Ngành Kinh doanh xuất nhập khẩu
-
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
Trình độ đào tạo
|
: Trung cấp chuyên nghiệp
|
Ngành đào tạo
|
: KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU
|
Mã ngành
|
: 42340108
|
Đối tượng tuyển sinh
|
: Tốt nghiệp Trung học phổ thông
|
Thời gian đào tạo
|
: 2 năm
|
(Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. GIỚI THIỆU VÀ MÔ TẢ CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình khung trung cấp ngành Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu thiết kế để đào tạo nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, đồng thời có khả năng tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung khóa học bao gồm các nội dung về kinh tế ngoại thương, quản lý chất lượng hàng hóa, marketing căn bản, thống kê thương mại, kế toán thương mại, tài chính thương mại, nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, vận tải giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, nghiệp vụ hải quan và những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục quốc phòng-an ninh.
Sau khi tốt nghiệp, người học trở thành kỹ thuật viên về kinh doanh xuất nhập khẩu trình độ trung cấp, có khả năng thực hiện tốt các công việc của nhân viên kinh doanh trong hoạt động dịch vụ, kinh doanh xuất nhập khẩu như: Giao nhận hàng hóa; khai báo, làm thủ tục hải quan (thực hiện tại doanh nghiệp và dịch vụ khai thuế hải quan) thuộc các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế có liên quan đến xuất nhập khẩu; đồng thời người học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm và có thể tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
II. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Sau khi học xong chương trình người học có khả năng:
1. Về kiến thức
- Hiểu và trình bày được những nội dung cơ bản về pháp luật kinh tế ngành Kinh doanh xuất nhập khẩu, Tin học, Ngoại ngữ;
- Mô tả được những vấn đề cơ bản về nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu phục vụ cho yêu cầu của lãnh đạo và quản lý ở doanh nghiệp;
- Mô tả và thực hiện được những nghiệp vụ cơ bản trong quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa: Các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; thực hiện hợp đồng ngoại thương như vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế và khai báo làm thủ tục hải quan;
- Trình bày được nguyên tắc và phương pháp xử lý các tình huống nghiệp vụ ở các công đoạn cụ thể có thể xảy ra trong quy trình kinh doanh xuất nhập khẩu.
2. Về kỹ năng
- Đọc, hiểu, phân tích và tham gia soạn thảo được hợp đồng ngoại thương;
- Đọc, hiểu và lập được các chứng từ thương mại bằng ngoại ngữ được học;
- Thực hiện thành thạo quy trình nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu;
- Vận dụng hiệu quả các điều kiện thương mại quốc tế trong hoạt động kinh doanh;
- Thực hiện thành thạo quy trình nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Thực hiện được việc áp mã xác định thuế suất, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Thực hiện thành thạo quy trình nghiệp vụ khai báo, làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
- Thực hiện thành thạo các nghiệp vụ thanh toán quốc tế;
- Thường xuyên học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh xuất nhâp khẩu trong điều kiện của nền kinh tế thị trường;
- Tổ chức làm việc độc lập và theo nhóm.
3. Về thái độ
- Hiểu biết và nhận thức đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật;
- Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
- Có phẩm chất đạo đức, kỷ luật và tác phong kinh doanh; có ý thức giữ gìn và rèn luyện sức khỏe; có thái độ hợp tác với đồng nghiệp.
III. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo
STT
|
Nội dung
|
Khối lượng đơn vị học trình (ĐVHT)
|
1
|
Các học phần chung
|
22
|
2
|
Các học phần cơ sở
|
33
|
3
|
Các học phần chuyên môn
|
25
|
4
|
Thực tập nghề nghiệp
|
11
|
5
|
Thực tập tốt nghiệp
|
8
|
Tổng khối lượng chương trình
|
99
|
2. Các học phần của chương trình và thời lượng
TT
|
Tên học phần
|
Số tiết
|
Số ĐVHT
|
Tổng
|
Lý
thuyết
|
Thực
hành, thực tập
|
I
|
Các học phần chung
|
420
|
22
|
18
|
4
|
Các học phần bắt buộc
|
390
|
20
|
16
|
4
|
1
|
Giáo dục chính trị
|
75
|
5
|
5
|
0
|
2
|
Pháp luật
|
30
|
2
|
2
|
0
|
3
|
Giáo dục Quốc phòng - An ninh
|
75
|
3
|
2
|
1
|
4
|
Giáo dục thể chất
|
60
|
2
|
1
|
1
|
5
|
Ngoại ngữ
|
90
|
5
|
4
|
1
|
6
|
Tin học
|
60
|
3
|
2
|
1
|
Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 2 học phần)
|
30
|
2
|
2
|
0
|
7
|
Kỹ năng giao tiếp
|
30
|
2
|
2
|
0
|
8
|
Khởi tạo doanh nghiệp
|
30
|
2
|
2
|
0
|
II
|
Các học phần cơ sở
|
585
|
33
|
27
|
6
|
Các học phần bắt buộc
|
525
|
30
|
25
|
5
|
9
|
Kinh tế chính trị
|
60
|
4
|
4
|
0
|
10
|
Tâm lý thương mại
|
30
|
2
|
2
|
0
|
11
|
Luật áp dụng trong kinh doanh
|
45
|
3
|
3
|
0
|
12
|
Soạn thảo văn bản
|
45
|
2
|
1
|
1
|
13
|
Marketing căn bản
|
60
|
3
|
2
|
1
|
14
|
Quản lý chất lượng hàng hóa
|
60
|
3
|
2
|
1
|
15
|
Kế toán thương mại
|
60
|
4
|
4
|
0
|
16
|
Kinh tế ngoại thương
|
90
|
5
|
4
|
1
|
17
|
Thống kê thương mại
|
75
|
4
|
3
|
1
|
Các học phần tự chọn (chọn 1 trong 2 học phần)
|
60
|
3
|
2
|
1
|
18
|
Thương mại điện tử
|
60
|
3
|
2
|
1
|
19
|
Tài chính thương mại
|
60
|
3
|
2
|
1
|
III
|
Các học phần chuyên môn
|
480
|
25
|
18
|
7
|
20
|
Nghiệp vụ ngoại thương
|
90
|
5
|
4
|
1
|
21
|
Thuế xuất nhập khẩu
|
60
|
3
|
2
|
1
|
22
|
Thủ tục hải quan
|
60
|
3
|
2
|
1
|
23
|
Thanh toán quốc tế
|
75
|
4
|
3
|
1
|
24
|
Vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
|
75
|
4
|
3
|
1
|
25
|
Ngoại ngữ chuyên ngành
|
120
|
6
|
4
|
2
|
IV
|
Thực tập nghề nghiệp
|
500 giờ
|
11
|
0
|
11
|
26
|
Nghiệp vụ ngoại thương
|
|
3
|
|
3
|
27
|
Vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
|
|
2
|
|
2
|
28
|
Thanh toán quốc tế
|
|
2
|
|
2
|
29
|
Thuế xuất nhập khẩu
|
|
2
|
|
2
|
30
|
Thủ tục hải quan
|
|
2
|
|
2
|
V
|
Thực tập tốt nghiệp
|
400 giờ
|
8
|
0
|
8
|
Tồng cộng
|
|
99
|
63
|
36
|
IV. NỘI DUNG THI TỐT NGHIỆP
TT
|
Nội dung
|
1
|
Chính trị:
- Học phần Giáo dục chính trị
|
2
|
Lý thuyết tổng hợp (gồm các học phần):
- Kinh tế ngoại thương
- Nghiệp vụ ngoại thương
|
3
|
Thực hành nghề nghiệp (gồm các học phần):
- Nghiệp vụ ngoại thương
|
V. MÔ TẢ NỘI DUNG CÁC HỌC PHẦN
1. Giáo dục chính trị
Học phần này cung cấp cho người học những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội, con người, những nội dung cơ bản về Đảng cộng sản Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về tự nhiên, xã hội, con người, về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có cái nhìn khoa học, khách quan đối với các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người, biết phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội, biết sống hòa nhập với cộng đồng và môi trường. Tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
2. Pháp luật
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung bao gồm: Một số vấn đề về Nhà nước - Pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể giải thích được những vấn đề cơ bản về Nhà nước - Pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam, vận dụng được kiến thức đã học để xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi làm việc và trong cộng đồng dân cư, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật; biết lựa chọn hành vi và khẳng định sự tự chủ của mình trong các quan hệ xã hội, trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.
3. Giáo dục Quốc phòng - An ninh
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh. Nội dung bao gồm: Quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác Giáo dục Quốc phòng - An ninh, chính trị quân sự, lực lượng dân quân tự vệ, kỹ thuật và chiến thuật quân sự, kỹ thuật sử dụng vũ khí thông thường .
Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được những nội dung cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh, về cấu tạo, nguyên lý và sử dụng được một số vũ khí bộ binh thông thường, thành thạo điều lệnh đội ngũ, biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện nếp ngăn nắp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, kỷ luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng toàn Đảng toàn dân trong xây dựng và bảo vệ tổ Quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Giáo dục thể chất
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về giáo dục thể chất. Nội dung bao gồm: Ý nghĩa, tác dụng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của cơ thể, bài thể dục buổi sáng, chạy bền, chạy cự li ngắn, nhảy cao nằm nghiêng. Ngoài ra, chương trình có thể còn được bổ sung các nội dung như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng tự rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại cơ sở.
5. Ngoại ngữ
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, có được một vốn từ căn bản, cần thiết để có khả năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp thông thường ở mức tối thiểu và có thể đọc hiểu tài liệu, trao đổi và sưu tầm thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu bằng ngoại ngữ được học với sự trợ giúp của Từ điển làm nền tảng để tiếp cận khoa học kỹ thuật, học tập và nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tạo cơ hội cho học sinh nâng cao kiến thức và ý thức về những khác biệt văn hoá liên quan đến việc sử dụng ngoại ngữ hợp tác trong lao động và giao tiếp.
6. Tin học
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tin học đại cương. Nội dung bao gồm các vấn đề căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng máy tính và quản lý tệp với Windows, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình diễn điện tử - Power Point và Internet.
Sau khi học xong học phần này, người học sử dụng được máy tính để soạn thảo văn bản, trình diễn báo cáo, sử dụng bảng máy tính để tính toán thống kê, sử dụng và khai thác được một số dịch vụ của Internet, đồng thời rèn luyện phong cách suy nghĩ và làm việc phù hợp với thời đại tin học hóa, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành động.
7. Kỹ năng giao tiếp
Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức chung và các kỹ năng thông thường trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc kinh doanh.
Học phần này bao gồm các nội dung: Những yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; cách thức tổ chức các cuộc họp tại nơi làm việc; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc; kỹ năng viết thư và báo cáo công việc.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được ý nghĩa và sự cần thiết của giao tiếp; phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp; thực hiện hiệu quả các cuộc giao tiếp thông thường qua bày tỏ thái độ, lời nói và viết thư; có khả năng phát triển và duy trì giao tiếp thân thiện tại nơi làm việc; có khả năng tổ chức và điều tiết tốt các cuộc họp tại nơi làm việc và thực hiện được các kỹ năng phỏng vấn thông thường.
8. Khởi tạo doanh nghiệp
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp; kinh doanh và định hướng ngành nghề kinh doanh; các bước lập kế hoạch kinh doanh và thực thi kế hoạch kinh doanh.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và kinh doanh, có khả năng lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động để khởi sự kinh doanh trong một lĩnh vực của nền kinh tế.
9. Kinh tế chính trị
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về: Tính tất yếu của sự ra đời nền sản xuất hàng hóa và các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa; các quy luật kinh tế của tái sản xuất xã hội; quá trình vận động của vốn, các hình thái vốn và lợi nhuận trong các doanh nghiệp; tính tất yếu, nội dung và phương hướng phát triển nền kinh tế thị trường, phát triển các thành phần kinh tế và công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay; bản chất của cơ chế kinh tế và vai trò kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sau khi học xong học phần này, người học phải hình thành các kỹ năng: Nhận biết và giải thích được bản chất của các hiện tượng kinh tế; hình thành tư duy khoa học về kinh tế, gắn lý luận kinh tế chính trị với thực tiễn vận động và phát triển kinh tế của đất nước; xác định được tính đúng đắn, khoa học của đường lối phát triển kinh tế đất nước; có cơ sở lý luận và phương pháp luận để học tập các môn khoa học kinh tế khác.
10. Tâm lý thương mại
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản để hiểu biết tâm lý khách hàng, bao gồm: Một số vấn đề về tâm lý học và tâm lý xã hội; nhận định và đánh giá con người qua giao tiếp đặc điểm tâm lý của khách hàng; những vấn đề về tâm lý trong quá trình thực hiện nghiệp vụ mua bán hàng hóa; đặc điểm tâm lý nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể vận dụng và thực hiện tốt công tác giới thiệu hàng hóa, bán hàng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
11. Luật áp dụng trong kinh doanh
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về pháp luật áp dụng trong hoạt động kinh doanh, bao gồm: Các khái niệm cơ bản về Luật kinh doanh, các loại hình thương nhân như cá nhân hoạt động thương mại độc lập, tiểu thương, các loại hình doanh nghiệp, đặc điểm cơ bản, lợi thế hoặc bất lợi của mỗi loại hình, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; các kiến thức về hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng; các hành vi hoạt động thương mại chủ yếu như: Mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động trung gian thương mại, đấu thầu, đấu giá; các loại chế tài thương mại; cơ quan giải quyết tranh chấp trong thương mại.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được ý nghĩa và vai trò của pháp luật trong kinh doanh thương mại nói chung và kinh doanh xuất nhập nói riêng, trên cơ sở đó vận dụng và thực hiện nghiêm những quy định của luật pháp hiện hành đối với hoạt động của doanh nghiệp.
12. Soạn thảo văn bản
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về văn bản: Vai trò, chức năng của văn bản trong hoạt động quản lý, kinh doanh nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng; những yêu cầu về nội dung, thể thức, văn phong trong văn bản; quy trình kỹ thuật soạn thảo một số văn bản hành chính và hợp đồng trong hoạt động quản lý, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được: Nội dung, thể thức, văn phong trong văn bản; soạn thảo được một số văn bản hành chính thông dụng như: Tờ trình, báo cáo, biên bản, công văn hành chính và hợp đồng trong hoạt động quản lý, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
13. Marketing căn bản
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về: Khái quát về Marketing như khái niệm, phương pháp tiếp cận, phân tích và nghiên cứu các loại thị trường, các yếu tố quy định phân khúc thị trường, các nhân tố hợp thành Marketing mix và chiến lược Marketing, các vấn đề hoạch định sản phẩm, giá cả, phân phối và chiêu thị; nguyên lý Marketing và kỹ năng vận dụng vào thực tiễn kinh doanh.
Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được: Các nguyên lý Marketing; nhận dạng nhu cầu và hành vi khách hàng; nguyên lý ứng xử của doanh nghiệp với thị trường. Người học có khả năng vận dụng được kiến thức đã học vào thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu trong kinh doanh.
14. Quản lý chất lượng hàng hóa
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về chất lượng và quản lý chất lượng hàng hóa, bao gồm: Các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng hàng hóa của một số nhóm hàng cụ thể và các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa của nhà nước như vấn đề ghi nhãn, sử dụng mã vạch.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể vận dụng kiến thức về quản lý chất lượng hàng hóa vào thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
15. Kế toán thương mại
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về nguyên lý kế toán, tổ chức công tác kế toán, chế độ kế toán áp dụng trong doanh nghiệp thương mại, quy trình kế toán.
Học phần này bao gồm các nội dung: Lập chứng từ, ghi sổ kép, ghi sổ cái, lập bảng cân đối tài khoản, lập báo cáo tài chính (hạch toán tiền tệ và các khoản thanh toán, doanh thu chi phí và lợi nhuận của các nghiệp vụ kinh doanh); giới thiệu các quy định của chế độ kế toán liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hành và vận dụng tốt quy trình kế toán vào hạch toán các nghiệp vụ kinh doanh cơ bản trong doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.
16. Kinh tế ngoại thương
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về lý thuyết thương mại quốc tế, tình hình kinh tế thương mại của thế giới và Việt Nam hiện nay, bao gồm: Tổng quan về mối quan hệ kinh tế quốc tế, lý thuyết thương mại quốc tế, thực trạng kinh tế thế giới hiện nay, những nội dung chủ yếu của chính sách ngoại thương của Việt Nam; cơ chế điều hành hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; phương pháp xác định một số chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch kinh doanh xuất nhập khẩu.
Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được lý thuyết thương mại quốc tế, cơ sở, lợi ích của mậu dịch thế giới, phân tích tình hình hoạt động thương mại quốc tế và mối quan hệ kinh tế quốc tế với hoạt động thương mại của Việt Nam; vận dụng các chính sách, cam kết thương mại quốc tế, khu vực vào việc thực hiện hợp đồng ngoại thương. Hiểu biết về cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện được các công cụ quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
17. Thống kê thương mại
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về phương pháp thống kê thường dùng. Học phần này bao gồm các nội dung: Chỉ tiêu tổng hợp, dãy số thời gian, chỉ số thống kê hoạt động kinh doanh thương mại.
Sau khi học xong học phần này, người học ứng dụng các phương pháp thống kê vào việc thu thập, xử lý, phân tích các chỉ tiêu phản ánh hoạt động kinh doanh thương mại, chi phí và hiệu quả của họat động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
18. Thương mại điện tử
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về khái niệm, lợi ích, mô hình thương mại điện tử, lĩnh vực ứng dụng, cơ sở công nghệ, marketing điện tử, phương thức mua bán, chào hàng, đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử, hệ thống thanh toán, các vấn đề xã hội, luật pháp, đạo đức và một số vấn đề khác trong thương mại điện tử.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng: Thực hiện thành thạo việc mua, bán hàng hóa thông qua các phương tiện điện tử, đặc biệt là mạng Internet; hiểu được mô hình B2B và B2C; sử dụng được các phương tiện điện tử và mạng Internet để tiến hành hoạt động kinh doanh như: Nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế, quảng cáo, tìm kiếm đối tác, thực hiện quy trình giao dịch thương mại điện tử như ký hợp đồng, giao nhận vận tải, thanh toán điện tử.
19. Tài chính thương mại
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về bản chất của tài chính doanh nghiệp, bao gồm: Cơ cấu, sự hình thành và sử dụng vốn trong doanh nghiệp; một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của doanh nghiệp.
Sau khi học xong học phần này, người học có thể phân tích được các chỉ tiêu tài chính; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp quản lý doanh thu, chi phí, lợi nhuận.
20. Nghiệp vụ ngoại thương
Học phần này cung cấp cho người học các nghiệp vụ cơ bản trong kinh doanh xuất nhập khẩu, bao gồm: Các phương thức giao dịch trên thị trường mua bán hàng hóa quốc tế, các điều kiện thương mại quốc tế, hợp đồng ngoại thương, đàm phán - ký kết và thực hiện hợp đồng ngoại thương.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện được các phương thức giao dịch trong kinh doanh xuất nhập khẩu, tham gia vào một số công đoạn của quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, hiểu và thực hiện tốt phương án kinh doanh, phục vụ các hình thức giao dịch đàm phán ký kết hợp đồng; vận dụng các điều kiện thương mại quốc tế một cách thành thạo và hiệu quả nhất; phân tích và triển khai đúng các điều khoản của hợp đồng đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế; thực hành tốt các bước trong quy trình tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
21. Thuế xuất nhập khẩu
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức về chính sách thuế liên quan đến xuất nhập khẩu, những quy định về chế độ khai báo, tính thuế và nộp thuế liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Sau khi học xong học phần này, người học vận dụng được kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Thực hiện thành thạo phương pháp phân loại hàng hóa để xác định thuế suất xuất nhập khẩu, các phương pháp xác định trị giá hàng hóa tính thuế, trên cơ sở đó thực hiện việc tính thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (nếu có) để khai báo, hoàn thiện hồ sơ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
22. Thủ tục hải quan
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản để làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh nhập cảnh, bao gồm: Kiến thức chung về thủ tục hải quan; quy trình khai báo làm thủ tục hải quan bằng hình thức thủ công, khai báo từ xa hoặc khai báo điện tử đối với các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu có hợp đồng thương mại, phương tiện vận tải và hàng phi mậu dịch, hàng đầu tư, gia công xuất khẩu.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện thành thạo việc kiểm tra các chứng từ thương mại, sắp xếp và hoàn tất bộ hồ sơ để khai báo, làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho tất cả các loại hình kinh doanh, đảm bảo thực hiện đúng quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
23. Thanh toán quốc tế
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức và kỹ thuật thực hành nghiệp vụ thanh toán quốc tế, bao gồm: Tỷ giá hối đoái, các giao dịch hối đoái, các phương tiện và các phương thức thanh toán trong mua bán hàng hóa quốc tế.
Sau khi học xong học phần này, người học vận dụng được tỷ giá, các giao dịch hối đoái; thao tác tốt các phương tiện, phương thức thanh toán quốc tế; lập và kiểm tra tính hợp lệ bộ chứng từ thanh toán.
24. Vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Học phần này cung cấp cho người học kiến thức tổng quan về vận tải - giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bao gồm: Vận tải giao nhận hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không, vận tải đa phương thức, các phương tiện khác; hàng hóa chuyên chở bằng container. Kiến thức cơ bản về bảo hiểm như: Rủi ro, tổn thất, các điều kiện bảo hiểm, hợp đồng, giám định và khiếu nại bồi thường bảo hiểm.
Sau khi học xong học phần này, người học vận dụng được kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về vận tải - giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện tốt việc thuê phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu; thanh toán cước phí; giao nhận lưu kho và lập các biên bản giao nhận hàng hóa. Lập thủ tục mua, khiếu nại, bồi thường bảo hiểm.
25. Ngoại ngữ chuyên ngành
Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về các loại thư tín, mẫu thư tín, hợp đồng, chứng từ thanh toán, chứng từ giao nhận để tham gia kiểm tra bằng tiếng nước ngoài.
Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng đọc hiểu và soạn thảo được các loại thư tín, hợp đồng thương mại, chứng từ ngoại thương bằng ngoại ngữ chuyên ngành.
26. Thực tập Nghiệp vụ ngoại thương
Học phần này giúp người học rèn luyện kỹ năng thực hành các nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, với thao tác thực hiện: Các bước giao dịch đàm phán; các điều kiện thương mại quốc tế; phân tích; kiểm tra hợp đồng; soạn thảo và thực hiện hợp đồng ngoại thương.
Sau khi thực tập xong, người học thực hiện thành thạo được các nghiệp vụ: Soạn thảo các thư giao dịch, vận dụng hiệu quả các điều kiện thương mại quốc tế trong hợp đồng ngoại thương; thực hiện nhiệm vụ trong giao dịch, đàm phán; phân tích, kiểm tra, tham gia soạn thảo và thực hiện hợp đồng ngoại thương.
27. Thực tập Vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Học phần này giúp người học rèn luyện kỹ năng thực hành các nghiệp vụ trong hoạt động vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa quốc tế, với các nội dung: Nghiệp vụ thuê tàu; nghiệp vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, đường hàng không, hàng vận chuyển bằng container; nghiệp vụ bảo hiểm, giám định và khiếu nại bồi thường.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện thành thạo các nghiệp vụ: Thuê tàu, mua bảo hiểm và giao nhận, lưu kho một lô hàng xuất nhập khẩu cụ thể.
28. Thực tập Thanh toán quốc tế
Học phần này giúp người học rèn luyện kỹ năng thực hành các nghiệp vụ trong hoạt động thanh toán quốc tế, với các nội dung: Tính tỷ giá chéo, ký phát hối phiếu, séc, quy trình nghiệp vụ của các phương thức thanh toán quốc tế; đọc hiểu, kiểm tra và tu chỉnh được thư tín dụng, chỉ thị nhờ thu, lệnh chuyển tiền; kiểm tra và lập bộ chứng từ thanh toán.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện thành thạo các nghiệp vụ thanh toán trong hoạt động ngoại thương.
29. Thực tập Thuế xuất nhập khẩu
Học phần này giúp người học vận dụng thành thạo các phương pháp phân loại áp mã thuế, phương pháp xác định trị giá và tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu, với các nội dung: Áp dụng các quy tắc phân loại hàng hóa theo hệ thống điều hòa trong mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS) để xác định thuế suất; áp dụng các phương pháp xác định trị giá giao dịch của hàng hóa, tính thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện thành thạo việc khai báo, tính thuế, đảm bảo thực thi nghiêm và đúng pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
30. Thực tập Thủ tục hải quan
Học phần này giúp người học thực hành việc kiểm tra các chứng từ thương mại, sắp xếp và hoàn tất bộ hồ sơ để khai báo, làm thủ tục hải quan cho tất cả các loại hình kinh doanh, với các nội dung: Quy trình khai báo, làm thủ tục hải quan bằng hình thức thủ công, khai báo từ xa hoặc khai báo điện tử đối với các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu có hợp đồng thương mại, phương tiện vận tải và hàng phi mậu dịch, hàng đầu tư, gia công xuất khẩu.
Sau khi học xong học phần này, người học thực hiện thành thạo các bước quy trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
31. Thực tập tốt nghiệp
Học phần này cung cấp cho người học những chuyên đề thực tập phù hợp với công việc kinh doanh xuất nhập khẩu của các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế.
Sau khi thực tập tốt nghiệp xong, người học mô tả được: Các thông số, số liệu điều tra, so sánh quy trình thực hiện hợp đồng ngoại thương (giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng ngoại thương; vận tải, giao nhận, thực hiện thủ tục hải quan, bảo hiểm và thanh toán quốc tế) làm cơ sở để viết và hoàn thiện báo cáo thực tập tốt nghiệp.