Ngành Công trình thủy lợi

-

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Trình độ đào tạo

: Trung cấp chuyên nghiệp

Ngành đào tạo

:  CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Mã ngành

:  42510110

Đối tượng tuyển sinh

: Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo

: 2 năm 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

- Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Công trình thủy lợi được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên công trình thủy lợi trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe để làm việc. Về năng lực chuyên môn, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để tìm việc làm, đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu tiếp thu các thành tựu của khoa học kỹ thuật hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân, của khoa học kỹ thuật và của nền kinh tế xã hội.

- Nội dung chính của khóa học bao gồm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về thiết kế, thi công công trình thủy lợi và các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ trong việc thiết kế và thi công công trình thủy lợi như: vẽ kỹ thuật, điện kỹ thuật, thủy văn và địa chất công trình, trắc địa phổ thông, lực học, thuỷ lực, vật liệu xây dựng, kết cấu công trình, máy xây dựng, máy bơm và trạm bơm, thủy nông, thủy công, thi công, quản trị doanh nghiệp, an toàn lao động. Người học đồng thời cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng - an ninh.

- Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp, có khả năng trực tiếp thiết kế, thi công, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trong hệ thống công trình thủy lợi và có thể làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thủy lợi như: các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, ban quản lý dự án có liên quan về thủy lợi, trạm bơm điện; các doanh nghiệp về xây dựng, cung ứng dịch vụ vật tư và khoa học kỹ thuật thủy lợi.

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:           

1. Về kiến thức

- Trình bày được nội dung cơ bản về phân loại, đặc điểm, tính năng, các thông số cơ bản, cấu tạo chung, kết cấu của các bộ phận, điều kiện làm việc, điều kiện sử dụng của công trình trong hệ thống công trình thủy lợi.

- Giải thích được nguyên tắc, trình tự và trình bày được các nội dung cơ bản về quy hoạch, thiết kế, thi công, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ.

- Trình bày được nội dung công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh ở một đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ như: Tổ thiết kế, thi công xây dựng, tổ điều tra thực địa hoặc các đơn vị nhỏ khác có liên quan đến công tác thủy lợi.

2. Về kỹ năng

- Thực hiện được công việc thiết kế các công trình thủy lợi nhỏ theo đúng các quy trình, quy phạm; tham gia thực hiện quy hoạch, thiết kế các công trình thủy lợi vừa và lớn dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của kỹ sư.

- Thực hiện được các kỹ thuật cơ bản trong thi công, tổ chức thi công ở đội sản xuất, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trong hệ thống công trình theo đúng các quy định hiện hành.

- Có khả năng tổ chức quản lý sản xuất ở đơn vị sản xuất nhỏ như: Đội điều tra thực địa, thi công, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức tốt và nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao.

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo

STT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

24

3

Các học phần chuyên môn              

34

4

Thực tập nghề nghiệp

14

5

Thực tập tốt nghiệp

5

Tổng khối lượng chương trình

99

 

2. Các học phần của chương trình và thời lượng

TT

Tên học phần

Số tiết

Số ĐVHT

Tổng

thuyết

Thực

hành, thực tập

I

Các học phần chung

420

22

18

4

Các học phần bắt buộc

390

20

16

4

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

75

3

2

1

2

Giáo dục chính trị

75

5

5

 

3

Giáo dục thể chất

60

2

1

1

4

Tin học

60

3

2

1

5

Ngoại ngữ

90

5

4

1

6

Pháp luật

30

2

2

 

Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

30

2

2

 

7

Khởi tạo doanh nghiệp

30

2

2

 

8

Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

30

2

2

 

9

Kỹ năng giao tiếp

30

2

2

 

II

Các học phần cơ sở

420

24

20

4

10

Vẽ kỹ thuật

60

3

2

1

11

Điện kỹ thuật

45

3

3

 

12

Thủy văn công trình

45

3

3

 

13

Địa chất công trình

60

3

2

1

14

Trắc địa phổ thông

60

3

2

1

15

Lực học

60

4

4

 

16

Thủy lực

60

3

2

1

17

Bảo vệ môi trường

30

2

2

 

III

Các học phần chuyên môn

630

34

26

8

18

Vật liệu xây dựng

60

3

2

1

19

Kết cấu công trình

60

3

2

1

20

Máy xây dựng

60

3

2

1

21

Máy bơm và trạm bơm

60

3

2

1

22

Thủy công

90

5

4

1

23

Thủy nông

30

2

2

 

24

Thiết kế công trình thủy lợi

60

3

2

1

25

Thi công

90

5

4

1

26

Quản lý doanh nghiệp

45

3

3

 

27

Tin học chuyên ngành

45

2

1

1

28

An toàn lao động

30

2

2

 

IV

Thực tập nghề nghiệp

630 giờ

14

 

14

V

Thực tập tốt nghiệp

225 giờ

5

 

5

Tổng cộng

 

99

64

35

 

IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị:

- Học phần Giáo dục chính trị

2

Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):

- Thủy lực

- Thủy công 

3

Thực hành nghề nghiệp

 

V. Mô tả nội dung các học phần

1. Giáo dục quốc phòng-An ninh

- Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng - An ninh. Nội dung bao gồm: quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác Giáo dục Quốc phòng-An ninh, chính trị quân sự lực lượng dân quân tự vệ, kỹ thuật và chiến thuật quân sự, kỹ thuật sử dụng vũ khí thông thường.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể trình bày được những nội dung cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh, về cấu tạo, nguyên lý và sử dụng được một số vũ khí bộ binh thông thường, thành thạo điều lệnh đội ngũ, biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện nếp ngăn nắp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, kỷ luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Giáo dục chính trị 

- Học phần này cung cấp cho học sinh những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội, con người, những nội dung cơ bản về Đảng cộng sản Việt Nam và đường lối chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tự nhiên, xã hội, con người, về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có cái nhìn khoa học, khách quan đối với các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người, biết phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội, biết sống hòa nhập với cộng đồng và môi trường. Tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

3. Giáo dục thể chất

- Học phần này cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Giáo dục thể chất. Nội dung bao gồm ý nghĩa, tác dụng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của cơ thể, bài thể dục buổi sáng, chạy bền, chạy cự li ngắn, nhảy cao nằm nghiêng. Ngoài ra chương trình có thể còn được bổ sung các nội dung như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có khả năng tự rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại cơ sở.

4. Tin học

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Tin học đại cương. Nội dung bao gồm các vấn đề căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng máy tính và quản lý tệp với Windows, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình diễn điện tử-PowerPoint và Internet.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, trình diễn báo cáo, sử dụng bảng máy tính để tính toán thống kê, biết sử dụng và khai thác một số dịch vụ của Internet, đồng thời rèn luyện phong cách suy nghĩ và làm việc phù hợp với thời đại tin học hoá, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành động.

5. Ngoại ngữ 

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, vận dụng được một vốn từ căn bản và cần thiết để có khả năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp thông thường ở mức tối thiểu; có thể đọc hiểu tài liệu bằng ngoại ngữ với sự trợ giúp của Từ điển làm nền tảng để tiếp cận khoa học kỹ thuật, học tập và nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tạo cơ hội cho người học nâng cao kiến thức và ý thức về những khác biệt văn hoá liên quan đến việc sử dụng ngoại ngữ hợp tác trong lao động và giao tiếp.

6. Pháp luật 

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung bao gồm một số vấn đề về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể giải thích được những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam, vận dụng được kiến thức đã học để xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi làm việc và trong cộng đồng dân cư, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật; biết lựa chọn hành vi và khẳng định sự tự chủ của mình trong các quan hệ xã hội, trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.

7. Khởi tạo doanh nghiệp

- Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp; Kinh doanh và định hướng ngành nghề kinh doanh; Các bước lập kế hoạch kinh doanh và thực thi kế hoạch kinh doanh.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày được những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và kinh doanh, có khả năng lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động để khởi sự kinh doanh trong một lĩnh vực của nền kinh tế.

8. Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về năng lượng và tình hình sử dụng năng lượng, nhiên liệu, tài nguyên hiện nay; các chính sách về sử dụng năng lượng của nước ta cũng như của một số quốc gia trên thế giới; các phương pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và an toàn các dạng năng lượng thông dụng như điện năng, khí đốt, xăng dầu; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày và giải thích được các khái niệm, thuật ngữ cơ bản về năng lượng và vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các dạng năng lượng mới; các chính sách sử dụng năng lượng của nước ta cũng như một số quốc gia trên thế giới, quá trình sản xuất, truyền tải, cung cấp, phân phối và sử dụng điện năng. Đồng thời, giúp người học hình thành được ý thức, thái độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền, giáo dục cho những người xung quanh ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.

9. Kỹ năng giao tiếp

- Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức chung và các kỹ năng thông thường về giao tiếp trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc.

Học phần này bao gồm các nội dung những yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; cách thức tổ chức các cuộc họp tại nơi làm việc; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc; kỹ năng viết thư và báo cáo công việc.

- Sau khi học xong học phần, học sinh trình bày được ý nghĩa và sự cần thiết của giao tiếp; phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp; thực hiện hiệu quả các cuộc giao tiếp thông thường qua bày tỏ thái độ, lời nói và viết thư; có khả năng phát triển và duy trì giao tiếp thân thiện tại nơi làm việc; có khả năng tổ chức và điều tiết tốt các cuộc họp tại nơi làm việc và thực hiện được các kỹ năng phỏng vấn thông thường.

10. Vẽ kỹ thuật

- Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về biểu diễn vật thể lên mặt phẳng bằng phương pháp hình chiếu vuông góc và hình chiếu trục đo; cung cấp cho học sinh những tiêu chuẩn và những quy ước có liên quan đến bản vẽ kỹ thuật xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ISO.

- Sau khi học xong, người học có thể trình bày và giải thích được các quy ước, ký hiệu, các tiêu chuẩn về bản vẽ kỹ thuật xây dựng; lập và đọc được các bản vẽ kỹ thuật đơn giản về công trình thủy lợi             

11. Điện kỹ thuật

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về điện xoay chiều 1 pha và 3 pha, máy biến áp, đường dây điện, thiết bị điện, các loại động cơ điện, chống sét cho các công trình và an toàn sử dụng điện.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý làm việc của một số máy, thiết bị điện được sử dụng trong công tác thủy lợi; tính toán được các bài toán đơn giản về mạch điện xoay chiều và một chiều; sử dụng được các dụng cụ đo điện, thực hiện được việc đấu dây máy phát điện, động cơ điện, mạch điện hạ áp, thiết kế chống sét cho các công trình xây dựng, sử dụng điện an toàn và hiệu quả.

12. Thủy văn công trình

- Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng cơ bản về thủy văn công trình, bao gồm: Các thông số đặc trưng thuỷ văn sông, các nhân tố ảnh hưởng dòng chảy, các phương pháp thống kê dùng trong tính toán thuỷ văn và các phương pháp tính toán thuỷ văn phục vụ cho công tác thuỷ lợi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể vận dụng kiến thức đã học để tính toán được các thông số thuỷ văn theo tài liệu thống kê và theo số liệu quan sát thực tế trong xây dựng, quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi.

13. Địa chất công trình

- Học phần này trang bị cho người học một số nội dung cơ bản về địa chất đại cương, các hiện tượng địa chất động lực công trình, địa chất thuỷ văn, đặc tính và phương pháp xác định tính chất cơ lý của đất, đá dùng làm nền, làm vật liệu xây dựng; một số phương pháp tính toán ổn định, xử lý nền và công trình thủy lợi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tính toán được các chỉ tiêu cơ lý, lưu lượng dòng ngầm chảy vào giếng, kênh, hố móng; các đặc trưng về biến dạng, ổn định, thẩm lậu qua nền và bản thân công trình xây dựng, có khả năng phán đoán, đánh giá và xử lý sơ bộ các hiện tượng địa chất công trình.

14. Trắc địa phổ thông

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đo, vẽ, đọc bản vẽ địa hình, sử dụng các máy, thiết bị và dụng cụ chuyên dùng để đo góc, đo khoảng cách, đo chênh cao và định vị.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được phương pháp đo, vẽ, đọc bản vẽ địa hình đơn giản; sử dụng được bản đồ địa hình trong công tác khảo sát địa hình; sử dụng đúng quy trình các máy móc, thiết bị để đo, vẽ bản vẽ địa hình.

15. Lực học

- Học phần này cung cấp cho người học một số nội dung cơ bản về hệ lực phẳng tác dụng lên vật rắn: Xác định hợp lực của hệ lực; tìm điều kiện cân bằng của hệ lực. Cách tính nội lực, ứng suất, biến dạng, điều kiện cường độ, ổn định và các bài toán cơ bản trong kéo (nén) đúng tâm, uốn ngang phẳng, thanh chịu lực phức tạp, các trị số đặc trưng của vật liệu dùng trong xây dựng.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tính toán được các chỉ tiêu đơn giản về lực học liên quan đến các công trình thủy lợi như nội lực, ứng suất, biến dạng trong cấu kiện kéo (nén) đúng tâm, uốn ngang phẳng, thanh chịu lực phức tạp, giải được các bài toán theo điều kiện an toàn về cường độ, ổn định của các cấu kiện trong công trình thủy lợi.

16. Thủy lực

- Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về thuỷ tĩnh, thuỷ động lực học, dòng chảy trong kênh hở, qua công trình; phương pháp tính toán thủy lực trong kênh và công trình, kích thước các bộ phận công trình thỏa mãn các điều kiện thủy lực.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tính toán áp lực thủy tĩnh tác dụng lên công trình, các đặc trưng của dòng chảy trong kênh hở và qua các công trình thủy lợi, xác định các trạng thái chảy và lưu lượng nước qua công trình, tính toán thuỷ lực thiết kế kênh và chọn kích thước các bộ phận công trình thỏa mãn các điều kiện thủy lực.

17. Bảo vệ môi trường

- Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về môi trường như: Khái niệm, nguồn gốc và bản chất của sự ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; những kiến thức cơ bản về ô nhiễm do chất thải công nghiệp, nông nghiệp và chất thải sinh hoạt; đặc điểm nguồn tài nguyên nước, vai trò và các tác động tới tài nguyên nước, biện pháp bảo vệ tài nguyên nước.

- Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, những chức năng cơ bản của môi trường, nguyên nhân ô nhiễm môi trường và đề xuất được các biện pháp bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng.

18. Vật liệu xây dựng

- Học phần cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đặc điểm, tính chất cơ lý hóa, công dụng của các loại vật liệu xây dựng như: vật liệu đá thiên nhiên, vật liệu nung, bê tông, vữa xây dựng, vật liệu đá nhân tạo, vật liệu gỗ và các vật liệu khác.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể đánh giá chất lượng vật liệu bằng phương pháp cảm quan và phương pháp tính toán đơn giản; có thể chọn và sử dụng vật liệu một cách hợp lý, biết cách tính toán, cấp phối liều lượng vật liệu phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

19. Kết cấu công trình

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức cơ bản về phương pháp tính kết cấu thép và kết cấu gạch, đá, bê tông, bê tông cốt thép dưới các hình thức chịu lực cơ bản theo tiêu chuẩn Việt Nam.

- Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng tính toán được các cấu kiện cơ bản của kết cấu gạch, đá, bê tông, bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành dưới các hình thức chịu lực cơ bản.

20. Máy xây dựng

- Học phần này giới thiệu các tính năng, nguyên lý làm việc của một số loại máy cơ bản dùng trong xây dựng, cách chọn máy trong thi công. Nội dung học phần gồm những khái niệm chung về máy xây dựng, các phương tiện vận chuyển, máy nâng chuyển, máy làm đất, thiết bị gia cố nền, máy sản xuất vật liệu xây dựng và máy làm công tác bê tông.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể phân tích được tính năng, nguyên lý làm việc của các loại máy, lựa chọn máy thi công đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kinh tế, môi trường và an toàn.

21. Máy bơm và trạm bơm

- Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động, cấu tạo, tính năng, tác dụng các bộ phận cơ bản các loại máy bơm như: máy bơm ly tâm, máy bơm hướng trục, các thông số kỹ thuật của máy bơm, trình tự và nội dung thiết kế trạm bơm vừa và nhỏ.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể thực hiện được các bước thiết kế sơ bộ trạm bơm, thực hiện được qui trình kỹ thuật trong quản lý trạm bơm vừa và nhỏ.

22. Thủy công

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về phân loại, phân cấp, tác dụng, cấu tạo, đặc điểm và điều kiện làm việc của các công trình thủy lợi trong hệ thống thuỷ nông; căn cứ vào kiến thức các môn học sơ sở và chuyên môn khác để tính toán, xác định kích thước các bộ phận công trình, tính toán ổn định và cường độ công trình, nội dung các bước thiết kế công trình và cụm công trình thủy lợi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia cùng kỹ sư trong việc thiết kế, thi công, quản lý khai thác công trình thủy lợi vừa và nhỏ cấp IV, V trong hệ thống thuỷ nông, hệ thống công trình thuỷ lợi theo đúng các quy phạm kỹ thuật.

23. Thủy nông

- Học phần này giới thiệu cho người học một số kiến thức cơ bản về yêu cầu tưới, tiêu nước cho cây trồng; khái niệm về hệ thống tưới, tiêu; các biện pháp thủy nông cải tạo đất và thiết kế kênh mương thủy lợi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể tính toán được các loại lưu lượng để thiết kế được một tuyến kênh đơn giản đáp ứng các yêu cầu về thuỷ lực và một số yêu cầu khác trong công trình thủy lợi.

24. Thiết kế công trình thủy lợi

- Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về thiết kế các công trình thủy lợi vừa và nhỏ như: xây dựng và thuyết minh bản vẽ thiết kế, lập dự toán vật tư, kinh phí, nhân lực, máy móc thiết bị theo các quy định hiện hành và cách thức xây dựng một hồ sơ thiết kế công trình thủy lợi nhỏ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể đọc được các bản thiết kế xây dựng công trình thủy lợi, trực tiếp tham gia thiết kế và hoàn thiện hồ sơ thiết kế các công trình thủy lợi dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của kỹ sư thủy lợi.

25. Thi công

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về kỹ thuật thi công và tổ chức thi công công trình thuỷ lợi có quy mô vừa và nhỏ, bao gồm: các kiến thức cơ bản về công tác dát và gia cố nền móng, công tác xây, công tác bê tông và bê tông cốt thép, công tác lắp ghép và công tác hoàn thiện; phương pháp lập thiết kế, tổ chức thi công.

- Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng lập kế hoạch các phương pháp thi công, chỉ đạo công nhân thi công trong một dây chuyền công việc, lựa chọn biện pháp kỹ thuật thi công phù hợp, trực tiếp tổ chức thi công, lập được kế hoạch tiến độ thi công, biết tính toán và bố trí công trình tạm trên tổng mặt bằng thi công, kiểm tra, đánh giá chất lượng và nghiệm thu khối lượng xây lắp trong quá trình thi công.

26. Tin học chuyên ngành

- Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về vẽ thiết kế trên máy tính; ứng dụng một số phần mềm chuyên ngành thông dụng trong dự toán xây dựng, tính toán thủy lực, kết cấu và ổn định phục vụ cho công tác thiết kế, thi công công trình.

- Sau khi học xong học phần này người học có khả năng vẽ thiết kế, chỉnh sửa bản vẽ đơn giản trên máy vi tính theo đúng tiêu chuẩn ngành, sử dụng cơ bản được một số phần mềm ứng dụng trong thiết kế, lập kế hoạch, dự toán xây dựng.

27. Quản lý doanh nghiệp

- Học phần này cung cấp cho người học các nội dung cơ bản về tổ chức quản lý doanh nghiệp như: đặc điểm, nhiệm vụ, cơ cấu chức năng của doanh nghiệp; nội dung và biện pháp tổ chức quản lý như lập kế hoạch và tiến độ sản xuất, kế hoạch về vật tư, máy thiết bị, lao động và tiền lương, hạch toán kinh tế, tính toán chu kỳ bảo dưỡng sữa chữa thiết bị, quản lý kho bãi trong công tác thủy lợi.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể hạch toán chi phí và tính toán hiệu quả kinh tế trong mỗi giải pháp kỹ thuật; tính toán nhu cầu lao động, lập kế hoạch sản xuất, lập được kế hoạch vật tư, máy móc thiết bị và sửa chữa bảo trì nhỏ các máy, thiết bị trong hệ thống thủy nông.

28. An toàn lao động

- Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản về sự an toàn trong lao động như: An toàn khi sử dụng các thiết bị điện, an toàn trong môi trường làm việc có hoá chất độc hại, an toàn trong môi trường làm việc có cháy, nổ, an toàn khi vận hành các hệ thống thủy nông.

- Sau khi học xong học phần này, người học có thể lựa chọn được phương tiện bảo hộ lao động phù hợp, thực hiện đúng quy trình an toàn lao động; thực hiện được các biện pháp sơ cứu người khi bị tai nạn lao động trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thủy nông.

29. Thực tập nghề nghiệp

- Thực tập nghề nghiệp nhằm cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng về công trình thủy lợi theo yêu cầu mục tiêu đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo. Địa điểm thực tập có thể trong hoặc ngoài trường, nơi có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tập như: Trường, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các cơ sở khác có hoạt động liên quan đến công tác thuỷ lợi.

- Thực tập nghề nghiệp có thể chia thành các học phần, nội dung chính tập trung vào các kỹ năng phục vụ cho việc thiết kế, thi công công trình thuỷ lợi. Trong quá trình thực tập, người học sẽ có thêm cơ hội vận dụng linh hoạt, tổng hợp các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế công việc, rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức cao về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

- Sau khi kết thúc thực tập nghề nghiệp, người học có khả năng đảm nhận được công việc như: Tham gia thực hiện một số nhiệm vụ trong thiết kế, thi công các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; trực tiếp thiết kế, thi công công trình thủy lợi nhỏ; tính toán đơn giản về các chỉ tiêu kinh tế trong thiết kế, thi công, quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi.

30. Thực tập tốt nghiệp

- Học phần này trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong thực tế về thiết kế, thi công công trình thủy lợi thông qua các chuyên đề thực tập phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo. Kết thúc đợt thực tập học sinh phải có một báo cáo kết quả thực tập theo quy định .

- Các nội dung thực tập tối thiểu ở các chuyên đề thực tập phải nhằm mục đích vận dụng tổng hợp, linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được học và rèn luyện vào thực tế. Ngoài việc thu thập, mô tả đặc điểm tình hình nơi thực tập, quá trình thực tập phải tập trung vào nội dung thiết kế, thi công và tổ chức quản lý thi công các công trình thủy lợi; tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa, quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi trong hệ thống thủy nông. Trong quá trình thực tập, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng thực tế có liên quan đến ngành học, rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

- Sau khi kết thúc thực tập tốt nghiệp, người học có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ cơ bản về công việc của ngành đào tạo là thiết kế, thi công công trình thủy lợi vừa và nhỏ, tham gia thiết kế, thi công, công trình thủy lợi lớn hơn dưới sự hướng dẫn của kỹ sư. Đồng thời người học cũng có kỹ năng trong việc chuyển giao những thành tựu khoa học kỹ thuật thủy lợi vào sản xuất nông nghiệp nhằm góp phần nâng cao đời sống và phát triển cộng đồng ở nông thôn.

 

VI. Các điều kiện thực hiện chương trình

1. Đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình

Để triển khai thực hiện chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả, cơ sở đào tạo cần có đủ đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng.

-  Đội ngũ giáo viên phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp hiện hành.

- Số lượng giáo viên phải đảm bảo để tỷ lệ số học sinh/giáo viên phù hợp theo quy định, trong đó đội ngũ giáo viên cơ hữu của các bộ môn phải đảm bảo tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo.

- Ngoài ra, giáo viên tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành cần có trình độ tin học, ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tế về công tác thủy lợi để hỗ trợ, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, khi triển khai thực hiện chương trình đào tạo ngành Công trình thủy lợi, ngoài những cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng chung, cơ sở đào tạo phải chuẩn bị các nơi thực hành, thực tập sau:

- Phòng thực hành tin học chuyên ngành.

- Phòng thực hành vẽ kỹ thuật.

- Phòng thực hành đo đạc và bản đồ.

- Phòng thực hành điện.

- Phòng thực hành về máy bơm.

- Khu thực hành vật liệu xây dựng.

- Khu thực hành, thực tập máy xây dựng.

- Khu thực hành về thi công xây dựng.

- Khu thực hành về trạm bơm, kênh và các công trình thủy lợi khác.

 

VII. Hướng dẫn sử dụng chương trình để thiết kế các chương trình đào tạo cụ thể

1. Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Công trình thủy lợi quy định cụ thể về nội dung và khối lượng kiến thức, kỹ năng, tỷ lệ giữa lý thuyết, thực hành, thực tập của khóa học 2 năm đào tạo kỹ thuật viên ngành Công trình thủy lợi. Chương trình được cấu trúc thành một hệ thống hoàn chỉnh và phân bố hợp lý về thời gian, phù hợp với quy định của Luật giáo dục nhằm đáp ứng mục tiêu và yêu cầu chất lượng đào tạo.

Chương trình bao gồm các học phần chung, các học phần cơ sở, học phần chuyên môn, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp, đồng thời phân bố thời lượng đối với từng học phần, phân bố thời lượng lý thuyết, thực hành và thực tập trong các học phần và toàn bộ chương trình. Ngoài ra chương trình còn giới thiệu danh mục các học phần và mô tả nội dung từng học phần trong chương trình, xác định điều kiện thực hiện chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời quy định nội dung thi tốt nghiệp khóa học.   

Danh mục các học phần và khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình chỉ là quy định mức tối thiểu, trong đó có các học phần bắt buộc và các học phần tự chọn. Các học phần bắt buộc là những học phần chứa đựng nội dung kiến thức chủ yếu của mỗi chương trình, bắt buộc học sinh phải tích luỹ. Học phần tự chọn là những học phần chứa đựng nội dung kiến thức cần thiết, đựơc tự chọn nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để tích luỹ đủ số đơn vị học trình quy định. Trong chương trình này quy định 1 đơn vị học trình bằng 15 tiết học lý thuyết; bằng 30 tiết đến 45 tiết học thực hành, thí nghiệm, thảo luận, tham quan, bài tập; bằng 45 giờ đến 60 giờ thực tập; 1 tiết học có thời lượng là 45 phút, 1 giờ thực tập có thời lượng là 60 phút.

2. Chương trình được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình đào tạo cụ thể. Có thể kết cấu lại chương trình của các học phần tự chọn trong các học phần cơ sở và chuyên môn để phù hợp với kế hoạch đào tạo của các trường và có thể xây dựng thành chương trình đào tạo các ngành khác; trong đó khối lượng kiến thức, kỹ năng đào tạo chuyên ngành là 30% tổng khối lượng kiến thức, kỹ năng được bố trí cho các học phần chuyên môn, thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Có thể thiết kế chương trình đào tạo liên thông từ Trung cấp chuyên nghiệp lên Cao đẳng, Đại học bằng cách bổ sung các học phần, các nội dung còn thiếu của chương trình đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học.

3. Căn cứ các quy định của chương trình khung này, đồng thời căn cứ vào mục tiêu, đối tượng tuyển sinh, thời gian đào tạo, yêu cầu sử dụng nhân lực và điều kiện thực tế, các trường xây dựng thành chương đào tạo cụ thể của trường mình và lập kế hoạch đào tạo toàn khóa, kế hoạch đào tạo từng năm học để triển khai thực hiện chương trình. Thành phần tham gia xây dựng chương đào tạo cụ thể của trường là những cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy về thủy lợi và các kiến thức, kỹ năng có liên quan đến chương trình đào tạo; cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp có liên quan đến chuyên môn, trong đó cần lựa chọn những người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế và có uy tín tham gia xây dựng chương trình. Chương trình đào tạo cụ thể phải được tổ chức thẩm định theo Quy định về thẩm định chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mục tiêu đào tạo phải được cụ thể hoá từ chương trình khung trên cơ sở chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như vị trí và nhiệm vụ phải thực hiện tại nơi làm việc mà người học cần đạt được. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng trong chương trình đào tạo phải phù hợp định hướng mục tiêu đào tạo. Thời gian thực tập (bao gồm thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp) được xem như các học phần trong chương trình đào tạo và phải xác định mục tiêu, nội dung, kế hoạch chặt chẽ và được thực hiện tập trung tại trường hoặc tại các cơ sở bên ngoài nhà trường.

Kế hoạch đào tạo phải đảm bảo triển khai đúng chương trình đào tạo, đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp với đối tượng đào tạo, điều kiện hoàn cảnh cụ thể, việc bố trí các học phần phải đảm bảo tính lôgíc, thuận lợi và hiệu quả.

4. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình đào tạo và khi kết thúc khóa học được thực hiện theo quy định tại Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung thi tốt nghiệp môn lý thuyết tổng hợp nghề nghiệp là những kiến thức được tổng hợp từ một số học phần thuộc phần kiến thức cơ sở và chuyên môn trong chương trình đào tạo. Nội dung thi tốt nghiệp môn thực hành nghề nghiệp là những kỹ năng được tổng hợp từ các nội dung phần thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp trong chương trình đào tạo.

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang