Lại nóng các lò luyện thi ĐH - CĐ: Chen chân vào "lò"
Ngay sau ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cả học sinh và phụ huynh lại tất tả cuộc đua nước rút để sớm đến được cổng trường đại học. Nhưng với những gì mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cải tiến đề thi (bám sát chương trình), thì áp lực học thêm cũng đã đỡ rất nhiều.
Tuy nhiên, vì đa số học sinh và cả phụ huynh lần đầu hiểu rõ hơn những bước “chạy nước rút” cuối cùng nên không khỏi lo lắng và chuyện chạy đôn đáo để tìm chỗ học thêm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng học ở đâu, học thế nào lại là chuyện khác...
Đến hẹn, các lò luyện thi cấp tốc ở các thành phố lớn lại tưng bừng vào mùa với đủ chiêu mời chào, quảng cáo thật - giả khó mà phân biệt (đặc biệt với học sinh ngoại tỉnh về TP ôn thi) nhằm hút học sinh. Nếu như ở TP.Hồ Chí Minh chỉ một - hai ngày sau đợt thi tốt nghiệp, nhiều lớp của một số trung tâm (TT) đã hết chỗ, còn ở Hà Nội khoảng 2-3 năm gần đầy tình trạng này đã đỡ đi rất nhiều.
TP.Hồ Chí Minh: Nghỉ xả hơi là hết chỗ
Có mặt tại bến xe Miền Đông vào sáng 6.6, ba bạn nữ đến từ Bình Phước lỉnh kỉnh soong nồi, bếp gas mini, hành lý lúng túng không biết đường đi vì đây là lần đầu tiên lên TP.Hồ Chí Minh. Quỳnh - một trong ba bạn nữ chia sẻ: “Tụi em đọc trên mạng thấy hầu như TT nào cũng khai giảng vào ngày 5 hoặc ngày 6, giờ lại không biết đi đường nào, chỉ sợ tìm đến được chỗ luyện thi rồi mà không còn chỗ thì khổ”. Thông tin từ đội “Tiếp sức mùa thi” tại bến xe Miền Đông, chỉ trong ngày 5.6, đội đã hỗ trợ cho gần 100 thí sinh đến từ các tỉnh như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận...
Tránh tình trạng lo lắng vì hết chỗ như nhóm bạn nữ ở Bình Phước, một số phụ huynh ở các tỉnh đã nhờ người quen ở TPHCM đăng ký trước chỗ cho con em mình. Chỉ cần các TS thi xong môn cuối, nghỉ một đêm rồi bắt xe lên TP, nhờ người quen đón và đưa đến các TT. TT luyện thi ĐH Sư phạm TPHCM khai giảng ngày 5.6 đã có khoảng 500 học viên, học phí 3 môn là 1.150.000 đồng/khóa, trung bình mỗi lớp gần 70 học viên.
Theo cán bộ đăng ký thì những học viên này đã ghi danh cách đây hơn 1 tuần, cán bộ này cho biết thêm: “Nếu đã tới đây thì nên đăng ký liền đi, còn được chọn lớp, chọn ca học phù hợp. Đăng ký trễ, TT xếp lớp nào thì phải chịu mà cũng không chắc ngày mai, ngày kia còn chỗ không”.
Ghi nhận tại một số lò có truyền thống luyện lâu năm, thì sau ngày khai giảng khóa cấp tốc đã có nhiều lớp kín chỗ. Tại TT bồi dưỡng văn hóa trường THPT Lê Hồng Phong, phụ huynh và TS phải chen lấn mới tìm được 1 suất. Anh Trường - quận 3, vừa đứng trông xe vừa nhấp nhổm nhìn con trai chen chân đăng ký lớp luyện thi khối A tại TT, cho biết: “ Con tôi không học trường này nên thi tốt nghiệp xong mới tới đây đăng ký ôn thi. Có mấy lớp kín chỗ rồi, không biết có đăng ký được không”.
Tương tự, tại TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, nhiều lớp ở các cơ sở ở quận 3, 10, Tân Bình cũng đã kín chỗ, TS đến đăng ký sau khai giảng thì phải chịu sự xếp lớp của cán bộ đăng ký. Sau đợt thi tốt nghiệp, TS nghỉ xả hơi chừng hai - ba ngày thì tìm được lớp ưng ý sẽ khó khăn.
Hà Nội: Không còn “nóng”
Tham khảo một số các trung tâm luyện thi tại khu vực trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, phố Tạ Quang Bửu, Nguyễn Trãi..., các trung tâm đều đang rầm rộ quảng cáo về các lớp luyện thi đại học cấp tốc dành cho đối tượng là những em học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là các em học sinh từ các tỉnh lẻ về đây để ôn tập, luyện thi đại học. Tuy nhiên, so với những năm trước đây, lượng thí sinh đăng ký ngày càng giảm rõ rệt khiến những “lò” luyện thi rơi vào cảnh ế ẩm, ảm đạm hơn mọi năm.
Cô Chi – chủ một “lò” luyện thi trên gần trường ĐH Sư phạm – cho biết: Mọi năm, cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 là các em thí sinh đổ về đây luyện thi cấp tốc đông như trẩy hội, lớp lúc nào cũng kín thí sinh đăng ký học; nhưng vài năm trở lại đây, kể từ khi Bộ Giáo dục - Đào tạo có chủ trương ra đề sát với chương tình học phổ thông khiến lượng thí sinh đăng ký học giảm còn phân nửa, chiêu sinh mãi mới đủ người để dạy.
Tại khu vực phố Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa), có 5-6 trung tâm luyện thi nhưng có rất ít người vào hỏi cũng như đăng ký học, còn chủ yếu là đến hỏi và nắm thông tin. Chị Lan – chủ một trung tâm luyện thi tại đây cho biết: "Giá tiền học năm nay cao hơn năm ngoái với 1 buổi là 35.000đ, còn đóng theo tháng thì là 30.000đ/buổi bởi chúng tôi đầu tư vào cơ sở vật chất khá nhiều như lớp học được sơn sửa sạch sẽ, sáng sủa, được lắp thêm đèn, quạt..., nhưng lượng thí sinh tăng thêm không đáng kể".
Mặc dù sử dụng nhiều cách, nhưng trên thực tế, đa số các em học sinh không chọn các “lò” luyện thi để ôn luyện. Em Vũ Hải Anh (học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng) chia sẻ: "Đề thi bây giờ bám sát chương trình trong sách giáo khoa, nên HS bọn em không phải học tại các trung tâm để học tủ, luyện những đề thi đánh đố như trước đây nữa, mà học ngay ở nhà, như vậy vừa đỡ vất vả lại vừa đỡ tốn kém".
08/06/2011 – laodong.com.vn