Giảm chỉ tiêu trường công để cứu trường tư?
02/01/2017
Trước sự xuống dốc của các trường ngoài công lập, có ý kiến cho rằng nên giảm chỉ tiêu của những trường công lập để tạo thị trường cho trường tư
Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Việt Nam từng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 30%-40% sinh viên học tại các trường ĐH ngoài công lập. Thế nhưng, đến nay, con số này vẫn chưa đạt được 14%.
Trường tư bị lấn sân
Nhiều năm trở lại đây, việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập rất khó khăn. Nhiều trường đứng trước nguy cơ đóng cửa, sáp nhập. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng chính sách với giáo dục ĐH ngoài công lập dường như đang càng siết chặt. Nguyên nhân chính xuất phát từ những lo lắng của xã hội về chất lượng giáo dục cũng như những bất ổn trong tuyển sinh và trong quản trị của một loạt trường ngoài công lập.
Theo ông Tùng, đó là hậu quả của việc mở rộng quá nhanh khối ĐH ngoài công lập. Thực tế, trong 15 năm qua, trong khi khối ngoài công lập có 43 trường được thành lập thì số trường ĐH công lập ra đời là 111 trường. Như vậy, cứ một trường ĐH tư thành lập thì có 2,6 trường ĐH công ra đời.
Để cứu các trường ngoài công lập, một số chuyên gia giáo dục đưa ra ý kiến nên giảm chỉ tiêu các trường công lập để trường tư có thể dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết ở Mỹ có phân tầng ĐH rất rõ ràng: tầng trên tuyển 12% chỉ tiêu của bang, tầng giữa khoảng 30%, còn lại tầng dưới. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều trường tốp giữa vì muốn tuyển đủ chỉ tiêu nên lấn sang tầng dưới - vốn dành cho các trường ngoài công lập - khiến các trường này không còn nguồn tuyển. GS Lâm Quang Thiệp cho rằng các trường ĐH nên làm đúng “phận sự” ở tầng của mình, không nên lấn sân tầng dưới.
Chưa xây dựng được uy tín
Thống kê của Bộ GD-ĐT trong mùa tuyển sinh 2016 cho thấy chỉ có khoảng hơn 40 trường ĐH tuyển sinh được trên 95% chỉ tiêu. Nhiều trường còn chỉ tiêu nhưng vẫn không có người học. Cả hệ thống chỉ tuyển được 75% chỉ tiêu.
Chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng từng cho hay kết thúc xét tuyển đợt nguyện vọng 1 năm 2016, cả nước còn hơn 100.000 thí sinh trên điểm sàn nhưng không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Vấn đề là thí sinh không có nhu cầu học ĐH chứ không phải tại trường công hay ngoài công lập.
Trước ý kiến đề xuất cần giảm chỉ tiêu trường công khoảng 5%-7%/năm để tạo cơ hội tuyển sinh cho các trường ĐH ngoài công lập, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng không thể tùy tiện tăng hay giảm chỉ tiêu tuyển sinh của bất cứ trường nào. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Về ý kiến cho rằng nhiều trường công lập đang phải “vét” thí sinh từ nguồn tuyển của các trường ngoài công lập để có thêm thu nhập vì học phí thấp, bà Phụng khẳng định thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy thí sinh không đăng ký vào học một số trường không phải là do thiếu nguồn tuyển mà vì các trường, ngành này chưa xây dựng được uy tín, chất lượng để thu hút. “Không có cơ sở nào để khẳng định rằng nếu giảm chỉ tiêu của trường công thì các thí sinh đó sẽ vào học trường ngoài công lập” - bà Phụng kết luận.
Tạo điều kiện để tự chủ về học phí
Liên quan đến vấn đề học phí của các trường, bà Phụng cho rằng các chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế của một số trường… đều có quyền thu học phí cao hơn nếu bảo đảm chất lượng đào tạo tương xứng. Cả nước hiện có khoảng 250 chương trình chất lượng cao, học phí cao để các trường có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng, không phụ thuộc vào khung học phí của nhà nước. Ngoài ra, 15 trường thí điểm tự chủ cũng đã thực hiện nguyên tắc này.
Theo bà Phụng, cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo thay học phí đã và đang được nghiên cứu để tạo điều kiện cho các trường, đặc biệt là các trường công lập chưa tự chủ, có quyền chủ động tính học phí tương đương với chất lượng dịch vụ đào tạo, chủ động về nguồn thu, không phụ thuộc nhiều vào quy mô đào tạo.
|
YẾN ANH
(nld.com.vn – 02/01/2017)