Đừng xem nặng tỉ lệ “chọi”
Điểm chuẩn trúng tuyển vài năm liên tiếp trước đó của ngành mà thí sinh muốn thi mới là thông số cần tham khảo.
Tỉ lệ “chọi” là một thuật ngữ “bình dân”. Có hai loại tỉ lệ “chọi”: ảo (số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT)/số chỉ tiêu) và thật - gọi là hệ số k (số thí sinh đến dự thi/số chỉ tiêu).
Cuộc đua của thí sinh có năng lực
Số liệu thống kê nhiều năm cho thấy tỉ lệ “chọi” là thông tin để tham khảo nhưng không có tác dụng giúp thí sinh chọn ngành, chọn trường và hầu như chỉ mang khái niệm số lượng chứ không phản ánh được chất lượng thí sinh. Tâm lý thấy tỉ lệ “chọi” cao thì khó trúng tuyển và tỉ lệ “chọi” thấp dễ trúng tuyển là một suy nghĩ sai lầm
Dĩ nhiên, tỉ lệ “chọi” là một con số gây ấn tượng cho nhiều người về độ khó của kỳ thi. Tuy nhiên, nếu chúng ta lưu ý rằng với tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ năm 2010 chỉ hơn 500.000 (gồm khoảng 270.000 chỉ tiêu ĐH và 240.000 chỉ tiêu CĐ), trong khi số lượt hồ sơ ĐKDT của cả ba đợt thi lên đến 2,1 triệu thì thật ra cuộc tranh đua vào các trường ĐH – CĐ chỉ diễn ra giữa các học sinh có năng lực nổi trội hơn.
Nói cách khác, thí sinh giỏi thì thi trường nào cũng đậu. Nghĩa là các em có “quyền” chọn trường, chọn ngành theo sở thích. Các học sinh có năng lực kém hơn hoặc có nguyện vọng khác thì cần tìm một phân luồng khác cho hướng học tập sau THPT của mình. Thậm chí, các thí sinh có học lực quá kém, dễ thấy trước khả năng thi trường ĐH–CĐ nào cũng rớt, nên tìm một hướng đi khác cho mình, nhất là con đường theo hệ đào tạo nghề.
Nhiều trường có tỉ lệ “chọi” thấp nhưng điểm chuẩn trúng tuyển lại rất cao vì thu hút nhiều thí sinh giỏi. Ngược lại, có một số trường tuy tỉ lệ “chọi” cao nhưng điểm chuẩn trúng tuyển không cao tương ứng vì thí sinh ĐKDT không giỏi bằng. Thực tế cho thấy mức điểm chuẩn trúng tuyển cao hay thấp được giữ khá ổn định ở các trường qua nhiều năm tuyển sinh. Như vậy, điểm chuẩn trúng tuyển vài năm liên tiếp trước đó của ngành mà thí sinh muốn thi mới là thông số cần tham khảo.
Nói gì thì nói, tỉ lệ “chọi” vẫn là những con số rất khó chịu cho thí sinh. Nhiều trường CĐ có số thí sinh ĐKDT rất cao (Trường CĐ Giao thông Vận tải: 34.000, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại: gần 30.000, Trường CĐ Tài chính Hải quan: gần 18.000). Như vậy, những thí sinh có học lực thuộc top giữa và top dưới cần lưu ý để chọn đối sách thích hợp khi chọn trường thi.
Rớt: Không phải là “hết cửa”
Số lượt thí sinh ĐKDT (chứ không phải số lượng, vì một thí sinh có thể nộp nhiều bộ hồ sơ ĐKDT) tuy có khuynh hướng giảm dần trong nhiều năm gần đây nhưng vẫn ở mức trên dưới 2 triệu/năm.
Kỳ tuyển sinh 2010 có khoảng 2,1 triệu lượt thí sinh ĐKDT nhưng chỉ gần 1,6 triệu em thực sự đi thi (tỉ lệ 76,5% - cao nhất từ trước đến nay). Thế nhưng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH–CĐ năm 2010 chỉ khoảng 510.000. Như vậy, trên lý thuyết, số thí sinh trúng tuyển chỉ chiếm khoảng 30% (thực tế cao hơn vì có nhiều hồ sơ ĐKDT ảo). Tuy nhiên, những người chia tay với cuộc đua không phải là hết “cửa” và thật ra, chưa chắc các thí sinh không trúng tuyển là học sinh kém mà chỉ vì không đủ chỗ học nên phải nhường cho người có điểm cao hơn.
Nếu thí sinh có kết quả thi thấp hơn (nên rớt) chịu chấp nhận phân luồng vào những hệ đào tạo khác, đặc biệt là đào tạo nghề thì hoàn toàn có đủ chỗ cho họ được đào tạo để chuẩn bị bước vào đời. Đó là chưa kể một số hướng đi khác, như những học sinh có điều kiện tài chính có thể đăng ký học các chương trình liên kết quốc tế (cấp bằng của trường nước ngoài), vốn chỉ xét tuyển theo kết quả học và tốt nghiệp THPT.
Cần chú ý năng lực, sở thích
Điều chúng tôi e ngại ở đây là nếu chỉ quan tâm đến tỉ lệ “chọi” thì thí sinh hầu như chỉ tìm cách có một chỗ học ở trường ĐH – CĐ nào dễ đậu nhất, khi đó khái niệm ngành nghề sẽ bị xóa nhòa. Chính vì vậy, khi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi luôn chú ý đến việc trước hết thí sinh có năng lực và sở thích vào ngành nghề gì; sau đó mới tư vấn là với năng lực thực tế của mình như vậy, để học được ngành nghề yêu thích thì các em nên ĐKDT (hoặc xét tuyển) vào trường nào, hệ gì... Khi đó các em sẽ yên tâm và ham thích nghề nghiệp mình đã chọn sau khi tốt nghiệp.
|
Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
20/05/2011 – nld.com.vn