Sẽ không đặt điểm 'sàn', không giới hạn số lượng nguyện vọng của thí sinh, đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.
Trên đây là những nội dung được thể hiện trong dự thảo Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT công bố hôm nay (16.12) để lấy ý kiến dư luận.
Đăng ký trước thi, được thay đổi nguyện vọng sau
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh (TS) được đăng ký nguyện vọng (NV) theo mong muốn, không giới hạn số NV cũng như số trường. Vì thế, TS sẽ trúng tuyển vào ngành yêu thích nhiều hơn. Ví dụ: TS có thể đăng ký ngành A nào đó vào nhiều trường có ngành này nhưng có mức điểm trúng tuyển khác nhau để khi không trúng tuyển trường điểm cao thì có thể trúng tuyển trường có điểm thấp hơn.
|
|
“Cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Vì thế, năm nay thí sinh sẽ trúng tuyển vào ngành yêu thích nhiều hơn”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
|
|
|
Việc đăng ký tuyển sinh được thực hiện từ khá sớm, ngay khi TS làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi, TS được phép thay đổi NV (trong một khoảng thời gian do Bộ quy định). “Quy định như vậy một mặt giúp việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp gáp và mặt khác giúp cho TS có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn NV phù hợp. Việc điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số TS đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi. Như vậy, TS vẫn quyết định đăng ký NV xét tuyển của mình sau khi có kết quả thi. Nhờ phương thức điều chỉnh trực tuyến nên TS không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường”, ông Ga giải thích.
Tuy được đăng ký nhiều NV nhưng TS phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (NV1 là NV cao nhất). Trong đợt 1, đối với các trường, ngành TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký. Đối với mỗi TS, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các NV. TS chỉ trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký. “Ví dụ ngành A lấy điểm chuẩn 20 thì tất cả những TS đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên dù đăng ký bất kỳ NV nào cũng được xếp vào danh sách trúng tuyển. Tuy nhiên, khi TS đã trúng tuyển NV3 vào trường X, NV5 vào trường Y, NV6 vào trường Z thì chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X, có NV cao nhất trong số các NV đã trúng tuyển”, ông Ga cho biết.
|
|
Quy chế mới áp dụng cho cả khối trường công an, quân đội
Phạm vi điều chỉnh của quy chế tuyển sinh bao gồm tất cả các trường ĐH, CĐ sư phạm có liên quan tới hoạt động tuyển sinh, dù các đơn vị này có sử dụng hay không kết quả thi THPT. Như vậy, tất cả các trường đào tạo trình độ ĐH của các ngành công an, quân đội cũng phải tuân thủ các quy định của quy chế khi quy chế được chính thức ban hành. Theo đó, tất cả dữ liệu tuyển sinh của các trường ĐH công an, quân đội cũng sẽ được đưa lên cổng thông tin tuyển sinh chung. TS dù có NV vào trường công an, quân đội nhưng lại đặt ở vị trí ưu tiên thấp, trong khi đã trúng tuyển ở trường khác mà TS đặt NV ở vị trí ưu tiên cao, thì TS sẽ không còn được xem xét để tuyển sinh vào các trường công an, quân đội nữa.
|
|
|
Sau đợt 1, nếu trường nào còn thiếu chỉ tiêu thì sẽ xét tuyển trong các đợt tuyển bổ sung. Trong các đợt bổ sung, các trường được tự chủ hoàn toàn, chẳng hạn như có thể xét tuyển bổ sung một lần hay nhiều lần, nhưng Bộ sẽ đưa ra nguyên tắc là điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Đảm bảo nguyên tắc tự chủ cho các trường
Để giúp cho các trường loại bỏ những NV thấp của TS trúng tuyển vào nhiều trường, Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh. Cổng này giúp các trường thực hiện động tác thống kê NV của TS để lọc ra danh sách TS trúng tuyển chính thức.
Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách TS trúng tuyển chính thức.
Trước băn khoăn thực hiện quy trình tuyển sinh như vậy có ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường không, ông Ga khẳng định: “Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách TS trúng tuyển. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh, 2 việc này hoàn toàn do các trường quyết định.
Điểm sàn không còn phù hợp
Một điểm quan trọng của dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay là Bộ bỏ hoàn toàn điểm “sàn” (năm ngoái bắt đầu bỏ ở trình độ CĐ). Theo ông Ga, căn cứ để bỏ điểm “sàn” là quyền tự chủ của các trường. Theo đó, tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín... mà điều kiện đầu vào do các trường quy định cũng sẽ rất khác nhau.
“Việc quy định một ngưỡng đầu vào (điểm sàn) chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Vì thế dự thảo quy chế năm nay chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là TS tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường”, ông Ga nói.
Trước lo ngại việc không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển, ông Ga phân tích: “Hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế các trường cũng không tuyển được nhiều TS theo phương thức này. Năm 2016 mặc dù Bộ có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 TS trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy TS có sự tính toán, lựa chọn trường. Do đó các trường sẽ tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín của trường”.
Ý kiến
Cân nhắc việc không giới hạn NV
Việc cho phép TS đăng ký xét tuyển một lần tất cả NV trước khi dự thi là một cách làm hay, có thể xem là ưu điểm của dự thảo năm nay. Bởi thực tế các năm, TS và bản thân các trường khá vất vả trong quá trình thu nhận, nộp và rút hồ sơ giữa các đợt và trong mỗi đợt xét tuyển.
Tuy nhiên, có thể cân nhắc thêm việc không giới hạn số lượng NV đăng ký. Bởi khi không giới hạn có thể một bộ phận TS “rải” hồ sơ để bằng mọi giá đỗ ĐH mà không biết đó là trường nào. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng TS nhập học ảo.
Tiến sĩ Lê Chí Thông
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Vẫn lo ngại TS trúng tuyển ảo
Theo dự thảo này thì các trường được quyền quyết định việc tham gia vào cổng thông tin tuyển sinh (phần mềm xét tuyển chung của Bộ). Như vậy, với những trường thực hiện xét tuyển bằng đề án tuyển sinh riêng (xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực) có thể vẫn không tham gia vào hệ thống dữ liệu này như cách làm các năm. Vậy làm sao có thể khống chế được tình trạng TS ảo, đảm bảo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu dù có tham gia vào hệ thống xét tuyển này?
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ
(Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Phải có chuẩn tối thiểu vào ĐH
Tình trạng sinh viên thất nghiệp những năm gần đây một phần là do đầu vào ĐH thấp ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đầu ra ở một số trường. Tôi cho rằng cần phải quy định chuẩn tối thiểu với đầu vào ĐH chứ không nên để các trường tự xác định. Đó là chưa nói, việc “thả cửa” đầu vào ĐH như dự thảo sẽ càng đẩy các trường CĐ và TC khó khăn hơn trong tuyển sinh.
Bên cạnh đó, việc cho phép TS đăng ký không giới hạn NV có thể xảy ra tình trạng quá tải phần mềm đăng ký. Trong khi đó, thực tế các năm cho thấy hầu hết TS chỉ sử dụng 3 - 4 NV. Vì vậy, việc cho phép không giới hạn số NV là không cần thiết.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
|
Quý Hiên
(thanhnien.vn – 16/12/2016)