Lo thiếu nguồn tuyển sinh, nhiều trường lên kế hoạch... ứng phó
11/07/2022
Bộ GD&ĐT quy định chỉ khi thí sinh thi xong tốt nghiệp THPT và thực hiện xét tuyển chung qua cổng thông tin của Bộ GD&ĐT (lọc ảo), các trường mới được thông báo thí sinh trúng tuyển. Lo lắng bị động trong nguồn tuyển, một số trường thông báo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Sợ tuyển không đủ chỉ tiêu
Mọi năm, thí sinh có thể biết mình trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ THPT vào các trường mà mình yêu thích và chủ động chọn lựa cơ hội từ sớm bằng việc xác nhận nhập học. Thế nhưng năm nay, mọi thứ (được công nhận trúng tuyển, làm thủ tục nhập học) đều phải chờ đến sau khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc và việc lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT thực hiện xong.
Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm 2022 khiến nhiều trường đại học, nhất là đại học ngoài công lập – vốn lấy phần lớn chỉ tiêu thông qua phương thức xét tuyển riêng như học bạ THPT, điểm thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét tuyển kết hợp… cảm thấy bị động. Nguyên nhân là các trường không thể ước đoán số lượng thí sinh xét và trúng tuyển vào trường ở mức nào.
TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) - nhìn nhận: Các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đều có tỷ lệ ảo khá cao nên việc lọc ảo sẽ giúp giảm tình trạng này. Tuy nhiên, cách làm này khiến các trường bị động. Những phương thức tuyển sinh riêng không còn phù hợp vì mọi thứ đều phải chờ sau ngưỡng thời gian quy định chung.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, thực tế, các giải pháp thay đổi ở khâu kỹ thuật năm nay bản chất không làm thay đổi nhiều cách thức tuyển sinh của các trường.
Do không thể nắm và ước đoán được chính xác con số thí sinh trúng tuyển nên dù chưa đến thời điểm quy định chung của Bộ GD&ĐT, một số trường đã gửi giấy thông báo trúng tuyển có điều kiện các phương thức riêng đến thí sinh.
Đơn cử, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Gia Định, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã gửi giấy đến cho thí sinh, thông báo kết quả sơ tuyển. TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - cho biết: Từ năm 2021 trở về trước, sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường đã nắm chắc trong tay một phần thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT. Trường cũng biết dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh
Theo các chuyên gia tuyển sinh, các thay đổi và điều chỉnh về mặt kỹ thuật của Quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản chỉ là siết chặt lại các quy định chung đã có sẵn. Còn việc lọc ảo chung thực tế cũng chỉ là phát triển thêm các phương thức so với duy nhất một phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT như trước.
“Theo kế hạch tuyển sinh của các trường, việc chạy tuyển sinh hàng năm luôn được khởi động từ rất sớm (đầu tháng 2, thậm chí có trường trước Tết).
Do đó, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức riêng (học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển kết hợp) ở nhiều trường trước khi quy chế ban hành là khá lớn. Việc quy chế yêu cầu thí sinh phải đăng ký lại thông tin vào cổng xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT sau kỳ thi THPT mới hợp lệ khiến nhiều trường lo lắng vì các em có thể thay đổi nguyện vọng, mục tiêu so với ban đầu”, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích.
Theo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2022, năm nay thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22/7 đến trước 17 giờ ngày 20/8 (sau khi thi tốt nghiệp THPT). Các trường thông báo kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 17/9. Đây là khoảng thời gian mà theo TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Gia Định, là khá nhạy cảm.
“Nếu công tác tư vấn và hỗ trợ thí sinh không tốt, khoảng thời gian nhập liệu lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT sẽ khiến các trường “đánh rơi” cơ số thí sinh. Cũng như việc thay đổi kế hoạch xét tuyển và phương thức xét tuyển ưu tiên, khiến trường khó phán đoán tỷ lệ trúng tuyển và xác nhận nhập học.
Điều này buộc các trường phải chuẩn bị dự phòng các phương án xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là sau đợt lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT (đợt 1) các trường ngoài công lập có còn nguồn để tuyển hay không”, TS Mai Đức Toàn chia sẻ.
“Năm nay, việc kéo dài thời gian tuyển sinh được dự báo sẽ xảy ra. Điều này khiến các trường buộc phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo đối với sinh viên năm nhất. Với đơn vị phải tuyển sinh bổ sung, việc điều chỉnh kế hoạch đào tạo khá vất vả. Bởi không cách nào khác, tân sinh viên phải học dồn ít nhất một học kỳ, thậm chí là hai học kỳ nhằm bảo đảm kế hoạch đào tạo chung của các năm tiếp theo. - ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh
|
Anh Tú
https://giaoducthoidai.vn/lo-thieu-nguon-tuyen-sinh-nhieu-truong-len-ke-hoach-ung-pho-post600289.html