Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Từ chối nhận hồ sơ ĐKDT của HS trường quốc tế là sai quy định

22/04/2012

 

Hiện nay, có một số trường đại học từ chối nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam. Ông Ngô Kim Khôi -Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định việc này là sai quy định.

 

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc từ chối nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh là học sinh đã tốt nghiệp THPT từ các trường quốc tế tại Việt Nam là sai quy định.

 

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận, có giá trị pháp lý để làm căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

 

Mặt khác, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội hoặc hoàn cảnh kinh tế, nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ như đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, …”

 

Như vậy, thí sinh là học sinh đã học và tốt nghiệp THPT tại các trường quốc tế hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh, văn bằng tốt nghiệp đã được sở giáo dục và đào tạo công nhận, thì hồ sơ đăng ký dự thi là hợp lệ, các trường có trách nhiệm nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, không được từ chối vì bất kỳ lý do nào.

 

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi có phải nộp bằng tốt nghiệp THPT không, thưa ông?

 

Theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2. Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường).

 

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có). Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.

 

Như vậy, trường nào yêu cầu thí sinh phải nộp bằng tốt nghiệp THPT (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, công nhận văn bằng) khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi là trái quy định.

 

Xin ông cho biết, Bộ GD-ĐT đã có văn bản nào quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp?

 

Ngày 20/12/2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành Quyết định số 77 về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

 

Văn bản này quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được áp dụng đối với bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

 

Cơ sở giáo dục nước ngoài quy định tại quyết định là những cơ sở nào? Và văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp nào?

 

Các cơ sở nước ngoài gồm các cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và các cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài.

 

Văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;

 

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.

 

Bên cạnh đó, văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài màcácchương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.

 

Văn bằng sau khi được công nhận có giá trị thế nào, thưa ông?

 

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sau khi được công nhận sẽ là căn cứ xác nhận về trình độ đào tạo của người có văn bằng để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam.

 

Văn bản công nhận văn bằng có giá trị pháp lý để người có văn bằng sử dụng văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Để được công nhận văn bằng, người học cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì?

 

Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, bao gồm: Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; Một (01) bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực; Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

 

Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

 

Ngoài ra, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập...

 

Trường họp, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhận và thẩm quyền công nhận, nói riêng đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông sẽ thế nào thưa ông?

 

Nếu văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận, thì trình tự, thủ tục để được công nhận văn bằng đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông nói riêng được quy định: Người có văn bằng, người đại diện theo pháp luật của người có văn bằng hoặc người được ủy quyền, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải gửi 2 bộ hồ sơ tới sở giáo dục và đào tạo;

 

Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sở giáo dục và đào tạo cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ; nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.

 

Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị. Giám đốc Sở GD-ĐT công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông. Trong trường hợp văn bằng không được công nhận, Sở GD-ĐT phải trả lời bằng văn bản cho người đề nghị.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh (ghi)

Nguồn: dantri.com.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]