Bỏ điểm sàn Đại học: ''Vỡ trận'' không từ Đại học?
22/12/2016
Trong khi cử nhân ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành, các trường Đại học cần tự chủ đào tạo và để thị trường lao động điều chỉnh.
Không bình luận trước thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) dự thảo lấy ý kiến về việc bỏ điểm sàn trong tuyển sinh Đại học, nhưng chia sẻ với Đất Việt, TS. Phạm Mạnh Hà - Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, đây là ý kiến cần phải nhìn theo hướng tích cực và nên làm.
Có thể hiểu quan điểm của Bộ GD-ĐT là thay vì tổ chức một kỳ thi Đại học phức tạp, tốn kém thì trao quyền cho các trường Đại học chủ động, tự chọn kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT (sẽ được tổ chức chất lượng) của Bộ để thực hiện xét tuyển.
Ở góc độ tích cực, việc bỏ điểm sàn tuyển sinh Đại học sẽ quay về thời điểm trước đây là cho các trường Đại học tự chủ. TS. Phạm Mạnh Hà cho đó là điều bình thường. Có thể chỉ vài năm đầu, tâm lý thích học Đại học rất nhiều, đâu đâu cũng thấy học Đại học nhưng cuối cùng, tính quyết định vẫn ở thị trường lao động: Học Đại học không xin được việc sẽ đi học nghề.
Theo vị chuyên gia, đối với mỗi quyết định được Bộ GD-ĐT đưa ra, thường có các yếu tố điều kiện đi kèm. Giả sử, nếu bỏ điểm sàn Đại học, các trường Đại học sẽ phải đáp ứng các yêu cầu khác.
TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng, cần để các trường Đại học hoạt động và tổ chức tự chủ, theo các tín hiệu của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo Đại học sẽ do thị trường lao động quyết định. Bộ GD-ĐT, thực ra rất khó để có căn cứ lấy điểm sàn tuyển sinh Đại học.
Trong trường hợp bỏ điểm sàn khi tuyển sinh, những trường TOP đầu của hệ thống giáo dục Đại học sẽ lựa chọn điểm từ cao xuống thấp. Còn những thuộc TOP dưới, các trường ĐH dân lập sẽ phải cạnh tranh bằng chất lượng, bằng đầu ra sinh viên khi tìm được việc. Khi đó, điểm thấp hay không là không quan trọng.
"Có ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn dường như đang thả nổi cho các trường Đại học dân lập mở ra. Điều này cũng có ý đúng. Song cần xem xét điều kiện kèm theo mà Bộ đưa ra để quản lý các trường thế nào. Nếu để vận hành các trường Đại học theo thị trường lao động thì điều này cũng phù hợp" - TS. Hà nhấn mạnh.
Giả dụ, một trường Đại học đào tạo trong 4 năm, hết lứa tuyển sinh đầu tiên ra trường lại thất nghiệp hoàn toàn thì tất nhiên trường đó bị đánh giá thấp, không có ai lựa chọn theo học thì đó là điều trường đó phải trả giá về chất lượng đào tạo của mình dẫn tới không thể trụ được. Khi thị trường lao động không chấp nhận thì sẽ không tuyển sinh được và tự bị đào thải.
Hoặc Trường Đại học tuyển sinh nhiều nhưng chất lượng đầu vào không tốt, đào tạo cũng không đạt được kết quả cao dẫn đến chất lượng đầu ra bị đánh giá thấp thì điều hiển nhiên cũng dẫn tới bị thị trường lao động từ chối và tự đào thải.
Do đó, để tồn tại, các trường Đại học buộc phải cân nhắc, thay đổi các chỉ tiêu tuyển sinh hoặc chất lượng đào tạo của mình để lấy uy tín.
Khi đó, việc nhà trường căn cứ vào năng lực, khả năng tuyển sinh của mình để lựa chọn số lượng tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo của mình sẽ mang tính thị trường hơn.
Khi Đại học tự chủ, học sinh sẽ phải tự lực. Các trường Đại học được tự chủ rồi, quyền cuối cùng lựa chọn là ở học sinh. Học sinh chỉ được lựa chọn công việc mà thực sự các em có khả năng và phải nỗ lực học tập để ra trường có được việc làm.
Để có được điều đó, cần phải nâng cao hệ thống hướng nghiệp, tư vẫn hỗ trợ hướng nghiệp sớm và đầy đủ cho các em, một phần kích thích các em tự có nỗ lực phấn đấu và có trách nhiệm hơn với bản thân mình.
Mặt khác, thí sinh dự thi Đại học cần có sự cảnh báo sớm hơn từ cấp THPT để các em không thấy dễ mà cứ lao vào Đại học - đó là khâu tư vấn đầu vào, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn hướng nghiệp.
Vỡ trận từ đâu?
Theo TS. Phạm Mạnh Hà, điểm yếu nhất của hệ thống giáo dục tại Việt Nam hiện nay là vỡ trận phân luồng từ năm lớp 9. Theo hệ thống của chúng ta, từ năm lớp 9, học sinh có 2 lựa chọn: học THPT hoặc trung học nghề.
Học THPT là đi theo hướng hàn lâm, hiện đang bị hạn chế. Một quận, huyện chỉ có 1 trường cấp 3 nhưng có rất nhiều trường cấp 2.
Học trung học chuyên nghiệp và trung học nghề sau đó lên Trung cấp Nghề hoặc Cao đẳng Nghề.
"Chúng ta bị vỡ trận bởi chúng ta có rất nhiều trường cấp 3 dân lập. Cần phải tổ chức lại để học sinh không đỗ vào cấp 3 công lập, tức là không đi theo THPT thì các em đi theo Trung học nghề, Cao đẳng nghề nhưng việc mở tràn lan trường cấp 3 dân lập tức là đi theo hướng hàn lâm khiến học sinh theo hết vào các trường này, dẫn tới dư thừa học sinh học THPT và kéo theo lựa chọn học Đại học" - TS. Hà nhận xét.
Theo vị chuyên gia, tâm lý của phụ huynh lúc nào cũng muốn con em mình giỏi. Học cấp 3 là phải dự thi Đại học chứ không phải đi học nghề. Khi một lượng lớn các học sinh từ trường cấp 3, THPT tốt nghiệp lại cần một lượng lớn các trường Đại học mở ra để đón các lứa học sinh vào. Nhưng thực chất học xong thì không làm được việc gì, kể cả đi làm nghề.
Bên cạnh đó, cũng phải cảnh báo rằng, nếu không học Đại học thì học sinh sẽ được học nghề. Nhưng nếu học nghề không có kết quả tốt cũng như học Đại học kết quả thấp thì vẫn có thể bị thất nghiệp. Điều này tất yếu sẽ tạo ra sự cạnh tranh và từ đó thúc đẩy chất lượng của sinh viên. Đồng thời cũng gây sức ép với các trường đào tạo nghề.
"Nếu đào tạo nghề cũng theo kiểu đào tạo theo nhu cầu học sinh, ra trường mà học sinh cũng không thể làm được nghề thì cũng thất nghiệp. Như vậy, nó tạo ra một vòng xoáy, bỏ đại học đi học nghề, học nghề vẫn thất nghiệp chồng thất nghiệp" - TS. Hà nhận định.
Nói tóm lại, hệ thống giáo dục Việt Nam là đáp ứng nhu cầu học tập của người theo học chứ không đáp ứng nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng nên các trường đào tạo cũng tuyển sinh theo nhu cầu của người theo học, từ đó dẫn tới việc tuyển sinh tràn lan và dùng các chiêu trò để tuyển sinh, mặc kệ các chất lượng đào tạo và tương lai nghề nghiệp của sinh viên.
TS. Hà lấy một ví dụ mà ông cho là một tín hiệu mừng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 vừa qua là có nhiều thí sinh đã khá tỉnh táo khi bỏ kỳ thi này. Ở khu vực miền núi và một số khu vực khác, thí sinh bỏ thi khiến tình trạng các trường Đại học không thể tuyển sinh được.
Việt Nam cần tự chủ như nước ngoài
Bên cạnh độ lạc quan về tính tự chủ của Đại học trong điều kiện của thị trường lao động, TS. Hà cũng cho rằng, độ phổ cập về Đại học ở Việt Nam còn chưa bằng so với thế giới. Theo kinh nghiệm thế giới như tại Mỹ, học sinh học xong cấp Trung học được nghỉ 1 năm để trải nghiệm cuộc sống cũng như khám phá bản thân xem mình cần gì, thích gì, muốn gì. Sau đó, học sinh có thể lựa chọn chuyên ngành Đại học mà mình theo học hoặc tìm công việc theo nghề mà mình lựa chọn.
Tại Đức, tỷ lệ học Đại học rất ít, chỉ hơn 20% mà chủ yếu là học nghề. Con số 20% của Đức được giới chuyên gia trong nước cho rằng vẫn còn nhiều và họ muốn giảm xuống chỉ 16%, đó là các quyết định xuất phát từ thị trường lao động.
Thị trường lao động phụ thuộc vào nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ tuyển dụng người nào làm đúng ngành, đúng năng lực để tuyển nên họ không quan tâm tới việc người được chọn có học Đại học hay Cao đẳng hay chỉ học nghề.
"Anh làm được việc, thì tôi tuyển dụng anh, kể cả anh có học Đại học hay không. Khi để thị trường lao động điều chỉnh thì chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ cao lên" - TS. Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Khi học Đại học thì ít nhất, sinh viên đã có các nền tảng về mặt tri thức nhưng ra trường có làm được việc hay không, có đảm bảo được công việc hay không. Đại học tại Việt Nam còn tràn lan và nặng về lý thuyết nên khi ra trường, sinh viên được tuyển dụng nhưng không thể làm được việc. Đây cũng là vấn đề về chất lượng đào tạo tại các trường Đại học hiện nay mà nếu như để họ tự chủ tuyển sinh thì sẽ kiểm soát được đầu vào và tự biết cách điều chỉnh chất lượng đào tạo.
Cúc Phương
(baodatviet.vn – 22/12/2016)