Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nên cân nhắc việc xét tuyển thẳng

Thực tiễn cho thấy chủ trương tuyển thẳng có dấu hiệu “lợi bất cập hại”. Điều khiến nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn là chất khó tăng theo lượng.

 

Việc ĐH Quốc gia TPHCM công bố thí điểm tuyển thẳng học sinh trường năng khiếu vào ĐH trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đang tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Có người nghĩ đây là một cách làm mới mang tính đột phá song cũng nhiều người không đồng tình vì cho rằng sẽ khó có chất lượng.

 

Không mới

 

Theo Hội đồng Tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM, trước khi đưa ra quyết định thí điểm xét tuyển thẳng, hội đồng và lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM đã có những khảo sát khoa học các kỳ thi học sinh giỏi trong nước, quốc tế, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu trong nhiều năm liền.

 

Về cơ sở lý luận, việc xét tuyển thẳng này không có gì mới hơn, hay hơn, vì cách đây hơn 10 năm, ngành giáo dục đã chủ trương tuyển thẳng vào ĐH những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên, cùng học sinh học giỏi ở bậc THPT mà khi thi tốt nghiệp cũng đạt loại giỏi.  Chủ trương này nhằm giảm nhẹ kỳ thi tuyển sinh vào ĐH và tạo động lực cho những học sinh THPT học giỏi hơn, lúc đó ai cũng thấy hay và hợp lý nên không phản đối.

 

Nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, chủ trương nói trên lại tỏ ra “lợi bất cập hại”. Thí dụ, năm 2001 có đến 1.700 học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng vào ĐH (trong đó có 1.173  học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba và 405 giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thi tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên). Đến năm 2002, số lượng này đã tăng gấp 2 lần năm 2001 (3.500 học sinh). Năm 2003  tăng gấp 1,4 lần năm 2002. Năm 2005 tăng 2,2 lần năm 2004. Số lượng tuyển thẳng liên tục tăng và đột biến tăng như trên hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ.

 

Chất không tăng như lượng

 

Tiếp đó, ngành giáo dục lại có thêm chủ trương học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi thì được cộng điểm tuyển vào ĐH. Thế là số học sinh đạt loại giỏi lại tiếp tục tăng lên đột biến.

 

Nhưng điều khiến các chuyên gia giáo dục băn khoăn là có nhiều dấu hiệu cho thấy chất không hề tăng theo lượng. Chẳng hạn như tỉnh Hà Tây, khi chưa sáp nhập về Hà Nội, từng có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất nước (99,78%) và học sinh đạt loại giỏi cũng nhiều nhưng tỉ lệ đậu vào ĐH thì lại thấp. Trường THPT Lê Quý Đôn của tỉnh Hà Tây có đến 58 học sinh giỏi được cộng điểm thưởng nhưng thi tuyển vào ĐH thì trung bình tổng điểm 3 môn thi ĐH của số thí sinh này chỉ đạt 12 điểm. Năm 2004, Trường ĐH Thủy lợi tuyển 29 học sinh giỏi được cộng điểm thì hết năm học thứ nhất có 26 sinh viên phải thi lại.

 

Vì những diễn biến như trên nên chủ trương tuyển thẳng và thưởng điểm vào ĐH đã bị bãi bỏ sau khi Bộ GD-ĐT đã có một cuộc điều tra tổng kết.

 

Có tuyển được người thực tài?

Chủ trương thí điểm tuyển thẳng vào ĐH của ĐH Quốc gia TPHCM với những học sinh năng khiếu cũng bộc lộ một điểm chưa rõ ràng ở chỗ hiện nay có nhiều loại trường chuyên, trường chất lượng cao, trường năng khiếu nhưng mục đích chính của hầu hết các trường này chủ yếu vẫn là nuôi gà “chọi” để lấy thành tích trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và lấy tỉ lệ trúng tuyển vào ĐH.

 

Nếu ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH khác cũng thực hiện việc tuyển thẳng các đối tượng này, chắc chắn hệ thống trường này sẽ phát triển mạnh trong tương lai nhưng chất lượng như thế nào, có tuyển được người thực tài hay không thì chưa hẳn dễ có câu trả lời.

 

TRẦN HỮU TRÙ (nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)

02/06/2011 – nld.com.vn

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang