Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa nhựa
Ngành đào tạo: CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT HÓA NHỰA (Polyme Engineering Technology)
Trình độ đào tạo:Cao đẳng
Thời gian đào tạo: 3 năm
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Mục tiêu chung:
Chương trình khung giáo dục đại học ngành Công nghệ kỹ thuật hóa nhựa (CNKTHN) trình độ cao đẳng nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện; có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản và các kỹ năng kỹ thuật để đảm đương công việc của người cử nhân cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật hóa nhựa.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân cao đẳng công nghệ kỹ thuật hóa nhựa có thể đảm nhiệm các công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đào tạo và nghiên cứu.
Mục tiêu cụ thể:
- Phẩm chất
Cử nhân cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật hóa nhựa là người có phẩm chất đạo đức và đủ sức khoẻ tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Kiến thức
Người học được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về giáo dục đại cương, cơ sở ngành và kiến thức ngành.
- Kỹ năng
Có kỹ năng thực hành thao tác công nghệ để vận hành, bảo trì các thiết bị trong dây chuyền sản xuất cụ thể thuộc công nghệ kỹ thuật hóa nhựa hoặc tham gia quản lý từng công đoạn sản xuất.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Danh mục các học phần bắt buộc:
Kiến thức giáo dục đại cương:
|
1
|
Triết học Mác – Lênin
|
7
|
Toán ứng dụng
|
2
|
Kinh tế chính trị Mác – Lênin
|
8
|
Vật lý đại cương 1
|
3
|
CNXH khoa học
|
9
|
Hóa học đại cương 1
|
4
|
Lịch sử Đảng CSVN
|
10
|
Nhập môn tin học
|
5
|
Tư tưởng Hồ Chí Minh
|
11
|
Giáo dục thể chất
|
6
|
Ngoại ngữ
|
12
|
Giáo dục quốc phòng
|
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
|
a) Kiến thức cơ sở của khối ngành và ngành
|
1
|
Hóa phân tích
|
5
|
Hóa lý 1
|
2
|
Thí nghiệm hóa phân tích
|
6
|
Hóa lý 2
|
3
|
Hoá hữu cơ
|
7
|
Quá trình và thiết bị 1
|
4
|
Thí nghiệm hóa hữu cơ
|
8
|
Quá trình và thiết bị 2
|
b) Kiến thức ngành
|
1
|
Hóa học polyme
|
5
|
Máy và thiết bị gia công chất dẻo
|
2
|
Hóa lý polyme
|
6
|
Hóa học và công nghệ vật liệu compozit
|
3
|
Kỹ thuật sản xuất chất dẻo
|
7
|
Môi trường trong gia công vật liệu polyme
|
4
|
Kỹ thuật gia công chất dẻo
|
|
|
c) Thực hành, thực tập
|
1
|
Thực tập nhận thức
|
5
|
Thí nghiệm hóa lý polyme
|
2
|
Thực tập công nghệ
|
6
|
Thí nghiệm gia công chất dẻo
|
3
|
Thực tập tốt nghiệp
|
7
|
Thí nghiệm chế tạo vật liệu polyme compozit
|
4
|
Thí nghiệm hóa học polyme
|
|
|
Nội dung các học phần bắt buộc (Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp):
Hóa phân tích:
Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về các quá trình hóa học xảy ra trong dung dịch, là cơ sở để nắm được bản chất các quá trình phân tích theo các phương pháp hóa học và các điều kiện để tiến hành các quá trình phân tích đó;
Rèn luyện kỹ năng thực hành, xây dựng tác phong thí nghiệm chính xác, khoa học.
Thí nghiệm hóa phân tích:
Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về lý thuyết và thực nghiệm các phương pháp Phân tích để định lượng chính xác các chất. Rèn luyện kỹ năng thực hành, xây dựng tác phong thí nghiệm chính xác, khoa học;
Nội dung cụ thể gồm 14 bài thí nghiệm về các phương pháp phân tích, chuẩn độ nhằm xác định các ion, nồng độ của các chất trong hỗn hợp dung dịch thường gặp trong hóa học phân tích.
Hoá hữu cơ:
Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về cơ sở lý thuyết Hóa Hữu cơ, mối liên quan giữa cấu tạo và khả năng phản ứng các hợp chất hữu cơ; phương pháp điều chế và tính chất các hợp chất hữu cơ quan trọng nhất.
Thí nghiệm Hóa hữu cơ:
- Trang bị những kiến thức cơ bản nhất về phương pháp tiến hành một thí nghiệm hữu cơ và nâng cao khả năng vận dụng lý thuyết để giải thích kết quả thực nghiệm;
- Nắm vững các thao tác lắp đặt, tiến hành bài thí nghiệm hữu cơ;
- Làm thực hành các bài thí nghiệm hữu cơ theo quy định;
- Phân tích, lý giải được các thông số kỹ thuật của quy trình bài thí nghiệm.
Hóa lý 1:
Cung cấp các kiến thức cơ bản, hiện đại trên cơ sở cơ học lượng tử về: Cấu trúc electron nguyên tử, liên kết hóa học, cấu trúc electron, cấu trúc hình học phân tử, các mối quan hệ phụ thuộc có tính quy luật các tính chất vật lý, hóa lý, khả năng phản ứng của các chất vào cấu trúc của chúng.
Hóa lý 2:
Truyền đạt nội dung, đối tượng nghiên cứu, phạm vi ứng dụng ba nguyên lý I, II, III của nhiệt động học. Trên cơ sở đó nghiên cứu quy luật chuyển hóa các dạng năng lượng, tính toán các hàm nhiệt động, xác định chiều tự diễn biến và điều kiện cân bằng của các quá trình hóa học, chuyển pha, hấp phụ…, thiết lập mối quan hệ giữa các trạng thái vi mô và vĩ mô…
Quá trình và thiết bị 1:
Trang bị cho sinh viên cơ sở lý thuyết về tĩnh lực học và động lực học chất lỏng; các phương trình cơ bản; cơ chế chuyển động; trở lực dòng chảy; trở lực ma sát; vận chuyển chất lỏng; phân riêng hệ khí và lỏng không đồng chất. Làm cho sinh viên có khả năng vận dụng trong thực tiễn, đồng thời có cơ sở để tính toán và thiết kế cũng như vận hành thiết bị. Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ sở về truyền nhiệt, kết cấu các thiết bị truyền nhiệt và các phương pháp tính toán lựa chọn các thiết bị truyền nhiệt. Sinh viên phải nắm được cơ chế của các quá trình nhiệt, biết cách lựa chọn các phương pháp truyền nhiệt, các thiết bị nhiệt và đặc biệt biết cách tính toán các quá trình và thiết bị truyền nhiệt thường gặp trong sản xuất công nghệ hóa học, thực phẩm và đời sống.
Quá trình và thiết bị 2:
Trang bị cho sinh viên cơ sở lý thuyết của các quá trình truyền chất, cơ cấu thiết bị, nguyên lý vận hành, vận dụng trong công nghiệp hoá chất và thực phẩm. Yêu cầu sinh viên nắm vững lý thuyết, vận dụng tính toán và thiết kế, có khả năng vận hành, cải tiến và sáng tạo.
Hóa học polyme:
Các khái niệm cơ bản về polyme, các phản ứng chính để tổng hợp polyme và các phản ứng biến đổi hóa học polyme. Truyền đạt cho sinh viên các kiến thức cơ bản về hóa học polyme để có thể tiếp thu được các môn học về công nghệ sản xuất vật liệu polyme.
Hóa lý polyme:
Chuyển tải cho sinh viên các kiến thức và khái niệm cơ bản về hóa lý polyme để có thể tiếp thu các môn học chuyên ngành như công nghệ sơn, cao su, chất dẻo. Nội dung chính của chương trình bao gồm các khái niệm về các trạng thái vật lý cơ bản của polyme vô định hình, tinh thể và dung dịch polyme, các tính chất cơ học chủ yếu của vật liệu polyme.
Kỹ thuật sản xuất chất dẻo:
Trang bị cho sinh viên các kiến thức về nguyên liệu, các phương pháp sản xuất monome cho từng loại chất dẻo. Hiểu rõ các thiết bị phản ứng chính trong dây chuyền công nghệ. Nắm được tính chất và ứng dụng của các loại chất dẻo.
Kỹ thuật gia công chất dẻo:
Nội dung chương trình gồm các phần: Các vật liệu chất dẻo, các phụ gia cho chất dẻo và các công nghệ chính để gia công chất dẻo.
Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về vật liệu chất dẻo, về các phụ gia cho chất dẻo và hỗn hợp của chúng. Ngoài ra sinh viên còn được học những phương pháp gia công cơ bản, một số những vật liệu chất dẻo thông dụng, tính chất , kỹ thuật gia công và ứng dụng sản phẩm của nó vào thực tế.
Máy và thiết bị gia công chất dẻo:
Những nguyên lý cơ bản của phương pháp gia công vật liệu chất dẻo.
Những thiết bị chủ yếu phục vụ cho các phương pháp công nghệ gia công. Giúp cho học sinh tìm hiểu về những nguyên lý hoạt động của thiết bị phục vụ cho các công nghệ gia công chất dẻo. Tìm hiểu về kết cấu thiết bị máy móc phục vụ cho lĩnh vực gia công các biện pháp công nghệ và linh kiện gia công chất dẻo trong thực tiễn sản xuất.
Hóa học và công nghệ vật liệu polyme-compozit:
Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về hóa học của các loại nền polyme, các loại sợi gia cường, các loại phụ gia và chất bổ sung đặc biệt, vấn đề liên kết giữa các pha và các công nghệ chế tạo sản phẩm: lăn ép bằng tay, SMC/BMC, đúc kéo, cuốn, RTM.
Giúp cho sinh viên nắm vững các kiến thức cơ bản về hóa học và công nghệ vật liệu polyme-compozit – một loại vật liệu tiên tiến.
Từ những kiến thức cơ bản sinh viên có khả năng nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các sản phẩm từ vật liệu polyme compozit.
Môi trường trong gia công vật liệu polyme:
Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản để hiểu rõ những vấn đề tồn tại về môi trường trong công nghiệp gia công vật liệu polyme và compozit.
Nắm được các công nghệ xử lý để giảm thiểu tác động về môi trường của vật liệu polyme và compozit trong quá trình sản xuất cũng như sau sử dụng.
Thí nghiệm hóa học polyme:
Tiến hành một số phản ứng trùng hợp, trùng ngưng và biến đổi polyme tương tự. Nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên. Thông qua các bài thí nghiệm sinh viên có thể hiểu sâu hơn về hóa học polyme.
Thí nghiệm hóa lý polyme:
Tiến hành xác định một số tính chất vật lý của polyme và đánh giá mức độ liên quan của chúng đến cấu trúc của polyme nhằm giúp sinh viên hiểu rõ sâu hơn mối liên quan giữa tính chất và cấu trúc của polyme.
Thí nghiệm gia công vật liệu chất dẻo:
Thực hành gia công các sản phẩm từ nhựa nhiệt rắn và nhựa nhiệt dẻo bằng các phương pháp khác nhau. Trang bị cho sinh viên kỹ thuật gia công nhựa nhiệt rắn và nhựa nhiệt dẻo bằng những thí nghiệm cụ thể. Nhờ đó sinh viên có thể rõ hơn phần lý thuyết đã học.
Yêu cầu sinh viên nắm chắc nguyên lý hoạt động của từng thiết bị gia công để có thể vận hành tốt quá trình gia công.