Tỷ lệ 'chọi', chớ vội hoang mang
Hầu hết các trường ĐH đã công bố tỷ lệ "chọi". Hiểu như thế nào về những con số cạnh tranh của mùa tuyển sinh lúc nào cũng khốc liệt này?
"Chọi" cao, điểm chuẩn thấp?
Theo thống kê lượt hồ sơ đăng ý dự thi/ chỉ tiêu tuyển mới tính đến ngày 15/5, ngành đang dẫn đầu về tỷ lệ "chọi" là ngành Quản trị Kinh doanh (ĐH Cần Thơ) với 1 "chọi" 38.
Ba ngành tiếp theo của trường này cũng lọt "top" các ngành có tỷ lệ "chọi" cao mùa tuyển sinh năm nay gồm: Quản lý tài nguyên và môi trường với 1 "chọi"37, hai ngành hai ngành Khoa học môi trường và Kế toán với tỷ lệ 1 "chọi" 26...
Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Cần Thơ năm nay là 67.074, không tính số hồ sơ đăng ký thi nhờ (thí sinh thi tại ĐH Cần Thơ để dùng kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường ĐH không tổ chức thi).
Ở khu vực miền Trung, năm nay ĐH Đà Nẵng được "mùa" khi thí sinh đổ xô đăng ký dự thi vào các trường/khoa thành viên.
Trong khi ở một số trường sư phạm khác có lượng hồ sơ đăng ký dự thi chững, thậm chí giảm so với năm trước thì Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhận được 12.610 hồ sơ. Chỉ tiêu tuyển mới vào trường năm nay là 1.550.
Số hồ sơ đăng ký như vậy dẫn đến tỷ lệ "chọi các ngành của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có nhiều biến động.
Cụ thể, ngành có tỷ lệ "chọi" cao là CN Quản lý tài nguyên và Môi trường có 1.858 hồ sơ đăng ký dự thi trong số 50 chỉ tiêu. Kế đến là ngành Sư phạm Sinh học có tỷ lệ "chọi" 1/21,5; ngành Sư phạm Toán học: 1 "chọi" 17,1; ngành Sư phạm Ngữ văn: 1 "chọi" 15,2; ngành SP Giáo dục mầm non: 1 "chọi" 13,1; ngành Sư phạm Vật lý: 1 "chọi" 11,2...
Trong khi đó, thống kê ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy, nhiều ngành ở trường này có tỷ lệ "chọi" bằng 1.
Ở phía Bắc, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang tạm dẫn đầu về lượng hồ sơ đăng ký với 72.000 hồ sơ, tỷ lệ “chọi” khoảng 1/8.
Đứng sau ĐH Công nghiệp Hà Nội là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với 51.000 hồ sơ, tỷ lệ “chọi”vào khoảng 1/10.
Tỷ lệ “chọi” của Học viện Ngân hàng vào khoảng 1/6; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 1/2,7; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: khoảng 1/5.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Đức Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, việc các báo tính tỉ lệ "chọi" dựa trên số lượng thí sinh đăng ký dự thi/số chỉ tiêu chỉ mang tính tham khảo, chưa phải là tỉ lệ chọi cuối cùng và chính xác, cũng như không phản ánh được chất lượng của trường ĐH.
Chẳng hạn như Trường ĐH Ngoại thương hay ĐH Y, năm nào cũng lấy thí sinh có từ 26, 27 điểm trở lên, số lượng đăng ký dự thi không nhiều vì các em đã biết lượng sức mình, chỉ HS giỏi mới dám đăng ký. Những HS biết sức mình khó "chọi" được ở trường top đầu thì đăng ký vào các trường bình thường, tuyển dễ hơn.
Đồng quan điểm, trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy cho biết, tỷ lệ "chọi" chỉ giúp tham khảo, không quyết định chất lượng vì thí sinh đăng kí dự thi vào trường đều là những thí sinh có học lực khá. Mức độ cạnh tranh vào trường chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng thí sinh.
Thí sinh không nên hoang mang
Theo tư vấn của các chuyên gia tuyển sinh cũng như thực tế các mùa tuyển sinh gần đây, thí sinh không nên hoang mang khi nhìn vào tỷ lệ “chọi” cao chót vót của một số trường. Thực tế, tỷ lệ “chọi” này chỉ chính xác khi các thí sinh hoàn thành việc làm thủ tục dự thi trước ngày thi ĐH, CĐ diễn ra.
Và thường tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi ở những mùa tuyển sinh năm trước chỉ đạt 60 - 70% số hồ sơ đăng ký. Do đó, tỷ lệ "chọi" sau mỗi đợt thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi mới là con số "chuẩn".
Mặt khác, theo thực tế các năm, không phải cứ trường nào có tỷ lệ “chọi” cao cũng đồng nghĩa với điểm trúng tuyển vào trường cũng sẽ cao theo. Do đó thí sinh không nên quá hoang mang bởi những trường/ ngành tỷ lệ "chọi" cao mà nên quyết định chọn trường thi dựa trên năng lực của mình cũng như điều kiện thực tế.
Ví như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội những năm gần đây luôn dẫn đầu về lượt hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng điểm chuẩn vào trường chỉ ở mức trung bình, dao động trong khoảng từ 15-18 điểm.
Hoặc như Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 2010 điểm chuẩn cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với điểm sàn...
Trong khi đó, những trường tỷ lệ “chọi” thấp như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội... nhưng điểm đầu vào vẫn rất cao.
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), việc chọn trường căn cứ vào tỉ lệ “chọi” dễ đưa ra quyết định sai lầm, vì tỉ lệ này thường diễn biến không nhất quán giữa các năm. Mức độ cạnh tranh, khả năng trúng tuyển vào phần lớn các trường ĐH, CĐ không phụ thuộc nhiều vào số lượng dự thi nhiều hay ít mà điều quan trọng là năng lực, trình độ của chính mỗi thí sinh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi, việc các trường công bố lượng hồ sơ nhận được, tỷ lệ "chọi" là tuân theo quy chế. Nhưng thí sinh nên coi đó là một kênh thông tin tham khảo bổ ích. Vì trường có tỷ lệ "chọi" cao nhưng chưa hẳn trường đó đã có điểm đầu vào cao tương tự.
Ông Khôi cho biết, thí sinh nên chủ động ôn tập nắm vững kiến thức hơn là bị dao động bởi thông tin tỉ lệ "chọi". Việc thi đậu vào một trường ĐH sẽ phụ thuộc đầu tiên vào năng lực, kiến thức, khả năng xử lý làm bài, không phụ thuộc quá nhiều vào tỷ lệ "chọi".
Kiều Oanh
16/05/2011 – vietnamnet.vn