Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Điểm chuẩn phương thức riêng tăng cao: Hệ quả tích cực từ chủ trương lọc ảo chung

18/07/2022

Nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn các phương thức riêng (xét học bạ THPT, xét tuyển thẳng và điểm thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM). Điều đáng nói điểm chuẩn các phương thức xét tuyển trên năm nay tăng khá mạnh.

Điểm chuẩn nhiều phương thức riêng tăng mạnh

Trường ĐH Mở TP.HCM vừa công bố kết quả xét tuyển phương thức học bạ THPT năm 2022. Theo đó, điểm chuẩn nhiều ngành tăng hơn so với năm trước 2-6 điểm, điểm trúng tuyển lên tới 26,5 điểm (hơn 8 điểm/môn). Trong đó, ngành Công nghiệp thực phẩm năm nay lấy tới 26,25 điểm trong khi năm 2021 chỉ 23 điểm, ngành Xã hội học năm 2021 chỉ lấy 18 điểm thì năm nay lấy tới 23,5 điểm. Cá biệt, ngành Khoa học máy tính chất lượng cao năm 2022 lấy tới 26,5 điểm trong khi năm 2021 chỉ có 20 điểm.

Tương tự, điểm chuẩn phương tức xét học bạ các ngành đào tạo của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm nay cũng tăng rất mạnh, từ 2-4 điểm. Ngành có điểm cao nhất vào trường là ngành Công nghệ thực phẩm 27 điểm. Năm 2021 ngành này chỉ lấy 25,25 điểm. Ngành Quản trị kinh doanh, điểm chuẩn năm 2022 là 26, trong khi năm 2021 là 24,50 điểm. Các ngành còn lại điểm chuẩn phương thức học bạ THPT năm 2021 dao động từ 18- 22,50 điểm thì năm nay mức điểm đã tăng lên từ 21- 23,50 điểm.

Trường ĐH Kinh tế- Luật (ĐHQG TP.HCM) điểm chuẩn phương thức xét học bạ THPT kết hợp chứng chỉ quốc tế cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2021 điểm chuẩn phần lớn ngành học dao động từ 21-26 điểm thì năm 2022, điểm chuẩn dao động từ 23- 27,8 điểm. Đơn cử ngành Kinh tế quốc tế (hệ chất lượng cao) năm nay điểm chuẩn 27,8 điểm nhưng năm 2021 là 26 điểm, hay ngành Công nghệ tài chính CLC điểm chuẩn 2022 là 26.6 điểm, năm 2021 là 21 điểm.

Không chỉ tăng mạnh ở phương thức xét học bạ THPT, mà ở phương thức xét điểm thi Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM điểm chuẩn các trường cũng tăng hơn năm trước rất nhiều.

Theo kết quả xét tuyển theo phương thức điểm thi ĐGNL (40% tổng chỉ tiêu) vừa được Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) công bố, điểm chuẩn vào các ngành dao động từ trên 600 đến 1.001 điểm (thang điểm 1.200). Ngành có điểm chuẩn 1.001 điểm là ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến), ngành này năm 2021 điểm chuẩn là 977 điểm.

Đánh giá về điểm chuẩn theo điểm thi ĐGNL năm nay, Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho biết: So với năm 2021, năm nay 14 ngành đào tạo tăng. Điểm chuẩn tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành toán học, toán ứng dụng, toán tin (tăng 80 điểm, tương đương 11%), còn lại đều tăng nhẹ từ 10-30 điểm.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP.HCM) điểm chuẩn phương thức điểm thi Kỳ thi ĐGNL năm nay cũng tăng nhiều, dao động từ 805-940 điểm. Các ngành có điểm chuẩn từ 800 đến 900 gồm: Trí tuệ Nhân tạo, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm…Mức điểm của nhóm ngành có điểm chuẩn thấp năm 2022 so với 2021 như: Hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu-CLC, Khoa học dữ liệu so với năm 2021 tăng khoảng 55 điểm

Tín hiệu đáng mừng từ sự điều chỉnh đúng đắn

Theo Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), việc điểm chuẩn năm nay tăng là nằm trong dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, bởi kỳ thi đánh giá năng lực năm nay của ĐHQG TP.HCM có số lượng thí sinh đăng ký đông hơn, nhóm thí sinh được phân loại khá rõ rệt. Đa số các ngành tăng điểm thuộc nhóm điểm chuẩn cao (từ 700 - 900) nên chất lượng đầu vào của thí sinh là rất rõ rệt, đáp ứng mục tiêu tìm kiếm nguồn tuyển chất lượng của các đơn vị"- Th.s Vũ nói.

Việc điểm chuẩn các phương thức xét tuyển riêng tăng (tăng mạnh là phương thức xét học bạ THPT), nhiều chuyên gia cho rằng đó là điều có thể dự đoán được khi năm nay Bộ GD&ĐT siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thông qua phần mềm lọc ảo dùng chung.

“Đây rõ ràng là sự điều chỉnh đến từ các trường (điểm chuẩn) khi số lượng hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ quá nhiều, trong khi tổng chỉ tiêu dành cho phương thức trên có giới hạn. Để cân đối đầu vào và tránh rơi vào “thế việt vị” do tuyển vượt các trường buộc phải điều chỉnh điểm chuẩn cho tương thích”- Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia tuyển sinh, hướng nghiệp nói.

Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa tác động nhiều đến đối tượng là học sinh lớp 10, 11, 12 do mới bắt đầu triển khai. Vì vậy, chất lượng giáo dục bậc phổ thông dẫu biết đạt những kết quả và thành tựu sau quá trình đổi mới là không phủ nhận, nhưng cũng không loại trừ việc nương tay của giáo viên cho học sinh nhằm có điểm số học bạ tốt ở năm cuối cấp.

Là đơn vị thực hiện xét tuyển học bạ THPT theo 2 hình thức (xét học bạ lớp 10, 11 và HKI lớp 12; và xét học bạ lớp 12), Th.S Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết khi đối sánh điểm của hai hình thức xét học bạ của thí sinh dễ dàng nhận thấy điểm học bạ lớp 12 của các em tốt hơn điểm lớp 10, 11 rất nhiều.

“Tôi không khẳng định có sự châm chước hay thương học trò từ phía thầy cô giáo. Nhưng bằng thực tế làm tuyển sinh chúng tôi nhận thấy có sự chênh lệch rõ rệt điểm trung bình học tập của lớp 12 với hai lớp dưới. Kết quả học tập của các em là cả một quá trình, đánh giá là từ phía giáo viên và nhà trường nên các trường đại học chỉ biết căn cứ vào đó mà xét tuyển. Nhiều trường kỹ thì gài thêm tiêu chí phụ còn không thì cứ căn cứ vào đó mà làm”- Th.S Sơn cho biết.

Nhìn nhận những điểm tích cực từ các giải pháp kỹ thuật mà Bộ GD&ĐT thay đổi và triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay, TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng việc lọc ảo chung và xét tuyển chung đã thiết lập lại công bằng trong tuyển sinh cho các trường, quan trọng hơn nó giúp các trường thực tế hơn trong việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển, từ đó nâng cao chất lượng nguồn tuyển.

“Chỉ tiêu chỉ có giới hạn, phương thức tuyển sinh cùng tỉ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức đã được các trường công bố trong đề án tuyển sinh của mình. Khi phương thức này quá đông thí sinh xét tuyển nhưng chỉ tiêu ít thì buộc các trường phải điều chỉnh điểm chuẩn cho phù hợp để lọc ra được những thí sinh giỏi nhất. Điều này rõ ràng không chỉ có lợi cho thí sinh, nhà trường mà còn giúp các trường phân loại được thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất cho mình”- TS Lý đánh giá.

Anh Tú
https://giaoducthoidai.vn/diem-chuan-phuong-thuc-rieng-tang-cao-he-qua-tich-cuc-tu-chu-truong-loc-ao-chung-post601202.html

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang