Ngành giáo dục mầm non: Tăng chỉ tiêu, lo khó tuyển
Hàng loạt trường ĐH, CĐ tăng chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non để đào tạo nguồn giáo viên mầm non đang thiếu hụt trầm trọng nhưng nguồn tuyển vẫn là nỗi lo lớn.
“Do ngành giáo dục thiếu giáo viên mầm non quá nhiều nên năm nay chúng tôi quyết định tăng thêm 100 chỉ tiêu (CT) ngành giáo dục mầm non so với năm 2010”- bà Nguyễn Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, cho biết. Nắm bắt được nhu cầu thực tế, nhiều trường cũng đồng loạt tăng CT đào tạo ngành học này.
Hàng ngàn chỉ tiêu
Ngành giáo dục mầm non là một trong các ngành đang có số lượng CT công bố tuyển sinh cao nhất trong năm 2011. Cụ thể: Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển 130 CT (tăng 20 CT so với năm 2010); Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế tuyển 150 CT (tăng 50 CT); Trường ĐH Sài Gòn tuyển 50 CT hệ ĐH và 350 CT hệ CĐ; Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng tuyển 100 CT; Trường ĐH Đồng Tháp tuyển 150 CT hệ ĐH và 100 CT hệ CĐ; Trường ĐH An Giang tuyển 100 CT hệ ĐH và 200 CT hệ CĐ; Trường ĐH Tây Nguyên tuyển 60 CT… Ngoài ra, nhiều trường còn tuyển hàng trăm CT ngành giáo dục mầm non hệ TCCN.
Theo ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, giáo dục mầm non hiện là ngành mà thị trường lao động còn rất thiếu nên trường rất muốn đào tạo số lượng lớn. Do điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ nên năm 2011, trường chỉ tuyển 150 CT hệ CĐ. Cũng theo ông Lực, sinh viên ngành này ra trường có nhiều cơ hội việc làm, nhiều người đã mở nhà trẻ tư nhân, nhóm nhà trẻ gia đình… có thu nhập khá tốt.
Bà Nga cũng cho biết 100% sinh viên tốt nghiệp ngành học này từ Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM đều đã có việc làm.
Chưa thu hút
Dù cơ hội việc làm tốt nhưng thực tế ngành giáo dục mầm non vẫn chưa thu hút thí sinh. Những năm gần đây, giáo dục mầm non là một trong những ngành tỉ lệ chọi không cao và điểm chuẩn chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1-2 điểm. Năm 2010, Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế có 564 thí sinh dự thi (tỉ lệ chọi 5,64), điểm chuẩn: 14; Trường ĐH Đồng Tháp CT 200 nhưng chỉ có 275 thí sinh dự thi (tỉ lệ chọi 1,38), điểm chuẩn: 15; điểm chuẩn vào ngành học này của Trường ĐH Sư phạm TPHCM là 16,5 (tỉ lệ chọi 5,78), của Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng là 14,5…
Cũng theo bà Nga thì trước đây, ngành học này tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM có tỉ lệ chọi cao (khoảng 1 chọi 10) nhưng vài năm trở lại đây chỉ khoảng 1 chọi 4. Lý do là thí sinh vẫn có tâm lý xem đây là ngành học ra trường làm việc vất vả mà lương thấp (chỉ khoảng 2-4 triệu đồng/tháng). Ông Lực cũng cho rằng chính vì mức lương quá eo hẹp nên nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không chọn con đường vào các trường mầm non mà ra làm riêng. Bởi vậy vì vậy các trường đào tạo nhiều mà giáo viên vẫn cứ thiếu.
Đại diện của nhiều trường cho rằng để thu hút thí sinh, ngành giáo dục cần có chính sách nâng cao đời sống của giáo viên mầm non. Theo bà Nga, phụ cấp cho giáo viên mầm non chỉ 30% là thấp, nên tăng lên 50% bởi thực tế họ phải làm việc hơn 10 giờ/ngày. Bên cạnh đó, thay vì phải tách bạch giữa dạy và chăm sóc trẻ thì giáo viên mầm non ở nước ta hầu hết phải kiêm nhiệm cả 2 công việc này nên rất vất vả. Do đó, nếu không có những sự thay đổi căn bản nào thì khó có thể thu hút được thí sinh theo học ngành này.
Tìm cách giữ thí sinh
Theo ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, giáo dục mầm non là một trong những ngành tỉ lệ “ảo” ít bởi thí sinh phải dự thi năng khiếu (khối M). Những năm qua, hầu hết thí sinh được gọi đều nhập học. Thí sinh dự thi ngành học này nếu không trúng tuyển vào hệ ĐH thì trường sẽ xét tuyển vào hệ CĐ hoặc TCCN.
Bà Nguyễn Thị Phương Nga cho biết để tuyển đủ CT, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM không đặt yêu cầu quá cao trong thi năng khiếu. Ngoài khả năng học tập, thí sinh chỉ cần không nói ngọng, nói lắp, có thể bắt chước các hoạt động hát múa, thẩm âm… thì có thể vượt qua được vòng thi năng khiếu.
|
Thùy Vinh
10/04/2011- nld.com.vn