Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Vẫn loạn tuyển sinh và đào tạo

Báo Thanh Niên đã phản ảnh về việc các công ty liên kết với trường ĐH đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ĐTTĐCSD) thực chất chỉ là để trục lợi chứ các doanh nghiệp thực tế không có nhu cầu sử dụng...

 

Thế nhưng, hiện nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục đào tạo cho các công ty và còn được “hợp thức hóa” bằng những văn bản của các cơ quan quản lý.

 

Danh sách thí sinh đầy nghi vấn

 

Như Thanh Niên đã phản ảnh, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa đã liên kết với nhiều trường ĐH để ĐTTĐCSD. Trong đó những ngành nghề đề nghị đào tạo hầu hết không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của công ty. Thế nhưng hiện một số trường ĐH lớn tại Hà Nội vẫn tiếp tục đào tạo cho công ty trong đó có Học viện Tài chính, trường ĐH Mỏ - Địa chất... Hiện công ty đã có danh sách TS đề nghị xét tuyển ĐTTĐCSD gửi tới các trường. Tuy nhiên danh sách này có không ít vấn đề đáng nghi vấn.

 

Sau khi tiến hành tra cứu lại điểm thi của từng TS thuộc danh sách do công ty này tuyển sinh gửi cho Học viện Tài chính, chúng tôi phát hiện nhiều thông tin không xác thực. Ví dụ: một TS trong danh sách là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 10.5.1993, dự thi khối A vào Học viện Ngân hàng, số báo danh (SBD) 4891, có tổng điểm là 17. Khi tra cứu bằng tên có 14 TS tên Nguyễn Phương Thảo cùng thi vào Học viện Ngân hàng nhưng không có TS nào có các thông tin giống với TS nói trên. Tra cứu bằng SBD thì kết quả lại là một TS khác tên, điểm thi, ngày tháng năm sinh… TS Lê Thùy Dương sinh ngày 18.12.1993, dự thi khối A vào ĐH Thương mại, SBD 3767, có tổng điểm 3 môn thi là 17,5. Tra cứu bằng tên thì cho kết quả là một TS trùng tên nhưng lại mang SBD khác (70740), ngày tháng năm sinh, khối thi và điểm thi cũng khác. Khi tra cứu bằng SBD thì ra một TS khác… Đáng lưu ý trong danh sách có 41 TS thì đến 8 TS có những thông tin đáng nghi vấn.

 

Chủ trương còn mập mờ

 

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc đề nghị tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng chỉ thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố. Cơ quan này cũng có nghĩa vụ lập danh sách TS đề nghị được tuyển sinh. Vì vậy, việc các công ty đề nghị với trường ĐH để đào tạo là sai quy định. Để hợp thức hóa việc đào tạo này, các công ty đã “liên kết” với UBND tỉnh để đơn vị này đứng ra làm công văn đề nghị. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn tới các trường mà Công ty cổ phần đầu tư và phát triển GD-ĐT Thanh Hóa liên kết để đề nghị đào tạo cho công ty. Như vậy, về bản chất thì việc đào tạo vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là UBND tỉnh là đơn vị làm công văn đề nghị thay cho công ty!

 

Điều đáng ngạc nhiên là một công ty cũng thành lập hội đồng xét tuyển và còn được UBND tỉnh chấp thuận như là chuyện đương nhiên. Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Học viện Tài chính ngày 14.9, có đoạn: “Căn cứ kết quả xét tuyển của Hội đồng xét tuyển Công ty cổ phần đầu tư phát triển GD-đT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa lập danh sách học sinh ĐTTĐCSD năm 2011 tại Học viện Tài chính… Đề nghị học viện này xem xét, phê duyệt danh sách học sinh trúng tuyển đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ năm 2011 cho công ty”.

 

Như vậy các trường ĐH lại tiếp tục “bắt tay” đào tạo cho công ty như đã thỏa thuận trước đó (tuyển những TS có mức điểm thấp do được ưu tiên và thu học phí cao). Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ - Địa chất, một trường cũng đào tạo cho công ty nói trên, cho biết: “Việc tuyển sinh và đào tạo cho công ty vẫn diễn ra bình thường vì tỉnh đã có công văn đề nghị. Nhà trường đã làm đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT! Nếu tỉnh đề nghị sai thì tỉnh phải chịu trách nhiệm!?”.

 

Điều đáng nói là cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa làm rõ mục đích loại hình đào tạo này. Đào tạo cho ai và để làm gì? Tại sao phải ưu tiên tuyển sinh và đào tạo cho công ty, trong khi các doanh nghiệp nếu có nhu cầu sử dụng thì hoàn toàn có thể tuyển nhân lực trên thị trường lao động?... Có lẽ vì chủ trương còn mập mờ nên trường ĐH và các công ty vẫn công khai liên kết tuyển sinh, đào tạo, thu học phí cao từ người học mà vẫn không bị “thổi còi”!

 

Nộp tiền là... đậu!

 

Tại trụ sở Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển quốc gia (thuê địa điểm tại trường THPT Hữu Nghị, đường Phan Chu Trinh, TP Vinh, Nghệ An), một nhân viên tên Lý giới thiệu chúng tôi vào học ĐH Vinh. Lý nói: “Muốn vào ĐH Vinh thì phải nộp cho công ty 15 triệu đồng. Cứ đưa phiếu báo điểm đến đây và chọn ngành là xong”. Đồng thời Lý còn giới thiệu các trường khác với mức giá như: “Học viện Bưu chính viễn thông 25 triệu đồng, Học viện Tài chính 27 triệu đồng, ĐH Kinh tế quốc dân hơn 30 triệu đồng…”. Người này thông tin, năm nay, công ty liên kết với 30 trường, một số trường phải có quyết định đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An, có trường thì không cần. Khi chúng tôi thắc mắc liệu ra trường có được công ty nhận vào làm không thì Lý nói: “Công ty em nhỏ tí nhận sao hết được, ra trường chủ yếu tự đi xin việc làm thôi”. Tại Công ty CP thương mại và đầu tư giáo dục VN (đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh), chúng tôi cũng được tư vấn tương tự. 

 

Qua tìm hiểu thực tế ở Nghệ An, các doanh nghiệp xin chỉ tiêu ĐTTĐCSD là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ có vài nhân viên. Việc xin chỉ tiêu để đào tạo và sử dụng lao động chỉ là cái cớ, còn thực chất là để thu tiền “lệ phí đầu vào” của TS điểm thấp. Vì sau khi TS nhập học thì quan hệ giữa người học và doanh nghiệp cũng coi như chấm dứt. Thế nhưng ĐH Vinh đã nhận đào tạo hệ ĐTTĐCSD từ 3 năm nay. PGS-TS Phạm Minh Hùng - Hiệu phó trường ĐH Vinh, thừa nhận học phí đào tạo của hệ này là huy động ở người học nên cao hơn những TS khác từ 1,5-2 lần, dù được xếp học chung lớp. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết: “ĐH Vinh không có chủ trương và không hề biết việc các đơn vị gửi đào tạo thu tiền phí (15 triệu đồng) của TS?!”.

 

Tình trạng liên kết để ĐTTĐCSD cũng rất tréo ngoe. Có trường từ đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại liên kết đào tạo nhân lực cho Hà Nội. Ví dụ: ĐH Trà Vinh (thuộc tỉnh Trà Vinh) nhưng lại thông báo xét tuyển ĐTTĐCSD cho Công ty viễn thông và công nghệ miền Bắc, hoặc với trường Trung cấp Công thương Hà Nội. Tại nơi nhận hồ sơ tuyển sinh ĐTTĐCSD của ĐH Trà Vinh (thuê tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội, đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm), một người phụ nữ tự xưng là cán bộ tuyển sinh cho biết TS trúng tuyển vào trường sẽ học ngay tại Trung tâm đào tạo vận động viên cao cấp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng chính quy của ĐH Trà Vinh nhưng không phải cứ xét tuyển hệ này là được vào làm ở công ty! Ông Liêu Thanh Tâm - Phó phòng Đào tạo của trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Đây là hệ đào tạo do Trung tâm hợp tác đào tạo của trường thực hiện!”. Tuy nhiên, ông Tâm đã từ chối xác nhận các thông tin nêu trên với lý do: “Phòng đào tạo không được trường giao quản lý hệ đào tạo này”!

 

KHÁNH HOAN - VŨ THƠ - LÊ QUÂN

 

Vũ Thơ - Lâm An - Lê Quân

23/09/2011 – thanhnien.com.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang