Dạy nghề: 'Nhắm mắt' đầu tư, không tính đến hiệu quả?
Sáng 29/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo dự báo xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2011 - 2020. Số đông đại biểu tham dự đều cho rằng, cần phải xem lại việc quản lý nhà nước về GDNN.
Hiện nay, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT quản lý trực tiếp các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Còn Tổng cục Dạy nghề "nắm" hệ thống các trường dạy nghề.
Theo GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì đây là cách quản lý chỉ có ở Việt Nam.
Đặc biệt, nếu xét đào tạo nghề dưới góc độ đầu tư thì hiện nay đang lãng phí rất lớn nguồn tiền của nhà nước. Bởi thực tế, có không ít cơ sở đầu tư máy móc hàng tỷ đồng nhưng chỉ để "đắp chiếu".
Thạc sĩ Nguyễn Viết Thắng, Tổng cục Dạy nghề cho biết, ngân sách dạy nghề trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT tăng từ 4,7% năm 2000 lên khoảng 7,5% năm 2008.
Trong 6 năm, kể từ năm 2001, ngân sách cho dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT là 1.370 tỷ đồng.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD - ĐT) Hoàng Ngọc Vinh thì năm 2008, hệ thống 512 trường đào tạo TCCN mà Bộ GD-ĐT quản lý được Nhà nước đầu tư tới 3.094 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thị trường lao động đang đứng trước mâu thuẫn: ngành cần nhân lực thì không có, ngành không cần thì cứ đào tạo gây lãng phí.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì một trong những yếu kém trong quản lý GDNN là thiếu nghiên cứu về việc thu hồi vốn đầu tư. Nghĩa là phải biết được hiệu quả đào tạo, không nên đầu tư theo kiểu "nhắm mắt" như hiện nay. Vấn đề này cần có nghiên cứu để nắm được hiệu quả đầu tư và nâng được khả năng chịu trách nhiệm của cơ sở.
Điệp khúc "đã đến lúc phải xem xét lại quản lý nhà nước về GDNN" được PGS-TS Nguyễn Đức Trí nhắc đi nhắc lại. Bởi theo ông: việc tồn tại song song loại hình trường CĐ và CĐ nghề; TCCN và TC nghề hiện nay là sự "cạnh tranh" không lành mạnh.
Vì vậy, nên nhập TC nghề và TCCN với nhau để có định hướng phát triển chung.
Khi thống nhất về loại trường thì nên phân định về quản lý: về "kỹ năng nghề" giao Tổng cục Dạy nghề, còn Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn đào tạo.
Theo ông Trí, cần làm tốt khâu tư vấn, định hướng về học nghề để "hút" được người học.
Thêm vào đó, cần có dự báo tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực nghề.
GS-TSKH Nguyễn Minh Đường cho rằng: để phân luồng học sinh sau THCS và phổ cập Giáo dục trung học, cần khôi phục mô hình trường "Dạy nghề trung học" đã có từ những năm 1980 (khi Tổng cục Dạy nghề vẫn thuộc Bộ GD-ĐT). Mô hình này thí điểm tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, vừa dạy văn hóa phổ thông vừa dạy nghề. Đến năm 1998, sau khi chuyển lĩnh vực dạy nghề sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thì mô hình này không còn nữa.
Cả nước hiện có 103 trường CĐ nghề, 265 trường TC nghề, 850 trung tâm dạy nghề. Trên 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các cơ sở giáo dục khác có dạy nghề. |
Kiều Oanh – VietnamNet
31/12/2009