đo đạc thông thường, biết sử dụng các máy và dụng cụ đo để đo góc, đo độ cao, độ dài, giác móng của một công trình đơn giản.

* Phần điện trong nhà máy điện và trạm biến áp

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, công dụng, nguyên lý làm việc của các thiết bị điện và cách bố trí chúng trong nhà máy thủy điện và trạm biến áp.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được quy trình vận hành nhà máy điện theo biểu đồ của đồ thị phụ tải; tính toán, chọn được các thiết bị điện để sửa chữa, thay thế trong nhà máy điện và trạm biến áp.

* Thủy năng

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về sử dụng nguồn năng lượng nước trong hệ thống điện lực, các thông số cơ bản của nhà máy thủy điện và phương pháp xác định chúng để điều khiển chế độ làm việc của hồ chứa nhà máy thủy điện.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng tính toán sơ bộ để xác định các thông số cơ bản của nhà máy thủy điện, xác định các chế độ làm việc của các tổ máy, xác định chế độ làm việc ngắn hạn, dài hạn của nhà máy thủy điện trong hệ thống điện.

* Tuabin nước

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên lý làm việc của các loại tuabin, sự biến đổi năng lượng nước trong tuabin, các đường đặc tính của tuabin và của trạm thủy điện; thiết bị điều chỉnh tuabin trong quá trình vận hành tổ máy thủy điện.

Sau khi học xong học phần này, người học mô tả được cấu tạo và phân tích nguyên lý làm việc của các loại tuabin; tính toán chọn sơ bộ các thông số cơ bản của tuabin, lựa chọn được loại tuabin.

* Thiết bị phụ nhà máy thủy điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên lý làm việc, tính năng, tác dụng của hệ thống điều chỉnh, hệ thống dầu, hệ thống khí nén, hệ thống cung cấp nước kỹ thuật, hệ thống thiết bị cơ khí, thiết bị nâng trong nhà máy thủy điện.

Sau khi học xong học phần này, người học phân tích được cấu tạo và cách thức vận hành hệ thống các thiết bị phụ trong nhà máy thủy điện.

* Bảo vệ Rơle và tự động hóa trong hệ thống điện 

Học phần này giới thiệu cấu tạo, nguyên lý làm việc của một số loại rơle trong việc bảo vệ thiết bị trong nhà máy thủy điện; cung cấp những kiến thức cơ bản về nguyên lý làm việc và tác dụng của một số thiết bị tự động hóa trong nhà máy thủy điện.

Sau khi học xong học phần này, người học nhận biết được các loại bảo vệ rơle và các mạch tự động hóa cho các phần tử: Đường dây, máy phát điện đồng bộ, máy máy biến áp, động cơ không đồng bộ, thanh góp nhà máy điện; có khả năng phát hiện được các hiện tượng, các sự cố thường gặp trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện.

* Vận hành nhà máy thủy điện và sửa chữa các thiết bị điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản về  quản lý và vận hành thiết bị thủy điện trong nhà máy thủy điện; đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng về các thiết bị điện, cơ khí, thủy lực và các sự cố thường gặp khi vận hành nhà máy thủy điện.

Sau khi học xong học phần này, người học nêu được quy trình thao tác, vận hành các thiết bị điện, cơ khí, thủy lực; có khả năng vận hành, bảo dưỡng, phát hiện, phân tích được các hiện tượng, các sự cố thường gặp và xử lý, sửa chữa các sự cố, hỏng hóc nhỏ trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện.

* Thủy công

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về công trình thuỷ, hình thức bố trí, cấu tạo các loại đập, công trình tháo lũ, công trình lấy nước, dẫn nước, tháo lũ, một số công trình chuyên môn khác. Các kiến thức cơ bản về quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng tính toán một số nội dung hạng mục trong hệ thống công trình thủy điện.

* Công trình Trạm và Nhà máy thủy điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bố trí tổng thể các thành phần công trình trạm và nhà máy thủy điện, đặc điểm cấu tạo và nguyên lý vận hành các thành phần công trình trên tuyến năng lượng.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng đọc bản vẽ bố trí thiết bị trong nhà máy; từ đó vận dụng đúng quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình trạm và nhà máy thủy điện.

* Quản trị doanh nghiệp

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quản lý doanh nghiệp, quản lý nguồn nhân lực, tài chính, chất lượng và các dự án đầu tư. 

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và áp dụng được các chức năng quản lý, các dạng sơ đồ cơ cấu tổ chức quản lý; hiểu và áp dụng được một cách khái quát về hoạt động quản lý cơ bản của một doanh nghiệp.

* Tổ chức quản lý nhà máy thủy điện

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về tổ chức bộ máy vận hành trạm thủy điện, tổ chức quản lý vận hành các thiết bị thủy điện (các thiết bị cơ khí thủy lực, thiết bị điện), các hạng mục công trình thủy công.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được bộ máy quản lý tại một nhà máy thủy điện, từ đó có khả năng tham gia một vài công đoạn tổ chức quản lý trong nhà máy thủy điện vừa và nhỏ.

* Mạng truyền thông công nghiệp

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các mạng truyền thông công nghiệp đang được sử dụng phổ biến hiện nay; các khái niệm thông tin, dữ liệu, tín hiệu, truyền thông, truyền dữ liệu, truyền tín hiệu và phương pháp mã hóa bít dữ liệu.

Sau khi học xong học phần này, người học có thể hiểu được một số thuật ngữ bus, quan hệ chủ tớ, các chuẩn truyền thông công nghiệp. Phân tích được các thành phần trong mạng truyền thông công nghiệp và ứng dụng trong nhà máy thủy điện để quản lý vận hành.

* Thi công công trình

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về thi công công trình thủy điện, từ đó làm cơ sở tham gia trực tiếp thi công các công trình thủy điện vừa và nhỏ.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày và sử dụng được các tài liệu cơ bản, hồ sơ thiết kế, đề ra được các biện pháp thi công, tính toán được khối lượng công việc, lập kế hoạch dự trù nhân lực, vật liệu, kinh phí và tiến độ thi công. Hiểu và thực hiện đúng quy trình, quy phạm về công tác xây dựng cơ bản trong tổ chức và quản lý thi công.

* Ngoại ngữ chuyên ngành

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về vốn từ chuyên môn và phương pháp đọc tài liệu chuyên môn.

Sau khi học xong học phần, người học sử dụng được ngoại ngữ để đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành đơn giản.

* Tin học ứng dụng

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành nhà máy thủy điện, giới thiệu một số phần mềm ứng dụng điển hình sẵn có ở Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng hiểu và sử dụng được một số phần mềm ứng dụng trong tổ chức, quản lý, thiết kế và vận hành nhà máy thủy điện.

* Thực tập nghề nghiệp

- Thực tập Nguội cơ bản

Học phần này nhằm hình thành các thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng trong một số nhiệm vụ gia công cơ khí. Rèn luyện các thao tác khi gia công, chế tạo các chi tiết máy.

Sau khi thực tập, người học có khả năng thực hiện đúng các thao tác để hoàn thành một số sản phẩm cơ khí với thời gian quy định. 

- Thực tập Điện cơ bản   

Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn kỹ năng tay nghề trong việc lắp đặt các thiết bị điện thông dụng; Phương pháp lựa chọn, sử dụng vật liệu dẫn, cách điện, đấu nối, xác định cực tính của động cơ điện và máy biến áp.

            Sau khi thực tập xong, người học có khả năng sử dụng và bảo quản đúng kỹ thuật các dụng cụ đồ nghề điện thông thường; có kỹ năng lắp đặt, sửa chữa mạch điện và thiết bị điện; lắp đặt được các phụ tải 1 pha và 3 pha; thực hiện đấu nối, đảo chiều các động cơ điện thông dụng; biết cách chọn dây dẫn và các vật liệu, thiết bị trong mạch điện hạ áp; lựa chọn, lắp đặt đúng yêu cầu của bản vẽ trong lắp đặt điện dân dụng; Phân biệt, lựa chọn đúng các loại dụng cụ và vật liệu; có tác phong làm việc công nghiệp, tiết kiệm nguyên vật liệu và an toàn lao động.

- Thực tập Thiết bị điện

Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện cao thế: Máy ngắt, cầu dao, cầu trì, chống sét, tủ điện, trạm biến áp. 

Sau khi thực tập, người học có khả năng lựa chọn và sử dụng hợp lý các vật liệu, thiết bị, dụng cụ; lựa chọn, lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa hoặc chỉnh định được các thông số kỹ thuật của các thiết bị điện theo đúng yêu cầu sử dụng và đúng qui định của nhà sản xuất.

- Thực tập Đo lường điện  

Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng đo lường các đại lượng điện và không điện. 

Sau khi thực tập, người học có khả năng lựa chọn và sử dụng đúng các dụng cụ đo điện cơ bản được sử dụng trong nhà máy điện.

- Thực tập Đường dây

Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng lắp đặt, sửa chữa đường dây có cấp điện áp từ 35KV trở xuống. 

Sau khi thực tập, người học có khả năng thao tác, lắp đặt đúng kỹ thuật các thiết bị, phụ kiện lưới điện và biết kiểm tra thiết bị, hệ thống nối đất.

- Thực tập Thi công công trình

Học phần này nhằm hình thành thao tác cơ bản và rèn luyện kỹ năng thi công công trình thủy điện và Nhà máy thủy điện. 

Sau khi thực tập, người học có khả năng thi công và tổ chức thi công các hạng mục công trình xây dựng nhà máy thủy điện. Biết bố trí mặt bằng thi công, tổ chức bộ máy thi công, sắp xếp hợp lý lực lượng thi công trên công trường.

* Thực tập tốt nghiệp      

            Học phần nhằm rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản về tổ chức lao động, tác phong nghề nghiệp, tổ chức nhóm công việc; đồng thời củng cố, ôn luyện và hoàn chỉnh các kỹ năng thực hành nghề nghiệp của một kỹ thuật viên thủy điện theo mục tiêu đào tạo trong thực tiễn sản xuất tại các nhà máy thủy điện, liên kết được các kiến thức đã học trong nhà trường với thực tiễn.

            Học sinh thực tập thực tế tại các nhà máy, công trường xây dựng nhà máy thủy điện với nhiệm vụ của một kỹ thuật viên bao gồm: Thực hành các kỹ năng tổ chức và lập kế hoạch vận hành, quản lý trong một ca trực tại nhà máy thủy điện; tổ chức thực hiện theo nhóm các hoạt động: ghi chép, báo cáo dữ liệu, quản lý hồ chứa nước, chế độ vận hành của nhà máy thủy điện; thực hiện các thao tác quản lý vận hành của một cán bộ của một kíp trực trong nhà máy thủy điện; trực tiếp tham gia làm việc tại các tổ, đội bảo trì, bảo dưỡng tại nhà máy thủy điện dưới sự hướng dẫn của  cán bộ hoặc giáo viên.

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]