Các trường đại học 'đấu' nhau, thí sinh thiệt
Đại học Bách khoa vừa lên tiếng khẳng định sẽ không cho thí sinh thi nhờ, còn các trường không tổ chức thi lại cho rằng mình không đủ điều kiện thi tuyển. Trong khi các trường còn chưa ngã ngũ thì phần thiệt thuộc về thí sinh.
Càng cho thi nhờ, càng lỗ nặng
Mùa tuyển sinh năm 2010, trên 130 trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Do đó, những thí sinh có nguyện vọng 1 vào các trường này phải thi nhờ ở những trường tổ chức thi.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội, thi tuyển sinh đại học năm nào, trường cũng phải bù lỗ cả trăm triệu đồng do lệ phí thí sinh nộp không đủ chi trả tiền thuê phòng, thuê giáo viên, thuê bảo vệ…
Trước đây, số thí sinh thi nhờ ít nên mức độ ảnh hưởng đến trường không lớn. Tuy nhiên, càng ngày, số lượng này càng tăng lên. Kỳ tuyển sinh năm 2010, Đại học Bách khoa có khoảng 7.000 thí sinh đăng ký dự thi thì có tới hơn 2.000 em thi nhờ, chiếm tới 1/3.
“Chúng tôi có thể chịu lỗ vì thí sinh của mình nhưng không có lý gì lại phải chịu lỗ vì thí sinh trường khác. Điều này là không công bằng với thí sinh, sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội vì với số tiền lỗ đó, trường có thể tổ chức thi tốt hơn cho thí sinh của mình hoặc có thể đầu tư trang thiết bị, giáo trình cho sinh viên. Chưa kể, đó lại là tiền góp từ học phí của các em” - ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, cán bộ công nhân viên nhà trường phải coi thi cho thí sinh của trường mình nhưng coi thi cho thí sinh thi nhờ không phải là nhiệm vụ của họ. Chưa kể đến coi thi đại học, trách nhiệm rất nặng nề, kéo dài từ lúc thí sinh vào phòng thi đến tận khi các em ra khỏi trường.
“Do đó, năm nay, chúng tôi không nhận thí sinh thi nhờ. Các trường có năng lực đào tạo thì phải có năng lực tuyển sinh, không thể dựa vào các trường khác rồi mình ngồi chơi” - ông Sơn khẳng định.
Cũng bức xúc về vấn đề thi nhờ, ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, cho biết, trường cũng đang xem xét và có thể sẽ không cho thí sinh thi nhờ giống Đại học Bách khoa.
Theo ông Châu, mỗi năm, trường có trên 2.000 thí sinh thi nhờ. Không chỉ bù lỗ chi phí, trường còn phải tốn nhiều công sức vì sau khi thi, chấm bài, trường phải lọc riêng từng đối tượng thí sinh thi nhờ vào từng trường để gửi thông tin cho các trường đó.
Vì sao thi nhờ?
Giải thích về lý do phải đi gửi thí sinh thi nhờ, ông Nguyễn Đình Tư, Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân cho rằng, do số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường quá ít, chỉ vài trăm em. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và nhân lực của trường cũng còn hạn chế.
Tuy nhiên, không ít trường cơ sở vật chất tốt, lượng thí sinh đăng ký nhiều nhưng vẫn không tổ chức thi. Đại học Lao động Xã hội là ví dụ tiêu biểu về những trường có thâm niên xét tuyển. Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi ba chung, chín năm qua, trường chưa năm nào thi tuyển, dù trường có cơ sở khang trang. Năm 2010, trường tuyển 2.000 em nhưng có tới hơn 7.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Tất cả 7.000 thí sinh phải đi thi nhờ ở trường khác.
Lý giải về lựa chọn phương án này, ông Trần Khắc Thẩm, Phó hiệu trưởng Đại học Lao động Xã hội, cho biết: “Qua nhiều năm thực hiện, trường thấy việc xét tuyển hiệu quả hơn. Xét tuyển sẽ nhàn hơn là thi tuyển, điều này không thể phủ nhận”.
Cũng theo ông Thẩm, khi xét tuyển thì kết quả tuyển sinh sẽ chờ các trường khác gửi về nên việc tuyển sinh sẽ chậm hơn, dẫn đến việc nhập học của trường thường muộn hơn trường khác nửa tháng. Tuy nhiên, trong giáo dục đại học, việc chậm hơn nửa tháng không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.
Trước thông tin các trường phản ứng mạnh với việc thí sinh thi nhờ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, tuyển sinh là việc làm của cả hệ thống chứ không phải của một trường. Do đó, các trường phải có nhiệm vụ hỗ trợ trường chưa đủ điều kiện tổ chức thi. Việc thí sinh thi ở các trường ít hơn rất nhiều so với thí sinh thi nhờ tại các cụm thi ở Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Cần Thơ.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc thí sinh thi tại các cụm thi hoàn toàn khác với việc thi nhờ. Khi Đại học Bách khoa có thí sinh thi tại Vinh, thì đây chỉ như một điểm thi xa của trường. Trường sẽ phải làm hợp đồng với Đại học Vinh về các vấn đề liên quan như thuê phòng, thuê bảo vệ, giám thị. Bài thi của thí sinh vẫn mang về chấm tại Đại học Bách khoa. Trong khi đó, nếu thí sinh thi nhờ tại Đại học Bách khoa thì trường phải lo toàn bộ chi phí và làm tất cả các khâu như với thí sinh của trường mình, chỉ có kết quả là chuyển sang cho trường khác.
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng không có điều khoản nào quy định các trường phải nhận đối tượng này. Trong văn bản về phương hướng tuyển sinh năm 2011 của Bộ có ghi: "Các trường đại học, cao đẳng phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh có nguyện vọng học nguyện vọng 1 tại các trường không tổ chức thi được dự thi (thi nhờ)".
"Đây chỉ là hướng dẫn chứ không phải quy chế. Hơn nữa, các trường chỉ tạo điều kiện tối đa được trong khả năng của mình. Nếu các trường xét tuyển nói không đủ điều kiện tổ chức thi thì hãy làm hợp đồng giống như chúng tôi làm hợp đồng với các cụm thi. Đại học Bách khoa sẽ tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh của những trường có hợp đồng với trường được thi nhờ” - ông Sơn nói.
Trong khi các trường tranh luận nhau thì thí sinh là người chịu thiệt. “Năm nay, Đại học Bách khoa ‘châm ngòi’ cho việc không thi nhờ, sang năm có thể sẽ kéo thêm nhiều trường khác. Khi đó, phần khó sẽ thuộc về thí sinh có nguyện vọng học tại các trường không tổ chức thi. Mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có một giải pháp hợp lý cho vấn đề này để thí sinh yên tâm" - Nguyễn Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nói.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, mặc dù có nói các trường phải nhận thí sinh thi nhờ, nhưng có chế tài gì đối với các trường không cho thi nhờ thì Bộ còn... xem xét, tùy tình hình cụ thể.
|
Phạm Mai
Thông Tấn Xã Việt Nam
12/03/2010