Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Bỏ điểm sàn đại học: Thị trường sẽ quyết định?

22/12/2016

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định bỏ điểm “sàn” (ngưỡng đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh đại học). Nếu dự thảo này được thực hiện, sẽ không còn bất kỳ “rào cản” nào từ phía Bộ GD- ĐT đối với những ai muốn tiếp cận giáo dục đại học (ĐH) cũng như các trường ĐH trong việc tuyển sinh. Việc này sẽ đặt các trường trung cấp, cao đẳng vào thế khó, các trường ĐH sẽ bước vào một cuộc đua mới. Chính vì thế, chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, nổi bật là những lo ngại về loạn chất lượng – nhất là với các trường ngoài công lập – và làm cho việc phát triển bậc học cao đẳng càng thêm khó khăn.

Bước tiến trong việc trao quyền tự chủ

Bỏ quy định về điểm sàn chính là bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Cần lưu ý, bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình.

Xét về ý nghĩa, điểm “sàn” dường như trở nên rất “mờ nhạt” từ vài năm nay. Với các trường ĐH công lập có “số má”, không trường nào quan tâm đến điểm “sàn” (vì điểm chuẩn luôn cao hơn rất nhiều so với điểm “sàn”). Còn ở các trường ĐH tư, trường công lập “tốp dưới” thì luôn thủ sẵn phương án tuyển sinh riêng – xét học bạ – nên cũng không quan tâm lắm đến điểm “sàn”. Ở khía cạnh khác, quyền được học tập suốt đời là bất khả xâm phạm từ lâu được pháp luật bảo hộ, nên chẳng có lý do gì đặt rào cản để cản trở quyền học tập của công dân.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn là đúng nhưng các trường cũng phải đưa ra mức điểm nhận hồ sơ. Vì mục tiêu của các trường là tuyển đủ, chất lượng tốt, không trường nào muốn nhận thí sinh kém nhưng khả năng có nhận được không thì là chuyện khác” – PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói. Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, dù Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn nhưng chắc chắn các trường sẽ có “sàn” riêng cho mình.

Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng quan điểm của thế giới là nếu ai qua được bậc học nào đó đều có quyền được đăng ký học ở bậc học cao hơn. Còn quyền đó có được chấp nhận hay không là ở các trường. Cho nên, việc này thực chất là bỏ điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định, thay vào điểm sàn do các trường tự quyết định.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyện Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định bỏ điểm “sàn” là đúng. Đúng theo hướng cho các trường tự chủ. Nhất là với thí sinh, đã có bằng tốt nghiệp THPT, chính là sàn. Có bằng tốt nghiệp THPT là vào ĐH, còn lại tùy các trường chọn. “Nhà trường phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, khi tuyển sinh, các trường phải công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm bao nhiêu, không được tù mù. Khi họ công bố điều kiện xét tuyển thì xã hội sẽ biết trường này có chất lượng thế nào. Vì chất lượng các trường hiện nay khác nhau, trường chất lượng cao, trường chất lượng thấp. Những điều kiện đó phải công bố, không có chuyện nói thế này, tuyển thế kia để xã hội đánh giá các trường còn cho con em học hoặc tuyển dụng nhân công” – GS Lâm Quang Thiệp đề xuất.

Thị trường sẽ quyết định

Nhiều người lo lắng các trường ĐH sẽ tuyển sinh tràn lan, không loại trừ khả năng một số trường sẽ “ăn xổi”, tuyển sinh dễ dãi, chất lượng đầu vào thấp làm cho sản phẩm đầu ra thấp, doanh nghiệp chê, lại thất nghiệp. Nỗi lo này xuất phát từ thực tế vốn có thật từ những năm qua: nhiều trường vội vã thành lập, vội vã tuyển sinh, rồi nhanh chóng phải đóng cửa.

Thế nhưng, theo TS Phương Anh, việc làm ăn gian dối, “ăn xổi”, “sản xuất” ra “hàng dởm” thì sẽ không “bán” được, đóng cửa là tất yếu. Cơ chế thị trường cạnh tranh sẽ có hai hệ thống giám sát chất lượng là báo chí (phản ánh thực tiễn) và quản lý nhà nước. Thực tiễn cũng sẽ giúp các trường rút ra những bài học để nâng cao chất lượng. Hệ thống đào tạo theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh sẽ dần được định vị và tạo ra những bước tiến về chất lượng để “sản phẩm” đào tạo ra đáp ứng tốt hơn với yêu cầu sử dụng.

Ông Lâm Thành Hiển nói: “Các trường không thể lừa gạt xã hội mà làm ẩu. Các trường sẽ phải tìm ra cách để làm cho sản phẩm có chất lượng, phù hợp với định hướng và mục tiêu đã cam kết với thí sinh, với xã hội thì mới tồn tại. Cụ thể là phải nghiêm túc trong việc vạch ra định hướng, mục tiêu và có chính sách thực hiện phù hợp như: phải đầu tư chăm sóc cho sinh viên, cho cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên nhiều hơn”. Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục khác nhấn mạnh: “Không chỉ trường tư mà ngay cả trường ĐH công cũng đang dần thực hiện quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường”.

Trong điều kiện đó, nếu muốn tồn tại, trường ĐH nhất định phải đào tạo thật tốt, tăng cường trách nhiệm với chính mình và với xã hội. Đã qua rồi thời đua nhau mở trường, mở ngành cốt chỉ dụ thí sinh vào học để hốt bạc.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có các quy định bắt buộc các trường phải thực hiện “ba công khai” (trong đó có công khai về chất lượng đào tạo thể hiện qua tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm) và tham gia kiểm định chất lượng nhằm cung cấp thông tin cho xã hội một cách minh bạch. “Luật chơi” với những nội dung cụ thể đã có, nhưng thời gian qua việc thực hiện còn khá hình thức mà thiếu thực chất, nên khi đi vào cạnh tranh thực sự, thiết nghĩ những nội dung trên sẽ phải thực chất và chuyên nghiệp hơn.

Ông Lâm Thành Hiển cho rằng, Bộ phải tạo ra hành lang pháp lý, đồng thời có cơ chế thực hiện việc giám sát thật nghiêm để buộc các cơ sở đào tạo phải làm thật, làm đúng những gì cam kết với xã hội, tránh báo cáo láo về những kết quả đạt được.

Huy Khánh
(congluan.vn – 22/12/2016)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang