Chuyên ngành Vật lý vô tuyến và điện tử

(Theo chương trình đào tạo của ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG HN)

 

Tên chuyên ngành: VẬT LÝ VÔ TUYẾN VÀ ĐIỆN TỬ

(Radio Physics and Electronic)

Tên ngành : Vật lý (Physics)

Bậc đào tạo: Thạc sĩ

Tên văn bằng: Thạc sĩ Vật lý

 

Đối tượng được đăng kí dự thi Thạc sĩ:

Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ các điều kiện quy định dưới đây được dự thi đào tạo thạc sĩ:

*Về văn bằng :

Người dự thi cần thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây:

- Có văn bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự  thi.

- Riêng đối với ngành ngoại ngữ, nếu người dự thi đăng kí theo ngành ngoại ngữ của bằng tốt nghiệp hệ đại học không chính quy thì cần thêm bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy thuộc ngành ngoại ngữ khác.

- Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành gần với ngành đăng kí dự thi đã học bổ sung kiến thức các môn học hay các học phần để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng. Nội dung, khối lượng (số tiết) các môn học bổ sung do các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo cao học các ngành này quy định.

* Về thâm niên công tác:

- Người có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, ngành tốt nghiệp đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự thi, được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

- Những trường hợp còn lại phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn đăng kí dự thi, kể từ khi tốt nghiệp đại học (tính từ ngày Hiệu trưởng kí quyết định công nhận tốt nghiệp) đến ngày đăng kí dự thi.

 

Mục tiêu đào tạo

* Về kiến thức: Học viên được trang bị những kiến thức nâng cao về kĩ thuật Vô tuyến, điện tử và viễn thông. Các môn học là sự phát triển chuyên sâu của các môn học trong chương trình đại học. Ngoài ra, học viên được làm quen với các môn học mới về các loại linh kiện điện tử hiện đại, các kĩ thuật truyền tin, xử lý tín hiệu hiện đại hiện đang được sử dụng. Các bài toán về Vô tuyến thống kê và dao động được xem xét trên một góc độ sâu sắc hơn về bản chất vật lý cũng như tính toán.

* Về kĩ năng: Học viên được thực tập trên một hệ thí nghiệm rất tân tiến vừa trang bị, được lắp ráp và xây dựng tại hãng Elettronica Veneta của Ý. Các bài thực tập mang tính chất vận hành các hệ thống điện tử phức tạp, giúp học viên sau khi học xong có thể dễ dàng tiếp cận và vận hành các hệ thống máy móc điện tử phức tạp, hiện đại. Các kĩ thuật đo đạc trên các máy đo phân tích tín hiệu hiện đại được đan xen trong các bài thực tập để học viên có thể biết cách đo lường và phân tích các thuộc tính của các tín hiệu điện, điện tử phức tạp hiện hành.

*Về năng lực: Trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, học viên phải tự chủ và độc lập khi được giao một vấn đề. Theo yêu cầu khắt khe của giáo viên hướng dẫn, học viên sẽ biết cách tiếp nhận thông tin, thu thập và xử lý một cách có khoa học. Học viên có thể có những báo cáo khoa học chuyên môn tại các hội nghị khoa học của trường, các tạp chí chuyên môn cấp toàn quốc. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể đảm nhiệm các vị trí công tác có liên quan đến các chuyên môn như: Điện tử, tự động hóa, viễn thông, máy tính, siêu âm. Các cơ quan có thể như: Các trường đại học KHKT, Các Viện nghiên cứu, Bưu điện, Ngân hàng, và nói chung là các cơ quan, công ty có sử dụng các hệ thống máy móc điện tử

* Về nghiên cứu: Dao động, truyền tin, các kĩ thuật thu phát, điều chế, kĩ thuật xử lý tín hiệu số, kĩ thuật siêu cao tần.

 

Danh mục các môn học và số lượng tín chỉ

TT

Tên môn học (ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh)

Số tín chỉ

I.

Khối kiến thức chung

 

01

Triết học (Philosophy)

4

02

Ngoại ngữ (Foreign language)

4

03

Ngoại ngữ chuyên ngành (Special Foreign language)

3

II.

Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành

 

 

II.1. Các học phần bắt buộc

27

04

Toán cho Vật lý (Mathematics for Physics)        

3

05

Điện động lực học. Electrodynamics       

3

06

Tin học vật lý (Physics Informatics)

3

07

Dao động phi tuyến (Nonlinear Oscillations)

3

08

Vô tuyến thống kê (Statradio Physics)

3

09

Mạch và xử lý tín hiệu (Circuit and signal analysics)

3

10

Âm, siêu âm (Acoustic and ultrasonic)

3

11

Thực tập chuyên ngành (Major Practice)

6

 

II.2. Các học phần lựa chọn

6/18

12

Hệ nhiều bậc tự do

The linear systems (with n degrees of freedom)

3

13

Dao động thông số (Parametric oscillations)

3

14

Dụng cụ điện tử (Electronics Devices)

3

15

Dụng cụ điện tử mới, tinh thể lỏng (New electronic device. Optoelectronics)

3

16

Ăng-ten (Antennas)

3

17

Thông tin vệ tinh (Satellite Communications)

3

III.

Luận văn

15

 

Tổng

59

 

Tóm tắt nội dung môn học      

*Toán cho Vật lý          

Cung cấp các kiến thức cơ bản cần thiết để tiến hành giải một bài toán vật lý. Các chú ý quan trọng cho bài toán vật lý là việc xem xét kĩ lưỡng các điều kiện ban đầu, điều kiện biên, cũng như các phép gần đúng để có thể tìm ra được chính xác nhất nghiệm của bài toán. Mỗi hiện tượng vật lý đều có nhứng đặc trưng nhất định, vì thế chúng cũng có các phương trình toán học đặc trưng mô tả được đầy đủ các tính chất của hiện tượng.

Các phương trình thông dụng được đưa vào môn học bao gồm: Phương trình tích phân : Phương trình Voltera ; Phương trình Fredholm ; Lý thuyết Hilbert- Smidth . Ham Green : Các khái niệm ; Hàm Green cho phương trình Helmholz ; Phương trình khuếch tán.

*Điện động lực học     

+ Các phương trình cơ bản của trường điện tử , các phương trình Maxwell , mật độ năng lượng , dòng năng lượng , lực tác dụng .

+ Trường điện từ tĩnh và dừng , các điện môi, từ môi, vật dẫn trong các trường trên, năng lượng và lực tác dụng.

+ Trường điện từ chuẩn dừng, vật dẩn trong trường điện từ chuẩn dừng , dòng Foucault , hiệu ứng lớp da, năng lượng .

+ Sóng điện từ ( trường điện từ biến đổi nhanh ).

+ Sóng điện từ trong các điện môi, vật dẫn, phản xạ, khúc xạ .

+ Tương tác của các điện tích với trường điện tích với trường điện từ, lý thuyết electron và mối liên hệ với điện động lực học vĩ mô .

*Tin học vật lý

+ Nhập môn về lập trình bằng phần mềm Matlab ; Giới thiệu Matlab , ma trận và các phép tính ma trận, các lệnh vào ra , các lệnh điều khiển, các hàm đồ họa, các hàm do người dùng định nghĩa trong Matlab.

+ Giải các bài toán, cho kết quả có dạng biểu thức : giới thiệu Matlab Symbolic toolbox , biến đổi các biểu thức toán học, giải các phương trình phi tuyến , các phép toán giải tích, giải các phương trình vi phân thường, các phép biến đổi tích phân , giải các bài toán đại số tuyến tính.

+ Các kĩ thuật mô phỏng, mô hình hóa các hệ vật lý sử dụng Matlab Simulink

+ Thực hành giải các bài toán trên máy tính.

*Dao động phi tuyến   

Các hệ phi tuyến là các hệ rất quan trọng khi giải một bài toán dao động. Nếu hệ đơn thuần chỉ là dao động tuyến tính thì sẽ không thể có các hệ tự dao động, không có dao động thông số và các ứng dụng quan trọng khác của dao động. Vì thế, việc xem xét phần phi tuyến trong dao động giúp ta hiểu rõ được quá trình quá độ, bản chất vật lý của quá trình, từ đó có thể thay đổi các thông số của hệ thống để đạt được mục tiêu mong muốn của hệ dao động. Các bài toán cụ thể được trình bày trong môn học bao gồm:

+ Nghiên cứu các phương pháp giải tích , giải các phương trình vi phân phi tuyến bé. Nghiên cứu các phương pháp đô thị và lý thuyết ổn định.

+ Giải một số bài toán  trong vô tuyến có liên quan đến dao động phi tuyến .

*Vô tuyến thống kê      

Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết thống kê nhằm giải quyết các bài toán vô tuyến. Vì rằng, một hệ vô tuyến không đơn thuần là các thiết bị linh kiện điện tử như tính toán trong lí thuyết. Hoạt động thực tế của các hệ thống điện tử còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các tác động bên ngoài môi trường, cũng như tương tác lẫn nhau của các tầng xử lí tín hiệu.

Nội dung của môn học đi vào nghiên cứu các quy luật xác xuất, các đại lượng ngẫu nhiên, các đặc trưng ngẫu nhiên, các định luật cơ bản và giải quyết một số bài toán liên quan đến quá trình ngẫu nhiên (tạp âm, ảnh hưởng tạp âm lên các thiết bị vô tuyến, xử lý tín hiệu).

*Mạch và xử lý tín hiệu

Kĩ thuật mạch và xử lí tín hiệu là một kĩ thuật rất khó và quan trọng trong việc thu thập, phân tích và xử lí tín hiệu. Các hệ đo có tín hiệu nhỏ, có thể bị chìm lẫn trong tạp, các tín hiệu yêu cầu mã hóa, giải mã, nén, chỉnh sửa lỗi truyền luôn đòi hỏi phải có các công đoạn xử lí phức tạp. Các kĩ thuật xử lí tín hiệu hiện đại thực hiện trên công nghệ xử lí tín hiệu số DSP nằm trên các IC tích hợp cao đòi hỏi những kiến thức sâu về mạch điện tử và viết chương trình phần mềm.

Gói gọn trong nội dung môn học, các vấn đề được tìm hiểu bao gồm: nghiên cứu mạch khuếch đại tuyến tính, khuếch đại tạp nhỏ và tổ hợp mạch trong lĩnh vực thu và xử lý tín hiệu. Phần lý thuyết nghiên cứu phương pháp phân tích phổ Fourier, phương pháp toán tử.  Hai chương cuối nghiên cứu khuếch đại và xử lý tín hiệu số (các phương pháp điều chế, mã hóa tín hiệu và một số ứng dụng).

*Âm và siêu âm           

Kĩ thuật âm và siêu âm là một kĩ thuật rất phổ biến và có rất nhiều ứng dụng quan trọng hữu ích trong thực tế, trong lao động sản xuất, trong kĩ thuật thăm dò, điều khiển, trong y tế và quân sự.

Để có thể thiết kế các hệ thống siêu âm, cần phải nắm vứng được nguyên lí hoạt động của siêu âm. Các kiến thức được trình bày trong môn học bao gồm: Một số khái niệm cơ bản về sóng âm. Âm trong môi trường truyền dẫn (phân loại). Sóng siêu âm. Các biến từ siêu âm. Thiết bị siêu âm và các ứng dụng. Các mạch điện xử lí tín hiệu của các biến tử siêu âm.

*Thực tập chuyên ngành         

Môn học này là chủ đề duy nhất có liên quan đến việc học tập và làm việc trong phòng thí nghiệm. Hệ thống gồm 08 bài thực tập hiện đại của hãng Veneta, Ý.

Đặc điểm của hệ thống là độ tích hợp của các linh kiện điện tử rất cao, hình thành nên các bo mạch điện tử vô cùng phức tạp yêu cầu người thực hành cần nắm vững các kiến thức cơ bản của kĩ thuật điện tử cổ điện và hiện đại, cũng như cần có những kinh nghiệm tốt trong thao tác các thiết bị đo lường của vô tuyến điện tử thì mới có thể đủ thời gian và kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ môn học.

8 bài thực tập được phân chia đồng đều cho 8 mảng quan trọng của kĩ thuật điện tử nâng cao: Tập trung vào các kĩ thuật thu phát, điều chế AM/FM hiện đại; các kĩ thuật điều chế xung, điều chế số; kĩ thuật chuyển mạch và mã hóa tín hiệu PCM; các mạch sensor

*Hệ nhiều bậc tự do    

Hệ nhiều bậc tự do là một trường hợp rất hay gặp trong kĩ thuật vô tuyến điện tử.  Nó có những ứng dụng rất quan trọng trong lĩnh vực đo lường, điều khiển, truyền dẫn thông tin. Tìm hiểu về hệ các bậc tự do giúp sinh viên có thể hiểu sâu sắc được sự hoạt động của các mạch điện kích thước lớn hơn nhiều lần bước sóng, dự đoán được các hiện tượng có thể phát sinh, từ đó khống chế và tìm ra được những ứng dụng quan trọng.

Các lí thuyết được tìm hiểu bao gồm: Nghiên cứu phương pháp tứ cực. Nghiên cứu các mạch lọc, đường dây nhân tạo, đường dây phân bố, máy phát dùng đường dây.

* Dao động thông số   

Nghiên cứu cơ sở về hiện tượng thông số (tuyến tính, phi tuyến tính). Hiện tượng này được gặp rất nhiều trong kĩ thuật dao động. Các thông số của mạch điện thay đổi trong quá trình hoạt động nhằm cung cấp thêm năng lượng để duy trì dao động, hoặc tạo ra một vài các hiện tường nhằm điều khiển, đo lường.

Các vấn đề được đề cập bao gồm: các mạch khuếch đại thông số, máy phát thông số khung đơn, khung kép và các ứng dụng trong điện tử và điều khiển học.

* Dụng cụ điện tử        

Môn học cung cấp cho sinh viên một cái nhìn sâu sắc về bản chất cấu trúc và hoạt động của các linh kiện bán dẫn. Nghiên cứu cơ sở vùng năng lượng, vật liệu bán dẫn. Cấu trúc các dụng cụ điện tử mới ( transistor trường, điot tunel, điot Gum, laser bán dẫn).

Các chế độ hoạt động phân cực thuận, phân cực ngược, các cơ chế dòng khuếch tán, dòng tái hợp, dòng dịch. Các cấu trúc phong phú đa dạng của các lớp bán dẫn PN để hình thành nên các tính chất đặc biệt của các linh kiện điện tử khác nhau.

Các vật liệu mới, các kích thước mới của các linh kiện điện tử luôn gắn liền với sự phát triển của ngành khoa học vật liệu

* Dụng cụ điện tử mới, tinh thể lỏng   

Các linh kiện điện tử mới có rất nhiều, mỗi một loại được nghiên cứu và chế tạo nhằm đáp ứng những mục đích khác nhau của các loại tín hiệu điện tử. Loại cần dùng thiết bị có tần số cao, loại cần công suất lớn, loại dùng yêu cầu tạp âm thấp, độ chính xác cao… Kết hợp giữa bán dẫn, kim loại, chất cách điện, các linh kiện quang điện, linh kiện kích thước siêu nhỏ, linh kiện nano đưa ra được hàng loạt các bước đột phá trong kĩ thuật điện tử ứng dụng.

Mục tiêu của môn học bám sát vào những kĩ thuật điện tử hiện đại để giới thiệu mỗi loại một cấu trúc linh kiện mới để sinh viên có được một cái nhìn toàn diện về sự phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu của hai ngành: khoa học vật liệu và điện tử.

* Ăng-ten         

Đối với kĩ thuật vô tuyến, lí thuyết ăng-ten là một phần không thể thiếu. Sóng điện tử sau khi qua xử lí, được nén, mã hóa, khuếch đại… muốn truyền đi xa và có định hướng cần có một ăng-ten tốt. Việc thu thập các tín hiệu vô tuyến cũng đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về kĩ thuật ăng-ten.

Mục tiêu của môn học đi vào nghiên cứu cấu trúc ăngten , đường dây phiđơ, các tham số ăngten và các phép đo, các kĩ thuật ăng-ten hiện đại, cấu trúc phức tạp kèm theo các kĩ thuật xử lí đắc trưng

* Thông tin vệ tinh      

Thông tin vệ tinh là một bước tiến nhảy vọt của nhân loại trong lĩnh vực truyền dẫn thông tin. Đây là một môn học khó, cả về lí thuyết cũng như điều kiện tiếp xúc tìm hiểu, khảo sát.

Để hiểu được bản chất của việc truyền tin qua vệ tinh, môn học đi vào nghiên cứu đặc điểm truyền sóng siêu cao trong khí quyển, trong chân không. Tán xạ từ các bất động nhất khí quyển, sao băng, các thiên thể. Các băng sóng trong thông tin vệ tinh, thông tin vũ trụ. Tìm tổn hao môi trường truyền dẫn, tính công suất máy phát, kĩ thuật ăng-ten sóng siêu cao tần.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]