Bất cập 4 khối thi - Giải pháp khắc phục tuyển sinh
Dư luận xã hội đang rất quan tâm đến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nguyên nhân của tình trạng này đã được đưa ra nhiều, nhưng nguồn gốc của những nguyên nhân chưa phải đã được giải ra hết.
Cách thức tuyển sinh ĐH theo ba khối kiến thức cơ bản là A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) được thực hiện từ cuối thập niên 1960 ở miền Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất lại có thêm khối D (văn, toán, ngoại ngữ) để trở thành bốn khối kiến thức.
Từ bất cập của bốn khối thi
Cách thức tuyển sinh này là cần thiết đối với một chương trình học đồng nhất áp đặt cho mọi đối tượng học sinh phổ thông. Nó cũng thích hợp với một nền giáo dục được quản lý điều hành theo cơ chế quan liêu bao cấp, trong hoàn cảnh số học sinh tốt nghiệp THPT còn rất ít và số trường ĐH cũng không nhiều, nên cả nhà trường trung học và ĐH đều theo đường lối đào tạo tinh hoa.
Tuy nhiên, khi đất nước đổi mới với việc từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp để áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nền giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng cũng phải đổi mới tương thích với cơ chế mới.
Do nhu cầu của thị trường nhân lực, quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng và phát triển rất nhanh với hàng loạt trường trung học, CĐ và ĐH mới ra đời, khiến tổng số học sinh trung học và sinh viên ĐH tăng lên gấp bội; đồng thời nhiều lĩnh vực đào tạo được mở rộng với biết bao chuyên ngành đào tạo mới đã ra đời.
Vì vậy, đường lối đào tạo tinh hoa trước kia được thay thế bằng đường lối đào tạo đại chúng. Thí sinh được tự do lựa chọn ngành nghề theo mục đích và sở thích của mình rồi tự kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp; đồng thời cách thức tuyển sinh qua kỳ thi quốc gia theo bốn khối kiến thức không còn thích hợp nữa.
Bởi thế, ngoài bốn khối truyền thống, Bộ GD-ĐT phải bổ sung một loạt khối “phụ” như H, K, M, S, T, V... Trong đó, thí sinh phải thi thêm những môn kỹ năng thay vì khoa học cơ bản.
Nhiều cơ sở chuyên đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn dành cho khối C đã “xé rào” tuyển sinh cả khối D, rồi mở rộng sang cả khối A và B mà chất lượng tuyển sinh không hề giảm. Hơn thế nữa, rất nhiều bộ môn giảng dạy ở ĐH đòi hỏi sinh viên phải có khả năng tư duy và diễn đạt cả về toán và ngôn ngữ, có kiến thức và kỹ năng của cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên. Vì thế, việc đóng khung từng khối kiến thức cho từng ngành đào tạo đã trở nên hoàn toàn bất cập.
Sự bất cập của bốn khối kiến thức xuất phát từ nguyên tắc cấu tạo của các khối chỉ dựa trên nội dung kiến thức khoa học cơ bản, ít chú ý đến khả năng tư duy và kỹ năng thực hành theo mục tiêu hướng nghiệp.
Trong sự bất cập chung đó, hai khối A và B vẫn có hiệu lực hơn nhờ có tư duy toán học và những kỹ năng thực hành của các môn khoa học thực nghiệm. Khối D khá nặng khi đòi hỏi thí sinh phải thể hiện cả tư duy toán học và tư duy ngôn ngữ, nhưng cũng nhờ đó mà hiệu lực của khối được đảm bảo.
Sự bất cập thể hiện rõ ràng nhất trong khối C dành cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, các môn thi khối C đã trở thành những môn “học thuộc lòng”. Vì vậy, hiệu lực giáo dục của khối này rất thấp. Chính sự bất cập của bốn khối kiến thức trong cách thức tuyển sinh này tạo ra sự thất thế của khối C.
Đến chương trình học nửa vời
Để đổi mới giáo dục cho phù hợp với cơ chế mới, từ cuối thế kỷ 20, Bộ GD-ĐT thí điểm một chương trình “trung học chuyên ban”. Tuy nhiên, do những sai lầm về mục đích và nguyên tắc phân ban, chương trình thí điểm này đã thất bại và bị bác bỏ. Đến đầu thế kỷ 21, bộ lại xây dựng một chương trình trung học phân ban mới chỉ với hai ban là khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh - tức ban A) và khoa học xã hội (văn, sử, địa, ngoại ngữ - tức ban C).
Việc bổ sung ngoại ngữ vào ban C đã làm tăng hiệu lực và giá trị của ban này, nhưng đại đa số học sinh vẫn chọn ban A, còn ban C rất ít học sinh lựa chọn. Để cứu vãn tình hình, bộ đã lập thêm một ban nữa gọi là ban cơ bản có chương trình học không phân ban (!).
Với sự xuất hiện của “ban không phân ban”, chương trình phân ban đã trở thành một chương trình mà bộ gọi là tự chọn, để áp dụng đến ngày nay. Trên thực tế, đa số học sinh chọn học chương trình không phân ban (tức ban cơ bản), một bộ phận có năng lực chọn chương trình nâng cao về khoa học tự nhiên (vốn là ban A), còn chương trình nâng cao về khoa học xã hội (tức ban C) ngày càng trở nên thui chột.
Về thực chất, chương trình THPT hiện hành chỉ là sự trở lại chương trình đồng nhất (với đa số học sinh theo học ban cơ bản) có thêm phần nâng cao tự chọn, dựa trên di sản của sự phân ban đã phá sản. Một chương trình học nửa vời như vậy không có giá trị hướng nghiệp đúng đắn cho học sinh.
Sự bất hợp lý không chỉ có trong chương trình giáo dục trung học, mà còn thể hiện ở chương trình đào tạo các lĩnh vực và các ngành ở ĐH. Rất nhiều ngành cần có học vấn về khoa học xã hội và nhân văn kết hợp với tri thức về toán và khoa học tự nhiên, nhưng chương trình học lại không tính đến hoặc áp dụng không đầy đủ các môn thuộc khối C.
Cùng với cách thức tuyển sinh, thực trạng chương trình học ở nhà trường trung học và ĐH nước ta là nguồn gốc dẫn tới sự sút giảm giá trị của các môn khoa học xã hội và nhân văn nói riêng và sự yếu kém về chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung.
Giải pháp khắc phục
Để khắc phục những bất cập này, đối với nhà trường THPT, một chương trình học phân ban có hiệu lực đầy đủ vẫn là lựa chọn tốt nhất trong khả năng và điều kiện nước ta hiện nay. Để tránh lặp lại những sai lầm, việc xây dựng chương trình học mới cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo những khuôn mẫu hiện hành ở các nước tiên tiến. Chương trình tú tài phân ban của nước Pháp từng được nhiều người Việt Nam trước đây biết tới, đáng được các nhà giáo dục nước ta hiện nay tham khảo.
Song song đó, chương trình đào tạo ĐH cũng cần điều chỉnh. Điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho sự thành công của việc xây dựng lại hoặc điều chỉnh các chương trình học đó là: các môn khoa học cơ bản (nhất là các môn xã hội và nhân văn) phải được phát triển mạnh hơn và có chất lượng giảng dạy tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của các chương trình học mới. Từ đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT và cách thức tuyển sinh ĐH sẽ được đổi mới thành công.
|
TS LÊ VINH QUỐC
25/05/2011 – tuoitre.vn