Ngành Kinh doanh xăng dầu và khí đốt

-

CHƯƠNG TRÌNH KHUNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Trình độ đào tạo

: Trung cấp chuyên nghiệp

Ngành đào tạo

: KINH DOANH XĂNG DẦU VÀ KHÍ ĐỐT           

Mã ngành

: 42340111

Đối tượng tuyển sinh

: Tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thời gian đào tạo

: 2 năm 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. Giới thiệu và mô tả chương trình

Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp ngành Kinh doanh xăng dầu và khí đốt được thiết kế để đào tạo kỹ thuật viên Kinh doanh xăng dầu và khí đốt trình độ trung cấp chuyên nghiệp, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe để làm việc. Về năng lực chuyên môn, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để tìm việc làm, đồng thời có khả năng tự học, tự nghiên cứu tiếp thu các thành tựu của khoa học kỹ thuật hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển của bản thân, của khoa học kỹ thuật và của nền kinh tế xã hội.

Nội dung chính của khóa học bao gồm các kiến thức, kỹ năng cơ bản về Kinh doanh xăng dầu và khí đốt như: Tâm lý khách hàng, Thương phẩm học xăng dầu, Marketing thương mại, Thiết bị kinh doanh xăng dầu, Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, Gas và kỹ thuật gas, An toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Người học đồng thời cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tin học, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng - an ninh.

Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp ngành Kinh doanh xăng dầu và khí đốt, có khả năng thực hiện tốt các công việc liên quan đến các  hoạt động kinh doanh, hoạt động dịch vụ trong kinh doanh xăng dầu và khí đốt của các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế.

 

II. Mục tiêu đào tạo

Sau khi học xong chương trình, người học có khả năng:           

1. Về kiến thức

- Trình bày được nội dung cơ bản về pháp luật, kinh tế, kinh doanh, tin học, ngoại ngữ có liên quan đến kinh doanh xăng dầu;

- Mô tả và thống kê được những thông tin về hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí đốt, gas phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh ở doanh nghiệp;

- Nhận biết được những nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực: mua, dự trữ, bảo quản, vận chuyển, bán hàng, marketing liên quan đến kinh doanh xăng dầu;

- Mô tả được các quy trình nghiệp vụ, nguyên tắc và phương pháp xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh xăng dầu.  

2. Về kỹ năng

- Thực hiện thành thạo nghiệp vụ mua, bán, tiếp nhận, cấp phát, vận chuyển, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, kiểm kê tại kho và cửa hàng xăng dầu;

 - Vận dụng được kiến thức đã học vào việc xác định một số chỉ tiêu chất lượng của xăng dầu, hướng dẫn sử dụng, thay thế, bảo quản xăng dầu đúng yêu cầu kỹ thuật;

- Thực hiện được một số hoạt động dịch vụ và các hoạt động quảng cáo, xúc tiến thương mại trong kinh doanh xăng dầu;

- Xử lý được các sự cố thường gặp trong quá trình bán hàng và bảo quản hàng hóa; giải quyết được các tình huống thông thường trong thực tế;

- Tổ chức làm việc độc lập và theo nhóm;

- Có khả năng tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong điều kiện của nền kinh tế thị trường.

3. Về thái độ

Có phẩm chất đạo đức tốt và nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, trung thực và có tính kỷ luật cao, sẵn sàng đảm nhiệm các công việc được giao.  

 

III. Khung chương trình đào tạo

1. Cấu trúc kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo

STT

Nội dung

Khối lượng (ĐVHT)

1

Các học phần chung

22

2

Các học phần cơ sở

26

3

Các học phần chuyên môn              

34

4

Thực tập nghề nghiệp

10

5

Thực tập tốt nghiệp

8

Tổng khối lượng chương trình

100

2. Các học phần của chương trình và thời lượng

TT

Tên học phần

Số tiết

Số ĐVHT

Tổng

thuyết

Thực

hành, thực tập

I

Các học phần chung

420

22

18

4

Học phần bắt buộc

390

20

16

4

1

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

75

3

2

1

2

Giáo dục chính trị

75

5

5

 

3

Giáo dục thể chất

60

2

1

1

4

Tin học

60

3

2

1

5

Ngoại ngữ

90

5

4

1

6

Pháp luật

30

2

2

 

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 3)

30

2

2

 

7

Khởi tạo doanh nghiệp

30

2

2

 

8

Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

30

2

2

 

9

Kỹ năng giao tiếp

30

2

2

 

II

Các học phần cơ sở

465

26

21

5

Học phần bắt buộc

405

23

19

4

10

Kinh tế chính trị

60

4

4

 

11

Kinh tế thương mại

90

5

4

1

12

Luật áp dụng trong kinh doanh

45

3

3

 

13

Soạn thảo văn bản

45

2

1

1

14

Marketing căn bản

45

3

3

 

15

Thống kê thương mại  

60

3

2

1

16

Tài chính doanh nghiệp thương mại 

60

3

2

1

Học phần tự chọn (chọn 1 trong 2)

60

3

2

1

17

Quản trị học 

60

3

2

1

18

Kế toán thương mại

60

3

2

1

III

Các học phần chuyên môn

585

34

29

5

19

Tâm lý khách hàng

45

3

3

 

20

Thương phẩm học xăng dầu

120

7

6

1

21

Marketing thương mại 

45

3

3

 

22

Thiết bị kinh doanh xăng dầu

90

5

4

1

23

Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu

150

9

8

1

24

Gas và kỹ thuật gas

60

3

2

1

25

An toàn lao động, phòng chống cháy nổ và Vệ sinh môi trường

75

4

3

1

IV

Thực tập nghề nghiệp

500 giờ

10

 

10

26

Thực tập Thương phẩm học xăng dầu

 

3

 

3

27

Thực tập Gas và kỹ thuật gas

 

1

 

1

28

Thực tập Thiết bị kinh doanh xăng dầu

 

1

 

1

29

Thực tập Phòng cháy, chữa cháy

 

1

 

1

30

Thực tập Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu

 

4

 

4

V

Thực tập tốt nghiệp

400 giờ

8

 

8

Tổng cộng

 

100

67

33

 

 IV. Nội dung thi tốt nghiệp

TT

Nội dung

1

Chính trị:

- Học phần Giáo dục chính trị

 

2

Lý thuyết tổng hợp ( chọn 2 trong 3 học phần sau):

- Kinh tế thương mại;

- Thương phẩm học xăng dầu;

- Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu.

 

Thực hành nghề nghiệp

- Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu

 

V. Mô tả nội dung các học phần 

1. Giáo dục quốc phòng-An ninh

            Học phần này cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quốc phòng - An ninh. Nội dung bao gồm: quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác Giáo dục Quốc phòng-An ninh, chính trị quân sự lực lượng dân quân tự vệ, kỹ thuật và chiến thuật quân sự, kỹ thuật sử dụng vũ khí thông thường.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể trình bày được những nội dung cơ bản về công tác Quốc phòng - An ninh, về cấu tạo, nguyên lý và sử dụng được một số vũ khí bộ binh thông thường, thành thạo điều lệnh đội ngũ, biết vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện nếp ngăn nắp, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, kỷ luật và ý thức được trách nhiệm của bản thân cùng toàn Đảng, toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Giáo dục chính trị 

            Học phần này cung cấp cho học sinh những nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tự nhiên, xã hội, con người, những nội dung cơ bản về Đảng cộng sản Việt Nam và đường lối chính sách của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về tự nhiên, xã hội, con người, về Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có cái nhìn khoa học, khách quan đối với các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người, biết phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội, biết sống hòa nhập với cộng đồng và môi trường. Tin tưởng vào đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

3. Giáo dục thể chất

Học phần này cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Giáo dục thể chất. Nội dung bao gồm ý nghĩa, tác dụng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của cơ thể, bài thể dục buổi sáng, chạy bền, chạy cự li ngắn, nhảy cao nằm nghiêng. Ngoài ra chương trình có thể còn được bổ sung các nội dung như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông, Bơi lội.

Sau khi học xong học phần này, học sinh có khả năng tự rèn luyện thân thể, hình thành lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại cơ sở.

4. Tin học

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Tin học đại cương. Nội dung bao gồm các vấn đề căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng máy tính và quản lý tệp với Windows, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình diễn điện tử-PowerPoint và Internet.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh biết sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, trình diễn báo cáo, sử dụng bảng máy tính để tính toán thống kê, biết sử dụng và khai thác một số dịch vụ của Internet, đồng thời rèn luyện phong cách suy nghĩ và làm việc phù hợp với thời đại tin học hoá, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành động.

5. Ngoại ngữ 

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng ngoại ngữ. Nội dung bao gồm những vấn đề căn bản về ngôn ngữ, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng.

            Sau khi học xong học phần này, người học có thể trình bày được cấu trúc ngữ pháp cơ bản, vận dụng được một vốn từ căn bản và cần thiết để có khả năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp thông thường ở mức tối thiểu; có thể đọc hiểu tài liệu bằng ngoại ngữ với sự trợ giúp của Từ điển làm nền tảng để tiếp cận khoa học kỹ thuật, học tập và nghiên cứu các vấn đề chuyên môn, tạo cơ hội cho người học nâng cao kiến thức và ý thức về những khác biệt văn hoá liên quan đến việc sử dụng ngoại ngữ hợp tác trong lao động và giao tiếp.

6. Pháp luật 

            Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Nhà nước và Pháp luật. Nội dung bao gồm một số vấn đề về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam.

            Sau khi học xong học phần này, học sinh có thể giải thích được những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp luật và một số luật cơ bản của Pháp luật Việt Nam, vận dụng được kiến thức đã học để xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật tại nơi làm việc và trong cộng đồng dân cư, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, rèn luyện tác phong sống và làm việc theo pháp luật; biết lựa chọn hành vi và khẳng định sự tự chủ của mình trong các quan hệ xã hội, trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.

7. Khởi tạo doanh nghiệp

Học phần này trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp; Kinh doanh và định hướng ngành nghề kinh doanh; Các bước lập kế hoạch kinh doanh và thực thi kế hoạch kinh doanh.

Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày được những khái niệm cơ bản về doanh nghiệp và kinh doanh, có khả năng lập kế hoạch kinh doanh và xây dựng kế hoạch hành động để khởi sự kinh doanh trong một lĩnh vực của nền kinh tế.

8. Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Học phần này cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về năng lượng và tình hình sử dụng năng lượng, nhiên liệu, tài nguyên hiện nay; các chính sách về sử dụng năng lượng của nước ta cũng như của một số quốc gia trên thế giới; các phương pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và an toàn các dạng năng lượng thông dụng như điện năng, khí đốt, xăng dầu; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Sau khi học xong học phần này, học sinh trình bày và giải thích được các khái niệm, thuật ngữ cơ bản về năng lượng và vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, các dạng năng lượng mới; các chính sách sử dụng năng lượng của nước ta cũng như một số quốc gia trên thế giới, quá trình sản xuất, truyền tải, cung cấp, phân phối và sử dụng điện năng. Đồng thời, giúp người học hình thành được ý thức, thái độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền, giáo dục cho những người xung quanh ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.

9. Kỹ năng giao tiếp

Học phần này cung cấp cho học sinh các kiến thức chung và các kỹ năng thông thường về giao tiếp trong nhà trường, trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc.

Học phần này bao gồm các nội dung những yếu tố cơ bản của quá trình giao tiếp; nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp; cách thức tổ chức các cuộc họp tại nơi làm việc; kỹ năng trả lời phỏng vấn khi xin việc; kỹ năng viết thư và báo cáo công việc.

            Sau khi học xong học phần, học sinh trình bày được ý nghĩa và sự cần thiết của giao tiếp; phân tích được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình giao tiếp; thực hiện hiệu quả các cuộc giao tiếp thông thường qua bày tỏ thái độ, lời nói và viết thư; có khả năng phát triển và duy trì giao tiếp thân thiện tại nơi làm việc; có khả năng tổ chức và điều tiết tốt các cuộc họp tại nơi làm việc và thực hiện được các kỹ năng phỏng vấn thông thường.

10. Kinh tế chính trị     

Học phần này nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về: Tính tất yếu của sự ra đời nền sản xuất hàng hóa và các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa; Các quy luật kinh tế của tái sản xuất xã hội; Quá trình vận động của vốn, các hình thái vốn và lợi nhuận trong các doanh nghiệp; Tính tất yếu, nội dung và phương hướng phát triển nền kinh tế thị trường, phát triển các thành phần kinh tế và công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay; Bản chất của cơ chế kinh tế và vai trò kinh tế của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, học sinh có khả năng nhận biết và giải thích được bản chất của các hiện tượng kinh tế; Hình thành tư duy khoa học về kinh tế, gắn lý luận kinh tế chính trị với thực tiễn vận động và phát triển kinh tế của đất nước; Xác định được tính đúng đắn, khoa học của đường lối phát triển kinh tế đất nước; Có cơ sở lý luận và phương pháp luận để học tập các môn khoa học kinh tế khác.

11. Kinh tế thương mại           

Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức cơ bản về kinh tế thương mại, bao gồm: Những vấn đề cơ bản về thị trường và thương mại; thương mại trong nền kinh tế thị trường ở nước ta; quản lý nhà nước đối với thương mại thị trường; các hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp thương mại, lao động và tiền lương trong doanh nghiệp thương mại; chi phí – doanh thu và lợi nhuận trong các doanh nghiệp thương mại; giá cả trong doanh nghiệp thương mại; hiệu quả kinh doanh ở các doanh nghiệp thương mại .

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các khái niệm về: thị trường, cơ chế thị trường, các bộ phận cấu thành thị trường và các quy luật chủ yếu của kinh tế thị trường; các quan điểm về phát triển thương mại; các hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp thương mại; lao động và tiền lương trong doanh nghiệp thương mại ; chi phí – doanh thu và lợi nhuận trong các doanh nghiệp thương mại; giá cả trong doanh nghiệp thương mại; hiệu quả kinh doanh ở các doanh nghiệp thương mại; lập kế hoạch mua, bán, dự trữ hàng hóa trong doanh nghiệp thương mại; kế hoạch lao động, tiền lương, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp thương mại; vận dụng các chính sách, cam kết thương mại, khu vực vào việc thực hiện hợp đồng thương mại; hiểu và vận dụng được cơ chế quản lý hàng hóa, thực hiện được các công cụ quản lý hàng hóa trong kinh doanh thương mại.

12. Luật áp dụng trong kinh doanh     

Học phần này nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về: các loại hình doanh nghiệp, chế độ pháp lý về hợp đồng, pháp luật về phá sản và một số vấn đề pháp lý có liên quan trong hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam.

Sau khi học xong học phần này, học sinh hiểu và trình bày được các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, pháp luật về hợp đồng, pháp luật về phá sản và một số vấn đề pháp lý có liên quan trong hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam

13. Soạn thảo văn bản             

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản về văn bản gồm: vai trò, chức năng của văn bản trong hoạt động quản lý, kinh doanh; những yêu cầu về nội dung, thể thức, văn phong trong văn bản; quy trình kỹ thuật soạn thảo một số văn bản hành chính và hợp đồng trong hoạt động quản lý, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được quy trình kỹ thuật soạn thảo một số văn bản hành chính như: thông báo, công văn, quyết định, tờ trình và  hợp đồng kinh tế trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

14. Marketing căn bản             

Học phần này nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về marketing bao gồm: Khái quát về marketing; các loại marketing; các cơ sở của quyết định marketing; chính sách sản phẩm; chính sách giá cả; chính sách kênh phân phối; chính sách truyền thông marketing.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được: Các khái niệm cơ bản của marketing, các loại marketing; những tư tưởng cơ bản của marketing hiện đại, quá trình quản trị marketing; thị trường và môi trường marketing; cơ sở ra các quyết định marketing; nội dung các quyết định marketing thông qua các chính sách của marketing hỗn hợp: Sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến hỗn hợp đồng thời thực hiện được việc thu thập và xử lý dữ liệu về thị trường, nhu cầu khách hàng để xác lập được kế hoạch marketing của doanh nghiệp có hiệu quả; Phân tích sơ bộ được những thời cơ hay cơ hội và sự đe dọa hay nguy cơ đối với các quyết định marketing của doanh nghiệp; Vận dụng các công cụ của marketing vào trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

15. Thống kê thương mại        

Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về phương pháp thống kê thường dùng. Học phần này bao gồm các nội dung như: Các giai đoạn nghiên cứu thống kê, chỉ tiêu tổng hợp, dãy số biến động theo thời gian, chỉ số thống kê, thống kê các hoạt động kinh doanh thương mại.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng ứng dụng các phương pháp thống kê vào việc thu thập, tổng hợp, phân tích, lập báo cáo thống kê phản ánh các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin thống kê của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

16. Tài chính doanh nghiệp thương mại         

Học phần này nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tài chính doanh nghiệp; vốn cố định, vốn lưu động của doanh nghiệp; chi phí, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp; nguồn tài trợ của doanh nghiệp.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và xử lý được các tình huống về tài chính doanh nghiệp thông qua các câu hỏi thảo luận và hệ thống bài tập thực hành trong quá trình học tập; thực hiện được các kỹ năng cơ bản như lập kế hoạch khấu hao tài sản cố định, xác định nhu cầu vốn lưu động, xác định chi phí, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp.

17. Quản trị học

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quản trị cũng nh­ư việc vận dụng thực tiễn của nó như­: khái niệm bản chất của quản trị, nhà quản trị, môi trường quản trị, các lý thuyết quản trị, các chức năng quản trị. Học phần cũng cập nhật một số vấn đề mới về quản trị học hiện đại như quản trị thông tin, quản trị sự đổi mới, quản trị xung đột, quản trị rủi ro và cơ hội của một doanh nghiệp.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và vận dụng được các học thuyết về quản trị, các chức năng quản trị; đồng thời phân tích được môi trường trong quản trị kinh doanh.

18.  Kế toán thương mại          

Học phần này cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về nguyên lý kế toán, tổ chức công tác kế toán, chế độ kế toán áp dụng trong doanh nghiệp thương mại, qui trình kế toán. Học phần này bao gồm các nội dung sau: Lập chứng từ, ghi sổ kép, ghi sổ cái, lập bảng cân đối tài khoản, lập báo cáo tài chính (hạch toán tiền tệ và các khoản thanh toán, doanh thu chi phí và lợi nhuận của các nghiệp vụ kinh doanh); giới thiệu các qui định của chế độ kế toán liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh thương mại.

Sau khi học xong học phần này, người học thực hành và vận dụng tốt qui trình kế toán vào hạch toán các nghiệp vụ kinh doanh cơ bản trong doanh nghiệp kinh doanh thương mại.

19. Tâm lý khách hàng            

            Học phần tâm lý khách hàng cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, các khái niệm, phạm trù, các quy luật tâm lý của con người, của quản trị kinh doanh; phân loại khách hàng và cách xử sự của khách hàng; những tình huống và cách ứng xử thực tế, có hiệu quả trong công tác kinh doanh.

Sau khi học xong học phần này, người học có khả năng trình bày được các khái niệm: Các hiện tượng tâm lý của con người; nhu cầu, quy luật hình thành nhu cầu của khách hàng; biết phân loại khách hàng và cách xử sự của khách hàng; quá trình diễn biến tâm lý khách hàng và tác động lẫn nhau giữa người bán hàng và khách hàng; các thao tác giao tiếp trong các giai đoạn của quá trình mua và bán hàng.

20. Thương phẩm học xăng dầu 

            Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản bao gồm: Tính chất lý hoá, các chỉ tiêu chất l­ượng chủ yếu của xăng dầu, các ph­ương pháp phân loại, gọi tên, phạm vi sử dụng và đề cập đến những nguyên tắc, những quy định cụ thể trong công tác bảo quản, sử dụng, thay thế, quản lý chất l­ượng xăng dầu.

            Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các tính chất cơ bản và những chỉ tiêu đánh giá chất lượng xăng dầu; nhận biết, kiểm tra đánh giá được các loại xăng dầu chính, dầu mỡ nhờn bằng các phương pháp cảm quan và thí nghiệm.

21. Marketing thương mại       

            Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng cơ bản về quá trình phân tích marketing, các quyết định quản trị marketing ở các doanh nghiệp thương mại, bao gồm các nội dung cơ bản: Hệ thống marketing và chức năng của doanh nghiệp thương mại; nhu cầu và thị trường của doanh nghiệp thương mại; quá trình nghiên cứu và phân tích marketing của doanh nghiệp thương mại; phân tích hành vi khách hàng và tổ chức ở doanh nghiệp thương mại; dự báo và các loại hình chiến lược marketing doanh nghiệp thương mại, các quyết định marketing mặt hàng kinh doanh ở doanh nghiệp thương mại; các quyết định giá kinh doanh ở doanh nghiệp thương mại; các quyết định kênh phân phối của doanh nghiệp thương mại; các quyết định xúc tiến hỗn hợp ở doanh nghiệp thương mại; các quyết định marketing trực tiếp và trực tuyến; các quyết định marketing dịch vụ.

            Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các quá trình nghiên cứu và phân tích marketing ở doanh nghiệp thương mại; các quyết định trong marketing mix và các quyết định marketing dịch vụ.

22. Thiết bị kinh doanh xăng dầu        

Học phần này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về cấu tạo, nguyên lý hoạt động, các quy trình bảo quản, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng các thiết bị chuyên dùng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bao gồm: thiết bị chứa, thiết bị đo lường, thiết bị vận chuyển, đường ống dẫn xăng dầu, máy bơm và cột bơm nhiên liệu tại kho và cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được cấu tạo, nguyên lý hoạt động, các quy trình bảo quản, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng các thiết bị chuyên dùng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu bao gồm: thiết bị chứa, thiết bị đo lường, thiết bị vận chuyển, đường ống dẫn xăng dầu, máy bơm và cột bơm nhiên liệu tại kho và cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

23.  Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu               

            Học phần này cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng cơ bản, có hệ thống về nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, bao gồm các nội dung: Tổ chức doanh nghiệp, tổ chức lao động trong kinh doanh xăng dầu, thiết kế kho, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng; hợp đồng mua bán hàng hoá; nghiệp vụ mua, bán, vận chuyển xăng dầu; hoạt động xúc tiến thương mại trong doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các nghiệp vụ giao, nhận, bảo quản, kiểm kê, bao bì xăng dầu.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu nhu cầu của khách hàng; nội dung và trình tự ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa; các phương pháp, phương thức mua, bán hàng hóa; các hình thức xúc tiến thương mại và các nghiệp vụ nhập, xuất, bảo quản, kiểm kê xăng dầu; đồng thời biết được các loại bao bì sử dụng chứa đựng xăng dầu và các phương thức vận chuyển xăng dầu hiện nay.

24. Gas và kỹ thuật gas           

Học phần này nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tính chất vật lý và hóa học của khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và các loại thiết bị, cung cấp, tiêu thụ LPG.

Sau khi học xong học phần này, người học hiểu và trình bày được các tính chất vật lý, hóa học của khí dầu mỏ hóa lỏng; cấu tạo, nguyên lý làm việc, phương pháp tính toán lựa chọn, thiết bị cung cấp và tiêu thụ LPG, lắp đặt, sửa chữa thành thạo các thiết bị cung cấp và tiêu thụ LPG trong dân dụng và công nghiệp

25. An toàn lao động, phòng chống cháy nổ và Vệ sinh môi trường   

Học phần này cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản về công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi tr­ường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; các biện pháp an toàn lao động, các phương pháp phòng chống cháy nổ và giữ gìn vệ sinh môi trường trong kinh doanh xăng dầu.

Sau khi học xong học phần này, người học trình bày và thực hiện được các phương pháp phòng và chữa cháy thông thường; phương pháp giữ gìn vệ sinh môi trường; an toàn lao động trong quá trình kinh doanh xăng dầu; sử dụng thành thạo các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại kho, cửa hàng xăng dầu.

Điều kiện tiên quyết: Sau khi học học phần Gas và kỹ thuật gas.

26. Thực tập Thương phẩm học xăng dầu

Học phần này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thực hành, nhận thức nghề nghiệp về quy chế quản lý chất lượng nhiên liệu, dầu mỡ nhờn; hệ thống phòng thí nghiệm, các loại mẫu, quy trình và phương pháp lấy mẫu, đồng thời hướng dẫn học sinh biết làm thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu chất lượng quan trọng của các loại nhiên liệu lỏng, dầu mỡ nhờn và các sản phẩm khác từ dầu mỏ.

Sau khi kết thúc học phần này, người học trình bày được một cách tổng quan về thương phẩm học xăng dầu; từ đó làm kiến thức bổ trợ cho quá trình thực tập tốt nghiệp. Đồng thời, người học rèn luyện được kỹ năng thực hành về phương pháp lấy mẫu; cách phân tích, thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu chất lượng quan trọng của các loại nhiên liệu lỏng, dầu mỡ nhờn và các sản phẩm khác từ dầu mỏ.

27. Thực tập Gas và kỹ thuật gas

Học phần này giúp rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học về cấu tạo, nguyên lý làm việc, phương pháp tính toán, lựa chọn thiết bị cung cấp và tiêu thụ gas.

Sau khi kết thúc học phần này, người học có khả năng thiết kế, lắp đặt được hệ thống gas công nghiệp cỡ vừa và nhỏ, đồng thời lắp đặt sửa chữa thành thạo các thiết bị gas dân dụng như: Các loại bếp gas, tủ cơm gas, nồi cơm gas.

28. Thực tập Thiết bị kinh doanh xăng dầu

Học phần này giúp người học rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học về cấu tạo, nguyên lý làm việc, phương pháp sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa một số trang thiết bị thông dung hiện đang sử dụng trong ngành kinh doanh xăng dầu.

Sau khi kết thúc học phần này người học sử dụng thành thạo, đúng yêu cầu kỹ thuật, cột bơm nhiên liệu, các loại thiết bị đo lường xăng dầu, máy bơm xăng dầu; đồng thời sửa chữa được một số hỏng hóc thường gặp trong quá trình sử dụng.

29. Thực tập Phòng cháy, chữa cháy

Học phần này giúp rèn luyện kỹ năng thực hành cho người học về an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Sau khi kết thúc học phần này, người học có khả năng lập được phương án vệ sinh môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ cơ sở, sử dụng thành thạo thiết bị chữa cháy cá nhân, biết sơ cấp cứu ban đầu về tai nạn lao động như: kỹ thuật cầm máu, cố định gãy xương, băng bó vết thương, hô hấp nhân tạo.

30. Thực tập Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu

Học phần này cung cấp và rèn luyện kỹ năng thực hành, nhận thức nghề nghiệp về việc soạn thảo và xây dựng một bản hợp đồng mua bán xăng dầu; thực hành quy trình một lần, một ca bán hàng; thực hiện quy trình tiếp nhận xăng dầu vận chuyển bằng ôtô xi tec và dầu mỡ nhờn; thực hành làm các loại sổ sách báo cáo liên quan đến bán hàng, quản lý hao hụt và kiểm kê xăng dầu.

Sau khi kết thúc học phần này, người học trình bày được một cách tổng quan về nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, từ đó làm kiến thức bổ trợ cho quá trình thực tập tốt nghiệp. Đồng thời, người học rèn luyện được kỹ năng thực hành về  soạn thảo một bản hợp đồng; quy trinh bán hàng; quy trình nhận hàng; quy trình kiểm kê hàng hóa và làm các loại sổ sách báo cáo.  

31. Thực tập tốt nghiệp

            Học phần này cung cấp cho người học những chuyên đề thực tập. Các chuyên đề này phù hợp với công việc kinh doanh xăng dầu của các bộ phận kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế liên quan đến kinh doanh xăng dầu. 

Sau khi kết thúc học phần này, người học có khả năng mô tả được những quy trình nghiệp vụ nghiên cứu xác định nhu cầu của khách hàng, ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu; tổ chức nghiệp vụ nhận, bán, kiểm kê và quản lý hao hụt xăng dầu ở đơn vị thực tập và những thông số, số liệu điều tra phục vụ cho chuyên đề thực tập được cung cấp tại các cơ sở thực tập để từ đó vận dụng vào viết báo cáo tốt nghiệp.

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]