Chuyên ngành Địa chính

(Trích từ Chương trình khung đào tạo Thạc sĩ của Trường ĐH Khoa học tư nhiên – ĐHQG Hà Nội)

 

Tên chuyên ngành:      ĐỊA CHÍNH (Land Administration)

Tên ngành:                   Địa chính (Land Administration).

Bậc đào tạo:                 Thạc sĩ.

Tên văn bằng:              Thạc sỹ Địa chính (Master of Science in Land Administration).

 

ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

Thí sinh có đủ các điều kiện quy định dưới đây được dự thi vào đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Địa chính:

a) Điều kiện văn bằng

Thí sinh phải có một trong các văn bằng sau đây

- Có bằng tốt nghiệp đại học ngành Địa chính hoặc các ngành khoa học phù hợp với ngành Địa chính

- Có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần với ngành Địa chính, đã học bổ sung kiến thức các môn học để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học ngành Địa chính.

b) Điều kiện về thâm niên công tác

- Thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, ngành tốt nghiệp là Địa chính hoặc phù hợp với ngành Địa chính được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp

- Những trường hợp còn lại phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Địa chính kể từ khi tốt nghiệp đại học (tính từ ngày Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp) đến ngày đăng ký dự thi.

Mục tiêu đào tạo

Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Địa chính yêu cầu có phẩm chất tư cách đạo đức tốt, có trình độ học vấn vững vàng về lý luận, có kiến thức về công nghệ địa chính hiện đại, có khả năng chủ động triển khai những nhiệm vụ thực tiễn cả ở tầm vĩ mô và vi mô ở lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước, có năng lực nghiên cứu khoa học chuyên ngành và liên ngành. Cụ thể:

- Về kiến thức: Nắm được những kiến thức cơ bản, hiện đại về khoa học Địa chính, công nghệ Địa chính và khả năng ứng dụng của chúng trong các lĩnh vực thực tiễn về quản lý Nhà nước về đất đai và thông tin tư liệu đất đai.

- Về kỹ năng: Học viên được trang bị những kỹ năng thành thạo trong đo đạc địa chính, quản lý thông tin đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,...

- Về năng lực: Thực thi tốt những nhiệm vụ được đặt ra khi tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học ở cấp quốc gia và tự chủ trì được các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

- Về nghiên cứu: Các hướng nghiên cứu chuyên ngành Địa chính ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bao gồm các lĩnh vực:

- Quản lý Nhà nước về đất đai;

- Quy hoạch sử dụng đất;

- Kinh tế địa chính;

- Đo đạc địa chính;

- Hệ thống thông tin đất đai;

- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đất đai.

 

Danh mục các môn học và số tín chỉ

TT

Tên môn học (ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh)

Số tín chỉ

I

Khối kiến thức chung

 

1

Triết học (Philosophy)

4

2

Ngoại ngữ chung ((Forein langguage for general purposes)

4

3

Ngoại ngữ chuyên ngành (Forein langguage for specific purposes)

3

II

Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành

33

 

II.1. Các học phần bắt buộc

21

4

Hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai (National Land Administration System)

2

5

Hệ thống thông tin đất đai Quốc gia (National Land Information System)

2

6

Hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam (Vietnam Land Law System)

2

7

Viễn thám ứng dụng (Applied Remote Sensing)

2

8

Quy hoạch vùng và tổ chức lãnh thổ

(Regional Planning and Territotial  Organization)

2

9

Đo vẽ bản đồ bằng công nghệ số  (Digital Mapping)

2

10

Những vấn đề địa lý hiện đại và nhiệt đới

(Problems of Modern and Tropical Geography)

2

11

GIS ứng dụng (Applied GIS)

3

12

Hệ thống địa chính hiện đại (Modern Cadastral System)

2

13

Quản lý và phát triển thị trường bất động sản

(Management and Development of Real Estate Market)

2

 

II.2. Các học phần lựa chọn 

12/42

 

A. Nhóm môn học về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong quản lý đất đai     

6/22

14

Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội (Socio-Economic General Planning)

2

15

Đánh giá và quy hoạch phát triển tài nguyên đất

(Land Evaluation and Land Resource Development Planning)

2

16

Xây dựng mô hình dự báo trong quy hoạch sử dụng đất (Prediction Modeling in Land Use Planning)

2

17

Địa chính với quản lý đô thị và phát triển khu công nghiệp

(Land Administration in Relation with Urban Management and Industrial Zone Development)

2

18

Lịch sử phát triển hệ thống quản lý đất đai 

(History of Land Administration System Development)

2

19

Quản lý biên giới và địa giới hành chính

(National and Administrative Boundary Management)

2

20

Hệ thống chính sách đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

(Land Policy System for Socio-Economic Development)

2

21

Hệ thống giá đất và thuế đất (Land Value and Land Taxation System)

2

22

Sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất (Land Resource Utilization and Protection)

2

23

Quản lý và tái tạo tài nguyên đất

(Land Resource Management and Recreation)

2

24

Kinh tế đất (Land Economics)

2

 

B. Nhóm môn học về các vấn đề công nghệ trong quản lý đất đai    

6/20

25

Hệ thống trợ giúp quyết định về đất đai (Land Decision Support System)

2

26

Địa tin học (Geomatics)

2

27

Công nghệ GPS trong đo đạc địa chính (GPS for Land Surveying)

2

28

Phương pháp viễn thám theo dõi biến động  sử dụng tài nguyên đất

(Land Use Change Monitoring by Using Remote Sensing)

2

29

Công nghệ ảnh số trong đo đạc địa chính (Digital Photogrammetry for Land Surveying)

2

30

Lập trình ứng dụng (Applied Programming)

2

31

Đo đạc và quản lý đất mặt nước (Water Land Survey and Management)

2

32

Chuẩn và chuẩn hoá thông tin địa chính (Cadastral Information Standards and Standardization)

2

33

Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (National Spatial Data Infrastructure)

2

34

Xử lý số liệu đo đạc địa chính (Land Survey Data Treatment)

2

III

Luận văn tốt nghiệp

15

 

Tổng

59

 

Tóm tắt nội dung các môn học

Hệ thống quản lý nhà nước về đất đai

Môn học cung cấp kiến thức cơ bản về hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai và việc tổ chức hệ thống theo truyền thống và định hướng chính trị - xã hội ở từng nhóm nước. Môn học giới thiệu có hệ thống và nội dung chi tiết hơn ở hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai của nước CHXHCN Việt Nam. Khối lượng kiến thức môn học được cơ cấu thành 4 phần chính.

1. Cơ sở khoa học của tổ chức quản lý đất đai

2. Các hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai trên thế giới

3. Hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai của nước CHXHCN Việt Nam

4. Định hướng tổ chức quản lý Nhà nước về đất đai đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn đổi mới.

Hệ thống thông tin đất đai Quốc gia

Hệ thống thông tin đất đai Quốc gia chứa đựng toàn bộ các thông tin dữ liệu, số liệu về đất đai nhằm cung cấp thông tin cho việc quản lý Nhà nước thống nhất về đất đai, sử dụng đất hợp lý đồng thời phục vụ cho nhu cầu của người dân về thông tin đất đai.

Môn học này bao gồm 4 nội dung sau:

1. Nhu cầu xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia.

2. Thiết kế cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

3. Lựa chọn công nghệ và phát triển phần mềm ứng dụng.

4. Triển khai hệ thống.

Hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam

Giới thiệu cho học viên hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam, những vấn đề cơ bản của nguyên tắc, qui phạm, nguồn và nội dung của các bộ luật có liên quan đến quan hệ và pháp luật đất đai. Môn học còn đề cập tới các vấn đề về chính sách đất đai trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam. Nội dung kiến thức được chia thành 5 phần.

1. Những vấn đề cơ bản của hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam

2. Nguồn của hệ thống pháp luật đất đai

3. Nội dung chủ yếu của hệ thống pháp luật đất đai

4. Chính sách đất đai trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN

5. Hoàn chỉnh và đồng bộ hoá hệ thống chính sách và pháp luật đất đai trong giai đoạn đổi mới của nền kinh tế - xã hội.

Viễn thám ứng dụng

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức để có thể khai thác một cách có hiệu quả nguồn thông tin từ tư liệu viễn thám để ứng dụng trong công tác quản lý đất đai. Môn học gồm các phần sau:

1. Khai thác thông tin từ các tư liệu ảnh vệ tinh.

2. Ứng dụng viễn thám trong thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

3. Ứng dụng viễn thám trong đo vẽ địa hình và thành lập mô hình số độ cao.

4. Ứng dụng viễn thám trong đo vẽ địa chính.

Quy hoạch vùng và tổ chức lãnh thổ

Môn học cung cấp những kiến thức về phương pháp luận và nội dung cơ bản về phân vùng tổ chức lãnh thổ; phân tích các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sự phát triển các hành lang kinh tế và các vùng kinh tế, hệ thống đô thị, không gian công nghiệp, nông lâm nghiệp, các vùng đồng bằng, miền núi và trung du. Khối lượng kiến thức môn học được cơ cấu thành 3 phần chính:

1. Những vấn đề chung.

2. Những đặc điểm cơ bản về lãnh thổ Việt Nam dưới góc độ tổ chức lãnh thổ.

3. Tổ chức lãnh thổ một số vùng trọng điểm của Việt Nam.

Đo vẽ bản đồ bằng công nghệ số

Môn học bao gồm những nội dung chính về :

1. Mô hình hoá bề mặt trái đất và biểu diễn dạng số của bản đồ (địa hình và địa chính).

2. Hệ thống thiết bị và các phương pháp thành lập bản đồ số.

3. Các nguyên lý và các phương pháp đo góc, đo độ dài, đo độ cao bằng máy toàn đạc điện tử.

4. Các khái niệm, tính chất, phương pháp đo và xử lý ảnh số trong thành lập bản đồ số.

5. Nội dung các giai đoạn đo vẽ bản đồ số bằng phương pháp toàn đạc điện tử.

6. Nội dung các giai đoạn đo vẽ bản đồ địa hình và địa chính bằng phương pháp ảnh số.

Những vấn đề địa lý hiện đại và nhiệt đới

Môn học cung cấp các kiến thức hiện đại, mang tính khái quát hoá các vấn đề quan trọng nhất của khoa học địa lý bao gồm: chuyển biến nhận thức về địa lý trong quá trình hình thành và phát triển; hợp nhất tư tưởng học thuật Địa lý trên nền tảng triết học; dòng vận hành vật chất và năng lượng dưới góc nhìn hiện đại; Địa lý tài nguyên, sở hữu tài nguyên và địa chính trị; Địa lý học với tính thống nhất vật chất và năng lượng trong sinh quyển; định lượng hoá trong Địa lý học hiện đại với GIS; Địa lý học hiện đại với việc tổ chức cơ chế xã hội trường tồn của nhân loại.

GIS ứng dụng

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành về việc ứng dụng hệ thông tin địa lý trong việc giải những bài toán ứng dụng của ngành Địa chính như: đánh giá biến động, tính toán phương án quy hoạch, bố trí công trình, giải các bài toán tối ưu,... Việc giải những bài toán này được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu đề xuất quy trình thích hợp (nhằm giúp cho học viên có được tư duy trong việc ứng dụng GIS) và áp dụng nó để thực hành giải một bài toán cụ thể (nhằm tạo cho học viên những kỹ năng cơ bản).

Hệ thống địa chính hiện đại

Môn học tổng hợp những kiến thức về nội dung và tổ chức của hệ thống địa chính hiện đại, giới thiệu nội dung và các mặt mạnh, yếu của một số hệ thống địa chính hiện đại trong khu vực. Trên cơ sở kiến thức tổng kết, môn học cung cấp các nội dung và điều kiện để xây dựng hệ thống địa chính hiện đại ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới nền kinh tế. Khối lượng kiến thức được cơ cấu thành 4 phần:

1. Khái niệm cơ bản về hệ thống địa chính hiện đại;

2. Giới thiệu một số hệ thống địa chính hiện đại trên thế giới;

3. Nội dung xây dựng hệ thống địa chính hiện đại ở Việt Nam;

4. Điều kiện để xây dựng hệ thống địa chính hiện đại ở Việt Nam.

Quản lý và phát triển thị trường bất động sản

Môn học “Quản lý và phát triển thị trường bất động sản” bao gồm những nội dung chính sau:

- Khái niệm, lịch sử phát triển và những đặc trưng cơ bản của thị trường bất động sản.

- Cơ sở khoa học và pháp lý cho thị trường bất động sản: tính hàng hoá của đất đai và các bất động sản khác; chính sách pháp luật về đất đai.

- Cung cầu về bất động sản, các nhân tố ảnh hưởng và phương pháp xác định.

- Giá trị, giá cả bất động sản, các nhân tố ảnh hưởng và phương pháp định giá bất động sản.

Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội

Nội dung môn học gồm 5 chương:

Chương 1: Đối tượng, nhiệm vụ và các phương pháp nghiên cứu về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung của chương này là xác định đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ và các phương pháp quy hoạch.

Chương 2: Nêu tóm tắt về lịch sử nghiên cứu về phân vùng và quy hoạch từ thời kỳ đầu của Chủ nghĩa tư bản đến nay.

Chương 3: Nêu lên những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 4: Xác định nội dung chính của các phương án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 5: Lập phương án quy hoạch phát triển kinh tế  - xã hội của một vùng.

Đánh giá và quy hoạch phát triển tài nguyên đất

Đánh giá và quy hoạch đất tuy là hai mảng lĩnh vực phát triển độc lập và được xây dựng trên những cơ sở khoa học khác nhau nhưng nó lại có nhiều điểm chung trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái

Trong đánh giá đất sự thích hợp của "một miền" đất được đánh giá cho các sử dụng đất hiện tại và tương lai hay nói một cách khác đánh giá tính thích nghi tiềm năng của đất. Đây lại là một trong những bước rất quan trọng của một quy trình quy hoạch sử dụng tài nguyên. Trong chương trình của môn học bao gồm 4 chương:

Chương I: Các quan điểm đánh giá đất cổ điển và hiện đại.

Chương II: Quan điểm và định hướng tài nguyên đất.

Chương III: Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất.

Chương IV: Công nghệ Địa chính hiện đại trong đánh giá đất và quy hoạch đất.

Nội dung của các chương bao gồm hệ thống các quan điểm hiện đại về đánh giá và sử dụng đất đồng thời cũng có sự so sánh với các quan điểm trước đây và rút ra được những nhận xét cụ thể. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc ứng dụng chúng trong trong đánh giá và quy hoạch được trình bầy trong chương IV với mục đích giới thiệu một cách tổng quan về hệ thống đánh giá đất tự động và các phần mềm trợ giúp trong quy hoạch tài nguyên đất.

Xây dựng mô hình dự báo trong quy hoạch sử dụng đất

Môn học cung cấp cho các học viên những kiến thức về cơ sở khoa học và các phương pháp dự báo phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất ở nước ta. Nội dung môn học gồm các phần chính sau:

- Vai trò và cơ sở khoa học của công tác dự báo trong quy hoạch sử dụng đất

- Phương pháp luận xây dựng mô hình dự báo trong quy hoạch sử dụng đất

- Dự báo nhu cầu sử dụng đất ở phục vụ quy hoạch sử dụng đất.

- Dự báo nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp, giao thông và các mục đích phi nông nghiệp khác.

- Dự báo nhu cầu đất cho mục đích phát triển nông nghiệp.

- Xây dựng dự báo chiến lược sử dụng tài nguyên đất

Địa chính với quản lý đô thị và phát triển khu công nghiệp

Ở bất kỳ một quốc gia nào trong quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội thì vấn đề đô thị hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp đến công nghiệp là điều tất yếu. Nghiên cứu những quá trình biến đổi này cho chúng ta thấy những vấn đề phát sinh và tồn tại trong công tác quản lý đất đai. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Địa chính và giải quyết những vấn đề về đất đai là một trong những yêu cầu hàng đầu để có mặt bằng xây dựng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp,...  nó quyết định đến tốc độ, đến mức độ thành công của các dự án phát triển.

Môn học bao gồm 4 chương:

Chương 1. Khái niệm chung

Chương 2. Địa chính với quản lý đô thị

Chương 3. Quản lý đất khu công nghiệp và các dự án đầu tư nước ngoài

Chương 4. Ứng dụng công nghệ thông tin cho mục đích quản lý đô thị và phát triển khu công nghiệp.

Nội dung của từng chương đề cập đến những vấn đề từ chi tiết đến tổng thể, từ những khái niệm chung về đô thị và các khu công nghiệp đến hệ thống chính sách và pháp luật đất đai có liên quan đến đô thị và các khu công nghiệp.

Lịch sử phát triển hệ thống quản lý đất đai

Môn học cung cấp hệ thống kiến thức tổng quát về lịch sử hình thành và phát triển của các hệ thống địa chính trên thế giới và Việt Nam, nội dung và ý nghĩa kinh tế - xã hội của chúng trong từng giai đoạn lịch sử. Khối lượng kiến thức được cơ cấu thành 3 chương:

1. Sự ra đời và phát triển của các hệ thống quản lý đất đai trong lịch sử thế giới.

2. Những đặc trưng cơ bản về lịch sử đất đai ở Việt Nam.

3. Các hệ thống quản lý đất đai cơ bản ở Việt Nam.

Quản lý biên giới và địa giới hành chính

Môn học giới thiệu cơ sở lý thuyết và thực tế của quá trình hình thành hệ thống biên giới quốc gia và hệ thống địa giới hành chính, nội dung của quản lý địa giới các cấp và các vùng địa lý đặc trưng, vai trò và ý nghĩa của quản lý địa giới trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Khối lượng kiến thức được phân thành 4 phần chính:

1. Tiếp cận các vấn đề biên giới và địa giới hành chính;

2. Nội dung quản lý biên giới quốc gia;

3. Nội dung quản lý địa giới hành chính;

4. Các vấn đề về quản lý biên giới và địa giới hành chính Việt Nam.

Hệ thống chính sách đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội những thay đổi về các mối quan hệ trong sử dụng và quản lý đất đai là một trong những vấn đề được quan tâm nhất vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của từng cá nhân, từng tổ chức và giữa các tổ chức với nhau. Mặt khác, trên phương diện quản lý Nhà nước về đất đai nó có tác động trực tiếp và sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế  và ổn định chính trị xã hội.

Xây dựng một hệ thống chính sách đất đai phù hợp, quản lý, điều hành có hiệu quả phải dựa vào việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động của các chính sách phát triển  đối với việc sử dụng đất. Chính vì vậy, môn học vừa  được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn, với mục đích tìm ra những giải pháp tối ưu nhằm khai thác ngày càng có hiệu quả tài nguyên đất đai.

Môn học bao gồm 6 chương, nội dung của các chương tổng hợp lại các kiến thức cơ bản về lịch sử các quan hệ đất đai của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Hệ thống các văn bản hiện hành  và tính chất sở hữu nhà nước về đất đai. Trong các chương sau trình bầy về nội dung  các chính sách của Nhà nước về đất đai, những vấn đề còn tồn tại và các biện pháp khắc phục.

Hệ thống giá đất và thuế đất

Môn học bao gồm 2 phần: hệ thống giá đất và hệ thống thuế đất.

Phần 1 trang bị cho học viên các kiến thức về hàng hoá đất đai, giá đất, hệ thống giá đất. Học viên sẽ nắm được các nguyên tắc cơ bản trong định giá đất và các phương pháp định giá đất. Trong phần này học viên cũng sẽ được tìm hiểu về giá đất và định giá đất ở Việt Nam.

Phần 2 cung cấp cho học viên các kiến thức về thuế và hệ thống thuế cũng như những vấn đề thực tiễn của hệ thống thuế đất ở Việt Nam.

Sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất

Môn học trình bày 3 nội dung chính:

- Những nguyên lý cơ bản về mối tác động qua lại giữa con người và tài nguyên thiên nhiên, nguyên lý sinh thái, nguyên lý địa lý, cơ sở kinh tế - xã hội về tính pháp lý đối với việc bảo vệ và sử dụng tài nguyên đất.

- Phân tích tình hình khai thác và bảo vệ đất ở Việt Nam và Thế giới, đặc biệt phân tích các nguyên nhân làm suy thoái đất và các biện pháp giảm thiểu ở vùng nhiệt đới.

- Các mô hình thực tiễn trong sử dụng hợp lý và bảo vệ đất ở các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam.

Quản lý và tái tạo tài nguyên đất

Môn học trình bày 4 vấn đề cơ bản liên quan đến quản lý và tái tạo tài nguyên đất:

- Các chức năng cơ bản của tài nguyên đất;

- Những vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường liên quan đến đất Việt Nam;

- Các biện pháp bảo vệ tài ngyên đất;

- Quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên đất ở Việt Nam.

Kinh tế đất

Khoa học kinh tế đất nghiên cứu sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan tới việc sử dụng đất như quy luật tương ứng lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, quy luật cung cầu, giá trị, giá cả...và những nguyên lý cơ bản trong khai thác tài nguyên đất: độ phì đất và những biểu hiện của nó trên khía cạnh kinh tế; vấn đề địa tô và giá cả ruộng đất; lợi thế so sánh, chi phí cơ hội trong sử dụng đất; phân loại và định giá đất; đánh giá đất đai trên phương diện kinh tế theo mục đích sử dụng. Nội dung của kinh tế đất cũng bao gồm cả việc nghiên cứu hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nhằm đưa ra những giải pháp sử dụng đất hợp lý đảm bảo phát triển bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội , môi trường. Khối lượng kiến thức môn học được cơ cấu thành 4 phần chính:

1. Tổng quan về kinh tế đất;

2. Nội dung cơ bản của kinh tế đất;

3. Kinh tế đất trong quy hoạch các khu công nghiệp, phát triển đô thị và nông thôn;

4. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất.

Hệ thống trợ giúp quyết định về đất đai

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về một hệ thống trợ giúp quyết định trong ngữ cảnh của công tác quản lý đất đai. Đây là một vấn đề khá trừu tượng nhưng cũng rất cần thiết trong việc tri thức hóa hệ thống quản lý đất đai. Môn học bao gồm các nội dung sau:

1. Cách tiếp cận theo logic mờ (fuzzy logic approach).

2. Quản lý sự không xác định trong việc thể hiện tri thức và suy luận.

3. Mô hình và cấu trúc dữ liệu trong hệ thống trợ giúp quyết định về đất đai.

4. Hệ thống trợ giúp quyết định về đất đai trên cơ sở FLESS (Fuzzy-logic-based expert system shell).

Địa tin học

Nội dung môn học được chia thành 4 phần lớn:

- Phần 1 giới thiệu các khái niệm chung về địa tin học.

- Phần 2 cung cấp cho học viên kiến thức về cấu trúc và các mô hình cơ sở dữ liệu không gian và phi không gian, phương pháp thiết kế cơ sở dữ liệu.

- Phần 3 trang bị cho học viên các kiến thức về quản lý và khai thác cơ sở dư liệu địa lý và điạ chính.

- Phần 4 giúp cho học viên nắm được những ứng dụng cơ bản của địa tin học: ứng dụng trong địa chính, trong qui hoạch đô thị và nông thôn, trong quản lý hành chính và trong quản lý hạ tầng cơ sở.

Công nghệ GPS trong đo đạc địa chính

Nội dung môn học được chia thành 4 phần lớn:

- Phần 1 giới thiệu cho học viên các kiến thức cơ bản về hệ thống định vị toàn cầu GPS: nguyên tắc định vị từ vệ tinh, tín hiệu của vệ tinh, hệ thống toạ độ GPS, mạng lưới vệ tinh và máy thu GPS.

- Phần 2 cung cấp cho học viên kiến thức về các phương pháp xác định toạ độ bằng công nghệ GPS, các thao tác trên máy thu và nguyên tắc xử lý trị đo GPS.

- Phần 3 trang bị cho học viên các kiến thức về cơ sở ứng dụng GPS để xây dựng mạng lưới toạ độ và độ cao: nguyên tắc thiết kế lưới, phương pháp đo đạc và bình sai lưới.

- Phần 4 cung cấp cho học viên kiến thức về ứng dụng công nghệ GPS trong đo đạc địa chính: xác định ranh giới thửa đất bằng GPS, kết hợp GPS với các công nghệ đo đạc khác.

Phương pháp viễn thám theo dõi biến động sử dụng tài nguyên đất

Môn học bao 4 phần lớn:

- Phần 1 cung cấp cho học viên các kiến thức về bản chất của viễn thám, các thông tin của tư liệu viễn thám và các phương pháp xử lý tư liệu viễn thám trong nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất.

- Phần 2 củng cố cho học viên các kiến thức về GIS, khả năng phân tích, tích hợp thông tin và khả năng mô hình hoá của hệ thông tin địa lý.

- Phần 3 cung cấp những kiến thức về phương pháp và qui trình công nghệ thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ biến động sử dụng đất bằng phương pháp viễn thám và GIS.

- Phần 4 cung cấp cho học viên các kiến thức cụ thể về các phần mềm chuyên dụng trong nghiên cứu biến động sử dụng đất và qui trình xử lý thông tin viễn thám thành lập bản đồ biến động hiện trạng sử dụng đất.

Công nghệ ảnh số trong đo đạc địa chính

Môn học bao gồm các nội dung chính về:

1. Khái niệm về ảnh số và các đặc trưng của nó.

2. Quá trình thu nhận, xử lý thông tin và kỹ thuật nâng cao chất lượng ảnh số.

3. Cơ sở lý thuyết của đo vẽ ảnh số: cấu trúc hệ thống đo vẽ, xây dựng mô hình lập thể ảnh số, tăng dày tam giác ảnh không gian trên trạm ảnh số, phương pháp nắn ảnh.

4. Qui trình công nghệ thành lập bản đồ địa chính bằng phương pháp ảnh số.

Lập trình ứng dụng

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức lý thuyết và kỹ năng cơ bản về lập trình các ứng dụng trong ngành địa chính. Bao gồm những nội dung chính sau:

- Giới thiệu về các ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng;

- Lập trình ứng dụng trong tính toán bình sai lưới trắc địa;

- Lập trình ứng dụng trong các phần mềm thành lập bản đồ;

- Lập trình ứng dụng trong các hệ thông tin địa lý;

- Lập trình ứng dụng trong công tác thống kê - kiểm kê đất đai và quy hoạch sử dụng đất.

Đo đạc và quản lý đất mặt nước

Nội dung môn học bao gồm 2 phần lớn:

- Phần 1 trang bị cho học viên kiến thức về các phương pháp đo đạc trên mặt nước: các phương pháp xác định toạ độ phẳng và đo sâu địa hình đáy, nội dung của công tác xử lý số liệu và đánh giá độ chính xác. Ngoài ra phần này cũng giúp học viên nắm được qui trình công nghệ thành lập bản đồ địa hình đáy biển.

- Phần 2 cung cấp cho học viên các kiến thức về quản lý đất mặt nước: hệ thống phân loại và các chính sách của nhà nước trong quản lý đất mặt nước.

Chuẩn và chuẩn hoá thông tin địa chính

Môn học bao gồm các nội dung chính sau:

1. Khái niệm về thông tin địa chính, nội dung bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính.

2. Nhu cầu chung và nguyên tắc của việc chuẩn hoá thông tin địa chính.

3. Chuẩn hoá thiết bị tin học và phần mềm ứng dụng

4. Chuẩn hoá mô hình dữ liệu không gian, phân lớp thông tin và nội dung bản đồ

5. Chuẩn hoá khuôn dạng dữ liệu, thể hiện đối tượng bản đồ và bảng mã khi đo vẽ.

6. Chuẩn hoá hồ sơ, cấu trúc dữ liệu địa chính.

Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian

Môn học cung cấp cho học viên những kiến thức về các vấn đề sau:

- Khái niệm về hạ tầng dữ liệu không gian, vai trò của hạ tầng dữ liệu không gian.

- Các yếu tố cấu thành của hạ tầng dữ liệu không gian.

- Công tác xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian

- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và những vấn đề gặp phải khi xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia ở Việt Nam.

Xử lý số liệu đo đạc địa chính

Môn học trình bày về các vấn đề tính toán, xử lý các kết quả đo đạc địa chính, bao gồm các nội dung chính sau:

- Cơ sở khoa học của lý thuyết sai số (áp dụng trong đo đạc địa chính);

- Nguyên tắc số bình phương nhỏ nhất, các phương pháp bình sai theo nguyên tắc số bình phương nhỏ nhất.

- Bình sai các loại lưới trắc địa cơ bản.

- Các thuật toán bình sai nâng cao: bình sai lưới tự do, bình sai lưới trắc địa mặt đất không gian, bình sai lưới trắc địa rất lớn.

- Các phương pháp phát hiện sai số thô và sai số hệ thống trong kết quả đo đạc.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]