Xét tuyển trong nội bộ trường ĐH: Không công bằng
02/05/2012
Rất nhiều trường ĐH thông báo tự xét trúng tuyển thí sinh (TS) sang ngành khác nếu không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi.
Trong một kỳ thi “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) thì cách làm tắt này đang đánh mất sự công bằng. Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng: “Nếu Bộ đồng ý cách triển khai này thì nên thông báo để các trường khác cùng làm. Nếu chỉ một số trường làm tắt kiểu này thì rõ ràng không công bằng với các trường khác trong một kỳ tuyển sinh chung”.
Nhiều trường tham gia
Đi đầu cho cách làm này là ĐH Quốc gia TP.HCM. Hơn 10 năm trước, Trường ĐH Bách khoa đã triển khai tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1B. Theo đó, nếu TS dự thi vào trường không trúng tuyển ngành đăng ký dự thi NV1, trường có quyền chủ động chuyển sang một ngành khác. Việc xét tuyển NV1B được thực hiện cùng thời điểm xét NV1 cho những ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trường sẽ thông báo cụ thể cách xét NV1B cùng với thời điểm phát giấy báo dự thi đến từng TS. TS sẽ được đăng ký thêm NV1B vào ngày đăng ký dự thi. Khi có kết quả trúng tuyển, nếu TS không đủ điểm vào NV1 mà đồng ý vào NV1B, trường sẽ cấp giấy báo trúng tuyển, nếu không đồng ý vào NV1B, trường sẽ cấp phiếu báo điểm để TS có thể tham gia xét tuyển NV2 như bình thường.
Tiếp đó, năm 2010 lại có thêm 2 trường ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Công nghệ thông tin áp dụng, năm 2011 lần lượt các trường khác. Năm 2012 ĐHQG TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng hình thức này giữa các trường thành viên. TS dự thi vào ĐH này, nếu không trúng tuyển NV1 có thể được xét trúng tuyển vào các ngành còn lại ở các trường thành viên trong cùng hệ thống nếu còn chỉ tiêu, cùng khối thi thông qua NV1C. Với cách làm “lọt sàng còn nia”, TS dự thi vào ĐHQG có cơ hội trúng tuyển rất cao.
Không gọi là NV1B hay NV1C nhưng TS cũng có cơ hội tương tự khi dự thi vào ĐHQG Hà Nội. Các trường thành viên đều cho biết TS không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi sẽ được chuyển vào ngành học khác của trường nếu còn chỉ tiêu.
Năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng thông báo sẽ chuyển TS vào ngành khác còn chỉ tiêu nếu TS đó không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường nói: “Ngày làm thủ tục dự thi, TS dự thi vào trường sẽ được phát mẫu đăng ký thêm cơ hội xét tuyển vào một số ngành khác nếu sau này không trúng tuyển ngành đã dự thi”.
Có lợi cho trường
Giải thích về cách mở rộng NV1B, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nói: “Cách làm này không chỉ đáp ứng NV của TS mà còn giúp các trường chủ động hơn trong xét tuyển. Liên thông trong hệ thống giúp gia tăng tỷ lệ thực tuyển với những ngành khó tuyển và đảm bảo chỉ tiêu cho các trường”.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn thì cho rằng: “Cách làm này của trường không vi phạm vào quy chế tuyển sinh chung, do nhà trường đã công bố ngay từ đầu cho TS lựa chọn. Hơn nữa, TS được tạo thêm cơ hội để trúng tuyển vào trường, vì bản thân các em khi đăng ký đều mong muốn được học tại trường”. Thạc sĩ Tuấn nói thêm: “Thực ra, trước đó đã rất nhiều trường triển khai cách làm này và không chỉ trong nội bộ trường mà còn mở rộng ra toàn hệ thống, như ĐHQG TP.HCM. Năm nay Bộ lại không bắt buộc điểm xét tuyển lần sau phải cao hơn lần trước, chứng tỏ Bộ đang tạo điều kiện cho các trường trong việc xét tuyển. Trong rất nhiều cách làm, thì trường chọn cách này để đạt hiệu quả cao nhất. Bởi lẽ, như mọi năm, trong số hơn 30.000 TS dự thi vào trường chỉ có khoảng 3.000 TS trúng tuyển, trong khi vẫn có những ngành chưa tuyển đủ”.
Trong khi đó, cán bộ một trường thành viên ĐHQG TP.HCM có ý kiến: “Phải thừa nhận là cách xét tuyển NV1B, NV1C có tắt so với quy định “ba chung”. Bởi lẽ, cách xét tuyển đó không nằm trong các đợt xét tuyển theo quy định của Bộ mà do trường tự đặt ra”.
Cần sát thực tế
“Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án “ba chung” hiện hành chưa có điều nào cho phép các trường thực hiện quy trình riêng trong việc xét trúng tuyển các TS đã đăng ký dự thi nhưng không trúng tuyển ngành dự thi vào các ngành khác còn chỉ tiêu (các trường hay gọi là NV1B, 1C hoặc không gọi tên). Như vậy, nếu xét về quy chế thì các trường chưa đúng khi làm vậy.
Tuy nhiên, xét về thực tế thì các trường và bản thân TS đều có nhu cầu như trên. Phía các trường, đặc biệt là các trường tốp giữa và tốp dưới, rõ ràng đều có nhu cầu tuyển đủ chỉ tiêu. Và việc ưu tiên xét trúng tuyển các TS đã dự thi vào trường mình bằng những NV sau NV1 sẽ chủ động hơn. Xét về bản thân TS, khi được ưu tiên cũng có nhiều cơ hội hơn để trúng tuyển vào trường mình đã đăng ký dự thi.
Do vậy, thiết nghĩ trước nhu cầu thực tế và có thực của các trường cũng như bản thân TS, Bộ cũng nên xem xét để thêm những quy định cụ thể vào quy chế tuyển sinh cho phép các trường được chủ động hơn trong việc xét tuyển. Một khi đã có quy định cụ thể, các trường căn cứ vào đó thực hiện, sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các trường”.
Thạc sĩ CỔ TẤN ANH VŨ
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
|
Không đúng với quy định tuyển sinh
Trao đổi với Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Việc các trường tự động xét tuyển TS không trúng tuyển ngành đăng ký dự thi vào các ngành khác mà không theo cách thức xét tuyển chung là không đúng với quy định tuyển sinh của Bộ.
Cách làm này rõ ràng tạo sự không công bằng giữa TS dự thi và không dự thi vào trường đó. Một khi TS không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi thì tất cả các TS đều có cơ hội xét tuyển như nhau”.
Ông Ga cũng khẳng định: “Hiện Bộ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của các trường về cách triển khai này. Nếu thực tế có trường hợp đó xảy ra, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải làm đúng quy chế, với các TS không trúng tuyển NV1 phải xét tuyển NV theo quy định. Các trường này có vùng tuyển toàn quốc thì không thể chỉ xét tuyển TS dự thi vào trường mình, không có lý do gì chỉ ưu tiên cho TS dự thi vào trường mà không xét các TS khác”.
|
Hà Ánh
Nguồn: thanhnien.com.vn