Tính toán lại phương án bỏ điểm sàn xét tuyển đại học
29/12/2016
Dự kiến bỏ điểm sàn xét tuyển đại học (ĐH) nhằm trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường nhưng lại kéo theo khả năng phá vỡ quy hoạch, định hướng phân luồng học nghề.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ điểm sàn, nhiều ý kiến lo lắng chất lượng giáo dục ĐH sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, vẫn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo.
Sẽ phá vỡ định hướng nghề
Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, khối đào tạo nghề thực sự lo ngại trước việc Bộ GD-ĐT đưa ra dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH năm 2017 (chỉ cần tốt nghiệp THPT đã đủ điều kiện vào ĐH). Một số trường cho rằng, điều này đang đi ngược lại chủ trương tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, để lấy lại sự hợp lý trong cơ cấu nhân lực.
Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Việt Nam đang phấn đấu đến 2020, có 30% số học sinh THPT đi học nghề. Tuy nhiên, việc bỏ điểm sàn ĐH sẽ phá vỡ quy hoạch, định hướng phân luồng học sinh vào học nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Điều này cũng làm nặng thêm tâm lý bằng cấp trong xã hội, gây mất cân đối nguồn nhân lực hiện tại vốn đang chưa thể khắc phục ngay.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, mặc dù kinh nghiệm 2 năm tuyển sinh ĐH vừa qua cho thấy, đại bộ phận thí sinh đã có suy nghĩ chín chắn khi chọn trường, chọn ngành, đa số các trường đã xây dựng được văn hóa chất lượng nhưng kinh nghiệm, năng lực quản lý và thực hiện tự chủ của các trường vẫn còn khác xa nhau, tâm lý sính bằng cấp trong xã hội vẫn còn nặng nề. Thực tế, vẫn còn có trường chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ.
“Khi đưa quy định này vào dự thảo, Bộ cũng dự báo được băn khoăn của dư luận liệu rằng khi bỏ điểm sàn thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Xem xét lại đối tượng cần áp điểm sàn
“Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nên Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ. Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp với hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ về những băn khoăn trong dự thảo bỏ điểm sàn ĐH.
Phân tích về vấn đề này, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù việc bỏ điểm sàn là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, nhưng khi trường ĐH chưa chứng tỏ được năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sự lo lắng của xã hội là có cơ sở.
GS Nguyễn Quý Thanh đề xuất, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình điểm sàn áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). Điều này giúp các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục ĐH. Trường ĐH chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem là đủ năng lực tự chủ.
Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT có thể trao cho các trường ĐH cũng như những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN hoặc đạt chuẩn quốc tế quyền tự quyết về tuyển sinh, trong đó bao gồm cả điểm sàn.
Hơn nữa, việc Bộ GD-ĐT giữ vai trò kiểm soát đầu vào không trái với Luật Giáo dục ĐH khi Điều 32 Luật này quy định, các trường ĐH được giao các mức tự chủ khác nhau phù hợp với năng lực và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Vinh Hương (anninhthudo.vn – 29/12/2016)