Ngành Xây dựng cầu đường sắt

 

Ngành đào tạo:            XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG SẮT 

Trình độ đào tạo:         Trung cấp chuyên nghiệp

Đối tượng tuyển sinh:  Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo:        2 năm 

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

             Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng cầu đường sắt được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng cầu đường sắt có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình khóa học bao gồm các nội dung cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh và những kiến thức, kỹ năng cơ sở và chuyên môn về xây dựng cầu đường sắt.        

Sau khi tốt nghiệp người học được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp với chức danh kỹ thuật viên trung cấp chuyên nghiệp về xây dựng cầu đường sắt, có thể trở thành cán bộ kỹ thuật thi công cầu, đường sắt ở các doanh nghiệp hoặc các thành phần kinh tế khác; Có thể phụ trách các đội xây dựng mới hoặc duy tu, bảo dưỡng công trình cầu đường sắt.

 

II. Mục tiêu đào tạo

            Sau khi học xong chương trình người học có khả năng:            

1. Về kiến thức

- Vận dụng kiến thức cơ bản và chuyên môn đã học để đọc được bản vẽ thiết kế kỹ thuật công trình cầu, đường sắt, thiết kế tuyến đường sắt ở nơi địa hình không phức tạp;

- Trình bày được các phương pháp xây dựng cơ bản và duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu, đường sắt;

- Trình bày được các quy trình quy phạm kỹ thuật về thi công, nghiệm thu công trình và quản lý khai thác cầu đường sắt;

- Vận dụng những kiến thức đã học để tổ chức sản xuất kinh doanh trong xây dựng công trình giao thông, khai thác có hiệu quả các thiết bị xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình.

2. Về kỹ năng

Có khả năng giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể:

- Khảo sát địa hình, thu thập tài liệu cần thiết phục vụ cho thiết kế, thi công cầu nhỏ hoặc trung; các tuyến đường sắt;

- Thiết kế cống và tuyến đường sắt ở địa hình đơn giản, điều kiện địa chất, thủy văn không phức tạp;

- Thiết kế thi công, tổ chức thi công và dự toán công trình cầu vừa và nhỏ, các đoạn đường sắt cấp thấp.

3. Về thái độ

- Có lập trường và quan điểm vững vàng về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng. Hiểu và thực hiện đúng đắn giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân đối với đất nước.

- Có động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có đức tính cần cù chịu khó và sáng tạo trong nghề nghiệp. Có tác phong nhanh nhẹn, khiêm tốn, trung thực trong hoạt động nghề nghiệp. Có ý thức vươn lên trong học tập, không ngừng đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào lĩnh vực sản xuất của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho xã hội.

 

III. Khung chương trình đào tạo

Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo

TT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

40

3

Các học phần chuyên môn              

21

4

Thực tập nghề nghiệp

16

5

Thực tập tốt nghiệp

4

Tổng khối lượng chương trình

103

 

2. Các học phần của chương trình

I

Các học phần chung

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

5

Ngoại ngữ

2

Chính trị

6

Pháp luật

3

Giáo dục thể chất

7

Giáo dục Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

4

Tin học

 

 

II

Các học phần cơ sở                  

1

Vẽ kỹ thuật

8

Thuỷ lực - Thuỷ văn

2

Vẽ Autocad

9

Trắc địa

3

Đường sắt thường thức

10

Cơ học kết cấu

4

Cơ kỹ thuật

11

Kết cấu công trình

5

Sức bền vật liệu

12

Máy xây dựng

6

Vật liệu xây dựng

13

An toàn lao động

7

Địa chất - Cơ học đất

14

Bảo vệ môi trường giao thông vận tải

III

Các học phần chuyên môn

1

Thiết kế đường sắt

5

Xây dựng và quản lý khai thác đường sắt

2

Thiết kế nền và kết cấu tầng trên đường sắt

6

Xây dựng cầu

3

Thiết kế cầu

7

Dự toán công trình

4

Thiết kế và xây dựng cống

 

 

IV

Thực tập nghề nghiệp

1

Thực tập trắc địa

5

Thực tập khảo sát thiết kế đường sắt

2

Thực tập thí nghiệm Vật liệu xây dựng

6

Thực tập nghề nghiệp xây dựng cầu

3

Thực tập thí nghiệm cơ học đất

7

Thực tập nghề nghiệp xây dựng đường sắt

4

Thực tập cơ bản

 

 

V

Thực tập tốt nghiệp

 

IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị

- Học phần Chính trị

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):

- Xây dựng cầu;

- Xây dựng và quản lý khai thác đường sắt.

3

Thực hành nghề nghiệp (có thể gồm 1 trong các học phần):

- Thực tập khảo sát thiết kế đường sắt;

- Thực tập nghề nghiệp xây dựng cầu;

- Thực tập nghề nghiệp xây dựng đường sắt.

 

V. Mô tả nội dung các học phần cơ sở và chuyên môn

* Vẽ kỹ thuật

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản để xây dựng một bản vẽ kỹ thuật, gồm: Các tiêu chuẩn thành lập một bản vẽ kỹ thuật, các nguyên tắc biểu diễn điểm, đường thẳng, mặt phẳng, các phép chiếu. Cung cấp những kiến thức về phương pháp vẽ hình chiếu vuông góc, hình chiếu trục đo, hình cắt, mặt cắt.

            Sau khi học xong, người học trình bày được các quy định của một bản vẽ kỹ thuật, đọc và hiểu được bản vẽ, biết thể hiện bản vẽ.

* Vẽ Auto Cad

            Học phần này giới thiệu các kỹ năng thực hành vẽ kỹ thuật trên máy vi tính.

            Nội dung học phần gồm những thao tác cơ bản thực hành vẽ kỹ thuật trên máy vi tính.

            Sau khi học xong, người học có thể vẽ được các bản vẽ kỹ thuật đơn giản trong xây dựng cầu đường trên máy vi tính.

*  Đường sắt thường thức       

            Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu trên đường sắt: Cấu tạo bánh xe, đầu máy toa xe, tính sức kéo đầu máy, các thông tin tín hiệu dùng trong đường sắt.

            Sau khi học xong, người học tính được sức kéo đầu máy, nhận biết được các thông tin tín hiệu dùng trong đường sắt.

* Cơ kỹ thuật

            Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về lực vật rắn tuyệt đối, trạng thái cân bằng. 

            Nội dung học phần gồm những kiến thức về tĩnh học, hệ lực phẳng đồng quy, hệ lực phẳng song song, hệ lực phẳng bất kỳ, hệ lực không gian. Mô men của một lực với một điểm- Ngẫu lực. Các loại ma sát, trọng tâm, toạ độ trọng tâm.

            Sau khi học xong, người học tính toán được lực vật rắn tuyệt đối, hệ lực phẳng đồng quy, hệ lực phẳng song song, hệ lực phẳng bất kỳ, hệ lực không gian và các loại ma sát, tọa độ trọng tâm.

* Sức bền vật liệu

            Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về nội lực, các đặc trưng hình học của hình phẳng. 

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về nội lực, ứng suất, biến dạng trong các thanh chịu lực cơ bản, các thanh chịu lực phức tạp; Các đặc trưng hình học của hình phẳng; Phân tích dạng mặt cắt hợp lý của thanh, ổn định của thanh chịu nén và 3 bài toán cơ bản.

            Sau khi học xong, người học hiểu và làm được bài toán xác định nội lực, kiểm tra độ bền, độ cứng và độ ổn định của vật liệu.

* Vật liệu xây dựng

            Học phần này giới thiệu các tính chất cơ học và vật lý của vật liệu xây dựng (Đá, cát, xi măng).

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về các tính chất cơ học và vật lý chủ yếu của vật liệu xây dựng, vữa, xi măng và bê tông xi măng; thiết kế tỷ lệ phối hợp vữa, bê tông xi măng.

            Sau khi học xong, người học trình bày được các tính chất cơ, lý hoá chủ yếu của các loại vật liệu thông thường, biết cách đánh giá chất lượng vật liệu, biết chọn và sử dụng vật liệu một cách hợp lý, biết cách tính toán cấp phối, liều lượng vật liệu.

* Địa chất - Cơ học đất

            Học phần này giới thiệu các tính chất cơ bản về đất, đá xây dựng, các hiện tượng địa chất tự nhiên và địa chất công trình.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về sự hình thành đất, đá; mô tả các hiện tượng địa chất tự nhiên và địa chất công trình; thành phần cấu tạo của đất; tính chất cơ học và vật lý của đất; Phân bố ứng suất trong; sức chịu tải của đất nền; lún và các phương pháp tính lún; ổn định mái đất; áp lực đất tác dụng lên tường chắn.

            Sau khi học xong, người học trình bày được các hiện tượng địa chất ảnh hưởng đến công trình xây dựng; xác định được các tính chất cơ học và vật lý và sức chịu tải của đất nền.

* Thủy lực - Thủy văn

            Học phần này giới thiệu những kiến thức cơ bản về thủy lực, thủy văn.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về thuỷ lực, thuỷ văn. Phương pháp tính toán các yếu tố thuỷ lực, thuỷ văn.

            Sau khi học xong, người học vận dụng những kiến thức đã học trong xử lý số liệu phục vụ cho việc thiết kế và thi công công trình giao thông.

* Trắc địa

            Học phần này giới thiệu các khái niệm cơ bản về đo đạc cần thiết cho xây dựng công trình.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức trắc địa cơ bản liên quan đến thiết kế công trình cầu đường, như định vị điểm, định hướng đường thẳng, đo góc, cắm cong, đo dài, đo cao, đo vẽ mặt cắt địa hình.

            Sau khi học xong, người học trình bày được cấu tạo các loại máy đo đạc và dụng cụ đo đạc thông thường, phương pháp sử dụng các máy và dụng cụ đo để đo góc, đo độ cao, độ dài, giác móng của một công trình đơn giản.

* Cơ học kết cấu

            Học phần này giới thiệu những khái niệm cơ bản về phân tích cấu tạo kết cấu phẳng.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về phân tích cấu tạo kết cấu phẳng; đường ảnh hưởng của các loại dầm giản đơn, mút thừa, tĩnh định nhiều nhịp.

            Sau khi học xong, người học sử dụng đường ảnh hưởng để tính yếu tố xét dưới tác dụng của tải trọng tĩnh và tải trọng di động.

* Kết cấu công trình

            Học phần này giới thiệu về kết cấu thép và kết cấu bê tông cốt thép.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về vật liệu thép và bê tông cốt thép; các liên kết và các kết cấu cơ bản trong kết cấu thép; nguyên lý tính toán kết cấu bê tông cốt thép trong cấu kiện chịu kéo, nén, uốn.

            Sau khi học xong, người học tính toán được các cấu kiện cơ bản của kết cấu Bê tông cốt thép, tính toán các liên kết của kết cấu thép.

* Máy xây dựng

            Học phần này giới thiệu những các tính năng, nguyên lý làm việc của một số loại máy cơ bản dùng trong xây dựng cầu đường sắt, cách chọn máy trong thi công.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về đặc điểm, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của một số loại máy cơ bản phục vụ cho thi công công trình cầu đường, như máy làm đất, máy sản xuất vật liệu xây dựng, máy thi công chuyên dùng.

            Sau khi học xong, người học trình bày được tính năng, nguyên lý làm việc của các loại máy, biết lựa chọn máy thi công.

* An toàn lao động

            Học phần này giới thiệu những kiến thức cơ bản về bảo hộ lao động, những quy định về vệ sinh lao động và biện pháp an toàn lao động trong xây dựng, kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức chung về vấn đề bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, an toàn lao động trong xây dựng cầu đường sắt và kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy.

            Sau khi học xong, người học trình bày được các kiến thức về bảo hộ lao động, biết áp dụng các quy định và các kỹ thuật an toàn trong quá trình thi công.

* Bảo vệ môi trường giao thông vận tải

            Nội dung học phần gồm một số khái niệm chung về môi trường và bảo vệ môi trường, môi trường và phát triển bền vững; những tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu trong 3 giai đoạn của dự án giao thông vận tải (giai đoạn lập phương án, giai đoạn thi công và giai đoạn khai thác). 

            Sau khi học xong, người học phân tích được một số đặc điểm, tính chất nhất định về ô nhiễm và bảo vệ môi trường; những tác động đến môi trường trong các hoạt động giao thông vận tải và biện pháp giảm thiểu.

* Thiết kế đường sắt

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về thiết kế đường sắt, các nguyên tắc thiết kế, nội dung thiết kế bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, thoát nước đảm bảo thiết kế tuyến đường phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

            Sau khi học xong, người học tính toán và lập được hồ sơ thiết kế tuyến đường sắt ở những nơi địa hình không phức tạp.

* Thiết kế nền đường và kết cấu tầng trên đường sắt

            Nội dung học phần gồm những kiến thức về cấu tạo và thiết kế nền đường sắt thông thường, các công trình đảm bảo cho tính ổn định của nền đường sắt (tường chắn nền đường, thoát nước nền đường và phòng hộ, nền đường qua vùng địa hình đặc biệt); những kiến thức cơ bản về cấu tạo và thiết kế kết cấu tầng trên đường sắt phù hợp với cự ly đường ray.

            Sau khi học xong, người học trình bày được cấu tạo, tác dụng các bộ phận nền đường, kết cấu tầng trên đường sắt; Vận dụng những kiến thức tiếp thu được lập hồ sơ thiết kế nền và kết cấu tầng trên đường sắt.

* Thiết kế cầu

            Học phần này giới thiệu về tổng luận cầu, các bộ phận cơ bản của cầu (Mố, trụ, gối, nhịp cầu).

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về cấu tạo, đặc điểm của công trình cầu; Nguyên tắc thiết kế, các loại tải trọng tác dụng lên công trình cầu.

            Sau khi học xong, người học tính toán và lập được hồ sơ thiết kế công trình cầu.

* Thiết kế và xây dựng cống

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về đặc điểm, cấu tạo và nguyên lý tính toán kết cấu các loại cống trong công trình giao thông; nguyên tắc xác định các kích thước và vị trí đặt cống, chọn kiểu đầu cống và loại cống phù hợp.

            Sau khi học xong, người học có khả năng lập kế hoạch tổ chức thi công và thi công các loại cống.

* Xây dựng và quản lý khai thác đường sắt

            Học phần này giới thiệu nguyên tắc và kỹ thuật công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa và lớn trong quá trình khai thác đường; tổ chức quản lý khai thác đường sắt.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về công tác thi công nền đường sắt; các phương pháp thi công, chọn phương pháp thi công và tổ chức thi công theo đúng quy trình, quy phạm.

            Sau khi học xong, người học biết tổ chức quản lý khai thác đường sắt và tổ chức thi công theo đúng quy trình, quy phạm.

* Xây dựng cầu

            Học phần này giới thiệu về tổng luận thiết kế và xây dựng cầu.

            Nội dung học phần gồm những kỹ thuật thi công các bộ phận cơ bản của cầu. Các phương pháp thi công, chọn phương pháp thi công và tổ chức thi công theo đúng quy trình, quy phạm.

            Sau khi học xong, người học khả năng lập kế hoạch tổ chức thi công và thi công các loại cầu.

* Dự toán công trình

            Học phần này giới thiệu nguyên tắc tính dự toán, tiên lượng trong công trình xây dựng cơ bản.

            Nội dung học phần gồm những kiến thức cơ bản về tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán; phương pháp tính giá vật liệu xây dựng và mua sắm thiết bị đến hiện trường, đơn giá xây dựng cơ bản; phương pháp lập giá thành xây dựng công trình.

            Sau khi học xong, người học nêu được trình tự và tác dụng của công tác lập dự toán, định mức, đơn giá, các thông tư hiện hành để lập dự toán thi công (tính tiên lượng, phân tích vật tư, nhân công, máy thi công, kinh phí), phục vụ cho công tác thi công và tổ chức thi công.

* Thực tập nghề nghiệp

+Thực tập trắc địa

            Học phần cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản về sử dụng các máy đo đạc công trình như: Máy kinh vĩ, máy thuỷ bình, máy toàn đạc  để đo góc bằng, góc đứng, đo dài, đo trắc ngang, đo cao hình học, đo cao lượng giác, đo toàn đạc khu vực XD công trình.

+Thực tập thí nghiệm vật liệu xây dựng

Nội dung học phần gồm:          

- Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu tính chất chủ yếu của vật liệu xây dựng (cát, đá);

            - Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu tính chất chủ yếu của xi măng;

            - Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu tính chất chủ yếu của bê tông.

+Thực tập thí nghiệm cơ học đất

Gồm 5 bài thí nghiệm cơ bản:

            - Thí nghiệm xác định dung trọng của đất;

            - Thí nghiệm xác định độ ẩm của đất;

            - Thí nghiệm xác định giới hạn chảy của đất;

            - Thí nghiệm xác định giới hạn dẻo của đất;

            - Thí nghiệm xác định khả năng nén lún của đất.

+ Thực tập cơ bản

Nội dung học phần gồm:          

            - Thực tập tay nghề thép.

- Thực tập tay nghề bê tông và bê tông cốt thép.          

            Điều kiện tiên quyết: Thực hiện sau khi đã học xong học phần chuyên môn.

+ Thực tập khảo sát thiết kế đường sắt

            Học phần được chia làm 2 phần:

Phần 1: Khảo sát đo đạc số liệu ngoài thực địa phục vụ cho thiết kế tuyến đường sắt.

            Phần 2: Thiết kế

            Trên cơ sở số liệu đo đạc được ngoài hiện trường, học sinh vận dụng những kiến thức đã học trong học phần thiết kế tuyến đường sắt, vận dụng quy trình, quy phạm hiện hành vào địa hình cụ thể để thiết kế đoạn tuyến cho phù hợp về kỹ thuật, kinh tế và điều kiện thi công.

+ Thực tập nghề nghiệp xây dựng cầu

Nội dung học phần gồm:

            - Đọc các bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thiết kế cấu tạo các bộ phận của cầu, bản vẽ tổ chức thi công cầu.

            - Tìm hiểu các công tác kỹ thuật thi công cầu như: Định vị, cấu tạo đà giáo ván khuôn, phương pháp thi công mố, trụ cầu, phương pháp lao kéo cầu; Công tác tổ chức quản lý, tổ chức thi công các hạng mục công trình cầu.                      

+ Thực tập nghề nghiệp xây dựng đường sắt

Nội dung học phần gồm:

            - Đọc và phân tích được các bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công đường sắt;          

            - Thực hiện được trình tự các bước thi công nền, kết cấu tầng trên đường sắt; trình tự các bước thi công khi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa và lớn đường sắt; công trình thoát nước (cống).      

* Thực tập tốt nghiệp

            Gồm 2 phần:

            Phần 1: Thực tập chỉ đạo sản xuất tại các đội thi công ngoài hiện trường như: Chỉ đạo thi công cho các máy thi công, công nhân trực tiếp sản xuất theo đúng trình tự thi công các hạng mục công trình.

            Theo dõi kiểm tra, thống kê các hạng mục công việc đã hoàn thành.

            Phần 2: Thực tập tại các Công ty

            Tìm hiểu cơ cấu tổ chức, kế hoạch sản xuất của công ty xây dựng cầu, xây dựng - quản lý và khai thác đường sắt, các văn bản, quy trình, quy phạm liên quan để bổ xung cho những vấn đề còn thiếu khi học ở trường; phương pháp lập hồ sơ hoàn công, các phiếu đánh giá công việc.

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang