Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 - Nhiều trường “xé rào”
07/05/2012
Ngành mỹ thuật công nghiệp, thiết kế nội thất, phát triển nông thôn tuyển khối C, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán tuyển khối B, học sinh tại 62 huyện nghèo phải đạt 3 năm liền loại giỏi mới được xét tuyển thẳng, vẫn áp dụng điểm b, c Điều 33… là những phương thức tuyển sinh khó hiểu, thậm chí mang tính lách luật được nhiều trường thông tin đến thí sinh qua website, tờ rơi quảng cáo của các trường.
Ngành học một đằng - khối thi một nẻo
Tuyển sinh theo phương thức 3 chung bị ràng buộc bởi các khối thi truyền thống A, B, C, D (với những trường không có ngành năng khiếu, nghệ thuật) là một sự gò bó và chưa tối ưu. Tuy nhiên, khi chưa có phương thức thay thế (ít nhất là từ nay đến năm 2015) thì các trường vẫn phải chọn người học theo từng khối thi cho phù hợp với ngành nghề, chương trình đào tạo. Thế nhưng, hiện nay khá nhiều trường bất chấp tính phản khoa học giữa khối thi và nội dung chương trình đào tạo để tuyển luôn những khối thi hoàn toàn xa lạ với ngành học.
Theo thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (TPHCM), hội đồng tuyển sinh của trường thông báo ngành thiết kế công nghiệp (mỹ thuật công nghiệp) cả hệ ĐH lẫn CĐ đều tuyển khối C cùng với các khối A, V, H, A1.
Trong khi đó, Trường CĐ Bách Việt (TPHCM) lại xuất hiện một loạt ngành ôm luôn cả các khối xa lạ như ngành thiết kế nội thất tuyển khối C, thiết kế thời trang tuyển khối A, A1, D1. Trong khi đó, theo các chuyên gia, sinh viên theo học hai ngành này cần phải có năng khiếu về vẽ. Nếu không có năng khiếu về vẽ, không chỉ sinh viên sẽ khó khăn trong việc học chứ đừng nói đến chuyện ra trường.
Ngoài những ngành trên, khối C tiếp tục được các trường vận dụng để tuyển vào ngành phát triển nông thôn (Trường ĐH Nông Lâm Huế), ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hạ Long (Quảng Ninh)…
Trong khi đó, trên website của Trường ĐH Bình Dương thông báo tuyển thí sinh thi khối B (cả hệ ĐH và CĐ) cho ngành quản trị kinh doanh. Tương tự, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) tuyển sinh khối B cho 4 ngành hệ ĐH gồm quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, đồng thời ở hệ CĐ các ngành như kế toán, quản trị khách sạn, tài chính - ngân hàng cũng được trường thông báo tuyển khối B.
Nhiều chiêu lách luật
Trước việc các trường thi nhau vận dụng Điều 33 (tăng điểm ưu tiên khi xác định điểm trúng tuyển) để thu hút thí sinh, năm nay Bộ GD-ĐT đã bỏ việc vận dụng điểm b, c của Điều 33. Thế nhưng hiện nay trên tờ rơi quảng cáo tuyển sinh nhiều trường vẫn còn áp dụng điểm b, c để chiêu mộ thí sinh.
Trên tờ rơi quảng cáo tuyển sinh của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ở mục cơ hội trúng tuyển, đơn vị này in hẳn dòng chữ “Do đào tạo nhân lực cho địa phương nên Trường ĐH Lạc Hồng là một trong những trường được áp dụng Điều 33 quy chế tuyển sinh”. Càng bất ngờ hơn, Trường ĐH Bình Dương lại làm nổi và lôi kéo thí sinh bằng dòng chữ to tướng “được nhân đôi điểm ưu tiên”. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đã khẳng định mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 bộ không cho bất kỳ trường nào áp dụng điểm b, c của Điều 33.
Cùng với việc bỏ điểm b, c của Điều 33, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định về chính sách ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH (phải học 1 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học chính thức) đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh tại 62 huyện nghèo (theo quy định của Chính phủ).
Theo quy định này, thí sinh chỉ cần hội đủ 2 điều kiện đó là có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên, tốt nghiệp THPT tại các trường THPT ở 62 huyện nghèo thì phải được xét tuyển vào đại học ở những ngành mà thí sinh có nguyện vọng học. Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt trường lại không muốn tiếp nhận số thí sinh này và lách quy định trên bằng cách đưa ra quy định cao ngất ngưởng mà ngay cả thí sinh học tại các trường TPHCM cũng không thể đạt tới.
Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương đưa ra quy định thí sinh tại 62 huyện trên phải đạt: xếp loại học lực giỏi 3 năm liền và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Chỉ tiêu xét tuyển không quá 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm 2012. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM quy định xét tuyển vào hệ ĐH với điều kiện 4 giỏi, đồng thời hệ CĐ chỉ xét tuyển thí sinh với điều kiện đạt 4 khá: 3 năm liền có học lực khá và tốt nghiệp THPT loại khá.
Cùng với hai trường này, hiện nay rất nhiều trường cũng đưa ra quy định tương tự nhằm từ chối xét tuyển đối với những thí sinh thuộc 62 huyện nghèo.
Trao đổi về quy định này, một chuyên gia đào tạo của một trường ĐH tại TPHCM cho rằng: Việc xét tuyển đối với thí sinh thuộc 62 huyện nghèo gần như là bắt buộc vì đây là thực hiện theo chủ trương chung của nhà nước. Do đó, các trường không nên đưa ra những quy định để chặn đường thí sinh như thế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng phải có hướng dẫn cụ thể hơn về chương trình đào tạo, cách đánh giá, chỉ tiêu xét tuyển để các trường khỏi lúng túng.
THANH HÙNG
Nguồn: sggp.org.vn