Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Thay đổi trong xét tuyển NV2, 3: Làm không khéo, thí sinh thiệt thòi

Bộ GD-ĐT cho rằng những thay đổi trong quy định xét tuyển NV2, 3 là vì quyền lợi thí sinh. Tuy nhiên, đằng sau những quy định này còn rất nhiều vấn đề, nếu không giải quyết được, đối tượng chịu thiệt thòi chính là thí sinh.

TS Nguyễn Thanh Nam (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM):

 

Dễ đánh lừa thí sinh

Theo quy định này, thí sinh sẽ chờ đến ngày cuối của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ. Như vậy trường lấy dữ liệu đâu để công khai? Sẽ có những trường nhận được quá nhiều hồ sơ hoặc hồ sơ chuyển bưu điện chưa đến, cán bộ tuyển sinh chưa nhập vào kịp nên buộc phải công khai con số chưa đầy đủ. Nếu căn cứ vào con số này, thí sinh nộp hồ sơ nhiều khả năng sẽ rơi vào trường hợp nộp vào ngành có nhiều hồ sơ. Và như vậy thông tin công khai không có nhiều giá trị tham khảo, thậm chí đánh lừa thí sinh.

 

Việc cho thí sinh rút hồ sơ xét tuyển cho thấy các giải pháp thực hiện chưa đồng bộ. Hôm trước công khai để thí sinh cân nhắc, hôm sau lại cho thí sinh rút thì giải pháp trước đó coi như không hiệu quả. Việc rút hồ sơ, nộp hồ sơ như vậy sẽ làm thí sinh và cả xã hội mệt mỏi, căng thẳng mà chưa chắc đạt được hiệu quả như mong muốn. Cơ hội sẽ lớn hơn với những thí sinh gần trường trong khi thí sinh ở xa ít có cơ hội hơn.

 

Để tạo điều kiện cho thí sinh, chúng ta có thể thực hiện theo cách khác. Chẳng hạn sẽ kéo dài thời gian xét tuyển NV2 hơn vài ngày. Trong thời gian này các trường sẽ xét tuyển nhiều đợt. Sau mỗi đợt, thí sinh nào không trúng tuyển sẽ được trả lại hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào trường khác.

 

PGS-TS Nguyễn Hoàng (trưởng Ban đào tạo ĐH Huế):

 

Gây tốn kém cho thí sinh

Việc công khai thông tin hồ sơ xét tuyển của thí sinh là điều cần thiết, tuy nhiên không nhất thiết phải công bố hằng ngày. Phần vì các trường không đủ sức để làm, phần vì thí sinh không đủ thời gian xem. Mỗi đợt xét tuyển chỉ nên công bố 2-3 lần là đủ. Năm 2010, ĐH Huế là một trong những cơ sở đầu tiên đã thực hiện công khai thông tin từ tổng số hồ sơ, hồ sơ theo ngành và điểm số chi tiết để thí sinh theo dõi và cân nhắc. Mỗi đợt xét tuyển trường công bố ba lần. Việc công khai như vậy có lợi là thí sinh có thể cân nhắc chọn được ngành phù hợp với điểm số của mình nhất. Tuy nhiên nếu chúng ta công bố hằng ngày có thể khiến thí sinh thụ động, bối rối khi chọn trường, chọn ngành.

 

Riêng việc cho thí sinh rút hồ sơ là không nên. Các trường đã công khai như thế rồi, thí sinh đã có đủ thời gian cân nhắc và quyết định. Nếu cho rút hồ sơ thí sinh sẽ mất nhiều thời gian, chạy lòng vòng khắp nơi, tốn kém.

 

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM:

 

Thí sinh chịu thiệt

Những điểm mới này theo giải thích của Bộ GD-ĐT là vì quyền lợi thí sinh. Tuy nhiên, có một số điểm chưa được quy định rõ ràng nên mỗi trường có thể làm theo một phách, như vậy phần thiệt thòi nhiều khi là thí sinh. Chẳng hạn việc công khai hồ sơ, ai là người sẽ giám sát điều này? Dù nhận được nhiều hồ sơ nhưng trường công bố rất ít. Có thể trường chưa nhập kịp hoặc cố tình công bố số liệu giả để thí sinh thấy ít mà nộp vào.

 

Trong trường hợp có kiểm tra, trường có thể nói rằng do hồ sơ bưu điện mới chuyển đến nên chưa nhập kịp. Rõ ràng trong trường hợp này thí sinh là người chịu thiệt thòi. Do đó bên cạnh các quy định chung chung, cần có những hướng dẫn và quy định cụ thể, rõ ràng để thật sự đảm bảo quyền lợi của thí sinh sẽ được đặt cao hơn quyền lợi cục bộ của một bộ phận nào đó.

 

Hơn nữa, thí sinh ở xa phải về trường để rút hồ sơ. Tốn kém chi phí một phần, phần nữa là tác động đến gia đình và xã hội. Tâm lý bất an, lo lắng bởi ai cũng muốn có nhiều cơ hội vào ĐH. Các em sẽ phải suốt ngày lên trường, lên mạng xem cập nhật thông tin, rồi lại đến trường xin rút, đến trường khác nộp vào. Liệu sự kéo dài đó đảm bảo các em có được kết quả như mong muốn hay không?

Không cần rút hồ sơ

Một chuyên gia tuyển sinh tại TP.HCM cho rằng việc cập nhật để cung cấp thông tin cho thí sinh là rất cần thiết và đó là nhu cầu được biết thông tin về nơi mình sẽ gắn bó cả cuộc đời. Dẫu biết rằng thông tin này chỉ để tham khảo nhưng hết sức hữu ích cho cả các phía: thí sinh, nhà trường và cả xã hội.

 

Chúng ta thử nhớ lại kết thúc mùa tuyển sinh các năm trước có tình trạng: nhiều ngành học thiếu người dư việc, nhiều trường có một số ngành tuyển không đủ chỉ tiêu và thưa thớt người học nên... "khai tử" luôn, trong khi trớ trêu thay đó lại là những ngành xã hội đang có nhu cầu lớn. Trớ trêu hơn nữa là thí sinh sợ những ngành này “chắc là” nhiều người nộp hồ sơ do đó phải né, trong khi thực tế số hồ sơ rất ít. Dẫu biết NV2 là con dao hai lưỡi: trong nhiều “cái tốt”, cái tốt nhất là không để thi sinh có điểm cao lại rớt đại học và cái “chưa tốt” là đậu nhưng chưa chắc đúng ngành mình thích (vì không còn cách nào khác). Với cách cập nhật và công bố các thông tin liên quan kịp thời, chắc chắn thí sinh sẽ có thêm nguồn dữ liệu vô cùng cần thiết cho sự lựa chọn, tham khảo.

 

Do đó khi đã có đủ thông tin tham khảo thì không cần thiết phải cho rút hồ sơ. Thí sinh cứ căn cứ vào chỉ tiêu, điểm số, số lượng hồ sơ các trường công bố để quyết định.

M.G. ghi

09/03/2011 – tuoitre.vn

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang