Ngành Phát triển nông nghiệp nông thôn

-

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Trình độ đào tạo

: Trung cấp chuyên nghiệp

Ngành đào tạo

: PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Mã ngành

: 42620111

Đối tượng tuyển sinh

: Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo

: 2 năm 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

- Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn được thiết kế để đào tạo người làm công tác về phát triển nông nghiệp nông thôn trình độ trung cấp chuyên nghiệp; có kiến thức, kỹ năng cơ bản về phát triển nông nghiệp nông thôn; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe để làm việc. Về năng lực chuyên môn, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để tìm việc làm, đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu tiếp thu các thành tựu của khoa học kỹ thuật hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân, của khoa học kỹ thuật và của nền kinh tế xã hội.

- Nội dung chính của khóa học bao gồm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về đánh giá nông thôn, phát triển kinh tế hộ và trang trại, khuyến nông; xây dựng  dự án, kế hoạch phát triển và các kiến thức, kỹ năng cơ bản hỗ trợ trong việc phát triển nông nghiệp nông thôn như: trồng trọt đại cương, chăn nuôi đại cương; thống kê kinh tế xã hội; công tác xã hội. Người học đồng thời cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng - an ninh.

- Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành Phát triển nông nghiệp nông thôn; có khả năng lập kế hoạch, thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án nhỏ và đơn giản về phát triển nông nghiệp nông thôn, quản lý trang trại, thực hiện công tác khuyến nông và tư vấn cho nông dân một số vấn đề về phát triển nông nghiệp nông thôn. Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị, tổ chức nhà nước và tư nhân, các tổ chức đoàn thể - xã hội và phi chính phủ có các hoạt động liên quan đến phát triển nông thôn hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh ở trang trại quy mô vừa và nhỏ.

 

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:

1. Về kiến thức                     

- Trình bày được một số kiến thức cơ bản hỗ trợ cho việc đánh giá, xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn như: trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thống kê kinh tế xã hội.

- Giải thích được nguyên tắc và cách thức sử dụng các bộ công cụ đánh giá nông thôn đang được sử dụng rộng rãi hiện nay và trình bày được các bước, nội dung đánh giá nông thôn.

- Trình bày được các nội dung cơ bản về phát triển kinh tế nông hộ; tổ chức và quản lý sản xuất, sản phẩm trang trại và đánh giá hiệu quả trong sản xuất trang trại, quản lý dịch bệnh vật nuôi cây trồng.

- Trình bày được nội dung cơ bản về xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá dự án, kế hoạch phát triển nông thôn, công tác khuyến nông.

2. Về kỹ năng

- Sử dụng thành thạo các công cụ hoặc bộ công cụ trong các phương pháp đánh giá nông thôn đã được học; thu thập và sơ bộ xử lý được số liệu thống kê kinh tế xã hội, số liệu về đánh giá nông thôn phục vụ cho các chương trình, dự án phát triển nông thôn.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện được kế hoạch phát triển kinh tế nông hộ và nông trại, quản lý phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi ở cấp xã và thôn bản; Có thể tổ chức và quản lý sản xuất, sản phẩm trang trại và đánh giá sơ bộ hiệu quả trong sản xuất trang trại.

- Xây dựng, thực hiện, kiểm tra, giám sát và đánh giá được kế hoạch, chương trình dự án nhỏ và đơn giản, kế hoạch phát triển nông thôn và công tác khuyến nông ở cơ sở.

- Thực hiện được công tác tư vấn cho nông dân một số vấn đề về phát triển nông nghiệp nông thôn.

3. Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức tốt và nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao.

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo

TT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

30

3

Các học phần chuyên môn              

28

4

Thực tập nghề nghiệp

16

5

Thực tập tốt nghiệp

6

Tổng khối lượng chương trình

102

2. Các học phần của chương trình và thời lượng

TT

TÊN HỌC PHẦN

Số tiết

SỐ ĐVHT

 

Tổng

Lý thuyết

Thực hành, thực tập

 
 

I

Các học phần chung

420

22

18

4

 

Các học phần bắt buộc

390

20

16

4

 

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

75

3

2

1

 

2

Giáo dục chính trị

75

5

5

 

 

3

Giáo dục thể chất

60

2

1

1

 

4

Tin học

60

3

2

1

 

5

Ngoại ngữ

90

5

4

1

 

6

Pháp luật

30

2

2

 

 

Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

30

2

2

 

 

7

Khởi tạo doanh nghiệp

30

2

2

 

 

8

Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

30

2

2

 

 

9

Kỹ năng giao tiếp

30

2

2

 

 

II

Các học phần cơ sở

525

30

25

5

 

10

Trồng trọt đại cương

90

5

4

1

 

11

Chăn nuôi đại cương

90

5

4

1

 

12

Sinh thái nông nghiệp

30

2

2

 

 

13

Bảo vệ môi trường

30

2

2

 

 

14

Phát triển nông thôn

60

4

4

 

 

15

Phát triển cộng đồng

30

2

2

 

 

16

Chính sách phát triển nông thôn

45

2

1

1

 

17

Thống kê kinh tế - xã hội

60

3

2

1

 

18

Đánh giá nông thôn

90

5

4

1

 

III

Các học phần chuyên môn

525

28

21

7

 

19

Quản lý dịch hại cây trồng

60

3

2

1

 

20

Quản lý dịch bệnh vật nuôi

60

3

2

1

 

21

Phát triển kinh tế hộ và trang trại

75

4

3

1

 

22

Giới và phát triển 

30

2

2

 

 

23

Công tác xã hội trong phát triển nông thôn

75

4

3

1

 

24

Khuyến nông

75

4

3

1

 

25

Lập kế hoạch phát triển nông thôn

90

5

4

1

 

26

Dự án phát triển nông thôn

60

3

2

1

 

IV

Thực tập nghề nghiệp

720 giờ

16

 

16

 

V

Thực tập tốt nghiệp

270 giờ

6

 

6

 

 

Tổng cộng

 

102

64

38

 
 
 IV. Nội dung thi tốt nghiệp
TT
Nội dung

1

Chính trị:

- Học phần Giáo dục chính trị.

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):

- Phát triển nông thôn.

- Lập kế hoạch phát triển nông thôn.

3

Thực hành nghề nghiệp

 

V. Mô tả nội dung các học phần

1. Giáo dục quốc phòng-An ninh

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng - An ninh. Nội dung bao gồm: quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác Giáo dục Quốc phòng-An ninh, chính trị quân sự lực lượng dân quân tự vệ, kỹ thuật và chiến thuật quân sự, kỹ thuật sử dụng vũ khí thông thường.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể trình bày được những nội dung cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh, về cấu tạo, nguyên lý và sử dụng được một số vũ khí bộ binh thông thường, thành thạo điều lệnh đội ngũ, biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện nếp ngăn nắp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, kỷ luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Giáo dục chính trị 

- Học phần này cung cấp cho học sinh những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội, con người, những nội dung cơ bản về Đảng cộng sản Việt Nam và đường lối chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tự nhiên, xã hội, con người, về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có cái nhìn khoa học, khách quan đối với các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người, biết phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội, biết sống hòa nhập với cộng đồng và môi trường. Tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

3. Giáo dục thể chất

- Học phần này cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Giáo dục thể chất. Nội dung bao gồm ý nghĩa, tác dụng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của cơ thể, bài thể dục buổi sáng, chạy bền, chạy cự li ngắn, nhảy cao nằm nghiêng. Ngoài ra chương trình có thể còn được bổ sung các nội dung như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có khả năng tự rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại cơ sở.

4. Tin học

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Tin học đại cương. Nội dung bao gồm các vấn đề căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng máy tính và quản lý tệp với Windows, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình diễn điện tử-PowerPoint và Internet.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, trình diễn báo cáo, sử dụng bảng máy tính để tính toán thống kê, biết sử dụng và khai thác một số dịch vụ của Internet, đồng thời rèn luyện phong cách suy nghĩ và làm việc phù hợp với thời đại tin học hoá, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành động.

5. Ngoại ngữ 

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, vận dụng được một vốn từ căn bản và cần thiết để có khả năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp thông thường ở mức tối thiểu; có thể đọc hiểu tài liệu bằng ngoại ngữ với sự trợ giúp của Từ điển làm nền tảng để tiếp cận khoa học kỹ thuật, học tập và nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tạo cơ hội cho người học nâng cao kiến thức và ý thức về những khác biệt văn hoá liên quan đến việc sử dụng ngoại ngữ hợp tác trong lao động và giao tiếp.

6. Pháp luật 

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung bao gồm một số vấn đề về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể giải thích được những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam, vận dụng được kiến thức đã học để xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi làm việc và trong cộng đồng dân cư, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật; biết lựa chọn hành vi và khẳng định sự tự chủ của mình trong các quan hệ xã hội, trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.

7. Khởi tạo doanh nghiệp

- Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp; Kinh doanh và định hướng ngành nghề kinh doanh; Các bước lập kế hoạch kinh doanh và thực thi kế hoạch kinh doanh.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày được những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và kinh doanh, có khả năng lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động để khởi sự kinh doanh trong một lĩnh vực của nền kinh tế.

8. Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về năng lượng và tình hình sử dụng năng lượng, nhiên liệu, tài nguyên hiện nay; các chính sách về sử dụng năng lượng của nước ta cũng như của một số quốc gia trên thế giới; các phương pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và an toàn các dạng năng lượng thông dụng như điện năng, khí đốt, xăng dầu; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày và giải thích được các khái niệm, thuật ngữ cơ bản về năng lượng và vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các dạng năng lượng mới; các chính sách sử dụng năng lượng của nước ta cũng như một số quốc gia trên thế giới, quá trình sản xuất, truyền tải, cung cấp, phân phối và sử dụng điện năng. Đồng thời, giúp người học hình thành được ý thức, thái độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền, giáo dục cho những người xung quanh ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.

9. Kỹ năng giao tiếp

- Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức chung và các kỹ năng thông thường về giao tiếp trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc.

Học phần này bao gồm các nội dung những yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; cách thức tổ chức các cuộc họp tại nơi làm việc; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc; kỹ năng viết thư và báo cáo công việc.

- Sau khi học xong học phần, học sinh trình bày được ý nghĩa và sự cần thiết của giao tiếp; phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp; thực hiện hiệu quả các cuộc giao tiếp thông thường qua bày tỏ thái độ, lời nói và viết thư; có khả năng phát triển và duy trì giao tiếp thân thiện tại nơi làm việc; có khả năng tổ chức và điều tiết tốt các cuộc họp tại nơi làm việc và thực hiện được các kỹ năng phỏng vấn thông thường.

10. Trồng trọt đại cương

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức, kỹ năng cơ bản về trồng trọt và bảo vệ thực vật bao gồm: phương pháp chọn tạo, nhân giống cây trồng; kỹ thuật trồng một số loài cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, rau sạch; chế bảo quản hoa quả, nông sản sau thu hoạch; Những vấn đề cơ bản về dịch hại cây trồng, các loại côn trùng và bệnh cây thường gặp: một số đặc điểm hình thái, đặc tính sinh học, sinh thái học của côn trùng và sinh vật gây bệnh cây, những biến đổi khi cây bị bệnh, phương pháp chẩn đoán bệnh cây,  các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho một số loài cây trồng cụ thể.

- Sau khi học xong học phần này người học có thể trình bày được một số nội dung cơ bản về trồng trọt và bảo vệ thực vật, thực hiện được một số thao tác kỹ thuật đơn giản trong nhân giống, trồng, chẩn đoán và phòng trừ sâu bệnh hại cho một số loài cây trồng cụ thể.

11. Chăn nuôi đại cương

- Học phần này cung cấp cho người học một số nội dung kiến thức và kỹ năng cơ bản về: giống và kỹ thuật truyền giống, dinh dưỡng và thức ăn, chăn  nuôi một số loại gia súc, gia cầm, một số loài thủy sản cụ thể; chẩn đoán và phòng trừ một số bệnh nội, ngoại, sản khoa, các bệnh truyền nhiễm của vật nuôi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được phương pháp tổ chức và thực hiện công việc chăn nuôi và thú y đối với một số loài vật nuôi, có thể thực hiện được một số kỹ thuật đơn giản về nuôi, phòng trừ một số bệnh, dịch bệnh thường xảy ra đối với một số vật nuôi cụ thể.

12. Sinh thái nông nghiệp

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức cơ bản về quần thể sinh vật, quần xã sinh vật; hệ sinh thái, mối quan hệ giữa các thành phần trong hệ sinh thái; hệ sinh thái nông nghiệp, sinh thái học và sự phát triển nông nghiệp bền vững.

- Sau khi học xong học phần này người học có thể nhận biết được hệ sinh thái, phân biệt được hệ sinh thái nông nghiệp và các hệ sinh thái khác; xác định được được các đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái nông nghiệp và vai trò của nó trong sự phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển bền vững nói chung.

13. Bảo vệ môi trường

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về môi trường như: khái niệm, chức năng, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển; nguồn gốc, bản chất và các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; những vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, nhận biết được các vấn đề về môi trường; đề xuất được các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường trong sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng. 

14. Phát triển nông thôn

- Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về phát triển nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn: nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và môi trường nông thôn; vai trò của nhà nước và các tổ chức trong phát triển nông thôn (trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước, các tổ chức kinh tế và xã hội trong nông thôn).

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được các nội dung cơ bản về phát triển nông thôn và vai trò của nhà nước, các tổ chức trong phát triển nông thôn, đây là kiến thức cơ sở quan trọng nhất tạo điều kiện cho người học có kiến thức tổng quan về phát triển nông thôn, tiếp thu các học phần chuyên môn được tốt hơn.

15. Phát triển cộng đồng

- Học phần này cung cấp cho người học những nội dung cơ bản về khái niệm cộng đồng; các tổ chức phát triển cộng đồng; vai trò của các tổ chức cộng đồng trong việc phát triển nông thôn, sự tham gia và hợp tác trong phát triển cộng đồng với sự tham gia của người dân; giám sát và đánh giá trong quá trình phát triển cộng đồng.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia vào việc lập kế hoạch, giám sát và đánh giá trong quá trình phát triển cộng đồng, thúc đẩy các tổ chức cộng đồng và người dân tham gia vào các hoạt động phát triển nông thôn.

16. Chính sách phát triển nông thôn

- Học phần này giới thiệu cho người học một cách khái quát về các chính sách phát triển nông thôn; chính sách phát triển kinh tế; chính sách xã hội; và chính sách tài nguyên môi trường.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được định hướng và một số nét chính về các chính sách phát triển nông thôn, đồng thời có thái độ đúng đắn trong việc vận dụng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước vào lĩnh vực phát triển nông thôn.

17. Thống kê kinh tế - xã hội

- Học phần này trang bị cho người học kiến thức cơ bản về thống kê: tổng thể, mẫu, các đặc trưng mẫu, các phân phối thường gặp trong thống kê; bài toán ước lượng, khoảng tin cậy, độ tin cậy; ước lượng kỳ vọng của phân phối chuẩn, ước lượng phương sai của phân phối chuẩn, ước lượng xác suất; kiểm định giả thuyết thống kê; các khái niệm cơ bản trong thống kê kinh tế và xã hội học; điều tra chọn mẫu; thu thập, xử lý số liệu; tổng hợp và mô tả dữ liệu thống kê và phân tích thống kê kinh tế - xã hội.  

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể thực hiện được việc điều tra chọn mẫu, thu thập số liệu và tham gia nhập liệu, thực hiện được những tính toán đơn giản về xử lý số liệu thống kê.

18. Đánh giá nông thôn

- Học phần này cung cấp cho người học khái niệm và phương pháp tiếp cận đánh giá nông thôn; các phương pháp và công cụ đánh giá nông thôn: đánh giá nhanh nông thôn (RRA), đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA), cùng nhau học hỏi và hành động (PLA); tổ chức đánh giá nông thôn.

- Sau khi học xong học phần này người học có thể vận dụng các bộ và công cụ đánh giá nông thôn đã được học vào việc tổ chức các nhóm nhỏ đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân, viết báo cáo sơ bộ về kết quả đánh giá nông thôn trong việc xác định nhu cầu đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lập kế hoạch phát triển thôn bản và tham gia vào các nội dung đánh giá nông thôn khác liên quan đến phát triển nông thôn.

19. Quản lý dịch hại cây trồng

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức và kỹ năng cơ bản về quản lý, phòng chống dịch hại cây trồng: điều kiện và quá trình phát dịch sâu bệnh hại, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sâu hại cho một số loài cây trồng; quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng (IPM); các quy định của pháp luật về quản lí dịch bệnh cây trồng; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch hại cho cây trồng.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia vào việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch hại cho cây trồng ở cấp xã, thôn bản và tham gia xây dựng các nội dung về quản lý phòng chống dịch hại cây trồng trong các chương trình, dự án phát triển nông thôn.

20. Quản lý dịch bệnh vật nuôi

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức và kỹ năng cơ bản về quản lý, phòng chống dịch bệnh vật nuôi: điều kiện và quá trình phát dịch, các biện pháp phòng chống dịch bệnh một số loại vật nuôi; các quy định của pháp luật về quản lí dịch bệnh vật nuôi; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia vào việc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh vật nuôi ở cấp xã, thôn bản và tham gia xây dựng các nội dung về quản lý phòng chống dịch vật nuôi trong các chương trình, dự án phát triển nông thôn.

21. Phát triển kinh tế hộ và trang trại

- Học phần này cung cấp cho người học kiến thức tổng quan về hộ, kinh tế hộ và trang trại: khái niệm, vai trò, đặc điểm của kinh tế hộ và quản lý trang trại; nguồn lực của kinh tế nông hộ, đánh giá và phát triển kinh tế nông hộ; lập kế hoạch, tổ chức và quản lý sản xuất; quản lý sản phẩm trang trại; đánh giá hiệu quả trong sản xuất trang trại.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể sơ bộ đánh giá và lập kế hoạch phát triển kinh tế nông hộ; lập kế hoạch tổ chức và quản lý sản xuất; quản lý sản phẩm nông trại và đánh giá sơ bộ hiệu quả trong sản xuất trang trại.

22. Giới và phát triển

- Học phần cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về giới và phát triển: khái niệm, đặc trưng cơ bản của giới và giới tính; bất bình đẳng giới và bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới; giới và phát triển.

- Sau khi học xong học phần này người học trình bày được những vấn đề cơ bản về giới và bình đẳng giới, giới và phát triển; có thể điều tra thực địa và phân tích các lịch lao động trên cơ sở về giới, mức độ tham gia các hoạt động, bình đẳng nam nữ để tìm ra cơ hội tác động, tiếp cận và hỗ trợ vai trò, quan tâm, nhu cầu của phụ nữ trong phát triển nông thôn.  

23. Công tác xã hội trong phát triển nông thôn

- Học phần này nhằm giới thiệu tổng quan về công tác xã hội trong phát triển nông thôn; công tác xã hội trong các tổ chức xã hội chính thống; công tác xã hội trong các tổ chức xã hội phi chính thống; cán bộ thực hiện công tác xã hội trong phát triển nông thôn.

- Sau khi học xong học phần này người học sẽ trình bày được nội dung cơ bản của công tác xã hội, vai trò và nhiệm vụ của người thực hiện công tác xã hội trong phát triển nông thôn; có thể tham gia công tác xã hội với tổ chức, cá nhân, nhóm, cộng đồng thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

24. Khuyến nông

- Học phần này cung cấp cho người học những nguyên tắc cơ bản về đào tạo và chuyển giao kiến thức cho nông dân; các phương pháp khuyến nông: các phương pháp nhóm, phương pháp thông tin đại chúng, phương pháp cá nhân; Những vấn đề cơ bản của lập kế hoạch khuyến nông, căn cứ và các nội dung lập kế hoạch khuyến nông, các bước cơ bản trong lập kế hoạch khuyến nông; tổ chức công tác khuyến nông; kiến thức về xã hội phục vụ công tác khuyến nông như kỹ năng giao tiếp, tâm lý người nông dân, phong tục tập quán của một số dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Sau khi học xong, người học có khả năng lựa chọn và thực hiện được các phương pháp khuyến nông phù hợp với từng điều cụ thể; lập được kế hoạch và tổ chức công tác khuyến nông thôn bản; thực hiện được nhiệm vụ tuyên truyền vận động, khuyến khích, thuyết phục người dân và các bên liên quan tham gia vào các hoạt động phát triển nông thôn theo hướng tích cực.

25. Lập kế hoạch phát triển nông thôn

- Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về vai trò và đặc điểm của kế hoạch phát triển nông thôn; phương pháp xây dựng kế hoạch phát triển: phân tích tình hình, lập kế hoạch, thẩm định; cấu trúc của kế hoạch phát triển; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển.   

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể lập, thực hiện, kiểm tra và đánh giá kế hoạch phát triển thôn bản có sự tham và tham gia vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá các kế hoạch phát triển khác liên quan đến phát triển nông thôn.

26. Dự án phát triển nông thôn

- Học phần này giới thiệu khái quát về khái niệm và chu trình của dự án phát triển nông thôn, quản lý dự án phát triển, phương pháp tiếp cận và sự tham gia của cộng đồng trong các dự án phát triển; xây dựng dự án phát triển, lập kế hoạch dự án phát triển, tổ chức xây dựng dự án và kế hoạch thực hiện dự án; thực hiện dự án, tổ chức quản lý dự án; triển khai các hoạt động dự án; giám sát và kiểm soát chất lượng và đánh giá dự án phát triển.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia vào việc xây dựng, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá các dự án nhỏ, đơn giản hoặc các hợp phần của các dự án nhỏ liên quan đến phát triển nông thôn.

27. Thực tập nghề nghiệp 

- Thực tập nghề nghiệp nhằm cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng thực tế về phát triển nông nghiệp nông thôn theo yêu cầu mục tiêu đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo tại các cơ sở thực tập có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tập ở trong và ngoài trường như: thôn bản, các đơn vị, tổ chức nhà nước và tư nhân, các tổ chức đoàn thể- xã hội và phi chính phủ có liên quan đến phát triển nông thôn và các nơi khác .

- Nội dung cơ bản của thực tập nghề nghiệp có thể chia thành các học phần và tập trung vào các nội dung: Thống kê kinh tế xã hội, đánh giá nông thôn, phát triển kinh tế hộ và trang trại, lập kế hoạch phát triển nông thôn, dự án phát triển nông thôn, khuyến nông. Trong quá trình thực tập, người học sẽ có thêm cơ hội rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức cao về phát triển nông nghiệp nông thôn.

- Sau khi kết thúc học phần này, người học có khả năng sử dụng thành thạo các bộ và công cụ đánh giá nông thôn; thực hiện được việc thu thập và sơ bộ xử lý số liệu thống kê kinh tế xã hội; lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và đánh giá kế hoạch phát triển thôn bản, khuyến nông, phát triển kinh tế nông hộ; tổ chức và quản lý sản xuất, sản phẩm trang trại và đánh giá sơ bộ hiệu quả trong sản xuất trang trại; tham gia vào việc xây dựng, lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá các các dự án nhỏ hoặc các hợp phần của dự án hoặc liên quan đến phát triển nông thôn.

28. Thực tập tốt nghiệp 

- Học phần này trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong thực tế về phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua các chuyên đề thực tập phù hợp với chương trình đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo.

- Các nội dung thực tập tối thiểu ở các chuyên đề thực tập phải nhằm mục đích vận dụng tổng hợp, linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được học và rèn luyện vào thực tế sản xuất. Ngoài việc thu thập, mô tả đặc điểm tình hình nơi thực tập các nội dung thực tập tập trung vào việc đánh giá nông thôn, lập kế hoạch phát triển nông thôn, kế hoạch khuyến nông, xây dựng dự án nhỏ phát triển thôn bản và rèn luyện các kỹ năng đã được thực hiện ở phần thực tập nghề nghiệp. Trong quá trình thực tập, phải tạo điều kiện cho người học có cơ hội học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng thực tế có liên quan đến ngành học, rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức cao về nghề nghiệp. Kết thúc đợt thực tập, học sinh phải có một báo cáo kết quả thực tập theo quy định của cơ sở đào tạo.

- Sau khi thực tập tốt nghiệp, người học có khả năng thực hiện thành thạo các kỹ năng cơ bản để xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nông thôn ở mức độ thôn, bản và tham gia vào các hoạt động khác có liên quan đến phát triển nông thôn.

 

VI. Các điều kiện thực hiện chương trình

1. Đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình

Để triển khai thực hiện chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả, cơ sở đào tạo cần có đủ đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng.

- Đội ngũ giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp hiện hành.

- Số lượng giáo viên phải đảm bảo để tỷ lệ số học sinh/giáo viên phù hợp theo quy định, trong đó đội ngũ giáo viên cơ hữu của các bộ môn phải đảm bảo tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo.

- Ngoài ra, giáo viên tham gia giảng dạy cần có trình độ tin học, ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tế về phát triển nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

2. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập

Để triển khai thực hiện chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả, thì ngoài những cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học dùng chung cho các ngành đào tạo, cơ sở đào tạo phải chuẩn bị các nơi thực hành, thực tập dưới đây:

- Phòng thực hành tin học.

- Phòng thực hành dự án, kế hoạch phát triển nông thôn.

- Thư viện có đủ các giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo.

- Cơ sở trong hoặc ngoài trường (trang trại, thôn bản, xã và các nơi khác) có đủ các điều kiện thực hành, thực tập các học phần: Trồng trọt đại cương, chăn nuôi đại cương, đánh giá nông thôn, thống kê kinh tế xã hội, kinh tế hộ và quản lý nông trại, khuyến nông, lập kế hoạch phát triển nông thôn, dự án phát triển nông thôn.

 

VII. Hướng dẫn sử dụng chương trình để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

1. Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Phát triển nông nghiệp nông thôn quy định cụ thể về nội dung và khối lượng kiến thức, kỹ năng, tỷ lệ giữa lý thuyết, thực hành, thực tập của khóa học 2 năm đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Chương trình được cấu trúc thành một hệ thống hoàn chỉnh và phân bố hợp lý về thời gian, phù hợp với quy định của Luật giáo dục nhằm đáp ứng mục tiêu và yêu cầu chất lượng đào tạo.

Chương trình bao gồm các học phần chung, các học phần cơ sở, học phần chuyên môn, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp, đồng thời phân bố thời lượng đối với từng học phần, phân bố thời lượng lý thuyết, thực hành và thực tập trong các học phần và toàn bộ chương trình. Ngoài ra chương trình còn giới thiệu danh mục các học phần và mô tả nội dung từng học phần trong chương trình, xác định điều kiện thực hiện chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời quy định nội dung thi tốt nghiệp khóa học.   

Danh mục các học phần và khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình chỉ là quy định mức tối thiểu, trong đó có các học phần bắt buộc và các học phần tự chọn. Các học phần bắt buộc là những học phần chứa đựng nội dung kiến thức chủ yếu của mỗi chương trình, bắt buộc học sinh phải tích luỹ. Học phần tự chọn là những học phần chứa đựng nội dung kiến thức cần thiết, đựơc tự chọn nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để tích luỹ đủ số đơn vị học trình quy định. Trong chương trình này quy định 1 đơn vị học trình bằng 15 tiết học lý thuyết; bằng 30 tiết đến 45 tiết học thực hành, thí nghiệm, thảo luận, tham quan, bài tập; bằng 45 giờ đến 60 giờ thực tập; 1 tiết học có thời lượng là 45 phút, 1 giờ thực tập có thời lượng là 60 phút.

2. Chương trình được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình đào tạo cụ thể. Có thể kết cấu lại chương trình của các học phần tự chọn trong các học phần cơ sở và chuyên môn để phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường và có thể xây dựng thành chương trình đào tạo các ngành khác; trong đó khối lượng kiến thức, kỹ năng đào tạo chuyên ngành là 30% tổng khối lượng kiến thức, kỹ năng được bố trí cho các học phần chuyên môn, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Có thể thiết kế chương trình đào tạo liên thông từ Trung cấp chuyên nghiệp lên Cao đẳng, Đại học bằng cách bổ sung các học phần, các nội dung còn thiếu của chương trình đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học.

3. Căn cứ các quy định của chương trình khung này, đồng thời căn cứ vào mục tiêu, đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo, yêu cầu sử dụng nhân lực và điều kiện thực tế, các trường xây dựng thành chương đào tạo cụ thể của trường mình và lập kế hoạch đào tạo toàn khóa, kế hoạch đào tạo từng năm học để triển khai thực hiện chương trình. Thành phần tham gia xây dựng chương đào tạo cụ thể của trường là những cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy các môn học, học phần có liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn, cán bộ thuộc các tổ chức, đơn vị có liên quan đến chuyên môn, trong đó cần lựa chọn những người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế và có uy tín tham gia xây dựng chương trình. Chương trình đào tạo cụ thể phải được tổ chức thẩm định theo Quy định về thẩm định chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mục tiêu đào tạo phải được cụ thể hoá từ chương trình khung trên cơ sở chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như vị trí và nhiệm vụ phải thực hiện tại nơi làm việc mà người học cần đạt được. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng trong chương trình đào tạo phải phù hợp định hướng mục tiêu đào tạo. Thời gian thực tập (bao gồm thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp) được xem như các học phần trong chương trình đào tạo và phải xác định mục tiêu, nội dung, kế hoạch chặt chẽ và được thực hiện tập trung tại trường hoặc tại các cơ sở bên ngoài nhà trường.

Kế hoạch đào tạo phải đảm bảo triển khai đúng chương trình đào tạo, đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp với đối tượng đào tạo, điều kiện hoàn cảnh cụ thể, việc bố trí các học phần phải đảm bảo tính lôgíc, thuận lợi và hiệu quả.

4. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình đào tạo và khi kết thúc khóa học được thực hiện theo quy định tại Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung thi tốt nghiệp môn lý thuyết tổng hợp là những kiến thức được tổng hợp từ một số học phần thuộc phần kiến thức cơ sở và chuyên môn trong chương trình đào tạo. Nội dung thi tốt nghiệp môn thực hành nghề nghiệp là những kỹ năng được tổng hợp từ các nội dung phần thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp trong chương trình đào tạo.

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]