Đìu hiu tuyển nguyện vọng 3
Dù đã qua sáu ngày xét tuyển nguyện vọng (NV) 3 nhưng số lượng hồ sơ nộp vào các trường ĐH rất thưa thớt. Nhiều ngành chỉ có một vài hồ sơ, thậm chí không ít ngành còn chưa có hồ sơ nào được nộp. Một số trường tính đến phương án vận động thí sinh chuyển sang ngành khác vì có quá ít thí sinh.
Đáng ngại nhất là Trường ĐH Đà Lạt. Trường này tuyển sinh 31 ngành đào tạo nhưng kết thúc NV1 và 2, có đến 22 ngành phải xét tuyển NV3 với tổng chỉ tiêu hơn 1.400, đến thời điểm này mới chỉ có 15 hồ sơ nộp vào. Hầu hết các ngành chỉ có một hồ sơ, ngành sinh học có hai hồ sơ, ngôn ngữ Anh có ba hồ sơ. Trong khi đó, có đến 10 ngành chưa có hồ sơ nào. Nhiều ngành có chỉ tiêu rất lớn như công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông (112), lịch sử (131), hóa học (80) nhưng vẫn chưa có hồ sơ, trong khi số lượng thí sinh trúng tuyển NV1 và 2 cũng rất ít.
Thưa thớt hồ sơ
Tuy có khá hơn nhưng số hồ sơ vào ĐH Huế cũng chỉ mới bằng khoảng 10% tổng chỉ tiêu NV3. ĐH này xét tuyển hơn 700 chỉ tiêu nhưng mới chỉ có 72 hồ sơ. Trong số này, ngành y học dự phòng chiếm đến khoảng 60% hồ sơ - 42 hồ sơ (chỉ tiêu 53). Với những ngành có hồ sơ nộp vào cũng chỉ có vài ba hồ sơ. Nhiều ngành như triết học, lịch sử, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y... có 45-90 chỉ tiêu/ngành nhưng mới chỉ có 1-3 hồ sơ/ngành.
Trong khi đó hàng loạt ngành có chỉ tiêu khá lớn nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hồ sơ nào đăng ký. Những ngành vắng hồ sơ tập trung vào nhóm ngành nông lâm, khoa học cơ bản và xã hội như Hán Nôm, song ngữ Nga - Anh, ngôn ngữ Pháp, công nghiệp và công trình nông thôn, khoa học nghề vườn, nông học, khoa học đất, toán học, vật lý, tin học, địa lý, xã hội học, ngôn ngữ học, Đông phương học... Các ngành liên kết đào tạo với Trường ĐH Phú Yên, An Giang cũng “trắng” hồ sơ xét tuyển NV3.
Tình hình cũng khá bi đát đối với các trường tại khu vực phía Nam. Để mở rộng nguồn tuyển NV3 đối với ngành hệ thống thông tin quản lý, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã gỡ bỏ giới hạn chỉ tuyển “thí sinh dự thi Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và từ các ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, hệ thống thông tin quản lý các trường khác”, tuyển tất cả thí sinh dự thi khối A nhưng đến thời điểm này cũng chỉ có năm hồ sơ/65 chỉ tiêu.
NV2 ngành này có đúng một thí sinh nộp hồ sơ. Tương tự Trường ĐH Đồng Tháp mới chỉ có khoảng 50 hồ sơ, Trường ĐH An Giang cũng chỉ lèo tèo vài hồ sơ. Trường ĐH Văn hóa TP.HCM xét 342 chỉ tiêu bậc ĐH nhưng mới chỉ có 33 hồ sơ.
Trong khi đó, ở khối trường ngoài công lập, tình hình cũng không khả quan hơn. Trường ĐH Hùng Vương xét tuyển 900 chỉ tiêu nhưng mới chỉ có 205 hồ sơ, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ có khoảng 300 hồ sơ dù chỉ tiêu lên đến gần 1.000, Trường ĐH Văn Hiến có 700 chỉ tiêu ĐH nhưng mới chỉ có 86 hồ sơ.
Bà Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - cho biết so với năm 2010, lượng hồ sơ xét tuyển NV3 ít hơn hẳn. Hồ sơ tập trung vào nhóm ngành kinh tế, trong khi ngành xây dựng mới chỉ có 1 hồ sơ, công nghệ thông tin 2, tiếng Nhật 3 hồ sơ.
Cạn nguồn tuyển
Kết thúc NV2, nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nhưng vẫn quyết định không xét tuyển NV3 bởi các trường cho rằng nguồn tuyển không còn. Trong khi đó, nhiều trường vẫn cố gắng tuyển NV3 trong tâm trạng được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - cho biết trường không hi vọng nhiều vào NV3, tuyển được thí sinh nào hay thí sinh đó bởi nguồn tuyển hầu như không còn. Chỉ hi vọng hồ sơ đến trong một hai ngày nữa chứ không mong đợi gì đến khi kết thúc thời gian xét tuyển.
Tương tự, ông Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm cho thấy NV3 chỉ có thể tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu cần tuyển, do đó không hi vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu bằng NV3.
Mặt bằng điểm thi của thí sinh khá thấp nên bậc CĐ tuyển rất thoải mái do nguồn tuyển rộng, trong khi số thí sinh đạt điểm sàn bậc ĐH ít hơn rất nhiều, ngay cả NV2 cũng có rất ít hồ sơ. Ông Quảng cũng nhấn mạnh đến yếu tố trường địa phương khi cho biết nhiều thí sinh không chọn trường địa phương mà chọn học các trường ĐH tại các thành phố lớn bởi cơ hội cọ xát thực tế, học được nhiều kinh nghiệm hơn và cơ hội việc làm cũng tốt hơn.
Một cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM cho biết hầu hết hồ sơ xét tuyển bậc ĐH tập trung vào nhóm ngành kinh tế và du lịch, trong khi các ngành khối xã hội trắng hồ sơ. Cán bộ này cho biết nhiều khả năng trường sẽ không mở được các ngành xã hội trong năm nay.
Tương tự, TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng ban khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐH Huế - cho biết tuy sẽ tuyển đủ chỉ tiêu tổng nhưng nhiều ngành lại có rất ít thí sinh như Hán Nôm, một số ngành nông nghiệp. Kết thúc NV3, nếu hồ sơ quá ít có thể sẽ phải vận động thí sinh chuyển sang ngành cùng khối, nhóm ngành và điểm chuẩn hoặc đào tạo chung phần cơ sở với các ngành khác.
Tính toán chưa thực tế
Phó trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng cách tính toán để xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT chưa đúng thực tế, không tính đến số ảo trong tổng thí sinh dự thi dẫn đến nguồn tuyển bị thu hẹp. Theo thống kê của ông, có đến 300.000 thí sinh dự thi hai khối trong kỳ tuyển sinh năm nay. Như vậy chưa kể số thí sinh đã trúng tuyển, số thí sinh tham gia xét tuyển các nguyện vọng còn lại trong thực tế cũng sẽ ít hơn rất nhiều.
|
MINH GIẢNG
27/09/2011 – tuoitre.vn