Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Sáng tạo: Thí sinh tự ra đề thi

Kiểu đề thi để thí sinh tự ra đề cho mình, tự hoàn thành bài làm... được coi là đề thi lạ được nhiều thí sinh ủng hộ. Theo các chuyên gia, với thói quen "học gì thi nấy" như hiện nay, cách ra đề thi được coi là chìa khóa để kích thích hoặc ngược lại sẽ kìm hãm sự sáng tạo của học sinh.

 

Sáng tạo

 

Ngày 23/10/2011, trong kỳ thi tuyển sinh hệ liên thông cao đẳng lên đại học của Học viện Tài chính, nhiều thí sinh khá ngỡ ngàng với kiểu ra đề thi hoàn toàn mới này: Thí sinh tự ra đề bài và tự làm. Trong kết cấu đề thi này, câu 3 (5,5 điểm) có ra: "Tự cho số dư đầu kỳ các tài khoản kế toán của một doanh nghiệp thương mại. Nêu các nghiệp vụ kinh tế tài chính khác nhau phát sinh trong kỳ có liên quan đến quá trình mua và bán hai loại hàng hóa?". Theo đó, thí sinh có thể tự ra bài tập và tự giải theo cách của mình.

 

Em Nguyễn Thị Kiều Oanh, thí sinh tham dự kỳ thi cho biết: Em chưa bao giờ tiếp xúc với kiểu ra đề như thế này. Vì đã làm nhiều bài tập rồi nên bọn em đứa nào cũng tự ra đề để tự mình làm được. Nhưng không biết là các thầy cô sẽ chấm bài thế nào nếu ai cũng làm đúng hết đề của mình ra. Còn để xác định độ khó hay dễ của các đề tự ra này thì lại không có tiêu chí chung. Em thích kiểu ra đề sáng tạo như thế này nhưng cũng lo không biết kết quả thế nào.

 

"Nếu ra một đề thi phân tích một bài thơ, chắc chắn sẽ có nhiều em trượt vì học nhiều mà lại quên mất bài thơ đó. Nhưng nếu ra đề "em hãy phân tích một bài thơ mà em thích" thì chắc chắn sẽ có nhiều em có thể sáng tạo được. Ở các môn tự nhiên có thể kết hợp giữa lý thuyết và bài tập để ra đề như thế này. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng để tránh tình trạng học tủ của thí sinh", thầy Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài Chính cho biết.

 

Đề áp đặt, học khiên cưỡng

 

Thầy Phạm Sỹ Cường, tổ trưởng tổ Văn, khối Chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Nhìn lại những đề thi đại học trong mấy năm qua, không ít đề thi mang tính khiên cưỡng, áp đặt đối với thí sinh.

 

Một ví dụ điển hình nhất là đề thi tuyển sinh đại học năm 2010, khối C, câu IIIb (5 điểm): "Anh/chị hãy phân tích những nét đẹp trong nhân cách của nhân vật bà Hiền (Một người Hà Nội - Nguyễn Khải) để làm rõ lời bình luận của người kể chuyện. Đây là kiểu đề mang tính áp đặt nặng nề đối với học sinh. Phân tích ra thì rõ ràng, nhân cách nhân vật văn học có "đẹp" và "xấu".

 

Ấn tượng, nhận xét của người đọc về nhân vật bao giờ cũng là một cái nhìn khái quát, cả về điểm mạnh và điểm yếu, xấu và tốt. Tại sao chỉ yêu cầu phân tích những nét đẹp thôi? Kiểu đề này trói buộc sự sáng tạo của thí sinh. Nhân vật bà Hiền có phải là người yêu nước? Có hay không trái tim nhân ái trong nhân vật? Tính giáo dục qua hình tượng nhân vật bà Hiền? Cái đó phải để cho mỗi học sinh cảm nhận.

 

"Tình trạng ra đề thi văn bất ổn, thiếu chính xác và đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề diễn ra nhiều năm nay. Cái này còn thể hiện ở những môn khác nữa. Điều này cho thấy một số cách nghĩ áp đặt không theo một nguyên tắc  nào đã và đang giết chết sự sáng tạo của học sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục đã nói về vấn đề này, nhưng dường như tất cả kỳ thi không thể tránh khỏi lối mòn có sẵn", thầy Phạm Sỹ Cường nhận định.

 

"Nếu cứ ra đề theo cách tư duy ấu trĩ thì học sinh cũng sẽ học thụ động, không thể sáng tạo và cũng sẽ tạo ra một thế hệ học sinh chỉ biết học như một cái máy mà không biết cảm thụ, không có sự thích thú. Nếu chỉ học những kiến thức hàn lâm, không quan tâm đến đào tạo tư duy, kỹ năng sống qua các bài học thì hiệu quả giáo dục sẽ rất thấp. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách học, cách ra đề để phát huy tính tích cực của học sinh".

GS Hồ Ngọc Đại


Tô Hội

31/10/2011 – bee,net.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang