Ngành Lâm nghiệp

-

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Trình độ đào tạo

: Trung cấp chuyên nghiệp

Ngành đào tạo

:  LÂM NGHIỆP

Mã ngành

:  42620201

Đối tượng tuyển sinh

: Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo

: 2 năm 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Lâm nghiệp được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên lâm nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp; có kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật lâm nghiệp; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc; có sức khỏe để làm việc. Về năng lực chuyên môn, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để tìm việc làm, đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu tiếp thu các thành tựu của khoa học kỹ thuật hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân, của khoa học kỹ thuật và của nền kinh tế xã hội.

Nội dung chính của khóa học bao gồm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về điều tra quy hoạch tài nguyên rừng, kỹ thuật vườn ươm, trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tổ chức quản lý sản xuất và các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho công tác quản lý, phát triển nguồn tài nguyên rừng như sinh thái rừng, động thực vật rừng, khí tượng thủy văn, luật và chính sách lâm nghiệp. Người học đồng thời cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng - an ninh.

Sau khi tốt nghiệp, người học trở thành kỹ thuật viên ngành Lâm nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có khả năng trực tiếp thực hiện các thao tác kỹ thuật cơ bản và trợ giúp kỹ sư lâm nghiệp trong công tác điều tra, quy hoạch, trồng, quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tổ chức và hướng dẫn công nhân, nông dân một số kỹ thuật cơ bản trong sản xuất nông lâm nghiệp. Người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp như: cơ quan khuyến nông, cơ quan kiểm lâm, các đơn vị điều tra quy hoạch lâm nghiệp; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật tư và các dịch vụ nông lâm nghiệp.

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:           

1. Về kiến thức                     

- Trình bày được các đặc điểm chính của các hệ sinh thái rừng, cấu trúc rừng, tái sinh, sinh trưởng và phát triển, diễn thế rừng ở Việt Nam.

- Mô tả được các đặc điểm cơ bản để nhận biết một số bộ, họ, loài thực vật rừng, động vật rừng phổ biến và quý hiếm ở Việt Nam.

- Trình bày được những nội dung cơ bản về phương pháp đo, vẽ, sử dụng các loại bản đồ lâm nghiệp và phương pháp điều tra, quy hoạch tài nguyên rừng.

- Trình bày được nội dung cơ bản về kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, quản lý bảo vệ động thực vật rừng.

- Mô tả được quy trình và trình bày được kỹ thuật cơ bản về phân bón, giống cây rừng, kỹ thuật vườn ươm, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng; khai thác, bảo quản và sơ chế lâm sản; nông lâm kết hợp.

2. Về kỹ năng

- Nhận biết được các hệ sinh thái rừng, cấu trúc rừng, các phương thức tái sinh và diễn thế rừng, nhận biết và phân loại được một số loài động thực vật rừng phổ biến và quý hiếm ở Việt Nam.

- Thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật đơn giản về đo đạc, bản đồ, điều tra quy hoạch rừng, quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.

- Thực hiện được các thao tác kỹ thuật cơ bản trong kỹ thuật nhân giống ở vườn ươm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, khai thác bảo quản và sơ chế lâm sản theo đúng các quy trình kỹ thuật về lâm nghiệp.

- Thiết kế và tổ chức thi công được mô hình nông lâm kết hợp, tham gia thiết kế các công trình kỹ thuật lâm sinh với sự hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo của kỹ sư lâm nghiệp.

- Có khả năng tổ chức, chuyển giao kỹ thuật đơn giản cho công nhân và nông dân về sản xuất lâm nghiệp

3. Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức tốt và nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao.

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo

STT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

23

3

Các học phần chuyên môn              

35

4

Thực tập nghề nghiệp

16

5

Thực tập tốt nghiệp

6

Tổng khối lượng chương trình

102

2. Các học phần của chương trình và thời lượng

TT

TÊN HỌC PHẦN

Số tiết/giờ

SỐ ĐVHT

 

Tổng

Lý thuyết

Thực hành,

thực tập

 
 

I

Các học phần chung

420

22

18

4

 

Các học phần bắt buộc

390

20

16

4

 

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

75

3

2

1

 

2

Giáo dục chính trị

75

5

5

 

 

3

Giáo dục thể chất

60

2

1

1

 

4

Tin học

60

3

2

1

 

5

Ngoại ngữ

90

5

4

1

 

6

Pháp luật

30

2

2

 

 

Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 3 học phần)

30

2

2

 

 

7

Khởi tạo doanh nghiệp

30

2

2

 

 

8

Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

30

2

2

 

 

9

Kỹ năng giao tiếp

30

2

2

 

 

II

Các học phần cơ sở

390

23

20

3

 

10

Sinh thái rừng

60

3

2

1

 

11

Thực vật rừng

60

3

2

1

 

12

Động vật rừng

30

2

2

 

 

13

Đo đạc và bản đồ lâm nghiệp

60

3

2

1

 

14

Khí tượng thủy văn rừng

30

2

2

 

 

15

Đất - Phân bón

45

3

3

 

 

16

Luật và chính sách lâm nghiệp

45

3

3

 

 

17

Bảo vệ môi trường

30

2

2

 

 

18

An toàn lao động

30

2

2

 

 

III

Các học phần chuyên môn

660

35

26

9

 

19

Giống cây lâm nghiệp

60

3

2

1

 

20

Kỹ thuật vườn ươm

75

4

3

1

 

21

Trồng rừng

45

2

1

1

 

22

Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh

75

4

3

1

 

23

Quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng

60

3

2

1

 

24

Điều tra rừng

75

4

3

1

 

25

Quy hoạch lâm nghiệp

75

4

3

1

 

26

Khai thác, bảo quản và sơ chế lâm sản

45

3

3

 

 

27

Nông lâm kết hợp

30

2

2

 

 

28

Phương pháp khuyến nông lâm

60

3

2

1

 

29

Quản trị doanh nghiệp

60

3

2

1

 

IV

Thực tập nghề nghiệp

720 giờ

16

 

16

 

V

Thực tập tốt nghiệp

270 giờ

6

 

6

 

 

Tổng cộng

 

102

64

38

 
 IV. Nội dung thi tốt nghiệp
TT
Nội dung

1

Chính trị

- Học phần Giáo dục chính trị.

2

Lý thuyết tổng hợp (bao gồm các học phần):

- Sinh thái rừng.

- Điều tra rừng.

- Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh.

3

Thực hành nghề nghiệp

V. Mô tả nội dung các học phần

1. Giáo dục quốc phòng-An ninh

            Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng - An ninh. Nội dung bao gồm: quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác Giáo dục Quốc phòng-An ninh, chính trị quân sự lực lượng dân quân tự vệ, kỹ thuật và chiến thuật quân sự, kỹ thuật sử dụng vũ khí thông thường.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể trình bày được những nội dung cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh, về cấu tạo, nguyên lý và sử dụng được một số vũ khí bộ binh thông thường, thành thạo điều lệnh đội ngũ, biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện nếp ngăn nắp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, kỷ luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Giáo dục chính trị 

            Học phần này cung cấp cho học sinh những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội, con người, những nội dung cơ bản về Đảng cộng sản Việt Nam và đường lối chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tự nhiên, xã hội, con người, về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có cái nhìn khoa học, khách quan đối với các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người, biết phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội, biết sống hòa nhập với cộng đồng và môi trường. Tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

3. Giáo dục thể chất

Học phần này cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Giáo dục thể chất. Nội dung bao gồm ý nghĩa, tác dụng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của cơ thể, bài thể dục buổi sáng, chạy bền, chạy cự li ngắn, nhảy cao nằm nghiêng. Ngoài ra chương trình có thể còn được bổ sung các nội dung như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội.

Sau khi học xong học phần này, học sinh có khả năng tự rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại cơ sở.

4. Tin học

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Tin học đại cương. Nội dung bao gồm các vấn đề căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng máy tính và quản lý tệp với Windows, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình diễn điện tử-PowerPoint và Internet.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, trình diễn báo cáo, sử dụng bảng máy tính để tính toán thống kê, biết sử dụng và khai thác một số dịch vụ của Internet, đồng thời rèn luyện phong cách suy nghĩ và làm việc phù hợp với thời đại tin học hoá, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành động.

5. Ngoại ngữ 

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, vận dụng được một vốn từ căn bản và cần thiết để có khả năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp thông thường ở mức tối thiểu; có thể đọc hiểu tài liệu bằng ngoại ngữ với sự trợ giúp của Từ điển làm nền tảng để tiếp cận khoa học kỹ thuật, học tập và nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tạo cơ hội cho người học nâng cao kiến thức và ý thức về những khác biệt văn hoá liên quan đến việc sử dụng ngoại ngữ hợp tác trong lao động và giao tiếp.

6. Pháp luật 

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung bao gồm một số vấn đề về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể giải thích được những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam, vận dụng được kiến thức đã học để xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi làm việc và trong cộng đồng dân cư, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật; biết lựa chọn hành vi và khẳng định sự tự chủ của mình trong các quan hệ xã hội, trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.

7. Khởi tạo doanh nghiệp

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp; Kinh doanh và định hướng ngành nghề kinh doanh; Các bước lập kế hoạch kinh doanh và thực thi kế hoạch kinh doanh.

Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày được những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và kinh doanh, có khả năng lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động để khởi sự kinh doanh trong một lĩnh vực của nền kinh tế.

8. Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về năng lượng và tình hình sử dụng năng lượng, nhiên liệu, tài nguyên hiện nay; các chính sách về sử dụng năng lượng của nước ta cũng như của một số quốc gia trên thế giới; các phương pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và an toàn các dạng năng lượng thông dụng như điện năng, khí đốt, xăng dầu; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày và giải thích được các khái niệm, thuật ngữ cơ bản về năng lượng và vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các dạng năng lượng mới; các chính sách sử dụng năng lượng của nước ta cũng như một số quốc gia trên thế giới, quá trình sản xuất, truyền tải, cung cấp, phân phối và sử dụng điện năng. Đồng thời, giúp người học hình thành được ý thức, thái độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền, giáo dục cho những người xung quanh ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.

9. Kỹ năng giao tiếp

Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức chung và các kỹ năng thông thường về giao tiếp trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc.

Học phần này bao gồm các nội dung những yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; cách thức tổ chức các cuộc họp tại nơi làm việc; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc; kỹ năng viết thư và báo cáo công việc.

            Sau khi học xong học phần, học sinh trình bày được ý nghĩa và sự cần thiết của giao tiếp; phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp; thực hiện hiệu quả các cuộc giao tiếp thông thường qua bày tỏ thái độ, lời nói và viết thư; có khả năng phát triển và duy trì giao tiếp thân thiện tại nơi làm việc; có khả năng tổ chức và điều tiết tốt các cuộc họp tại nơi làm việc và thực hiện được các kỹ năng phỏng vấn thông thường.

10. Sinh thái rừng

Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về hệ sinh thái rừng; mối quan hệ qua lại của rừng với các nhân tố sinh thái; cấu trúc rừng, tái sinh, sinh trưởng phát triển, diễn thế rừng.

Sau khi học xong học phần, người học phân biệt được hệ sinh thái và hệ sinh thái rừng, xác định được các đặc trưng cơ bản của rừng, giải thích được các quá trình vận động của rừng.

11. Thực vật rừng  

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về hệ thống phân loại thực vật, đặc điểm nhận biết các nhóm thực vật bậc thấp và bậc cao, một số loài cây rừng phổ biến và quý hiếm ở Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những kiến thức cơ bản về hệ thống phân loại thực vật, nhận biết được các nhóm thực vật bậc thấp và bậc cao; thành thạo làm tiêu bản thực vật; có thể mô tả, phân loại được ít nhất 150 loài cây rừng.

12. Động vật rừng 

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về các lớp động vật không xương sống và động vật có xương sống, vai trò và ý nghĩa của chúng đối với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

            Sau khi học xong, người học trình bày được đặc điểm các lớp động vật có xương sống và không có xương sống, nhận dạng chính xác một số loài động vật ở Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động vật rừng.

13. Đo đạc và bản đồ lâm nghiệp

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bản đồ; phương pháp đo, vẽ, đọc bản đồ; cấu tạo, nguyên lý, cách sử dụng một số loại máy, thiết bị được sử dụng thông dụng trong đo đạc lâm nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể sử dụng đúng quy trình một số loại máy, thiết bị đo vẽ bản đồ lâm nghiệp như: địa bàn 3 chân, máy kinh vĩ, máy định vị GPS trong việc đo vẽ bản đồ mặt bằng một khu vực; can, đo, vẽ được bản đồ thiết kế trồng rừng và sử dụng được các loại bản đồ lâm nghiệp trong công tác điều tra, quy hoạch và phát triển tài nguyên rừng.

14. Khí tượng thủy văn rừng

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quy luật biến đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn có ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp, giải thích sự tác động qua lại giữa các yếu tố khí hậu với sản xuất nông lâm nghiệp.

          Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được nguyên lý cấu tạo, cách sử dụng và bảo dưỡng được một số máy khí tượng thông dụng; quan trắc và phân tích được một số chỉ tiêu khí tượng thủy văn đơn giản liên quan đến quá trình sản xuất nông lâm nghiệp.

15. Đất - Phân bón

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành đất; các loại đá và khoáng vật, các tính chất lý, hóa, sinh học của đất, phân loại đất và đặc điểm một số loại đất chính ở Việt Nam. Đồng thời cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bón phân và kỹ năng sử dụng phân bón trong sản xuất nông lâm nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học nhận biết và mô tả được một số loại đá, khoáng vật và đất phổ biến, đề xuất được các biện pháp sử dụng và cải tạo một số loại đất hiệu quả, sử dụng và bảo quản được một số loại phân bón thông dụng nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cây trồng.

16. Luật và chính sách lâm nghiệp

            Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức cơ bản về Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng và định hướng chính sách của nhà nước về phát triển lâm nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể giải thích được một số nét chính về Luật và các chính sách lâm nghiệp, đồng thời có thái độ đúng đắn trong việc vận dụng chủ trương, đường lối chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước vào lĩnh vực lâm nghiệp.

17. Bảo vệ môi trường

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về môi trường như: khái niệm, chức năng, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển; nguồn gốc, bản chất và các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; những vấn đề về môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được mối quan hệ giữa môi trường và phát triển, đề xuất được các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường trong sản xuất, phát triển nông lâm nghiệp nói riêng.  

18. An toàn lao động

Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về an toàn trong lao động như: An toàn khi sử dụng các thiết bị điện, an toàn trong môi trường làm việc có hoá chất độc hại, an toàn khi vận hành các thiết bị làm việc ở trong môi trường làm việc có cháy, nổ; an toàn khi thi công các công trình kỹ thuật lâm sinh, khai thác và vận chuyển lâm sản, chữa cháy rừng; phương pháp sơ cứu người khi bị tai nạn lao động.

Sau khi học xong học phần này, người học lựa chọn được phương tiện bảo hộ lao động phù hợp, thực hiện đúng quy trình an toàn lao động nơi làm việc, thực hiện được các biện pháp sơ cứu người khi bị tai nạn lao động.

19. Giống cây lâm nghiệp

Học phần cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về kỹ thuật chọn giống, chuyển hóa và xây dựng rừng giống, vườn giống; thu hoạch, bảo quản hạt giống, nguyên liệu nhân giống cây lâm nghiệp.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng thực hiện những kỹ thuật cơ bản trong xây dựng rừng giống, vườn giống; thu hoạch, bảo quản hạt giống và nguyên liệu nhân giống cây lâm nghiệp đúng yêu cầu kỹ thuật.

20. Kỹ thuật vườn ươm

            Học phần này cung cấp cho người học một số kiến thức cơ bản về vườn ươm như thiết kế, sản xuất cây con bằng các phương pháp gieo ươm từ hạt, chiết, ghép, giâm hom, chăm sóc cây con sau nuôi cấy mô.

            Sau khi học xong học phần này, người học thiết kế được vườn ươm nhỏ cho hộ gia đình và cộng đồng, thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật về gieo ươm từ hạt, chiết, ghép, giâm hom, chăm sóc cây con sau nuôi cấy mô; chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh thông thường ở vườn ươm.

21. Trồng rừng

Học phần này cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng cơ bản về chọn loại cây trồng; phối hợp cây trồng và bố trí cây trồng, xác định mật độ cây trồng trong việc trồng rừng mới, trồng rừng trong cải tạo rừng, trồng băng xanh cản lửa, trồng rừng trong nông lâm kết hợp; thi công, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng. Học phần này cũng cung cấp kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc một số loài cây lâm nghiệp có giá trị về kinh tế và môi trường.

Sau khi học xong học phần này, người học có thể tham gia cùng với kỹ sư trong thiết kế trồng rừng phù hợp với các điều kiện lập địa và mục đích trồng rừng; có thể trực tiếp thi công trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng ở từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

22. Các giải pháp kỹ thuật lâm sinh

Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về khai thác – tái sinh rừng; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh có tác động, nuôi dưỡng rừng, cải tạo rừng tự nhiên, làm giàu rừng.

Sau khi học xong, người học thực hiện được các kỹ thuật trực tiếp về khoanh nuôi, cải tạo, nuôi dưỡng, làm giàu rừng, khai thác- tái sinh rừng; tổ chức trực tiếp thực hiện các quy trình kỹ thuật theo phương án thiết kế.

23. Quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng

            Học phần này cung cấp cho người học kỹ thuật về phòng và chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng và sâu bệnh hại ở vườn ươm, rừng trồng, quản lý động thực vật rừng.

            Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện được dự báo cháy rừng ở một vùng sinh thái; tổ chức thực hiện được các biện pháp kỹ thuật và tuyên truyền về phòng chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng và quản lý bảo vệ động thực vật rừng.

24. Điều tra rừng

            Học phần này cung cấp cho người học phương pháp ứng dụng trong điều tra rừng, nguyên lý và cách thức sử dụng các dụng cụ, máy trong điều tra rừng. Nội dung bao gồm: Đo tính thể tích cây, gỗ sản phẩm và tre nứa; đo tính các nhân tố điều tra rừng, trữ lượng rừng gỗ và tre nứa, lượng sinh trưởng.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng sử dụng các máy và dụng cụ thu thập số liệu trong điều tra rừng, sử dụng sổ tay điều tra rừng trong tính toán các nhân tố điều tra; thực hiện các kỹ thuật điều tra đo tính thể tích cây, lượng sinh trưởng, trữ lượng rừng, các nhân tố điều tra, lâm sản phụ và đặc sản, tổ chức thu thập số liệu trên thực địa.

25. Quy hoạch lâm nghiệp

            Học phần này cung cấp cho người học các khái niệm cơ bản về quy hoạch điều chế rừng và tổ chức thiết kế sản xuất lâm nghiệp; những nội dung cơ bản của công tác tổ chức và sản xuất lâm nghiệp theo không gian và thời gian; quản lý sản xuất bằng hệ thống các giải pháp kỹ thuật lâm sinh; những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức quy hoạch lâm nghiệp; nội dung, phương pháp theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

            Sau khi học xong học phần này, người học sử dụng được bản đồ địa hình trong sơ thám, nhận dạng địa hình, địa vật, chia lô, khoảnh và vẽ bổ sung, thực hiện tốt việc phân chia tài nguyên rừng theo không gian và thời gian, tham gia vào việc thu thập tài liệu để thiết kế các giải pháp kỹ thuật lâm sinh, thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, tham gia vào các nội dung quy hoạch lâm nghiệp khác dưới sự hướng dẫn của kỹ sư lâm nghiệp.

26. Khai thác, bảo quản và sơ chế lâm sản

            Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về thiết kế và thi công khai thác; cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của một số công cụ thủ công và cơ giới phổ biến trong ngành khai thác sơ chế lâm sản; cấu tạo, tính chất của gỗ và một số lâm sản khác; nhận biết, phân loại, bảo quản, chế biến và sử dụng lâm sản một cách có hiệu quả.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được nguyên lý một số loại máy, công cụ khai thác; phân loại, nhận biết được khoảng 30 loại gỗ phổ biến thông dụng, đề xuất được các biện pháp thi công khai thác lâm sản tại cơ sở sản xuất và tham gia vào quá trình thiết kế khai thác lâm sản dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của kỹ sư lâm nghiệp.

27. Nông lâm kết hợp

            Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về nguyên lý và kỹ thuật trong nông lâm kết hợp, ưu nhược điểm và hạn chế của các hệ thống nông lâm kết hợp phổ biến đang được áp dụng ở Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng phân loại và đánh giá lợi ích, hạn chế của các hệ thống nông lâm kết hợp tại địa phương; thiết kế và thi công được mô hình nông lâm kết hợp phù hợp với từng vùng sinh thái.

 

28. Phương pháp khuyến nông lâm

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về đánh giá nông thôn, nguyên tắc về đào tạo và chuyển giao kiến thức cho nông dân, các phương pháp khuyến nông lâm, kiến thức về xã hội phục vụ công tác khuyến nông lâm như: Kỹ năng giao tiếp, tâm lý người nông dân, phong tục tập quán của một số dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng lựa chọn và thực hiện được các phương pháp khuyến nông lâm phù hợp với từng điều kiện sinh thái nhân văn cụ thể, thực hiện được nhiệm vụ tuyên truyền vận động, khuyến khích, thuyết phục người dân và các bên liên quan tham gia vào các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tích cực.

29. Quản trị doanh nghiệp

Học phần này cung cấp cho người học các nội dung cơ bản về tổ chức doanh nghiệp như: đặc điểm, nhiệm vụ, cơ cấu chức năng của doanh nghiệp nông lâm nghiệp vừa và nhỏ; nội dung và biện pháp tổ chức quản lý doanh nghiệp như hạch toán kinh tế, lao động và tiền lương, lập kế hoạch và tiến độ sản xuất, tính toán nhu cầu vật tư, thiết bị và chu kỳ bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị, quản lý kho bãi, vật tư trong công tác lâm nghiệp.

            Sau khi học xong học phần này, người học hạch toán được chi phí và tính toán hiệu quả kinh tế trong mỗi giải pháp kỹ thuật; lập được kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kế hoạch về thiết bị, vật tư và kế hoạch sửa chữa bảo trì nhỏ các máy, thiết bị trong công tác lâm nghiệp.

30. Thực tập nghề nghiệp 

Thực tập nghề nghiệp cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng về kỹ thuật lâm nghiệp theo yêu cầu mục tiêu đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo tại các cơ sở thực tập có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tập ở trong và ngoài trường như: Doanh nghiệp, cơ quan kiểm lâm, cơ quan khuyến nông, trang trại nông lâm nghiệp.

Nội dung cơ bản của thực tập nghề nghiệp có thể chia thành các học phần và tập trung vào các nội dung: Sinh thái rừng, khí tượng và thủy văn rừng, nhận biết và phân loại động thực vật rừng, đo đạc và bản đồ lâm nghiệp, kỹ thuật giống và vườn ươm, điều tra quy hoạch, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, nông lâm kết hợp, khai thác bảo quản và sơ chế lâm sản, phương pháp khuyến nông lâm, làm bài tập lớn về quản lý doanh nghiệp nông lâm nghiệp. Trong quá trình thực tập, người học sẽ có thêm cơ hội rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức cao về nghề nghiệp.

Sau khi kết thúc thực tập nghề nghiệp, người học có khả năng thực hiện thành thạo các kỹ năng về đo đạc và can vẽ bản đồ lâm nghiệp, chọn giống và nhân giống ở vườn ươm, thi công trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, thực hiện được việc thu thập số liệu và tính toán các nhân tố trong điều tra rừng, đề xuất được các mô hình nông lâm kết hợp phù hợp với vùng sinh thái, thực hiện được công tác chuyển giao kỹ thuật, tính toán đơn giản các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật lâm nghiệp.

31. Thực tập tốt nghiệp 

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong thực tế về sản xuất lâm nghiệp thông qua các chuyên đề thực tập phù hợp với chương trình đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo. Kết thúc đợt thực tập, người học phải có một báo cáo kết quả thực tập theo quy định của cơ sở đào tạo.

Các nội dung thực tập tối thiểu ở các chuyên đề thực tập nhằm mục đích vận dụng tổng hợp, linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được học và rèn luyện vào thực tế sản xuất. Ngoài việc thu thập, mô tả đặc điểm tình hình nơi thực tập, thực tập tốt nghiệp phải tập trung vào ít nhất một trong các chuyên đề sau: chọn giống và nhân giống ở vườn ươm, điều tra quy hoạch rừng, thiết kế trồng và chăm sóc rừng, thi công trồng rừng, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng.

Trong quá trình thực tập, phải tạo điều kiện cho người học có cơ hội học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng thực tế có liên quan đến ngành học, rèn luyện ý thức tác phong làm việc khoa học, tỷ mỉ, chính xác, trung thực, có ý thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Sau khi kết thúc thực tập tốt nghiệp, người học có khả năng tự thực hiện tốt các kỹ thuật trong quy trình kỹ thuật lâm nghiệp cụ thể theo chuyên đề thực đề thực tập. Có thể vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tiễn sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang