Ngành Hộ sinh
Ngành đào tạo: HỘ SINH
Trình độ đào tạo: Cao đẳng
Thời gian đào tạo: 3 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung
Đào tạo người hộ sinh trình độ cao đẳng có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề Hộ sinh ở trình độ cao đẳng, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình Hộ sinh cao đẳng nhằm đào tạo người Hộ sinh có khả năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ an toàn và hiệu quả cho phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi. Được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tâm huyết với nghề nghiệp, thực hành nghề nghiệp trong khuôn khổ quy định của luật pháp và các chính sách của Nhà nước, người Hộ sinh sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em một cách toàn diện về thể chất, tâm, sinh lý và xã hội. Đồng thời, người Hộ sinh luôn có ý thức học hỏi, chủ động phát triển nghề nghiệp cho bản thân mình, đảm bảo thực hành chuyên môn an toàn, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể
a) Kiến thức:
- Có kiến thức về cấu trúc và chức năng cơ thể con người, đặc biệt là về hệ thống sinh sản trong trạng thái bình thường và bệnh lý, những thay đổi về giải phẫu sinh lý của người phụ nữ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời và trẻ em dưới 5 tuổi.
- Có kiến thức về khoa học xã hội để chăm sóc bà mẹ và trẻ em phù hợp về văn hoá, xã hội và tâm sinh lý.
b) Kỹ năng:
- Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, hợp tác với các nhân viên y tế khác, với bà mẹ, trẻ em và gia đình của họ trong quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
- Có kỹ năng đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, thông qua việc sử dụng các kỹ năng giải quyết vấn đề, tiếp cận hệ thống và tư duy tích cực khi thực hành nghề nghiệp, để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ và cuộc sống của phụ nữ và trẻ em.
- Thực hành dựa trên bằng chứng sẵn có tốt nhất, áp dụng các kiến thức và kỹ năng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, sử dụng các nguồn lực sẵn có để đảm bảo sự chăm sóc bà mẹ và trẻ em an toàn, hiệu quả, phù hợp với những quy định về năng lực và chức năng, nhiệm vụ của hộ sinh theo quy định của Bộ Y tế.
c) Thái độ:
- Tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, chăm sóc bà mẹ, trẻ em nói riêng.
- Có tinh thần tôn trọng, hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp, bà mẹ, trẻ em và gia đình họ trong quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
- Trung thực, khách quan, luôn cố gắng học tập vươn lên để nâng cao trình độ chuyên môn.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
DANH MỤC CÁC HỌC PHẦN BẮT BUỘC
Kiến thức giáo dục đại cương
|
1
|
Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin
|
7
|
Sinh học và Di truyền
|
2
|
Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
|
8
|
Hóa học
|
3
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh
|
9
|
Vật lý đại cương và Lý sinh
|
4
|
Ngoại ngữ (Anh văn) I, II
|
10
|
Giáo dục thể chất
|
5
|
Tin học
|
11
|
Giáo dục Quốc phòng
|
6
|
Xác suất, Thống kê y học
|
|
|
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
|
Kiến thức cơ sở khối ngành và ngành
|
12
|
Vi sinh – Ký sinh trùng
|
20
|
Dinh dưỡng - Tiết chế
|
13
|
Giải phẫu – Sinh lý
|
21
|
Sức khỏe và hành vi con người
|
15
|
Sinh lý bệnh
|
22
|
Pháp luật - Tổ chức y tế
|
16
|
Hoá sinh
|
23
|
Y đức
|
17
|
Dược lý
|
24
|
Điều dưỡng cơ bản - Cấp cứu ban đầu
|
18
|
Dịch tễ và các bệnh truyền nhiễm
|
25
|
Giao tiếp, giáo dục sức khoẻ
|
19
|
Sức khoẻ - Môi trường và vệ sinh
|
26
|
Khống chế nhiễm khuẩn
|
Kiến thức ngành và chuyên ngành
|
27
|
Giải phẫu - Sinh lý chuyên ngành
|
34
|
Chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi
|
28
|
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và nam học
|
35
|
Chăm sóc Hộ sinh nâng cao
|
29
|
Chăm sóc thai nghén
|
36
|
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cộng đồng
|
30
|
Chăm sóc chuyển dạ và đẻ thường
|
37
|
Dân số - Kế hoạch hoá gia đình
|
31
|
Chăm sóc chuyển dạ và đẻ khó
|
38
|
Quản lý Hộ sinh
|
32
|
Chăm sóc sau đẻ
|
39
|
Thực hành nghiên cứu khoa học
|
33
|
Chăm sóc sơ sinh
|
40
|
Thực tế ngành
|
TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC HỌC PHẦN BẮT BUỘC (Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp):
Vi sinh – Ký sinh trùng
Học phần cung cấp những kiến thức về đặc điểm vi sinh vật học cơ bản: hình thể, bắt màu, nuôi cấy, gây bệnh, miễn dịch. Mối tương tác giữa vi sinh - cơ thể con người, môi trường chi phối sự gây bệnh, chẩn đoán vi sinh. Thực hiện lấy bệnh phẩm, là tiêu bản trực tiếp và nhận định kết quả một số xét nghiệmvi sinh vật thông thường.
Học phần cung cấp những kiến thức về đặc điểm hình thể, sinh lý, sinh thái, ký sinh, cấu tạo cơ quan và chu kỳ của các loài ký sinh trùng gây bệnh và truyền bệnh hay gặp cho người Việt Nam. Đặc điểm bệnh học, đặc điểm dịch tễ học và tác hại do ký sinh trùng gây nên.
Giải phẫu – Sinh lý
Học phần cung cấp cho sinh viên hộ sinh cao đẳng các kiến thức cơ bản về đặc điểm giải phẫu của hệ thống các bộ phận và cơ quan trong cơ thể con người; liên hệ được trên cơ thể sống và áp dụng được những kiến thức về giải phẫu, mô học vào các học phần khác; quan sát được cấu trúc vi thể của mô và những bộ phận chủ yếu của cơ thể người bình thường qua kính hiển vi quang học. Cung cấp những kiến thức cơ bản về chức năng, hoạt động chức năng của các cơ quan, hệ thống các cơ quan trong mối liên hệ thống nhất giữa chúng với nhau và giữa cơ thể với môi trường. Vận dụng những kiến thức về sinh lý học vào việc học tập các học phần chuyên ngành. Quan sát hoạt động sinh lý của một số chức năng và cơ quan chủ yếu trên động vật thực nghiệm. Hình thành và rèn luyện tác phong nghiêm túc, thận trọng, chính xác, khoa học trong thực hành tại phòng thực tập.
Sinh lý bệnh
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về hệ thống các cơ quan và tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch, vai trò của hệ thống miễn dịch trong khả năng đề kháng phòng chống bệnh tật của cơ thể, những kiến thức cơ bản về cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch. Học phần còn cung cấp kiến thức cơ bản về quy luật hoạt động của các cơ quan, hệ thống cơ quan bị bệnh, các quá trình bệnh lý điển hình. Quan sát diễn biến của một số bệnh lý điển hình và cơ quan khi bị bệnh trên động vật thí nghiệm. Vận dụng kiến thức của học phần vào việc học tập các môn học chuyên ngành, chăm sóc người bệnh và nghiên cứu khoa học.
Hoá sinh
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về hoá sinh học bao gồm: các loại sinh chất chủ yếu của cơ thể sống và chuyển hoá của chúng ở tế bào, xúc tác sinh học, năng lượng sinh học và chuyển hoá năng lượng. Quan sát, thực hiện và hiểu được ý nghĩa của một số xét nghiệm cơ bản về hoá sinh lâm sàng. Vận dụng những kiến thức của học phần này vào việc nghiên cứu học tập các học phần chuyên ngành và nghiên cứu khoa học.
Dược lý
Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về hấp thụ, phân phối, chuyển hoá, thải trừ thuốc trong cơ thể người. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, cơ chế tác dụng và cách sử dụng các thuốc thông thường, đặc biệt các thuốc dùng trong sản khoa; nhận biết hình dạng, tính chất, tác dụng của một số thuốc cơ bản tại phòng thực tập; vận dụng những hiểu biết về thuốc vào việc sử dụng thuốc an toàn cho người bệnh; hình thành và rèn luyện thái độ nghiêm túc, thận trọng trong sử dụng thuốc khi chăm sóc người bệnh.
Dịch tễ và các bệnh truyền nhiễm
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về những nội dung và nguyên tắc chính của dịch tễ và ứng dụng được các nguyên tắc này trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Mô tả và phân tích dược tình trạng sức khoẻ của một cộng đồng dân cư, những yếu tố quyết định một hiện tượng sức khoẻ và tác động của những yếu tố đó trên một cộng đồng; nguyên tắc điều tra và kiểm soát một vụ dịch. Phân tích được đặc điểm dịch tễ của một số bệnh truyền nhiễm thường gặp trong cộng đồng. Vận dụng được một số thiết kế nghiên cứu dịch tễ học thường được sử dụng trong công tác chăm sóc sức khoẻ. Sử dụng được cách đánh giá tin cậy và giá trị của các xét nghiệm và vai trò của các xét nghiệm trong phát hiện bệnh sớm. Hình thành và rèn luyện được thái độ đúng đắn, khẩn trương nghiêm túc đối với công tác phòng chống dịch bệnh.
Sức khoẻ - Môi trường và vệ sinh
Học phần này cung cấp cho sinh viên kiến thức về các yếu tố môi trường và ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến sức khoẻ. Trên cơ sở đó sinh viên có thể phân tích được tác hại của yếu tố môi trường (môi trường sống và môi trường lao động) đối với con người và vận dụng những kiến thức đã học trong học phần này vào việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Dinh dưỡng - Tiết chế
Học phần này cung cấp cho sinh viên kiến thức khoa học cơ bản về dinh dưỡng cũng như giá trị của các chất dinh dưỡng, vai trò và nhu cầu các chất dinh dưỡng; xây dựng khẩu phần ăn, tiết chế dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi học xong học phần này sinh viên có khả năng áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em và cộng đồng.
Sức khoẻ và hành vi con người
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về phương pháp, nội dung, phương tiện các kỹ năng nâng cao sức khoẻ trong điều kiện thực hành của hộ sinh ngoài bệnh viện. Cung cấp các kiến thức cơ bản về tâm lý y học, hành vi con người, rèn luyện và nâng cao thái độ đúng trong khi giao tiếp với người bệnh, đồng nghiệp và cộng đồng.
Pháp luật - Tổ chức y tế
Học phần này cung cấp cho sinh viên nắm được lý luận và những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật; nội dung chính những quy định pháp luật về lĩnh vực y tế; xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế Việt Nam từ trung ương đến địa phương; hệ thống quản lý ngành hộ sinh, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống đó.
Y đức
Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức và nguyên tắc cơ bản về đạo đức trong thực hành nghề nghiệp, trách nhiệm của người cán bộ trong việc bảo vệ quyền của người bệnh khi chăm sóc họ; các bộ luật và quy định về đạo đức của nhân viên y tế nói chung và hộ sinh nói riêng, những khó khăn về đạo đức khi chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phản ứng đạo đức và vị trí của nó trong thực hành hộ sinh. Phân tích mối liên hệ giữa đạo đức với y đức và những đặc trưng của đạo đức người hộ sinh Việt Nam.
Điều dưỡng cơ bản - Cấp cứu ban đầu
Học phần giúp cho sinh viên xác định được vai trò, nhiệm vụ, chức năng của công tác điều dưỡng; lập kế hoạch chăm sóc người bệnh; thực hiện các qui trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh; khám các biểu hiện hoạt động sống của con người và tham gia quản lý buồng bệnh, xử lý và bảo quản dụng cụ thường dùng trong chăm sóc người bệnh. Thực hiện qui trình kỹ thuật của từng thủ thuật, kỹ thuật chăm sóc người bệnh; nhận biết, theo dõi và xử trí được các biến cố xảy ra trong và sau khi làm thủ thuật; thực hiện công việc trợ giúp thầy thuốc khám bệnh và làm thủ thuật; trình bày nguyên tắc, kỹ thuật sơ cứu, cách xử trí tình huống khi cấp cứu người bị nạn; thực hiện tốt các kỹ năng thực hành, chăm sóc người bệnh.
Giao tiếp, giáo dục sức khoẻ
Học phần nghiên cứu những cách thức tác động để thay đổi hành vi sức khoẻ của con người; cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về phương pháp, nội dung, phương tiện và kỹ năng giao tiếp, giáo dục sức khoẻ cũng như vai trò của người hộ sinh trong việc nâng cao sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; hướng dẫn cho sinh viên biết cách lựa chọn những phương pháp, phương tiện và kỹ năng truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó, người Hộ sinh có khả năng lựa chọn các giải pháp can thiệp bằng truyền thông trong những trường hợp cụ thể.
Khống chế nhiễm khuẩn
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn môi trường, cộng đồng; vai trò và kỹ năng cơ bản khống chế nhiễm khuẩn bệnh viện, môi trường và cộng đồng nhằm bảo vệ và cải tạo môi trường sống, môi trường làm việc, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ và đề phòng dịch bệnh.
Giải phẫu – Sinh lý chuyên ngành
Trên cơ sở học phần Giải phẫu – Sinh lý, học phần này cung cấp các kiến thức chuyên sâu về sự thay đổi của bộ phận sinh dục nữ và vai trò của nó trong quá trình mang thai, chuyển dạ, đẻ và thời kỳ sau đẻ. Từ đó sinh viên hộ sinh cao đẳng vận dụng kiến thức để tư vấn, thực hành hộ sinh hiệu quả và an toàn.
Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và nam học
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về sức khoẻ sinh sản bao gồm tuổi vị thành niên, tuổi sinh đẻ, tuổi mãn kinh và nam học; trang bị các kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với người phụ nữ và nam giới; một số tình trạng rối loạn về thể chất, chức năng sinh sản; một số bệnh thường gặp của bộ phận sinh dục: cách phát hiện, xử trí ban đầu và dự phòng; nguyên tắc và quy trình một số kỹ thuật trong điều trị và thực hiện chăm sóc người bệnh có bệnh lý về sức khoẻ sinh sản tại bệnh viện và tại cộng đồng.
Chăm sóc thai nghén
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về sự thay đổi của người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, các nhu cầu của người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, tác động của môi trường sống, điều kiện làm việc và quá trình chăm sóc đến sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Đồng thời học phần cung cấp kỹ năng chăm sóc người phụ nữ trong thời kỳ thai nghén tại bệnh viện và tại cộng đồng.
Chăm sóc chuyển dạ và đẻ thường
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về sự thay đổi của người phụ nữ trong thời kỳ chuyển dạ và sinh đẻ, các nhu cầu của người phụ nữ trong thời kỳ chuyển dạ và sinh đẻ bình thường; tác động của quá trình theo dõi, chăm sóc đến sức khoẻ bà mẹ và thai nhi trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Đồng thời, học phần cung cấp kỹ năng thực hành hộ sinh và chăm sóc toàn diện bà mẹ chuyển dạ đẻ bình thường.
Chăm sóc chuyển dạ và đẻ khó
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về những vấn đề khó khăn thuộc về người mẹ, thai nhi… trong thời kỳ chuyển dạ và sinh đẻ; tác động của quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí đúng lúc đến sức khoẻ bà mẹ và thai nhi trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Đồng thời, học phần cung cấp kỹ năng thực hành hộ sinh và chăm sóc toàn diện bà mẹ chuyển dạ đẻ khó để cuộc chuyển dạ và đẻ an toàn cho mẹ và con.
Chăm sóc sau đẻ
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về sự thay đổi của người phụ nữ trong thời kỳ sau đẻ, các nhu cầu của người phụ nữ trong thời kỳ sau đẻ bình thường và bất thường; tác động của quá trình theo dõi, chăm sóc đến sức khoẻ bà mẹ trong quá trình sau đẻ. Đồng thời, học phần cung cấp kỹ năng thực hành hộ sinh và chăm sóc toàn diện bà mẹ sau đẻ tại bệnh viện và tại nhà.
Chăm sóc sơ sinh
Học phần này tập trung vào đặc điểm giải phẫu, sinh lý của trẻ sơ sinh bình thường khoẻ mạnh, trẻ sơ sinh non tháng, bệnh lý; từ đó cung cấp kiến thức, kỹ năng về dinh dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh (bao gồm cả hồi sức sơ sinh), phát hiện và xử trí các bất thường của trẻ sơ sinh trong quá trình chăm sóc.
Chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi
Học phần cung cấp kiến thức cơ bản về sự phát triển và trưởng thành của trẻ bình thường, các mốc phát triển và các nguyên nhân thường gặp dẫn đến thay đổi bất thường và vai trò của hộ sinh trong hướng dẫn bà mẹ theo dõi, chăm sóc trẻ; tham gia quá trình điều trị và chăm sóc những trẻ có bệnh lý hoặc bất thường trong quá trình phát triển.
Chăm sóc Hộ sinh nâng cao
Học phần này tập trung vào một số bệnh thường gặp có thể ảnh hưởng đến thai nghén và sinh đẻ (tiểu đường, tăng huyết áp, viêm ruột thừa...) và cách chăm sóc những phụ nữ bị bệnh này trong thời kỳ thai nghén, chuyển dạ đẻ và sau đẻ. Giới thiệu những kiến thức và các quy trình điều trị các tình trạng bệnh lý có thể gặp trong chăm sóc bà mẹ trong thời kỳ nuôi con. Đồng thời học phần cung cấp kiến thức và kỹ năng đánh giá, phương thức điều trị, dự phòng các tình trạng bệnh lý này trong quá trình thai nghén, chuyển dạ đẻ và sau đẻ.
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cộng đồng
Học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại cộng đồng, vai trò của người hộ sinh lĩnh vực này. Cách xác định được tình trạng sức khoẻ cộng đồng, các yếu tố tác động tới sức khoẻ tại cộng đồng và lập kế hoạch can thiệp (lập kế hoạch và thực hành chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại cộng đồng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, quản lý sức khoẻ, bệnh tật, thay đổi các tập quán sống không có lợi cho sức khoẻ sinh sản)
Dân số - Kế hoạch hoá gia đình
Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức về Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, trên cơ sở đó học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng giáo dục, truyền thông, tư vấn, cung cấp các phương tiện tránh thai cho khách hàng an toàn, hiệu quả nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản cho tất cả các lứa tuổi trong cộng đồng.
Quản lý Hộ sinh
Học phần cung cấp khái niệm cơ bản về khoa học quản lý và ứng dụng của nó trong hoạt động quản lý ngành y tế và ngành hộ sinh nói riêng; khái niệm về quản lý và lãnh đạo, các tiêu chuẩn của người quản lý, các phương pháp quản lý. Vai trò của người hộ sinh trong chăm sóc người bệnh: khái niệm, chức năng, nhiệm vụ trong thực hành hộ sinh.
Thực hành nghiên cứu khoa học
Học phần cung cấp cách xây dựng các khối kiến thức về hộ sinh, giúp sinh viên hiểu cách tiếp cận “bằng chứng” trong việc thực hành hộ sinh dựa trên bằng chứng thông qua các hiểu biết về chuyên ngành, các khái niệm và lịch sử của thực hành dựa vào bằng chứng và những ảnh hưởng của chúng đến việc chăm sóc đến việc chăm sóc người mẹ và trẻ em. Sinh viên hiểu được bản chất của công việc hộ sinh, bản chất của kiến thức, các cách nghiên cứu các vấn đề trên cơ sở thực hành.
Đồng thời học phần trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cơ bản về phương pháp luận và cách tiến hành các nghiên cứu khoa học hộ sinh, hiểu và tiếp cận nghiên các phương pháp nghiên cứu khác nhau hiện đang được sử dụng để thực hành nghiên cứu hộ sinh và nâng cao chăm sóc sức khoẻ sinh sản; biết cách nhận xét và đánh giá có hệ thống các báo cáo nghiên cứu và các tài liệu khoa học. Học tập khả năng trình bày một nội dung nghiên cứu hộ sinh một cách khoa học.
Thực tế ngành
Đợt thực tập thực hành nghề nghiệp được thực hiện vào thời điểm cuối khoá học, trước khi thi tốt nghiệp giúp cho sinh viên có thể hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cơ bản như đánh giá mô hình tổ chức, công tác quản lý khoa phòng tại bệnh viện, mô tả và phân tích được chức năng nhiệm vụ, vai trò của người hộ sinh, hộ sinh trưởng trong bệnh viện và y tế cơ sở, lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho từng đối tượng cụ thể; mô tả và quản lý sức khoẻ sinh sản tại cộng đồng; mô tả và đánh giá được qui trình khống chế nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tại cộng đồng, ...