Cần thay đổi phương án thi tốt nghiệp PTTH để bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học
31/12/2016
Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ thi 6 môn trong 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài tự chọn hoặc Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội ( Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); thay vì 4 bài thi của 4 môn ở kỳ thi “ 2 trong 1” trong các năm trước đây.
Bài thi theo tổ hợp môn Khoa học tự nhiên( Vật lý, Hoá học, Sinh học) và môn Khoa học xã hội( Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) theo dự thảo Quy chế thi của Bộ GD&ĐT gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 150 phút, chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 40 câu hỏi/ 50 phút.
Thiết nghĩ, trong phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017, nếu thi 3 môn cùng lúc trong một bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội trong 150 phút, sẽ khiến không ít thí sinh dự thi căng thẳng, do lượng kiến thức quá nhiều, có thể dẫn đến kết quả không như ý muốn.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần xem xét điều chỉnh tổ hợp môn thi, để thí sinh chọn thi hợp lý hơn, đó là chọn một trong 4 tổ hợp 2 môn, thay vì chọn một trong 2 tổ hợp 3 môn, các tổ hợp môn thi gồm: 1. Vật lí, Hóa học 2. Hoá học, Sinh học 3. Lịch sử, Địa lý 4. Lịch sử, Giáo dục công dân.
Có thay đổi tổ hợp môn thi như thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 chỉ tăng thêm một môn so với các năm trước và sẽ nhẹ nhàng hơn so với dự thảo; nhiều hy vọng thầy-cô giáo, học sinh và phụ huynh bớt đi lo âu; nhà trường phổ thông dễ dàng hơn trong việc tổ chức ôn thi cho học sinh; các trường Đại học- Cao đẳng cũng dễ hơn trong công tác tuyển sinh.
Theo Luật giáo dục Đại học (Luật số: 08/2012/QH13): “ Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh; phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh”.
Vậy có nên quy định một ngưỡng đầu vào (điểm sàn) chung cho tất cả các trường Đại học hay không ? Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT : “ Năm nay chỉ quy định điều kiện cần là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định”, là đúng với Luật giáo dục Đại học.
Thế nhưng, kết quả xét tốt nghiệp THPT năm 2017, theo phương thức tính: “ 50% từ số điểm của 4 bài thi và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12”, chưa đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh; bởi điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 của học sinh còn được giáo viên “ nâng lên” so với khả năng thực học, để thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp dể dàng hơn, tất nhiên sẽ có thí sinh đỗ " nhằm" tốt nghiệp.
Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần thay đổi phương thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT, để có thể bỏ điểm sàn mà kết quả tuyển sinh Đại học vẫn đảm bảo chất lượng; đó là: Bỏ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 như trong phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, chỉ lấy điểm của 4 bài thi làm điểm xét tốt nghiệp; đồng thời siết chặt công tác tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT, bởi năm nay kỳ thi do các địa phương chủ trì.
Có thay đổi như thế, việc bỏ điểm sàn trong tuyển sinh Đại học là hợp lý, khi đó dư luận không còn “lo ngại phổ cập Đại học” hoặc “điểm cỡ nào cũng đậu Đại học ?” ; các trường Đại học ngoài công lập và Cao đẳng cũng bớt đi lo lắng trong công tác tuyển sinh, bởi không còn thí sinh đỗ “nhằm” tốt nghiệp.
Mặt khác, ngành giáo dục còn thực hiện tốt mục tiêu: “ Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
TRẦN VŨ
(laodong.com.vn – 31/12/2016)